BÀI GỐC Tôi không dám yêu anh vì có mặc cảm về bản thân

Tôi không dám yêu anh vì có mặc cảm về bản thân

(aFamily)- 26 tuổi, cũng đến lúc tôi nghĩ về 1 gia đình nhưng nỗi mặc cảm về chuyện bỏ học giữa chừng khiến tôi lo sợ anh sẽ không chấp nhận mình.

45 Chia sẻ

Lời răn dạy đầy ý nghĩa của một bà mẹ "trình độ hạn chế"

,
Chia sẻ

(aFamily)- Con trai thân yêu! Phải nói rằng đi gần hết đoạn đường đời, điều mẹ nhận ra "mặc cảm" là rào cản khá lớn ngăn bước con người trong cuộc đời.

Lời của một bà mẹ có "trình độ hạn chế" trao đổi cùng con trai trong chủ đề "mặc cảm bản thân".

Cuối tháng, đứa con trai đầu vừa tốt nghiệp đi làm, lĩnh kỳ lương thứ 2 vừa đưa phần lớn cho mẹ... cất hộ (dành cưới vợ), vừa càu nhàu: "Mình Đại Học chính quy, lĩnh lương thua thằng trưởng nhóm chỉ có Cao Đẳng, bất mãn!". Mẹ nhìn con, im lặng!

Vài tuần sau, con trai đi làm về, càu nhàu: "Ông H. chảnh! Mang tiếng ba nhờ ổng giới thiệu con vào Công Ty, nhưng do con được phỏng vấn đạt yêu cầu chứ đâu phải nhờ ổng. Gặp con trên mạng, ổng hỏi chuyện, con bận nên ậm ừ, ổng lên lớp ‘Lần sau, em nên lễ phép hơn!’, bực bội!". Mẹ lại nhìn con, muốn nói gì rồi thôi!

Hai tháng sau, con trai sau giờ làm về trễ do tiến độ công việc, than: "Mệt quá! may là xong dự án! Bây giờ mới thấy "ông" trưởng nhóm ổng lanh, sắp xếp mọi thứ hợp lý, công nhận!". Mẹ nhìn con, cười!...

Con trai thân yêu! Cho đến lúc con buông ra hai từ "công nhận", mẹ mới thở phào thấy rằng mẹ đã đúng khi không mau mắn phê phán can thiệp vào suy nghĩ của con trước những bày tỏ mà mẹ cho rằng không ổn.

Mà không phải đến hôm nay, từ lâu rồi trong quá trình con lớn lên, học trường chuyên, vào Đại Học, mỗi lúc muốn trao đổi với con những điều thuộc về nhân cách, về đối nhân xử thế, về thái độ sống của con người với nhau trong xã hội, mẹ đều phải đắn đo, phải "uốn lưỡi bảy lần" trước khi nói. Không phải mẹ tự ti, nhưng con càng ngày càng lớn, mẹ muốn thể hiện sự tôn trọng con, một đứa con đã dần dần hoàn thiện điều cần thiết để có thể tự lực sống vững vàng, là kiến thức!

Nhưng... cũng như một số người trẻ, con có những suy nghĩ tự tôn với những thành quả mình đạt được từ trong năm tháng miệt mài trên ghế nhà trường, nên con thỉnh thoảng có lúc "tự ái" xốc nổi, mà để con nhìn lại điều chưa đúng đó, mẹ phải suy nghĩ, tìm kiếm những chứng minh thực tế! Con không còn bé để chịu tuân phục bố mẹ về "gia quy" này khác, nhưng con cũng chưa đủ trải nghiệm để có hành xử tương đối thành công với cuộc đời.

Phải nói rằng đi gần hết đoạn đường đời, điều mẹ nhận ra "mặc cảm" là rào cản khá lớn ngăn bước con người trong cái gọi là "phát triển", không phải chỉ riêng "tự ti", mà mặc cảm "tự tôn" cũng ảnh hưởng không kém. Ngày đầu tiên con vào lớp mầm mẫu giáo, mẹ đề nghị ba phải đưa con đi. Trong suy nghĩ có phần hơi "dị đoan", mẹ muốn con được... lây truyền cái "huông" giỏi giang từ ba, vì mẹ là người phụ nữ mà kiến thức chỉ dừng lại chưa hết cấp 2 của thời trước! Con rồi 2 đứa em của con, cũng vẫn vậy trong ý muốn của mẹ.

