BÀI GỐC Tôi có nên chia tay khi người yêu không còn trinh?

Tôi có nên chia tay khi người yêu không còn trinh?

Tôi bị sốc và đau đớn khi biết cô ấy đã trao thân cho người yêu cũ...

273 Chia sẻ

Phạm Hoàng Mạnh Hà phản hồi về vấn đề trinh tiết

,
Chia sẻ

(aFamily)- Tác giả Phạm Hoàng Mạnh Hà phản hồi trước những ý kiến phản đối các bài viết của mình.

LTG. Tôi viết bài này trong tâm thế đã khá mệt mỏi với cuộc tranh luận chưa có hồi kết bởi (như tôi đã nói) sự khác nhau giữa “ý thức hệ” và “tính chất người trong cuộc”. Trong một bài viết phản hồi cho bài chia sẻ tôi, có sự gợi mở những cuộc tranh luận khác cũng rất hấp dẫn: Nên chọn vợ thành phố hay vợ nông thôn? Có nên ly hôn khi chồng chơi bời và mang bệnh về nhà?… Ý kiến của bạn như thế nào? (PHMH)

Đừng đưa nhau vào ngõ cụt

Ở bài viết đầu tiên, mệnh đề tôi đưa ra là “Có hay không chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân”, tôi mong muốn câu hỏi ấy sẽ đủ tầm khái quát, mang tính chất xã hội và có sự gợi mở, được sự quan tâm của nhiều người, hy vọng mang tính chất “mở đường” cho các bạn trẻ (nhất là các bạn nữ). Khi tác giả bài viết gốc nêu câu hỏi “Tôi có nên chia tay khi người yêu không còn trinh”, rõ ràng phạm vi hẹp hơn rất nhiều, chỉ còn là thắc mắc của của cá nhân, “trưng cầu dân ý” người khác.
 
 Đừng đi ngược lại chuẩn mực xã hội khi nói rằng Thị Nở là tuyệt sắc giai nhân!
Điểm rất dễ nhận thấy là chúng ta đã quá sa đà vào những câu chuyện cá nhân để rồi phát sinh vô số “chủ đề nhánh”, mà khi đi theo những “nhánh” nhỏ, cảm giác rằng ai cũng có lí.

Những bài viết đi theo chủ đề “nhánh” có thể phân theo hai trường phái: Chấp nhận hoặc phủ nhận. Những dạng bài viết kiểu này thường nặng tính cực đoan, đẩy mọi việc lên hai đầu mút của bất đồng, thiên về bày tỏ quan điểm cá nhân. Chẳng hạn như bạn Phương Hà, bạn Lê Thu Thủy, bạn Nguyễn Huỳnh Hải Dương… khi các bạn cho rằng “tôi hoàn toàn tỉnh táo” lúc “tới Z” (trái ngược hoàn toàn với số đông các bạn nữ, thường xiêu lòng trước những “hũ mật” mà người bạn trai rót vào tai). Hay “thà ở góa chứ không lấy chồng người Việt” (rất ít phụ nữ Việt Nam lấy chồng “Tây”), “Tôi và trái táo trinh tiết của mình” (kiểu như “của tôi, tôi thích ăn lúc nào thì ăn”)… Hoặc như ý kiến của anh Trung “dù yêu đến mấy cũng bỏ nếu người yêu không còn trinh”; anh Thành “đàn ông quan hệ với phụ nữ mất trinh chỉ để thỏa mãn chuyện ấy”, bạn “ham chơi” thì “coi khinh những cô gái dễ dãi” (những người đàn ông đi theo hướng này vẫn chỉ là thiểu số)… những bài viết đi theo “nhánh” này sẽ rất thích hợp nếu đăng tải ở các Blog cá nhân bởi khi đã đặt “cái tôi” cao hơn “cái ta” thì khó có thể tìm được tiếng nói chung.

