BÀI GỐC Tôi có nên yêu một người có gia đình "phức tạp"?

Tôi có nên yêu một người có gia đình "phức tạp"?

(aFamily)- Bố mẹ anh không hoà thuận. Bố anh không thương con, hay đánh mẹ anh, còn mẹ anh thì mê tín, tin vào thiên đàng và địa ngục, kiếp trước kiếp sau...

27 Chia sẻ

Tôi biết một cô gái đáng mến dù có gia đình "phức tạp"

,
Chia sẻ

(aFamily)- Bố mẹ ly dị, nguyên nhân là bố cô ấy vô công rỗi nghề, nhậu nhẹt, đề đóm cờ bạc. Cậu em trai bỏ học, lêu lổng và bỏ nhà đi vài đêm với người yêu chỉ mới... 16 tuổi!

Gửi HN, tác giả bài viết "Tôi có nên yêu một người có gia đình phức tạp",

Có trường hợp mà tôi được biết (tính cách tương tự như tâm sự của bạn) nên xin nêu lên đây để mọi người tham khảo hầu góp thêm một quan điểm về đề tài bạn đã nêu.

Cô gái ấy là người ở tỉnh, học vấn mới tốt nghiệp cấp 3. Gia cảnh: Bố mẹ ly dị, nguyên nhân là bố cô ấy vô công rỗi nghề, nhậu nhẹt, đề đóm cờ bạc. Ly hôn, mẹ cô ấy sống riêng, buôn bán tạp hóa nuôi 2 đứa con, là cô ấy và đứa em trai mới 20 tuổi.

Sống trong khu xóm lao động, và trước gương người cha bê bối, đứa em trai tiêm nhiễm thói hư tật xấu, cậu ta buông bỏ học hành, lêu lổng và cuối cùng, bỏ nhà đi vài đêm với người yêu chỉ mới... 16 tuổi!

Sau khi cậu ấy "hồi gia", bà mẹ đến nhà cô gái kia xin nhận lấy trách nhiệm, và với sự đồng ý của gia đình cô gái ấy, bà đưa cô về nhà nuôi dưỡng cho đến khi cô ấy tròn 18 tuổi, bà tổ chức cưới đàng hoàng, lễ nghi đầy đủ.

Tất nhiên, trong khoảng thời gian này, đứa con trai không thể toàn tâm toàn ý tu chỉnh mà bà mẹ cũng rất vất vả khuyên dạy, can ngăn mỗi lúc con trai và "con dâu" xung đột cũng từ những nguyên nhân ham chơi lêu lổng của cậu ấy.

Cô con gái ấy, trưởng thành trong mặc cảm gia đình không được toàn vẹn, học hành không giỏi giang, cô ấy quyết định tham gia kinh doanh đa cấp về mỹ phẩm với suy nghĩ sẽ "vươn lên" bằng cách tạo điều kiện vật chất khả quan cho bản thân và gia đình. Cũng nên nói thêm về một "phức tạp" khác về phía cô ấy, là ông bà ngoại của cô, "nhà tài trợ" chính cho con cháu mỗi khi cần thiết, rất khá giả nhờ vào công việc... làm "thầy cúng"!

Người yêu của cô ấy khi 2 người gặp nhau là sinh viên năm thứ nhất ngành CNTT của một trường ĐH tiếng tăm tại TPHCM. Gia đình cậu ấy xếp hạng trung bình, sau cậu còn 2 người em trai cũng rất hiền lành, ngoan ngoãn, học hành tử tế.

Bố mẹ cậu trai sau khi biết con mình gắn bó với cô gái này, ngoài sự lo âu con sẽ bị chi phối chuyện học hành còn thêm nỗi thất vọng về xuất thân của người con chọn lại quá phức tạp! Trước sự băn khoăn của bố mẹ, cũng như trước sự phản đối kịch liệt của người cô ruột vốn là giáo viên và lại là đồng hương với người yêu, cậu con trai ấy cương quyết bảo vệ tình yêu của mình. Cậu ấy hứa sẽ vẫn hoàn thành tốt chuyện học và đề nghị bố mẹ hãy tiếp xúc với gia đình cô ấy trước khi đánh giá mọi chuyện.

