BÀI GỐC Tôi có nên bỏ cô vợ vô sinh?

Tôi có nên bỏ cô vợ vô sinh?

(aFamily)- Không chỉ vợ chồng tôi mà cả bố mẹ tôi đều mong sớm có cháu bế. Vậy mà vợ tôi lại bị thủng dạ con nên đến cả thụ tinh nhân tạo cũng không được nữa...

31 Chia sẻ

Hiếm muộn, quyền làm cha, tình mẫu tử, nghĩa phu thê: Nhìn từ hai phía

,
Chia sẻ

(aFamily)- Bộ phim kết thúc trong cảnh người vợ không có khả năng làm mẹ nuốt nước mắt thu dọn những vật dụng cá nhân...

Hiếm muộn, quyền làm cha, tình mẫu tử, nghĩa phu thê

- nhìn từ hai phía

Dù đã rất cố gắng để có thể đưa ra ý kiến khách quan, song với những tình huống mở, tôi đành để ngỏ các hướng cho “người trong cuộc” tự tìm câu trả lời. Đúng - sai đến đâu, có tác dụng gì hay không? Xin tùy diễn đàn đánh giá và mong rằng sẽ nhận được hồi âm từ phía anh Tùng và chị Phong Lan!  

LTG. Tôi rất không muốn cất tiếng nói trong chủ đề này, bởi tìm ra một sự lựa chọn tối ưu cho anh Tùng, chị Phong Lan là điều không dễ, nếu không muốn nói là rất khó. Chưa bao giờ tôi thấy để đạt đến câu nói “vẹn cả đôi đường” lại khó như thế này.

Mặc dù vậy, khi anh Bình (AC Milan) đề nghị một số người bày tỏ quan điểm (trong đó có tôi), chị Mai Hoa, anh Việt Linh, bạn Vân Anh… đều đã có tiếng nói thì tôi cũng dằn lòng chia sẻ một vài suy nghĩ. Trong khi chờ đợi những ý kiến khác, tôi muốn gửi lời chào năm học mới tới gia đình chị Phương, trong một comment cách đây khá lâu, chị có nói rằng cháu nhà chị đã 6 tuổi, theo “tính toán” của tôi thì cháu đã bước vào những ngày đầu tiên của lớp 1. Qua những luận điểm đã trình bày, tôi muốn gửi lời cám ơn đến những ý kiến ủng hộ cũng như phê phán!

TV! Cảm ơn em! (PHMH). 

1.

Chủ đề đã thực sự “nổi bão” khi xuất hiện bài viết của anh P.A.Châu. Tâm sự của tác giả khiến không ít người giật mình bởi đó là tiếng nói từ tâm thế “kẻ trong cuộc”. Quan điểm của anh có thể đúng, có thể sai, tùy hoàn cảnh và suy nghĩ của mỗi người. Xin không đưa ra những đánh giá chủ quan bởi yêu cầu (đứng trong hoàn cảnh của ấy), tôi không thể thực hiện; tôi chỉ lạm bàn về sự sáng suốt, đúng đắn… đối với các khái niệm “trong cuộc”, “ngoài cuộc” xung quanh câu chuyện của anh P.A.Châu bằng việc góp thêm vài câu chuyện để chúng ta có thể nhìn thấu đáo về suy nghĩ, hành động của “kẻ trong cuộc”.

Sự thực, để gói gọn quyết định của anh Châu trong hai chữ “đúng”, sai” là điều gần như không thể. Cách đây vài năm, tôi có dịp chứng kiến một câu chuyện rơi nước mắt về tình phụ - tử. Người cha già mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân ông cũng ý thức rằng, việc từ giã cõi thế chỉ tính bằng ngày. Không những thế, để kéo dài sự sống cho ông phải đánh đổi bằng những khoản chi phí vượt quá khả năng anh con trai có thể chi trả. Trong cơn bạo bệnh, ông cụ vẫn đủ minh mẫn để nắm bắt toàn bộ sự việc. Đã rất nhiều lần, ông bày tỏ suy nghĩ với con trai; tôi cũng có mặt ở đấy và nghe lõm bõm được câu: “Bố yếu lắm rồi, có sống cũng vô ích, kéo dài sự sống ngày nào thì chỉ khổ các con mang công nợ chạy chữa thuốc men, sau này lấy gì mà trả!”.