Tôi rất không tán thành việc đặt “cái tôi” cao hơn “cái ta”. Khi bài viết của anh Thành được đăng tải, hầu như tất cả các bạn nữ đều phản đối theo kiểu “đồng khởi”. Nhưng khi được “tự do cầm mic” thì mâu thuẫn nội bộ lại phát sinh. Bạn Lê Thu Thủy thì cảm thấy “muốn làm điều ấy với người mình thương yêu” và “không bao giờ hối hận về quyết định của mình”. Bạn Nguyễn Lan thời điểm đang yêu thì thấy rằng “không thể sống được khi không có anh” nhưng vẫn “luôn bị ám ảnh, dằn vặt vì đã trao thân”. Bạn Phương Hà thì quyết “tử vì đạo” theo kiểu “trái táo ấy là của tôi”, còn Midori (trong phần bình luận - tôi đoán là một cô gái trẻ. Xin lỗi Midori, tôi buộc phải kéo em vào cuộc) thì đi theo hướng “cứ cố gắng giữ gìn là hơn”… Thậm chí, có cô gái mới qua tuổi vị thành niên lấy “cậu bạn học lớp 8” (phải gọi Mưathu bằng “cô”) làm “kính chiếu yêu” để săm soi đàn ông... Tôi gọi hiện tượng này là “hội chứng củ khoai tây”. Các bạn nữ khi đứng chung một chiến tuyến (nói hình ảnh là các củ khoai tây trong một chiếc túi) thì rất đáng kể, nhưng khi đổ ào ra sàn nhà thì mỗi người lăn một góc. “Củ nào” cũng tròn trĩnh và không thể bổ sung cho nhau nữa, thậm chí ghép 2 củ vào với nhau sẽ trở nên kệch cỡm, phản cảm.

 Khi “đối phương” im lặng thì những “người đồng chí” quay sang đối đầu nhau.
Đa số các bài viết khác thì đều ít nhiều mổ xẻ trực tiếp vào chủ đề chính dưới nhiều góc độ. Dù là “dao sắc” hay “dao cùn”, dù là “mổ phanh” hay cho những “nhát cắt ngọt lịm” thì cả bạn và tôi đều đang góp phần làm nhiễu diễn đàn mà nếu không có thiện chí thì chẳng thể nào cất lên được tiếng nói cuối cùng, thậm chí biến diễn đàn mở thành nơi mạt sát nhau với những lời nói thậm tệ. Một bác sĩ giỏi, không chỉ biết “mổ” mà sau khi “mổ” thì phải biết “khâu” lại thế nào để vết thương chóng lành? Điều trị xong rồi thì phải làm gì trong giai đoạn “hậu phẫu” để vết thương không tái phát mỗi khi “trái gió trở trời”?

Khi bàn về chủ đề này, tôi không có ý định đối thoại với ai, cũng chẳng cố công giành phần thắng làm gì. Tôi tưởng tượng ra một con đường vô hình dẫn tới tương lai với rất nhiều ngã rẽ. Trên con đường ấy là tôi, là các bạn, sau lưng là các thế hệ đang chạm ngưỡng người lớn. Chúng ta cùng dắt nhau đi, chỉ cho nhau đâu là “đại lộ”, đâu là “ngõ cụt”? Vừa can đảm, vừa thận trọng… đầy tình bằng hữu ấm áp nhưng cũng rất nghiêm khắc. Có thể những người đi trước “bước hụt” những tôi tin rằng chúng ta có thể tự hào nói với nhau rằng: chúng ta đã làm hết mình để những người đi sau sẽ “rút” ra được ở chúng ta những bài học cần thiết. Tôi thực sự vui mừng khi câu hỏi tôi đặt ra “Có hay không chấp nhận tình dục trước hôn nhân?” (không phải câu hỏi “có nên chia tay khi người yêu không còn trinh?” - PHMH nhấn mạnh), đa số các bạn đều nói “không”.

Người Trung Quốc có câu “tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư” (Ba người cùng đi trên đường, chắc chắn sẽ có người thày của ta). Đi đúng là thày, đi sai cũng là thày vì người khác biết đường mà… tránh. Gần như không có ai đúng tuyệt đối, cũng không có ai sai 100%. Qua rất nhiều quan điểm được bày tỏ, tôi tin rằng tác giả bài viết gốc biết phải làm gì để sau này không cảm thấy hối tiếc.
 
Điểm rất dễ nhận thấy ở diễn đàn là các bạn nữ cần sự rạch ròi những người mất trinh vì tình yêu (nhưng chẳng may bị người tình “quất ngựa truy phong”) với những cô gái trao thân bừa phứa. Vì vậy cũng mong các bạn có sự tách bạch rõ rệt giữa hai câu hỏi “có hay không chấp nhận tình dục trước hôn nhân?” và “đối xử thế nào với các cô gái đã vượt rào?”. Đừng hiểu sai ý của tôi rồi “đối thoại” vung vít.

