BÀI GỐC Tôi bị bẽ mặt vì vợ không biết cư xử

Tôi bị bẽ mặt vì vợ không biết cư xử

Bất kỳ người đàn ông nào cũng thấy thật hạnh phúc khi được "sang vì vợ" nhưng tôi lại thấy thật sự bị... bẽ mặt vì người vợ của mình.

37 Chia sẻ

Từ chỗ "hèn vì vợ", anh tôi đã được "sang vì vợ"

,
Chia sẻ

(aFamily)- Ngày mới lấy anh tôi, chị bị chê rất nhiều về cách cư xử và sự vụng về của mình, nhưng giờ đây...

Anh Lâm à,

Đúng như anh nói, người đàn ông nào cũng mong muốn có cô vợ đảm đang, chịu thương chịu khó, làm rạng rỡ cho chồng con, là hậu phương vững chắc. Có vậy họ mới yên tâm công tác, phấn đấu cho sự nghiệp tốt nhất.

Câu chuyện gia đình tôi sắp kể sau đây sẽ chứng minh cho những điều tôi nói. Chị dâu tôi là trung tâm của câu chuyện, chính chị tạo ra mâu thuẫn trong gia đình và rồi cũng chính chị, chứ không phải ai khác, đứng ra dẹp tan mọi sóng gió.

 
 Ngày mới lấy anh tôi, chị bị chê rất nhiều về cách cư xử và sự vụng về của mình, nhưng giờ đây anh tôi đã được "sang" vì chị.
Khi anh trai tôi lập gia đình, nhân khẩu nhà tôi tổng cộng năm người. Anh là kỹ sư phần mềm còn chị là kỹ sư điện. Hai anh chị học cùng trường, chị kém anh hai khoá. Khi chị ra trường, hai người làm đám cưới.

Thời yêu nhau, mẹ tôi chê chị ngay lần đầu tiên đến nhà. Nào là con gái học kỹ thuật, khô như ngói, đến nhà mà chào người lớn lí nha lí nhí, ăn cơm xong cũng không biết pha nước mời mọi người trong gia đình…

Mẹ tôi, nếu công bằng đánh giá rất ghê gớm, có lẽ vì bố tôi hiền quá hay sao ấy. Tuy nhiên, mẹ là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, việc gì trong nhà cũng lo chu toàn, thấu đáo. Bao năm ông bà nội còn sống chưa bao giờ phải phàn nàn câu gì. Bố tôi tự hào lắm nhưng là người ít nói, chẳng bao giờ biết khen vợ, thành ra nhiều khi mẹ tôi phải nói thay hết phần. Bà rất thẳng tính, lại “phổi bò” nên nói sướng miệng thì thôi.

Anh trai tôi là phiên bản y xì của bố, có chăng hay nói hơn chút ít. Mỗi khi mẹ tôi phàn nàn về người yêu, anh ấy chỉ cười hoặc im lặng, chẳng phản đối, cũng chẳng bỏ. Mẹ tôi nói nhiều đâm chán. Bà lo con dâu trưởng sau này không biết gì thì xấu hổ với họ hàng.

Ngày chị dâu bước chân vào gia đình, mẹ tôi vốn ác cảm từ trước nên bắt đầu hành trình “soi”. Chị ngoan nhưng do được chiều từ bé nên rất vụng. Dọn cơm không thiếu bát thì lấy phải bát mẻ, đũa năm đôi lấy lên bốn đôi rưỡi. Nấu ăn dở tệ, lúc mặn lúc nhạt. Mẹ tôi không hài lòng càng để ý hơn. Bị “soi” nhiều, chị đâm ra lúng túng, có hôm rửa bát còn vỡ.

Đã thế, chị lại không khéo léo trong cách giao tiếp. Có hôm đi làm về muộn, mẹ nấu ăn hộ cũng chẳng được lời hỏi han, một công dùng máy giặt cũng chẳng vắt hộ mẹ bộ quần áo.

Mẹ tôi bực lắm, bà muốn cho vợ chồng anh ra ăn riêng nhưng bố tôi gàn mãi bà mới thôi. Bà đòi họp gia đình, mắng chị dâu rồi lôi anh trai tôi ra “sạc” vì không biết dạy vợ. Anh tôi cũng lạ, càng ngày càng lầm lì, chẳng góp ý cho vợ thì thôi, lại còn trốn ở công ty hoặc đi ăn uống nhậu nhẹt với bạn qua bữa ăn gia đình mới về.