Nhưng người con không thể phó mặc tính mạng cha cho số phận. Anh bán nhà đồng thời vay mượn tất cả những chỗ quen biết với hy vọng kéo dài sự sống cho cha. Biết rằng không thể thuyết phục được con, ông cụ âm thầm chuẩn bị kế hoạch… ra đi. Lấy cớ thèm ăn rau muống chấm tương bần, ông bắt con trai tìm mua. Gắng gượng nhìn bóng dáng con trai tất tả ngoài cổng bệnh viện, ông viết mấy dòng tuyệt mệnh rồi thu chút sức tàn, nghiến răng giật mạnh bình oxy khỏi cơ thể… Đám tang cụ, tôi cũng có mặt, thắp một nén hương, cầu mong linh hồn cụ siêu thoát. Đôi mắt ầng ậc nước, người con trai nói với tôi: biết rằng không thể cưỡng lại mệnh trời, nhưng tôi không thể lựa chọn dù biết rằng “kéo cày” đến hết đời may ra mới trả hết số tiền đã vay mượn!

Dịp khác, đến thăm nhà người bạn cũ - tôi xin nói vắn tắt về hoàn cảnh: bố anh bệnh nặng, nằm liệt giường, tiền thuốc cho cha già đã vắt đến cạn kiệt những đồng tiền cuối cùng; cảnh nhà nghèo đói, vợ con nheo nhóc. Tôi được vợ anh cho xem bức thư chồng gửi về, có đoạn: “...Thuốc thang cho ông cụ tùng tiệm thôi, bệnh già thì chẳng gì chữa được, cốt là cho mấy đứa trẻ có áo mặc, đừng chết đói. Tôi chỉ thương mấy mẹ con không có cái nhà mà ở, nên quyết tâm xông pha lặn lội trên rừng…”.  

Đây chỉ là hai câu chuyện với hoàn cảnh gần như tương đương, nhưng suy nghĩ và hành động của hai “người trong cuộc” lại khác hẳn. Xin đặt câu hỏi với diễn đàn, với cái nhìn của “người ngoài cuộc” (thường là sáng suốt hơn), chúng ta sẽ tán thành hành động của người con trai thứ nhất hay thứ hai? Dù biết rằng sẽ đưa đến tình trạng “chín người mười ý”, nhưng tôi tin rằng cả hai anh con trai đều tin rằng họ đã làm đúng.

Tôi nêu ra câu hỏi dù biết rằng trả lời thế nào cũng không thỏa đáng. Buộc phải dài dòng như vậy để thấy rằng, với câu chuyện của anh Châu, rất khó để đưa ra những nhận xét một chiều bằng những câu trả lời đóng: đúng hay sai?

Hay như câu chuyện về một nữ cựu thanh niên xung phong trở về với cuộc sống sau lửa đạn. Chị lấy chồng rồi có mang, song kết quả siêu âm cho biết cháu bé sẽ bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nếu đạt được trạng thái “vô cảm”, có thể có người sẽ nói rằng nên hủy cái thai ngay trong bụng mẹ bởi đứa trẻ sinh ra sẽ bất hạnh. Nhưng chị đã từ chối làm theo sự “sáng suốt” của người ngoài cuộc bởi tình mẫu - tử không cho phép chị dứt tình với chính giọt máu của mình.

