BÀI GỐC Chồng sắp cưới “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

Chồng sắp cưới “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”

(aFamily)- Vào các ngày đặc biệt, Quang thường than hết tiền để không phải tặng quà cho tôi hoặc nếu có thì là những món rẻ tiền. Có lần anh còn lấy quà của cô em gái tặng cho tôi.

36 Chia sẻ

Bố và anh trai tôi luôn "tăng thu, giảm chi, tích cực cầm nhầm"

,
Chia sẻ

(aFamily)- Nói về anh trai tôi thì kế thừa hầu như nguyên xi tính cách của bố, luôn thực hiện đúng phương châm "tăng thu, giảm chi, tích cực cầm nhầm".

Chào bạn Châu,

Đọc thấy câu hỏi cuối bài của bạn là có nên cưới anh người yêu Keo Kiệt đó không thì đây, tôi xin nói sơ qua cho bạn thấy gia đình tôi có bố và anh trai tôi cực kỳ giống với người yêu của bạn để bạn thử cân nhắc tự trả lời câu hỏi của mình nhé.

Tôi nhớ bố chưa từng mua cho tôi 1 món đồ chơi nào dù rất nhỏ, tất cả chỉ là lời hứa "mai, ngày mốt, cuối tháng, tết...." và dần thì tôi cũng hiểu "những lời thề chỉ là những lời nói mà lời nói thì gió bay".

Thời bao cấp thì đành là nghèo khổ nhưng lương bố gấp 3 lần lương mẹ vậy mà bố chẳng đưa mẹ một xu nào để nuôi gia đình khiến mẹ 11h đêm vẫn phải ngâm gạo nếp tới 3h sáng dậy lấy gạo đồ xôi rồi lại ngủ 1 chút tới tầm 6h sáng mang xôi ra đầu đường bán kiếm dăm ba đồng lời lãi, 7h30 lại vội vã về nhà thay quần áo đi làm ở xưởng gần nhà.

Khi quá túng thiếu mẹ hỏi đến tiền, bố thản nhiên nó là không có, ít tiền thế không đủ chi cho bản thân nói chi gia đình... rồi bố "dỗi" bỏ nhà đi cả tháng, các lần sau cứ cãi là bỏ đi ít thì 10 ngày, dài thì hơn tháng chứ tuyệt nhiên 1 xu cũng không vứt ra được, mẹ tự xác định thôi thì cố mà vay mượn làm lụng nuôi con chứ trông đợi gì.

Thời mở cửa, bố lúc này đã về nghỉ mất sức có lương hưu đàng hoàng, nhưng thời đó quanh xóm rộ lên chuyện mở lò học thêm, bố vội vàng chiếm lấy 1 cái vỉa hè to để trông xe cho các lớp học, hối thúc hai anh em tôi bất kể mưa nắng cứ hết giờ đi học là về nhà giúp bố trông xe kiếm tiền.

Nhưng bố vẫn giấu kỹ từng xu, phải tạo rất nhiều sức ép bố mới chịu nhả ra một chút xíu tiền cho mẹ để "trả tiền cơm bố ăn và một ít tiền cơm cho hai đứa con" còn đâu thì giấu tiệt đi.

Nhiều người ở quê lên chơi, hay hàng xóm thì tấm tắc "nhà này kiếm ăn khá quá, chả phải bỏ đồng vốn nào chỉ mất tí thời gian mà bao nhiêu là tiền", họ thấy thương cho bố tôi là "già cả còn chăm làm vất vả kiếm tiền xây nhà cho vợ con". Nào ai biết tiền xây nhà, mua sắm vật dụng từ cái bát đôi đũa cũng là mẹ tôi xoay sở kiếm được từ buôn bán làm lụng nhưng nhà tôi không ai muốn nói ra vì muốn giữ chút thể diện, cái vỏ hạnh phúc mà thôi.

Có lần tôi đi học thêm, không có tiền hỏi xin bố 10.000 để đóng cho hai ca học thêm thì bố bảo "tao làm đ… gì có tiền, hỏi con mẹ mày ý". Tôi bảo "giờ mẹ đang đi làm chưa về, thôi bố cho con vay chiều mẹ về con xin mẹ trả lại cho", thế là bố mới rút đưa tôi 10.000.