Cậu ấy tốt nghiệp và được nhận đi làm ngay từ danh sách sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, cuối năm đó cậu đưa mẹ xuống tỉnh để 2 bà mẹ có dịp tiếp xúc với nhau. Cảm nhận đầu tiên của mẹ chàng trai là tính cách của gia đình cô gái ấy mà đầu tiên phát xuất từ bà mẹ: thành thật, chân tình. Riêng cô gái thì bà nhận thấy đúng như con trai nhận xét, là cô ấy rất nể sợ mẹ.

Lần thứ 2 sau đó 1 năm là lễ dạm ngỏ, có mặt ông bà ngoại của cô gái. Đúng như nhận xét của dư luận, ông bà có tính cách hơi... "đồng bóng", tuy nhiên điều mà bố mẹ cậu trai chú tâm là thái độ thể hiện sự quan tâm, lòng thương yêu đối với con cháu của 2 ông bà.

Lễ thành hôn của 2 người được tổ chức 1 năm sau đó bằng khả năng tài chính của cả 2 và bằng sự hổ trợ vui vẻ, hết lòng của 2 bên gia đình. Bố mẹ chàng trai đánh tan được hết định kiến trong họ hàng bằng thái độ tôn trọng đàng gái, và ngược lại, gia đình cô gái ấy thể hiện tình cảm đối với đàng trai bằng sự thương yêu, hài lòng với đứa con và cháu rể.

Bạn HN ạ! Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự tôn trọng giữa con người với nhau để hướng tới cái tốt đẹp nhất là hạnh phúc! Trường hợp trên đảo ngược với hoàn cảnh của bạn. Tuy nhiên, như tôi đã có ý kiến ngay comment đầu tiên, là... "bạn hãy lớn hơn, "già" hơn, độc lập và chịu khó tìm hiểu về người khác hơn thì hãy nghĩ đến chuyện thành hôn".

Tôi nói như thế, là xuyên qua tâm lý bạn bày tỏ: "Anh của hiện tại, tôi hoàn toàn không chê trách một điều gì cả... Gia đình tôi cũng vậy, họ thoải mái và tâm lý lắm, họ còn quý anh là đằng khác. Điều khiến tôi và mọi người trong gia đình băn khoăn là gia đình của anh" rồi thì... "gia đình tôi và anh hoàn toàn trái ngược nhau...Bố tôi ghét gia đình anh, ghét gia đình không hòa thuận, người bố không thương con và người mẹ u mê trong kinh Phật..." .

Tôi nghĩ rằng, thực cảnh của gia đình anh ấy chắc rằng bạn và gia đình bạn phải nghe qua bộc bạch của anh ấy mới biết rõ từng chi tiết như vậy? Vậy thì điều bạn phải đánh giá đầu tiên là anh ấy chân thành. Con người vốn không thể chọn cửa để sinh ra, mà điều quan trọng là họ trưởng thành ra sao trong hoàn cảnh ấy. Anh ấy không may để có được bố mẹ giỏi giang, hoàn hảo như bạn, và anh ấy... "vừa phải đi làm để nuôi gia đình, lo lắng cho mẹ và em trai, lại phải dạy tôi học, lo lắng tôi trượt nên anh ấy nóng tính, chửi bậy...! Giờ anh đi làm rồi, mọi thứ phóng khóang và dễ dàng hơn...chúng tôi rất yêu nhau...".