Các bạn nhất loạt phê phán việc tôi (cũng như những bạn nam khác) không ở trong hoàn cảnh như các bạn nên không hiểu hết (chắc là jnguyen cùng trong hoàn cảnh ấy vì được các bạn coi là tiếng nói đại diện). Tôi không đặt ngược lại câu hỏi các bạn có ở trong tâm trạng tác giả bài viết gốc không mà chỉ muốn biết, nếu có đề bài “tả một đám cháy” thì có lẽ tất cả phải đồng loạt nhảy vào ngọn lửa? Chủ đề tôi muốn tranh luận là “có hay không chấp nhận tình dục trước hôn nhân”. Như tôi đã nói ở đầu bài viết, các bạn quá sa đà vào những “chủ đề nhánh” nên “cuộc bút chiến tập thể” không thể đi đến hồi kết.

Tôi muốn nói đến đối tượng của chủ đề, nếu câu hỏi “có hay không chấp nhận tình dục trước hôn nhân” được đặt ra với các cô gái trẻ chưa từng có “tì vết” thì tôi chắc rằng gần như tuyệt đại đa số đều nói “không”. Nếu hỏi các cô (xin lỗi) Cave lành nghề thì gần như trăm phần trăm sẽ nói “có”. Chủ đề này mang tính khái quát, hãy nhìn bằng con mắt của “người ngoài cuộc”; tuyệt đối nên tránh việc hóa thân vào một trong hai đối tượng. Cũng không thể đưa ra những tình huống không bao giờ xảy ra (xem bài của Ly: “nếu đàn ông có màng trinh…”. Phương Tây có câu Chỉ với một chữ “nếu”, người Pháp có thể cho cả Pari vào trong một cái chai. Nhưng làm sao có thể cho Pari hoa lệ vào trong chai được, cũng như việc ngốc nghếch đặt câu hỏi “nếu đàn ông có màng trinh” để thách thức xem bao nhiêu người sẽ giữ được. Đánh lộn sòng sự khác biệt về giới tính, những đặc điểm riêng mà tạo hóa ban cho con người để phân định phụ nữ với đàn ông. Tôi không dám tưởng tượng ra một người đàn ông có màng trinh; cũng như hình ảnh một cô gái râu ria lởm chởm, có đầy đủ bộ phận sinh dục của cả hai phái thì sẽ ra giống gì nhỉ?

Sẽ có những bàn tay cho bạn nắm nếu bạn muốn vươn lên.
Khi tôi nói rằng “hãy hành động để lấy lại niềm tin”, “vươn lên với sức bật hàng trăm lần”, đó là một hướng “đối xử thế nào với các cô gái đã vượt rào?”. Nếu muốn sang sông thì các bạn hãy học cách “bơi”, đừng đòi hỏi người khác “bao dung” theo kiểu “cõng qua”. Quá trình vươn lên ấy cần khoảng thời gian dài. Lạ thay, bài viết của tôi chưa ráo mực các bạn đã đổ xô vào nói là “cái sức bật gấp trăm lần ấy lấy ở đâu ra nếu trong đó không bao gồm cả sự động viên, quan tâm và giúp đỡ”, rồi kết án “bảo thủ”, “hẹp hòi”… Chẳng thấy một chút hành động nào trong việc các bạn ra sức tranh cãi cả (đó chính là nội dung bài viết về “câu chuyện bắt vịt trời” của tôi). Đằng này cứ kêu gọi sự vị tha bằng… mồm.

Đọc truyện “cô bé quàng khăn đỏ” (tôi xin không được kể ra vì có lẽ ai cũng biết), chúng ta giận con sói sảo quyệt, đội lốt người bà mười phần thì cũng trách cô bé ngây thơ, dại dột năm phần, thấy “răng bà nhọn thế” mà vẫn hỏi vì sao? Chỉ cần các bạn có hành động chứng tỏ sự vươn lên, tôi tin là những người đàn ông bên cạnh sẽ sẵn sàng làm điểm tựa cho bạn (trong đó có cả tôi).