Ba và mẹ đến với nhau, thành hôn thực sự phải nói là trong e ngại cũng như trong đánh giá đầy thất vọng của ông nội con và các cô chú! Bà nội con mất sớm, ông nội là công chức, có chút huê lợi hằng tháng từ ruộng đất ông bà để lại, ông "ở vậy" nuôi đàn con... 10 đứa ăn học đàng hoàng. Phần lớn là ba con và các cô chú đều tốt nghiệp Đại Học, chỉ riêng chú Út thuộc "phá gia chi tử" nên học hành lẹt đẹt khiến ông nội cứ phải rầu lo cho chú đến lúc ông qua đời.

Mẹ là con đầu đàn của bầy con 6 đứa. Ngày mẹ còn thơ bé, mẹ chứng kiến sự thất bại liên tục của ông ngoại con trong công việc mưu sinh, cộng thêm thú vui mê cờ bạc của bà ngoại đẩy gia đình triền miên vào thực cảnh nghèo khó. Một năm phải chuyển chỗ ở đôi ba lần, học hành của con cái mất căn bản, hệ quả là cho đến lúc ông ngoại tương đối vững vàng về kinh tế, đứa con đầu là mẹ trở nên "dỡ ông dỡ thằng"!

Sự thất vọng của gia đình nội con đối với xuất thân cùng vấn đề về trình độ của mẹ là có cơ sở! Mẹ cũng mặc cảm về chuyện đó thời gian đầu trong quan hệ với nhà chồng. Nhưng các con của ba mẹ lớn lên, ngoan ngoãn, nề nếp, học hành giỏi giang khiến mẹ tự tin dần trong thành quả nuôi dạy.

Phải nói rằng có thể do mẹ may mắn, hay do các con được thừa hưởng di truyền từ ba trong chuyện học, mà ngoài quan tâm sâu sát, mẹ chưa một lần kèm cặp nhưng các con của mẹ vẫn tiến triển đều đặn suốt quá trình học hành. Mẹ không biết cái kết quả tốt lành, lời khen tặng của dòng họ đối với điều tạm gọi là hạnh phúc mà gia đình ta được nhận là nhờ đâu? Có điều, riêng cá nhân mẹ, mẹ chỉ biết góp nhặt từ những điều bất lợi trong quá khứ riêng mình để tránh lập lại cho các con, nuối tiếc cái mình chưa đạt được để chăm bón cho ý chí của các con, nâng đỡ, can thiệp kịp thời cùng các con với những biến cố trong sinh hoạt v.v...

Thực sự, mẹ chưa bao giờ tự mãn với niềm vui là làm mẹ của những đứa con tương đối thành đạt. Bởi đường đời còn rất dài! Mẹ chỉ có thể tạm yên tâm trong nhận định: biết tránh né những điều tiêu cực để áp dụng vào đời sống thực tế, biết suy nghĩ để hành xử hợp lý mà không làm thương tổn đến người chung quanh, biết sẻ chia những khúc mắc khó khăn của mình và những người thân yêu đúng lúc, đó cũng là một phương cách đi đến sự hoàn thiện mà không nhất thiết phải có kiến thức.

Nhắc lại cùng con những kỷ niệm nho nhỏ giữa mẹ con mình để con cười đồng cảm cùng mẹ với "tự tôn" tí chút trong thành công của mẹ, con nhé! Điều đầu tiên mẹ yêu cầu ở các con là "thành thật", mẹ nhấn mạnh từng lúc đồng thời luôn giữ lời hứa sẽ không trách mắng mà sẽ bình tĩnh, lắng nghe mỗi khi các con có vấn đề gì đó trong sinh hoạt học hành.