Vừa đi học về đến cửa đã bị bố hỏi nợ đòi lại, tôi bảo "con vay đi học chứ có đi buôn đâu mà có trả ngay, đợi mẹ về con mới có trả". Đến tận giờ, khi mà phong trào học thêm đã lụi tàn, nhà tôi không trông xe nữa, bố có lương hưu 2.1 tr/tháng thì bố chỉ đưa cho mẹ vừa đủ tiền tiêu pha, ăn uống của bố còn đâu cất hết tiêu riêng.

Bất cứ dịp lễ lạt, cưới xin nếu mẹ đưa tiền phong bì thì bố đi còn không thì không bao giờ đi. Anh em, con cháu, họ hàng ở quê có gặp chuyện chẳng may gì như bị tai nạn bố cũng chỉ tới xem qua, hỏi thăm vài câu cho có lệ chứ cấm có nhả ra xu nào giúp đỡ. Khó khăn một người anh họ bên nội của tôi lên vay tiền bố quyết không cho vay thì thôi khi thấy mẹ cho vay đợi anh đi rồi bố còn cằn nhằn cả tuần vì "nhà chúng nó khó khăn cho vay thì kiếp nào trả?", mẹ chỉ biết than "đó là cháu ông chứ không phải cháu tôi thế mà sao ông lại ích kỷ làm thế phải tội".

Cả đời tôi không thấy bố tự động mua cho mình một cái áo sơ mi, áo phông hay thậm chí là cái quần đùi, đôi tất dù rẻ tiền đến thế nào đi nữa. Dù nó có rách rưới tả tơi ông lại vá víu mặc tiếp nói "tao già rồi cần gì sĩ diện", những bộ comple của bố, những cái áo mới... toàn là do mẹ hay tôi xấu hổ quá phải mua cho, hoặc ông mặc lại quần áo của anh trai tôi, hoặc các dịp lễ lạt ông được hội cựu chiến binh tặng.

Nói về anh trai tôi thì kế thừa hầu như nguyên xi các tính cách của bố, luôn thực hiện đúng phương châm "tăng thu, giảm chi, tích cực cầm nhầm". Sinh nhật luôn đòi tôi tặng quà, cho tiền nhưng không bao giờ tặng lại em gái dù là một cái kẹp tóc. Mang tiếng dân thành phố thế nhưng về quê, các em họ quý hóa rủ ra hàng uống nước thì luôn dành công việc trả tiền cao cả cho các em.

Hai anh em đèo nhau về quê thì tôi có nghĩa vụ phải trả tiền xăng. Chốn thị thành chi tiêu biết bao nhiêu mà mỗi tháng anh đưa mẹ 300.000 rồi ngày ăn đủ ba bữa cơm, điện nước dùng tẹt ga... cứ như đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, quyết không ăn uống gì ngoài đường cho tốn kém, nếu có phải tăng ca thì mang sẵn cơm hộp từ nhà đi.

Quần áo thì dĩ nhiên là mẹ, em gái và những người "hảo tâm" cho chứ anh là anh cũng như bố, quyết không phung phí vào những thứ "phù phiếm". Thường xuyên đợi dịp tôi lãnh lương, đang rủng rẻng là lúc tôi rộng rãi, hào phóng nhất thì anh kêu hết tiền rồi vay, khi vay thì hứa hẹn, rồi thì kêu khó khăn năn nỉ "anh em nào phải người xa, cùng chung bác mẹ cùng là người thân", nào là "giọt máu đào hơn ao nước lã".... nhưng không bao giờ trả vì chúng ta là "anh em".

Rồi anh cũng lấy vợ và tôi có cảm giác đất trời như sụp đổ với chị vậy, chắc trước đó chị cũng như bạn Mưa Thu kêu là "ngoài sức tưởng tượng". Anh keo với bố mẹ, em gái và vợ đã đành một nhẽ nhưng anh cũng keo kiệt với cả con ruột của anh nữa. Cháu bé sinh thiếu tháng, bé yếu hay ốm tốn kém kết quả lại là mẹ tôi đưa tiền giúp chị dâu chăm cháu trong viện. Khi cháu về nhà vẫn hay ốm vặt, hay quấy khóc, anh cũng khó chịu bỏ ra ngủ riêng cho sướng thân mặc chị dâu và bà nội chăm sóc cháu chứ tuyệt nhiên không muốn bỏ tiền thuê thêm người giúp việc.