Các bạn hung hăng đến mức hệt như cô gái trong câu chuyện “hỏi đường”. Đại để là một cô gái đánh thức một bác nông dân và hỏi: tôi đi đến thành phố thì mất bao lâu? Bác nông dân nói rằng “cô cứ đi đi”. Cô gái tiếp tục lặp lại câu hỏi và bác nông dân tiếp tục lặp lại câu trả lời. Tưởng rằng gặp phải “lão khùng” nên cô gái tức tối bỏ đi. Khi cô đi được một đoạn đường, bác nông dân nói to lên: mất một giờ đồng hồ. Cô gái bực bội quay trở lại, hỏi xem vì sao “không trả lời ngay khi tôi hỏi”. Bác nông dân nói: tôi không thể có câu trả lời chính xác khi chưa biết tốc độ đi của cô nhanh hay chậm. Tôi phải thấy các bạn hành động thì mới ủng hộ được chứ. Vòng tay bao dung của xã hội chỉ có thể dành cho “người chạy lại”, khó có thể dành cho “kẻ chạy đi”.

Tôi thực sự trân trọng suy nghĩ của bạn Nguyễn Lan (qua những comment trong “Nếu không giữ được trinh tiết thì đừng cãi chày cãi cối”) và muốn nói chuyện với Nguyễn Lan (cả Thu Trang) như những người bạn (đương nhiên là không có “các chị” của Lan đứng ngoài tung hứng). Tôi cũng nói thật rằng tôi mến những cô gái như bạn, nếu có điều kiện để chuyển biến sâu hơn về tình cảm thì tôi rất muốn cùng bạn tính đến những chuyện xa hơn nữa.

Để tránh những bất đồng có thể bùng phát, mong độc giả không đọc phần “đối thoại cá nhân” và có thể xem như bài biết của tôi đến đây là kết thúc.

Đối thoại cá nhân
(Những vấn đề tôi trao đổi riêng với các bạn Thu Thủy, Phương Linh và “cánh chim đầu đàn” Jnguyen - từ đây xin phép được gọi là “bộ ba xe pháo mã”)

Tôi rất cố gắng tránh những ý kiến gay gắt không cần thiết (có thể đẩy lên mâu thuẫn) nên trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập đến một số câu hỏi mà tôi thấy có trách nhiệm phải trả lời, cũng là để tôn trọng diễn đàn, khi hai bạn Phương Linh, Thu Thủy và bài viết mới nhất của anh jnguyen, công khai chỉ trích tôi dùng “chuẩn mực của bản thân” và muốn “đối thoại riêng” với tôi. Phương Linh phê phán trực diện ý kiến của tôi, bạn Thu Thủy lấy những quan điểm riêng (cũng là chuẩn mực cá nhân của Thủy đấy chứ) để phản bác và anh jnguyen thì xoáy vào bài viết. Thật là “thiên la địa võng”, dù có “ba đầu sáu tay” cũng khó mà “thoát” được!

Điểm rất dễ nhận ra trong bài viết của “bộ ba xe pháo mã” là đã “lờ” đi rất nhiều luận điểm tôi đưa ra mà chỉ vin vào một chi tiết rồi thổi phồng lên để ra sức phủ nhận. Điều này dễ khiến độc giả nhầm tưởng rằng “bộ ba xe pháo mã” cổ vũ cho quan điểm chấp nhận tình dục trước hôn nhân.

Trước hết, tôi bỏ qua việc bạn Phương Linh tự mâu thuẫn khi đưa ra hai câu nói đối nhau chan chát: “Tôi muốn hỏi anh cái sức bật gấp trăm lần ấy lấy ở đâu ra nếu trong đó không bao gồm cả sự động viên, quan tâm và giúp đỡ” >< “Họ không cần sự tha thứ và bao dung của các anh để đứng dậy”. Tôi chưa bao giờ nói ai “không thông minh” nhưng cũng sẵn lòng bỏ qua câu nói khá trịnh thượng của bạn Thu Thủy: “hi vọng bạn Hà đủ thông minh” chỉ đề nghị bạn nếu muốn “đối thoại” thì hãy bình đẳng và kiềm chế.

Tôi đã cho bạn bè xem bài viết của bạn, có người nói rằng: Linh coi quan điểm của tôi (PHMH) là ý kiến cá nhân, vậy ý kiến của Phương Linh là của cá nhân hay đại diện cho gia đình (hoặc một tổ chức) nào? Nhưng tôi không cãi cù nhầy theo hướng ấy. Tôi đi thẳng vào cụm từ bạn dùng “chuẩn mực của bản thân”.