Khi một người bạn đặt cho tôi tình huống này, tôi đã lắc đầu bởi không thể cho câu trả lời “nên” hay “không nên”. Vì vậy, thiết nghĩ rằng, nếu dùng lí trí của người ngoài cuộc để soi sáng cho hành động của “kẻ trong cuộc” sẽ rất khiên cưỡng và càng không thể cho những nhận xét, đánh giá về suy nghĩ của anh Châu. Tôi chỉ dám dừng ở nhận định: anh Châu đã chọn một lối đi mà (tôi nghĩ rằng) anh Châu tin rằng mình làm đúng. 

2.

Trở lại bài viết gốc, xin bày tỏ luôn cảm nhận, qua tâm sự của Tùng, tôi đã thấy thấp thoáng một cuộc chia tay dù Tùng không trực tiếp nói ra điều đó, chính xác hơn, một cuộc “chia tay trong suy nghĩ” của Tùng đã hiển hiện. Đương nhiên tôi không giáo điều đến mức ủng hộ “quyền làm cha” của Tùng; nhưng tôi cũng không “cột vào cổ” anh ta “lương tâm, trách nhiệm người chồng” hay “luật nhân quả” để “trói” Tùng lại rồi “ấn” vào tay Vân. Tôi chỉ phân tích suy nghĩ của Tùng ở thời điểm hiện tại, qua đó phần nào thấu hiểu tâm tư của Tùng để không ngạc nhiên nếu Tùng có quyết định cuối cùng.

Việc dựng lên “hàng rào trách nhiệm” đối với Tùng thông qua hành động nông nổi thời trẻ để quyết định đường đi nước bước cho hiện tại của Tùng là không hợp lý bởi không thể quay ngược bánh xe thời gian. Tôi không lấy quá khứ để “ép” Tùng đi theo đúng phạm trù “nguyên nhân - hệ quả”, bởi xét cho cùng, khi Tùng thuyết phục Vân bỏ đứa con, cả hai đều không lường đến những bất hạnh sau này. Song, việc Tùng chối bỏ người vợ hiện tại để hướng tới tương lai cũng hết sức tàn nhẫn. Tôi cũng không phụ họa cho cách bao biện về “quyền làm cha” của Tùng bằng cách bỏ rơi Vân.

Có thể xem “tình phụ - tử”, “tình mẫu - tử” và “nghĩa phu - thê” như 3 chân của chiếc kiềng đem lại sự vững vàng cho gia đình. Có sự hội tụ của 3 yếu tố này, mỗi gia đình sẽ đủ sức vượt qua được mọi sóng gió; thiếu đi một “chân kiềng”, hạnh phúc có thể đủ ụp bất cứ lúc nào. Vân không còn khả năng làm mẹ, “nghĩa phu - thê” là yếu tố chủ đạo để Tùng và Vân có thể cùng nhau đi hết con đường! Ở phía Vân, mọi tình cảm của cô đã được dồn hết cho chồng. Vậy nên, chuyển biến tâm trạng của Tùng là yếu tố cơ bản trong việc “giữ lửa” cho mái ấm gia đình.

Song, qua tâm sự của Tùng, không khó để nhận ra “nghĩa phu - thê” đã phải nhường sân khấu cho “tình phụ - tử”. Mà lúc này đây, chỉ tình yêu mới có thể giúp Tùng và Vân vượt qua mọi sóng gió thì đã phai nhạt quá nhiều (ở phía Tùng). Tình cảm Tùng dành cho Vân không còn được nuôi dưỡng trong một môi trường tinh khiết đến mức “vô trùng” để có thể khước từ mọi định kiến xã hội. Nó đã bị “nhúng chàm” bởi sự dao động của Tùng và tác động từ vô số yếu tố bên ngoài. Khát khao có con bùng cháy; tình yêu dành cho vợ đang có dấu hiệu nhạt nhòa; sự thúc ép liên tục của gia đình, bè bạn và tư tưởng bạc nhược, ích kỷ, chối bỏ trách nhiệm… đang ngày càng đẩy Tùng rời xa Vân.