Cứ hễ con cần gì thì lại giục bà, giục cô đi mua nhưng chưa lần nào trả lại tiền mà bà và cô đã mua giúp. Chị dâu cần mua cái tủ nhựa đựng đồ sơ sinh cho cháu, có vài trăm bạc mà anh kêu la oai oái cả tuần như thể bị ai cắt thịt. Sự keo kiệt của anh làm chị dâu rất buồn phiền nhưng cãi vã chán cũng chỉ đến thế mà thôi, nếu cãi nhiều thì anh cũng như bố bỏ mặc vợ luôn. Chị sinh con cần bồi dưỡng anh cũng kệ cho "mẹ con bà cháu nó khắc biết tự lo, mình ĐÀN ÔNG cần lo những việc ĐẠI SỰ còn những cái chi tiêu nhỏ mọn thường ngày hơi đâu mà lo".

Đôi lúc tôi cứ nghĩ, cả bố lẫn anh trai tôi nào có phải túng thiếu gì cho cam mà cả đời không mua nổi một cân hoa quả về nhà mà ăn, thiếu thốn đến nỗi nào mà cái áo chẳng dám mua, cái tất rách không muốn thay. Đấy tình hình là khi có ông bố, hay ông chồng keo kiệt thì vợ con khó mà được nhờ chứ nói chi tới bố mẹ vợ nói ra thì bảo nỏ mồm nhưng với những người keo kiệt thế này thì "nhạc phụ, nhạc mẫu đại nhân" chẳng qua chỉ là "người dưng nước lã" không sinh, không dưỡng họ.

Nói thật nếu bạn mà cưới anh chàng kia thì nên xác định sẵn tư tưởng là chỉ được lợi duy nhất là "không mất tiền thuê nhà thôi", còn thì từ cái tăm trở đi cũng phải cân nhắc rồi, trời nóng ko có điều hòa, trời lạnh không có nước nóng vì "tốn điện", bận bịu mấy thì quần áo nên xác định là giặt tay chứ khó mà các ông ý chịu xì tiền mua máy giặt, dẫu có bỏ tiền túi ra sắm thì cũng không ai cảm ơn đâu mà còn bị cằn nhằn vì cái tội "đàn bà mà phung phí, nghèo còn hoang".

Ốm nghén gì thì cứ "rau dưa cho nó lành, thịt cá in ít thôi ăn vào béo phì bệnh tật". Sữa cho con thì cũng nên dùng tích kiệm nhé vì "sữa mẹ là thức ăn tốt nhất", mà con ăn sữa thôi chứ mẹ thì cần gì ăn sữa cho phí phạm, sẽ không có chuyện xem phim, nghe nhạc gì đâu. Anh em, họ hàng nhà ngoại thì nên nhớ dặn là có quý nhau thì gọi điện hẹn ở nhà bố mẹ ruột ý chứ đừng có đưa tới nhà mình kẻo có người lại không vừa lòng.

Chớ có nói tới chuyện tiền nong vay mượn gì ở đây cả, đồng tiền liền khúc ruột, nếu bạn định cho vay tiền thì cũng nên kín tiếng chứ mà lộ ra thì chả khác gì đang dùng dao cắt ruột người ta dù cho đó là tiền của bạn đi chăng nữa.

Tôi cũng không muốn kể xấu gia đình mình làm gì nhưng quả thật hoàn cảnh của bạn giống tôi quá, còn nhiều điều khó chịu và thậm tệ hơn thế rất nhiều nữa cơ nhưng tôi không tiện nói ra, hi vọng chỉ vài chuyện nho nhỏ đó cho bạn tham khảo cân nhắc ra được quyết định hợp lý cho mình, chúc bạn hạnh phúc.

Chia sẻ