Khi cuộc “bút chiến” đang có dấu hiệu đem lại sự mệt mỏi, chán nản cho độc giả, bạn Phương Linh (và không ít những người khác, trong đó có Thu Thủy) đã dùng đến thứ “vũ khí” cuối cùng như kiểu “át chủ bài” hòng chơi một “tiếng bạc tất tay” mong lật ngược tình thế bằng lí luận: quan điểm của bạn thế này nhưng quan điểm của tôi khác; bạn nghĩ cái này đẹp nhưng tôi nghĩ cái kia mới đẹp; anh nói rằng con cái ảnh hưởng lớn từ mẹ nhưng tôi nói là con cái ảnh hưởng từ bố… Điều này thoạt nghe có thể nhiều bạn sẽ gật đầu nhưng việc lấy ý kiến của cá nhân để làm đảo lộn xã hội theo kiểu “lật nhào mọi chuẩn mực”, suy ngẫm kỹ thì coi bộ không ổn. Vì sao?

Điều tôi muốn nói lại với bạn Phương Linh là chuẩn mực của mỗi cá nhân phải nằm trong chuẩn mực của xã hội. Đừng đặt cá nhân cao hơn số đông rồi đưa ra những lắp ghép khiên cưỡng. Dù là Sở Khanh hay nàng Kiều, dù là Thị Nở hay nữ thần sắc đẹp Vệ nữ (Vinus) thì cũng thừa nhận: một mét (1m) phải đủ 100cm, (mỗi “cá nhân” có thể vòng vo theo kiểu 1m bằng 3m chia 3, bằng 2 lần 50cm…) nhưng tuyệt đối không được nói rằng 1m là 80cm.

Thị Nở xấu - cả bạn, cả tôi và những ai từng đọc truyện ngắn của nhà văn Nam Cao (tả rất kỹ) đều thừa nhận là Thị Nở xấu (thậm chí rất xấu). Sở Khanh là kẻ lừa tình. Cả xã hội gật đầu, lên án! Thế nhưng có người nói là “theo chuẩn mực của tôi” thì Thị Nở rất đẹp thì đó chỉ có thể là kẻ… khác người (không chừng bạn Linh sẽ hùa vào nói là “theo chuẩn mực của Linh” thì Sở Khanh chính là “người trong mộng” cũng nên). Đừng nhầm lẫn những biểu hiện của cái đẹp với cái xấu. Cái đẹp có thể tồn tại dưới nhiều dạng thức nhưng nhất quyết cái đẹp phải là sự phủ nhận của cái xấu. Đừng đem cái nhìn phiến diện của mỗi cá nhân, giương ngọn cờ “quan điểm của tôi” rồi khư khư bảo vệ cho những luận điểm đi ngược với chuẩn mực xã hội.

Cũng như vậy, tình dục trước hôn nhân là trước cái được cơ quan chức năng thừa nhận: có đăng ký kết hôn (đám cưới chỉ là “thông báo” của hôn nhân). Không thể đưa ra cái “luận điểm của tôi” đầy phản diện là “chứng nhận giữa hai người kết đôi” (xem bài của bạn Phương Hà) để nói là đã kết hôn. Dù cho có “sự chứng kiến của dư luận” thì vẫn không có pháp luật nào công nhận “hai người kết đôi” đã là vợ chồng. Nếu (chẳng may) hai người ly hôn và chia tài sản, tôi dám chắc rằng Phương Hà có giỏi bao biện đến một nghìn lần cũng không thể đem cái “chứng nhận của hai người kết đôi” (có thể gọi thêm những “bà con xóm giềng” của anh jnguyen đến để “nói cho ra nhẽ”) ra tòa mà đôi co vớ vẩn được. Với đa số các bạn gái, nếu anh chàng họ Sở kia chuẩn bị “xa chạy cao bay” dẫn bạn Phương Hà đến và nói: “em hỏi chị Hà đi, anh và em cùng chứng nhận là “hai người kết đôi” thì các bạn nữ sẽ phản ứng thế nào?