Khi Tùng bày tỏ tâm sự, tôi chú ý đến tình cảm Tùng dành cho Vân qua câu nói: “Sao tôi nỡ bỏ cô ấy” khi Vân nén nỗi đau đưa ra lá đơn ly hôn. Giá như trong trạng thái chênh vênh ấy, câu nói Tùng thốt ra là: “Tôi không thể sống thiếu cô ấy vì tình yêu tôi dành cho cô ấy đã cố kết rất vững chắc mà người phụ nữ đến sau sẽ không bao giờ phá vỡ được”. Thì ít ra “tình phu - thê” sẽ lấp đầy được hố ngăn cách đang ngày càng lớn lên trong Tùng. Hai chữ “nỡ bỏ” đem lại cho tôi cảm giác tình cảm Tùng giành cho vợ chỉ còn là lòng thương, sự day dứt. Mà chỉ có lòng thương thì không đủ để Tùng và Vân “tát cạn bể đông”.

Việc người chồng có thể vượt qua tất cả mọi trở ngại để gắn bó với cô vợ hiếm muộn (chính xác là không còn khả năng làm vợ) cần sức bật quyết liệt của nội tại và sự tồn tại song song của cả lí trí và tình cảm. Hướng nhận con nuôi cũng có thể phần nào giải quyết bế tắc của Tùng hiện tại. Nhưng đó chỉ là điều kiện “cần”; điều kiện “đủ” là gì? Tôi cho rằng, việc cả hai tìm đến đứa trẻ “lớn lên trong tim” phải xuất phát từ chính suy nghĩ của Tùng. Đáp ứng được yếu tố ấy thì cuộc khủng hoảng tinh thần của Tùng mới có lối thoát. Tuy nhiên, trong suốt bài viết, Tùng đã không đề cập đến hai chữ “con nuôi”, dù chỉ một lần.

Khi Tùng nêu câu hỏi “có nên bỏ…?” thì rõ ràng, việc Tùng “trưng cầu dân ý” mang tính chất tìm những tiếng nói đồng tình để giải tỏa ức chế đang dồn nén. Sự băn khoăn hiện hữu trong Tùng là “bỏ hay không”, hoàn toàn không phải tìm cách giải quyết bế tắc hiện tại. Giả sử câu hỏi của Tùng là “nên làm gì khi vợ vô sinh?” thì mới đưa đến khả năng Tùng sẽ cân nhắc lựa chọn trong các phương án: vợ chồng yêu thương nhau, dành tiền đi du lịch; nhận con nuôi v…v. Cảm giác như Tùng hoàn toàn không nghĩ đến phương án “khắc phục, sửa chữa” mà anh đang phân vân và có hơi hướng ngả sang động thái “xóa đi, làm lại”!

Theo cảm quan của tôi, Tùng đã không còn thích hợp để đồng hành cùng Vân trong suốt quãng đời còn lại. Người đàn ông có thể sưởi ấm và đem lại hạnh phúc cho Vân phải là người yêu thương và chấp nhận thực tại của Vân. Gắn kết Tùng với Vân bằng sợi dây lương tâm, trách nhiệm sẽ rất lỏng lẻo và khả năng “già néo đứt dây” rất lớn.

Vậy nên, việc một số ý kiến đưa ra những ràng buộc về luật nhân - quả, về trách nhiệm của người đàn ông… nhằm đánh động lương tri và thắp lại ngọn lửa tình yêu trong Tùng là hơi gượng ép. Nó mang dáng dấp của việc “đẽo chân cho vừa giày”, “nhào nặn” Tùng trong một khuôn mẫu, thổi vào một luồng tư tưởng, khoác cho Tùng tấm áo trách nhiệm mà Tùng đang cố gắng chối bỏ. Nói cách khác, “cái đầu” của Tùng không còn nghĩ nhiều đến tình vợ chồng thì “ép” Tùng vào đạo đức, lương tâm… tôi e rằng khó có thể mang lại hiệu quả!