Do vậy, ngày thấy con bỗng dưng cau có, gây gổ với em sau ngày tựu trường lớp 5 khoảng hơn tuần, mẹ ôn tồn hỏi han và con òa khóc cho biết con chỉ đạt điểm 4 trong bài thi toán khảo sát chất lượng đầu năm! "Không sao cả, chỉ là con hơi sơ xuất, con cố lên!" Mẹ ôm hôn con, vỗ về!...

Con đi thi tốt nghiệp THPT, nhận kết quả xếp loại "khá" vì bị khống chế điểm văn dưới 7! Con lại òa khóc, trách mẹ đã cho con uống sữa khi đi thi khiến con căng thẳng quá, bị đau bụng không thể làm bài tốt được! "1 hay 2 điểm thưởng được cộng thêm vào kết quả điểm ĐH đối với con cần lắm, mẹ biết không?". Mẹ cũng đành ôm con xin lỗi, động viên con: "Cố lên! con sẽ thi tốt!". Hôm sau, con nhoẻn cười đưa tay lên: "Giờ con chấp mấy bạn vùng sâu, vùng xa 4 điểm!", mẹ lườm con: "chảnh nhé!". Kết quả: con đậu cả 2 trường ĐH.

Rồi em con cũng thế! Mẹ nhớ ngày nghe con báo cáo: em mượn tiền con để trang trải quỹ lớp do cô giáo chủ nhiệm giao em con đựơc trực tiếp thu từ các bạn, mà các bạn thì chây ì không nộp, thậm chí còn thách thức, sấn sổ em khi em quyết liệt đòi. Mẹ chợt nhớ đến nét trầm tư của em hôm giờ, nhìn thấy áp lực của em trước thái độ từ các bạn cùng trách nhiệm đối với cô giáo! Mẹ gỡ rối cho em bằng cách vào gặp cô để trình bày thay điều em không dám thổ lộ. Kết quả: em "bị "cô giáo "đình chỉ" ngay công tác thu tiền, về nhà mỉm nụ cười khoan khoái cùng mẹ.

Năm em vào ĐH, xui rủi thế nào học phí học kỳ 1 bị mất cắp cùng với ví tiền! Về nhà em chỉ kể lại chuyện mất giấy tờ để ba mẹ giúp làm đơn cớ mất để xin cấp lại, và bảo rằng may mắn là học phí đã đóng rồi. Tuy nhiên, bằng linh cảm của mẹ, mẹ đã lẳng lặng điện thoại cho văn phòng trường, cung cấp mã số sinh viên của em để hỏi về học phí, nhà trường cho biết là... em chưa đóng tiền!

Điện cho một người bạn cùng lớp, mẹ còn xót xa biết mấy hôm nay em khẩn khoản vay mỗi bạn một ít để đủ tiền đóng rồi sẽ trả lại dần bằng lương dạy kèm. Lần đó, mẹ nhắc em tính thành thật mẹ yêu cầu từ các con, em như trút được gánh nặng khi thôi không phải che dấu với gia đình biến cố của riêng mình nữa.

Còn nhiều kỷ niệm của mấy mẹ con mình lắm, phải không con? Là một bà mẹ có một "trình độ hạn chế" và những đứa con được chăm chút chu đáo bởi ý thức cái hạn chế ấy mà bà mẹ không ngừng tự mày mò, bù đắp lổ hỗng kiến thức bằng trải nghiệm của riêng mình. Chưa thể gọi là thành công bởi mẹ vẫn còn thấy đâu đó điều bất lợi của con mỗi khi con đề cao thành quả của cá nhân mình và thiếu hòa nhã với người khác. Nhưng chắc không đến nỗi nào, mẹ tin như vậy!

Khi mẹ vẫn còn đây để nhẹ nhàng nhắc nhở con, và khi con sẽ dần nhận ra sự khiêm tốn không bao giờ là thừa thải. Cũng như trong hôn nhân, sự khập khiểng trong kiến thức không hoàn toàn là trở ngại trong "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu"! Mà đôi lúc, mặc cảm "tự tôn, tự ti" mới khiến con người không tìm được tiếng nói chung, cũng như ý thức "trọng người, trọng mình" cần thiết.

Chia sẻ