Với bạn Lê Thu Thủy, chuyện bạn “cho, nếu muốn” là tiếng nói của cá nhân bạn, (tôi đã phân tích ở trên, bạn có thể đăng trên Blog). Tôi chỉ nói thêm với bạn về cô Kiều đã tự dằn vặt “sao trước đây không trao thân cho Kim Trọng”, theo lời bạn là trao cho người yêu thương.

Suy nghĩ ấy của nàng Kiều nảy sinh sau lần ê chề với Mã giám sinh, tức khi đã dấn thân vào đoạn trường lưu lạc. Tôi muốn nói tới tính thời điểm. Ngay trong buổi gặp gỡ Kim - Kiều “tình trong như đã mặt ngoài còn e” thì Kiều không hề nghĩ tới việc “chăn gối, trao thân”.

Cũng như đa số các bạn nữ đã trao thân cho người yêu. Khi ấy các bạn đều nghĩ rằng đó là biểu hiện của tình yêu. Chỉ đến thời điểm “thằng khốn ấy nó bỏ tôi” thì các bạn mới choàng tỉnh, muộn màng nhận ra rằng mình đã đặt niềm tin nhầm chỗ. Tôi đặt tình huống gặp mối tình sét đánh thì chắc chắn các bạn không nghĩ tới việc “tới bến” ngay. Chỉ khi yêu lắm rồi, tin là anh ấy sẽ cưới mình lắm rồi thì mới không kiềm chế được. Tôi gọi quãng thời gian ấy là “khúc chuyển giao” và tin rằng trong suốt khúc chuyển giao, phải có rất nhiều sự biến động về suy nghĩ, tình cảm mới dẫn đến việc cô gái tự nguyện trao thân.

Phải thừa nhận rằng bạn Thu Thủy có suy nghĩ rất thoáng, thoáng đến… dựng tóc gáy. Có thể tư tưởng “muốn là cho” của bạn Thủy vài chục năm nữa sẽ lan tỏa và bùng nổ với số phiếu tán thành áp đảo. Nhưng thời điểm hiện tại thì xã hội Việt Nam chưa theo kịp bạn. Bạn đừng quá sốt ruột! Thời điểm chuyện người phụ nữ chỉ quanh quẩn xó bếp đến khi được bình đẳng tham gia các hoạt động xã hội, đất nước phải mất hàng chục, hàng trăm năm. Cũng như thế, từ thời “thuyền theo lái, gái theo chồng” đến thời điểm “muốn là cho” (nếu có tư tưởng này) cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định, không thể rũ bùn đứng dậy ngay được. Chúng ta đang cùng ngồi trên cỗ xe lịch sử, đến thời điểm này sẽ cán mốc A, thời điểm kia sẽ chạm đích B. Bạn Thu Thủy nhảy xuống “cầm đèn chạy trước”, không chừng sẽ phản tác dụng khi bị cỗ xe lịch sử nghiền nát.

Riêng với anh jnguyen, tôi hơi ngạc nhiên vì động cơ của anh bởi jnguyen không phục vụ tiếng nói chung khi anh nói rằng phải “nói tôi trước” vì tôi (PHMH) được “nhiều người nam, cũng như nữ phục nhất” (nên chăng anh cũng như bạn Thủy, đối thoại riêng có lẽ thích hợp hơn). Nên tôi chỉ trao đổi với anh một số vấn đề mà tôi thấy trong bài viết của anh có “biểu hiện của sự khách quan”.

Trước hết với một người tự nhận là “dốt văn” nhưng anh cũng nên bổ sung thêm những kiến thức về lịch sử. Trong bài viết “vừa được ăn, vừa được mắng”, Jnguyen có đề cập đến chi tiết xã hội Việt Nam thời Hai bà Trưng mang tính chất xã hội mẫu quyền. Tôi nói lại là, nhìn chung, xã hội Việt Nam đã chuyển sang chế độ phụ hệ trước thời điểm Hai bà Trưng khởi nghĩa (năm 40) từ hàng trăm năm trước (khi xuất hiện nhà nước), đây là kiến thức sơ đẳng về lịch sử của HS tiểu học. Mong rằng Jnguyen không dẫn những dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên (vẫn chịu ảnh hưởng vệt kéo dài của tư tưởng mẫu quyền) để bảo vệ luận điểm của mình.