Xin được không phân tích trạng thái tình cảm hiện tại của Vân, vì có lẽ ai cũng cảm nhận được nỗi đau Vân đang gánh chịu mà hành động ký đơn ly hôn giải thoát cho Tùng gần nhưng là việc “chẳng đặng đừng”, không loại trừ khả năng đó là hành động trong vô thức. Dường như Vân cũng ý thức được rằng, không thể níu giữ nổi Tùng chỉ bằng tình cảm đã có dấu hiệu lung lay.

Với hoàn cảnh hiện tại, Vân cần một người chồng như thế? Tôi đồ rằng người đàn ông chị Vân hướng đến là một người yêu thương, chấp nhận gắn bó cả đời, cảm thông và chia sẻ với mất mát quá lớn mà chị đang phải gánh chịu. Người đàn ông ấy có thể là Tùng ngày hai người đang còn yêu nhau. Tuy nhiên, trải qua thời gian, tình cảm vợ chồng đã rách tả tơi và Vân không còn nhìn thấy ở Tùng hình ảnh người đàn ông có thể cùng cô đi hết cuộc đời.

Điều cuối cùng tôi muốn đề cập khi nghe câu chuyện của Tùng, cũng là ý kiến của một số độc giả muốn Tùng phải làm rõ nguyên nhân hai người không có con. Ấy thế nhưng, liệu thông tin ấy đến với tất cả mọi người sẽ có ích cho Vân hay sẽ phản tác dụng? Những lời đồn đại bao giờ cũng có tác dụng (kể các tác dụng… ngược) hơn bất kỳ lời quảng cáo công phu nào! Có chắc rằng Vân sẽ không phải chịu đựng thêm những bình phẩm ác ý khác khi dư luận xoáy vào tuổi trẻ của hai người. Chưa tính đến tình huống Vân sẽ phải đối mặt nếu đi tìm hạnh phúc mới, liệu nguyên nhân Tùng bỏ vợ có trở thành một lực cản lớn?

Trong trạng thái ngổn ngang cảm xúc, Tùng chưa nên đưa ra quyết định trong thời điểm này. Nếu có thể, Tùng hãy thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại, rũ bỏ những tác động bên ngoài (gia đình, bè bạn, xã hội) và tự đối diện với chính mình, đồng thời kiểm tra lại tình cảm để đưa ra câu trả lời. Sau đó, Tùng hãy nói tất cả những suy nghĩ của mình cho Vân, đề cập đến cả việc có nên công khai câu chuyện thời trẻ! 

3.

Tôi cũng xin được góp thêm một số ý kiến về tâm trạng của bạn Phong Lan. Dù rằng bạn chưa vướng vào đỉnh điểm mâu thuẫn như câu chuyện của Tùng; băn khoăn hiện tại của bạn là “có nên có con với người khác?”. Tôi đang nghĩ đến khả năng gia đình bạn không dư dả về kinh tế nên chẳng thể nhờ y học can thiệp vì chi phí để có một đứa con không hề thấp.

Trước hết, tôi rất muốn Phong Lan xác nhận lại một số chi tiết khi bạn chia sẻ tâm sự. Bạn nhờ “người khác” là ai? Một người qua đường, một đồng nghiệp, người quen, người yêu cũ?… Tôi có cảm giác bạn chưa lường hết những phát sinh khi bạn quyết định “nhờ ai đó”; bởi đứa con có thể thỏa mãn được khát khao làm mẹ của bạn nhưng rất có thể sẽ đưa đến những bi kịch khác lớn hơn.

