BÀI GỐC Tôi bị bẽ mặt vì vợ không biết cư xử

Tôi bị bẽ mặt vì vợ không biết cư xử

Bất kỳ người đàn ông nào cũng thấy thật hạnh phúc khi được "sang vì vợ" nhưng tôi lại thấy thật sự bị... bẽ mặt vì người vợ của mình.

37 Chia sẻ

Chị vợ anh Hải không khéo nhưng tốt tính

,
Chia sẻ

(aFamily)- Chị ấy là mẫu người không khéo léo, nhưng lại tốt tính. Nếu sếp của bạn khéo léo và tế nhị thì có thể giúp chị ấy tiến bộ được…

Bạn Tùng Lâm thân mến,

Đọc tâm sự của bạn Tùng Lâm về người vợ “quá quắt” của sếp, tôi thấy dẫu sao thì chị ấy cũng là người tốt tính, chỉ có điều hơi thiếu khéo léo và tế nhị một chút thôi. Về phần sếp của bạn, cũng không hẳn là anh không có một phần lỗi. Lẽ ra, sau mỗi tình huống vợ không khéo hoặc thiếu tế nhị, anh ấy phải nhẹ nhàng phân tích cho chị ấy hiểu thì tình huống có lẽ đã khác. Đằng này, tôi thấy anh ấy không những không tâm sự nhẹ nhàng với vợ, mà còn có những thái độ coi thường, quát mắng, thậm chí “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với vợ. Do đó, xét về mặt tâm lý, những phản ứng của chị ấy cũng là điều dễ hiểu.

 
 Về phần sếp của bạn, cũng không hẳn là anh không có một phần lỗi. Muốn “uốn nắn” vợ thành người khéo léo, tế nhị, nhưng bản thân anh ấy lại thiếu khéo léo và tế nhị với chị ấy thì sao có thể “uốn nắn” thành công được?

Ở tình huống thứ nhất, đúng là chị ấy thiếu tế nhị một chút. Nhưng nếu sếp của bạn thực sự “tế nhị” hơn với vợ mình thì anh ấy chắc chắn đã có cách nói để các bạn mình cũng bớt xấu hổ, mà chị vợ anh ấy cũng bớt nặng nề. Trong trường hợp này, người có lỗi thực sự chính là Thanh. Thông thường, trước khi bước trên sàn nhà sạch sẽ, bao giờ khách cũng phải tháo giầy, dép để ở ngoài. Chỉ khi nào chủ nhà nói không phải làm như vậy thì khách mới được phép “thượng” cả giầy dép vào nhà. Anh Hải là sếp, đương nhiên sẽ phải tiếp nhiều khách đến nhà. Nếu người khách nào cũng vô ý như Thanh, thì rõ ràng, người chịu ức chế lớn nhất là vợ của anh ta, không chỉ bởi vì chị ấy suốt ngày phải lau dọn nhà cửa mỗi lần khách đến, mà còn bởi chị ấy không tìm thấy sự đồng cảm từ người chồng của mình.

Tôi xin kể một câu chuyện như thế này. Tôi có một bà mợ rất sạch sẽ và khó tính. Một lần tôi đến nhà cậu mợ chơi, cũng vừa lúc bạn của đứa em con cậu mợ tôi đến tìm nó. Cậu chàng “vô tư” đi cả giầy vào nhà, ngay lập tức bị mợ tôi “góp ý” y như vợ của sếp bạn vậy. Nhưng cậu bé đó xử lý tình huống rất nhanh. Cậu ta xin lỗi rối rít: “Thôi chết! Cháu xin lỗi bác nhé! Nhà bác sạch sẽ thế này mà cháu vô ý quá. Nhà bác sạch sẽ thật, chỗ nào cũng sạch bóng. Thế mà cháu cứ quen như ở nhà cháu. Cháu xin lỗi bác nhé!” Được khen nhà sạch, mợ tôi đã nguôi nguôi phần nào, lúc này cậu tôi mới lên tiếng: “Ừ, bác gái là người rất sạch sẽ. Nhà này, bác ấy là người sạch sẽ nhất đấy, bố con bác còn bị bác ấy “nhắc nhở” liên tục nữa là…”, đến đây thì cả chủ và khách cùng phì cười, không khí thoải mái hơn hẳn. Nếu cậu bé ấy mà cũng chẳng có phản ứng gì, và cậu tôi lại đế thêm một câu như anh Hải rằng “thôi cứ đi lên đấy rồi cởi cũng được” thì chắc chắn, phần tiếp theo của câu chuyện cũng sẽ như bạn đã được chứng kiến vậy.