Anh Jnguyen cũng như nhiều bạn nữ cùng hô hào cho triết lí sống mới, xét cho cùng đó chỉ là tập hợp của những quan điểm cá nhân, không thể là tiếng nói của cộng đồng và chưa thể đạt đến tầm tiếng nói của thời đại (xem thêm những luận điểm tôi đã trình bày trong “đối thoại” với Phương Linh và Thu Thủy). Kể cả chân lý khi vượt qua, đi trước thời đại cũng phải trả giá rất đắt. Giordano Bruno (1548-1600), Galileo Galilei (1564-1642) là hai nhà khoa học nổi tiếng với những học thuyết về chuyển động quay của các thiên thể đã chấp nhận bước lên giàn hỏa thiêu và giam tới chết trong ngục để bảo vệ lý tưởng của mình. Mãi về sau này thì hai ông mới được xã hội ghi nhận và trở thành những tên tuổi lừng danh. Về tình dục, Việt Nam đang đi sau Mỹ khoảng nửa thế kỷ nên đừng lấy “râu ông Mỹ” cắm “cằm “bà Việt”. Vì vậy, tôi mong bạn (cũng như Thu Thủy) hãy thận trọng, khi thấy không thể “đẩy” xã hội chạy nhanh hơn thì nên dừng lại. Đừng hô hào “cảm tử” theo kiểu “ôm bom ba càng lao vào cỗ xe lịch sử”.

Jnguyen phủ nhận nhân vật Vũ Nương, cho rằng việc Vũ Nương thà chết chứ không chịu mang tiếng oan là “chỉ có ngu mới thế”. Việc jnguyen quyết tâm “hạ bệ một biểu tượng” giống nhưng hành động “bắn súng lục vào quá khứ” (vế sau thì ai cũng biết). Jnguyen nói một cách bừa bãi: “bây giờ là thời nào rồi”? Thời đại nào cũng thế, đều bảo lưu những giá trị bất biến. Không thể nói rằng Vũ Nương cách chúng ta mấy thế kỷ nên phụ nữ bây giờ không cần giữ lại những phẩm giá tối thiểu. Tôi đặt một phản đề về chuẩn mực con cái “một lòng thờ mẹ kính cha”. Đạo lý này đã tồn tại hàng nghìn năm nay và sẽ tiếp tục bất diệt với thời gian. Nếu gắn vào “thời đại của jnguyen” thì có lẽ con cái phải… cầm gậy lùa cha mẹ chạy chối chết không kịp? Những “sản phẩm tư tưởng” mượn thời đại để dựng nên cuộc “cách mạng tư tưởng” thì chỉ có thể tồn tại trong chốc lát rồi sẽ bị xã hội nhanh chóng đào thải. Không hiểu những phụ nữ đứng đầu một đất nước (tổng thống, thủ tướng) có… đánh chồng ngày 3 trận theo nhận thức luận về thời đại của jnguyen (và Thu Thủy) hay không? Phải tự đặt “ngưỡng phát triển” cho mình (trong Kinh tế học gọi là “đường giới hạn khả năng sản xuất”), đừng “vén cao váy” bước qua đạo đức!

Tôi không hiểu jnguyen và Thu Thủy căn cứ vào đâu (vẫn là tiếng nói của “cái tôi”) để nói rằng thời đại này “nam nữ bình đẳng” về… tình dục. Nên nhận thức đúng về “bình đẳng giới” với tình dục! Tôi phản đối tình dục trước hôn nhân bởi đa số đều không tán thành. Hai bạn cứ thử làm một cuộc thăm dò ý kiến thì sẽ có kết quả ngay (đương nhiên là đừng đưa “hòm phiếu” vào nhà thổ cuối xóm anh jnguyen).

Mong rằng ba bạn đọc hết bài của tôi và bình tĩnh “đối thoại”!

Điều cuối cùng tôi muốn giãi bày là qua hai bài viết, tôi đã nhận được khá nhiều thư đồng cảm, chia sẻ của bạn bè. Nhất là những người phản đối thì tôi vẫn coi là bạn. Các bạn đã buộc tôi phải tự đặt ra những câu hỏi thật gai góc trước khi gửi bài đến diễn đàn. Đó là những lời động viên rất cần thiết để tôi có thể tiếp tục sống bằng ngòi bút - một công việc vốn rất mệt nhọc, và tẻ nhạt nữa, của tôi.

PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ
Email: phamhoangmanhha@gmail.com

Chia sẻ