Tôi kể lại cho bạn một câu chuyện (do một độc giả nữ tôi rất có tình cảm cung cấp) được chuyển tải thành phim cách đây khá lâu và đoạt giải Bông sen Vàng. Nội dung kể về một đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Họ đến với nhau theo đúng như lập trình thần Cupid đã sắp đặt. Đôi vợ chồng trẻ tu chí làm ăn và hạnh phúc khi sống bên người mình yêu. Mặc dù tình phu thê luôn nồng đượm nhưng vẫn không khỏa lấp được mong mỏi của cả hai vợ chồng khi tổ ấm bé nhỏ thiếu vắng tiếng cười trẻ thơ (nguyên nhân hiếm muộn từ người vợ).

Được sự đồng ý của chồng, cô vợ đã tìm đến một phụ nữ vô danh để thảo một bản “hợp đồng đẻ thuê”. Sự việc sau đó diễn ra theo đúng những gì định mệnh sắp đặt. Đứa con thơ ra đời những tưởng sẽ là sợi dây ràng buộc vô hình khiến hai vợ chồng ngày càng yêu nhau hơn. Nhưng oái oăm thay, trong thời gian “triển khai” hợp đồng, tình cảm giữa ông chồng và mẹ đứa trẻ đã nảy sinh…! Họ đều cảm thấy day dứt nhưng không thể cưỡng lại tiếng gọi của tình cảm. Mẹ đứa trẻ trả lại cho cô vợ bất hạnh toàn bộ số tiền theo đúng hợp đồng ban đầu để có thể tự do đến thăm con, thăm bố đứa bé.

Bộ phim kết thúc trong cảnh người vợ không có khả năng làm mẹ nuốt nước mắt thu dọn những vật dụng cá nhân. Cô để lại cho chồng và mẹ đứa trẻ tất cả cơ nghiệp hai vợ chồng đã chung tay xây dựng. Cô đã rút lui, bỏ lại tất cả để có được sự thanh thản, nhường hạnh phúc cho cha mẹ ruột của đứa bé. Ngoái nhìn lại ngôi nhà lần cuối, cô bước những bước xiêu vẹo nhưng rất dứt khoát trên con đường gập ghềnh sỏi đá. Phía xa xa, hừng đông hắt lên nhưng tia sáng yếu ớt, báo hiệu một ngày mới bắt đầu.

Bộ phim đã gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài, có người thương cảm cho số phận bất hạnh của cô vợ bất hạnh, nhưng cũng thầm trách cô đã không lường hết mọi hậu quả nên đã tự mình gián tiếp dâng hạnh phúc cho kẻ khác. Có ý kiến trách móc người phụ nữ vô danh đã vô tình hủy hoại hạnh phúc một gia đình, song cũng hết lời ngợi ca tình mẫu - tử thiêng liêng, vô giá. Có kẻ xoáy sang ông chồng tội nghiệp, thiếu dứt khoát nhưng đồng thời cũng bày tỏ những chia sẻ nhất định với kẻ không thể chọn một trong hai con đường…

Cũng như những gì tôi đã nói với Tùng, bạn Lan cũng nên thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ với chồng. Nếu Phong Lan ngấm ngầm giấu giếm chồng “xin” một đứa con, thì việc làm của bạn còn là biểu hiện của sự lừa dối. Ở góc độ người đàn ông, tôi tin rằng chồng bạn sẽ có những quyết định cần thiết. Nếu như Phong Lan có được sự đồng thuận của chồng thì bạn cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để tránh việc vô tình đi vào “vết xe đổ” như câu chuyện tôi vừa dẫn lại.

Trên đây chỉ là những ý kiến của cá nhân tôi, dù đã rất cố gắng để có thể đưa ra ý kiến khách quan, song với những tình huống mở, tôi đành để ngỏ các hướng cho “người trong cuộc” tự tìm câu trả lời. Đúng - sai đến đâu, có tác dụng gì hay không? Xin tùy diễn đàn đánh giá và mong rằng sẽ nhận được hồi âm từ phía anh Tùng và chị Phong Lan. Tôi cũng muốn nói lời xin lỗi nếu đã làm mất thời gian của bạn đọc!

PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ

Email: phamhoangmanhha@gmail.com

Chia sẻ