Và xuyên suốt trong quá trình phải chịu đựng người cha vô trách nhiệm, có tính cách tinh thần bất ổn như vậy bên cạnh thái độ chịu đựng tiêu cực như mẹ anh ấy, vậy mà không nghe nói là anh ấy phản ứng lại một cách ngổ nhịch với cha ngoài tranh cãi? Và từ trong hoàn cảnh đáng buồn đó, anh ấy vẫn học hành tử tế, tốt nghiệp có việc làm, thậm chí kèm cặp được cả cô người yêu có hoàn cảnh sáng sủa hơn mình, trong suy nghĩ của tôi thì anh ấy đã có một nổ lực rất lớn mà thái độ sống nóng nảy trong thời gian căng thẳng bởi sự bất hạnh từ gia đình ruột thịt cũng có thể nhận được sự cảm thông.

Thực lòng mà nói, tôi nghĩ rằng bạn và anh ấy hoàn toàn không hợp nhau cho dự tính kết hôn, ít nhất là trong thời gian này. Bởi vì ở bạn không hề có được sự đồng cảm cũng như tâm lý tìm hiểu, đi sâu vào hoàn cảnh của anh ấy để ít nhiều đóng góp với anh ấy một sự cải thiện bằng cả tấm lòng. Nói nôm na là bạn không hề có ý thức yêu tức là thể hiện cho người mình yêu khái niệm hòa nhập với điều họ đang có.

Không thể trách bạn bởi ngay cả người lớn trong gia đình bạn cũng chỉ nhìn một cách phiến diện và phê phán mà không nghĩ rằng nếu như mình không vì tình thương đối với con gái mà nhìn vào ưu điểm của người khác để chấp nhận một sự việc, thì cũng nên tôn trọng thực cảnh của họ cũng như tôn trọng cá nhân họ cho dù họ có khác biệt so với mình như thế nào.

Bạn đã nói: "Gia đình, bố mẹ anh chị tôi luôn là những người khiến cho tôi cảm thấy tự hào nhất, đi đâu tôi cũng kể về họ, tôi tự tin vào điều đó". Vì vậy, bạn lại càng nên cân nhắc chuyện gắn bó với người bạn đang yêu. Trong hôn nhân, điều tự ta không thấy bằng lòng (thậm chí xấu hổ) với chồng hay vợ ở cái gọi là "xuất thân" từ trong gia đình họ sẽ là rào cản rất lớn trong quan hệ thông gia, cũng như trong ý thức nuôi dạy con cái sau này. Đành rằng bằng vào suy nghĩ của bạn, sự hoàn hảo của gia đình bạn chưa chắc đã đúng so với đánh giá của người khác, bởi theo tôi "trí thức" không có nghĩa đặt mình vào vị trí cao hơn để phê phán, ghét thương thành phần "thiếu trí thức", mà là sử dụng kiến thức của mình vào cách đối nhân xử thế để người khác nhìn vào mà "tâm phục khẩu phục".

Tuy nhiên, ở đây, điều tôi muốn phân tích là bạn và cả người bạn yêu nữa cũng nên nhìn lại đối tượng của mình. Vấn đề không phải ai "cao" ai "thấp" theo nghĩa bóng, mà vì cả 2 khác quá về tâm lý do cách sống trong gia đình ruột thịt! Mà thực cảnh đó, cho đến cuối cuộc đời của mỗi người là... không thể khác hơn!

Thông cảm với bạn, với quan niệm con gái "như hạt mưa sa" nên đắn đo để tránh sai lầm là điều dễ hiểu. Nhưng chuyện đời có duyên có phận, cũng như điều mình nhận lại ở người khác nhiều hay ít tùy ở chất lượng mình trao gửi.

Chừng nào bạn và gia đình bạn còn có cảm giác "không xứng đáng" đối với mối quan hệ giữa bạn và chàng trai ấy, chừng ấy bạn còn phải "đắn đo". Bởi tôi nhắc lại, "tôn trọng" là tiêu chí hàng đầu giúp ta đánh giá và tìm hiểu mọi chuyện một cách bình đẳng. Bạn có quyền đòi hỏi người ấy điều đó và ngược lại cũng thế. Đừng bao giờ có suy nghĩ ta chấp nhận người có nghĩa ta đưa người từ dưới thấp lên cao.

Dài dòng cùng bạn nhé!

Chia sẻ