Là con gái út trong gia đình, người ta thường bảo “giặc bên ngô không bằng bà cô bên chồng”. Nếu giống nhiều bà cô khác, chắc tôi cũng hùa với mẹ. Song không biết có phải do mình bận học, cũng lười việc nhà hay không mà tôi thương chị dâu lắm. Thấy mâu thuẫn trong gia đình phát sinh, tôi quyết định phải thay đổi tình hình.

Tôi rủ chị dâu tham gia ngay một lớp học nấu ăn và cắm hoa nghệ thuật. Chị sau nhiều lần bị mẹ tôi nói ra nói vào, cũng bắt đầu biết ý hơn. Được cái nhiệt tình nên khi tôi rủ chị tham gia ngay.

Nhiều hôm buổi tối, tôi gọi chị sang phòng tôi đọc sách. Mỗi lần lên mạng, tôi sưu tầm những bài viết hay liên quan tới gia đình để cùng chị xem.

Tôi bí mật bảo anh trai mua nhiều các quyển sách dạy cách giao tiếp, ứng xử, cẩm nang gia đình, sách dạy nấu ăn … tặng vợ sau khi “tiêm nhiễm” và khơi lại cho chị sở thích “đọc sách” từ thời sinh viên. Có lần chị bảo tôi “mấy sách này hay thật, ngày trước đi học, chị chẳng bao giờ đọc nó dù có thấy trên giá sách của thư viện quốc gia”.

Thế rồi, hiệu quả của sự thay đổi đến tự lúc nào tôi chẳng hề biết. Các ngày chủ nhật, tôi thấy anh trai hăng hái đèo chị dâu đi chợ mua thức ăn, trong bếp tôi và chị vừa thi nhau chế biến món ăn vừa lẩm nhẩm cách làm. Mẹ bắt đầu ít phàn nàn hơn, anh trai tôi thì về ăn đúng giờ từng phút. Bố xuýt xoa bên mâm cơm bốc khói.

18 tháng 12 vừa rồi, tôi hí hửng đem đôi giày tặng mẹ và tin là chỉ một mình tôi nhớ sinh nhật mẹ (mấy năm trước đều thế). Vậy mà, vừa bước vào nhà, tôi thấy một lọ hoa được cắm rất công phu, lại đúng loại hoa phăng mẹ thích nhất. Mẹ từ trong phòng bước ra với bộ áo dài thanh nhã, xúng xính. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Mẹ cười “chị Ngân (tên chị dâu tôi) mua vải may chiếc áo dài tặng mẹ nhân sinh nhật để hôm tới mẹ đi đám cưới con cậu Minh. Con thấy đẹp không?”. Tôi không tin ở tai mình nữa, lời nói bật ra từ lúc nào “ đẹp, đẹp lắm mẹ ạ, mẹ đi cùng đôi giày con mua này nhé, rất hợp đấy”.

Bữa cơm tối sinh nhật mẹ, cả gia đình tôi quây quần đầm ấm, lần đầu tiên bố và anh trai tôi biết khen những người phụ nữ trong gia đình.

Đám cưới con cậu Minh, chi dâu tôi xăng xái, bận rộn chỉ đạo cánh thanh niên cắm hoa, xếp cỗ, trang điểm phòng cô dâu chú rể đâu vào đấy. Mợ tôi hết lời ca ngợi chị khi nói chuyện với mẹ. Tôi nhận ra trong mắt mẹ sự tự hào, tôi biết bà đã hài lòng về chị lắm.

Đợt này nhà tôi vừa nhận hai tin mừng cùng lúc, chị mang bầu được hai tháng còn anh trai tôi vừa được đề bạt lên trưởng phòng IT của công ty. Bố mẹ tôi cười rạng rỡ, sắp lên ông bà có khác. Anh trai, chị dâu nói cười hỉ hả, tự dưng tôi cũng thấy lâng lâng.

Xem ra công tôi không phải nhỏ nhưng người tôi phải cảm ơn nhất chính là chị dâu. Nếu chị ấy không tinh ý, không chịu khó tiếp thu, không biết vượt lên chính bản thân mình thì liệu tôi có được chị dâu đảm như bây giờ, gia đình tôi có được hạnh phúc thế này, anh trai tôi có được “sang vì vợ” như bây giờ không?

Anh Lâm ơi, hãy tìm một người bạn có thể giúp chị Tâm, vợ sếp anh, nhận ra thiếu xót của chị ấy. Đó là cách tôi muốn nhắn đến anh. Chúc anh thành công!

Chia sẻ