Thứ nữa, lúc lên phòng sếp, lẽ ra các bạn phải chủ động pha trò để sếp đỡ thấy áy náy, xấu hổ, thì các bạn lại chọn cách “không sao tập trung được nữa” và “ra về” khi vừa “uống xong chén trà”. Chính thái độ của các bạn càng làm sếp bạn áy náy và càng làm cho tình hình gia đình họ căng thẳng hơn. Nếu như các bạn thực sự nghĩ cho sếp, trong những tình huống như vậy, các bạn nên chọn cách ứng xử làm sao để vợ của sếp không bực mình thêm, mà sếp của các bạn cũng bớt phần xấu hổ.

Ở tình huống thứ hai, nếu chị ấy thấy việc cầm tiền của chồng để biếu bố chồng chỉ là thứ tình cảm hình thức, khách sáo, thì người chồng cũng không nên ép buộc quá, mà cũng không nên lấy đó làm phiền muộn. Có người vợ như chị ấy, chẳng không hơn ối người bề ngoài xoen xoét, ngon ngọt với bố mẹ chồng, sau lưng lại móc máy, rỉa rói, nói xấu đủ điều hay sao? Nếu sếp của bạn thực sự “khéo léo” như bạn ca ngợi, thì hẳn anh ấy đã có cách nói để cho chị vợ “cung kính không bằng tuân lệnh”. Nếu bạn ở địa vị của chị vợ mà được nghe một câu thế này: “Tiền của anh thì cũng là tiền của em, chúng mình là vợ chồng cơ mà. Lần nào anh cũng là người biếu bố mẹ tiền, e các cụ lại nghĩ con dâu không quan tâm đến các cụ. Chi bằng em cầm lấy rồi biếu bố mẹ, anh nghĩ bố mẹ sẽ vui lòng hơn. Thấy con dâu quan tâm đến mình, bố mẹ nào mà chẳng vui, phải không em?”, thì liệu bạn có từ chối hay không?

Ở tình huống thứ ba, tôi nghĩ thực sự thì chị ấy có ý tốt và coi trọng tình cảm, chứ không phải là “bủn xỉn” như anh ấy nghĩ. Người Việt Nam vốn trọng tình cảm. Cả năm các em mới ra thăm anh chị được một lần, thế mà anh chị lại lôi tuột ra nhà hàng, dẫu có “mâm cao cỗ đầy” thì cũng đâu ấm cúng bằng cả gia đình quây quần bên mâm cơm sum họp ở nhà? Nhà sếp bạn chỉ có hai vợ chồng và đứa con nhỏ, nhà người em cũng thế, cứ cho là cả ông bà nữa là sáu người lớn và hai trẻ nhỏ. Chừng ấy người mà chị ấy mua những “mấy con gà”, thế đã là nhiều. Mua nhiều quá, ăn thừa mứa thì đâu tốt đẹp gì hơn, mà lại còn lãng phí nữa – người miền Bắc vốn tiết kiệm, chi tiêu hợp lý (khác hẳn bủn xỉn nhé) mà. Hơn nữa, chị ấy định làm “lẩu gà” chứ có làm “lẩu thập cẩm” đâu mà mua thêm những thứ như anh chồng liệt kê? Việc chị ấy mua phải gà già cũng chỉ bởi không may, và có lẽ do chị ấy không biết cách chọn gà thôi. Nếu sếp của bạn thực sự khéo léo, thì đã có thể “chữa cháy” cho vợ bằng cách giúp mọi người không hiểu lầm về vợ mình, chẳng hạn như: “Ừ, bác gái sợ mua gà ngoài chợ không an toàn vì đang có dịch cúm gia cầm, mua nhà người quen yên tâm hơn. Dai một tẹo nhưng mà an toàn, cháu ạ!”

Lấy một người chồng giỏi giang, khéo léo, đối nội, đối ngoại tốt, nhưng lại bị chồng khinh khi, không coi ra gì, lại không những không hiểu những ý tốt của mình, mà còn luôn tìm cách trách mắng một cách thiếu tế nhị, vợ của sếp bạn chắc chắn đã phải chịu áp lực tâm lý rất nặng nề. Tôi nghĩ, sếp bạn không nên chỉ khéo léo, tế nhị với người bên ngoài, mà cũng cần phải khéo léo và tế nhị với cả vợ, con mình nữa. Muốn “uốn nắn” vợ thành người khéo léo, tế nhị, nhưng bản thân anh ấy lại thiếu khéo léo và tế nhị, thì sao có thể “uốn nắn” thành công được?

Chia sẻ