BÀI GỐC Tôi có nên chia tay khi người yêu không còn trinh?

Tôi có nên chia tay khi người yêu không còn trinh?

Tôi bị sốc và đau đớn khi biết cô ấy đã trao thân cho người yêu cũ...

273 Chia sẻ

Phạm Hoàng Mạnh Hà: Trinh tiết, QHTDTHN - Dưới cái nhìn đa chiều (Kỳ 1)

,
Chia sẻ

(aFamily)- Tôi viết bài này trong tư thế không thể im lặng được nữa, vì sao thì tôi sẽ nói ở cuối bài.

Kỳ 1: Đi tìm nguyên nhân của những mâu thuẫn, bất đồng

 

LTG: Tôi viết bài này trong tư thế không thể im lặng được nữa, vì sao thì tôi sẽ nói ở cuối bài.

Một cuộc tranh luận chỉ xảy ra khi cả hai đều có thể sai. Còn một người (nhóm người) luôn khẳng định rằng “đúng 100%”  thì còn tranh luận làm gì!

 

Vĩ thanh của đối thoại

 

Theo thống kê của Mưa Thu, đã có tới hơn 138 bài viết, cộng với hàng nghìn comment thì có thể nói rằng chủ đề này đã thu hút được một lượng độc giả lớn. Tuy nhiên, không phải ý kiến nào cũng bám sát chủ đề, thậm chí nhiều trường hợp người đi sau dẫm vào gót chân người đi trước với những phát hiện mang tính viết lại. Không những thế, ngay cả những người đồng quan điểm cũng có sự mâu thuẫn nhất định. Mặc dù vậy, có hai luồng ý kiến chủ đạo khi bàn về chủ đề này: chấp nhận (theo mức độ) và phủ nhận TDTHN. Để tiện cho bài viết, cũng là không phải liệt kê hàng loạt tên tác giả, tôi tạm gọi những ý kiến phủ nhận TDTHN là “phe cực hữu” và ý kiến còn lại là “liên minh cánh tả”. Mong diễn đàn bỏ qua chi tiết này!


Tôi gọi là “phe cực hữu” và “liên minh cánh tả”, thực ra thì có thể gọi kiểu gì cũng được: nhóm 1 và nhóm 2; tập hợp A và tập hợp B… nhưng tuyệt đối không ấu trĩ như Jnguyen và Thanh Bình: phân theo giới tính. Dù là chấp nhận hay phủ nhận TDTHN thì mỗi luồng ý kiến đều có sự tham gia của cả hai phái. Tôi có thể hiểu Thanh Bình mới tham gia diễn đàn nên chưa có sự rạch ròi, nhưng Jnguyen xuất hiện trên diễn đàn đã khá lâu mà vẫn ngây thơ đến vậy. Các bài viết của Jnguyen đều “đóng đinh” cho những ý kiến phủ nhận TDTHN bằng cụm từ: đàn ông các anh. Thật lạ, không lẽ theo lăng kính của jnguyen những thì người như Phương, Hà Thanh, Midori… đều là “đàn ông các anh” cả hay sao? Vả lại, “liên minh cánh tả” vẫn có sự hiện diện của Vũ Lân, Thanh Bình… đó chứ. Ngay từ bài viết thứ nhất, tôi đã nói rằng đây là sự khác nhau về “hệ tư tưởng”, về suy nghĩ và cách ứng xử, không thể nông cạn phân chia luận điểm theo giới tính như Thanh Bình, Jnguyen được.


Không thể phân chia luận điểm theo giới tính

 

Tôi nhớ trong một cuộc tranh luận nhỏ của Thanh Bình (với Htp), tác giả có vu vạ thế này: “Hay các anh cậy mình là phái mạnh nên ức hiếp phái yếu”. Mong bạn Thanh Bình trung thực với câu hỏi, khi các cô gái như Phương, Hồng, Hồng Nhung… phản ứng trước bài viết của Jnguyen thì ai là phái mạnh? Ai là phái yếu? Chưa kể đến việc Jnguyen, Thanh Bình sử dụng cụm từ “những thằng đàn ông” rất phản cảm. Không nên ỉ thế mình là đàn ông rồi nói năng vung vít. Rất hoan nghênh “phe cực hữu” khi hoàn toàn có thể “ăn miếng trả miếng” bằng cách sử dụng cụm từ tương xứng với “những thằng đàn ông” nhưng “cụm từ tương xứng” ấy đã không xuất hiện.

 

Nhìn chung, tôi (PHMH) được sự “quan tâm” của khá nhiều người. Không kể đến những bình luận thì những bài viết của tôi được khá nhiều phản hồi. Ngoài 3 bài đối thoại trực tiếp mà tôi đã có trao đổi ở bài viết trước. Tôi tiếp tục nhận thêm được những cú “đánh bồi” như “Bài viết của anh Hà có nhiều điểm chưa thuyết phục” (Nguyễn Đức Lợi); bài viết của Ly “Các chị em hãy nhớ: Đừng vì một lần mất trinh mà buông thả”; Sự khác biệt giữa Phạm Hoàng Mạnh Hà và JNguyen” (JNguyen); Phản hồi bài viết "Nếu đã không giữ được trinh tiết thì đừng cãi chày cãi cối" (Hồng Lan); Phản hồi bài viết của anh Phạm Hoàng Mạnh Hà (Nelly). Ngoài ra thì hầu như tác giả nào thuộc “liên minh cảnh tả” cũng đều đẩy tôi vào “phe cực hữu” để cố gắng “đánh hội đồng” theo kiểu bẻ bó đũa.

 

Tôi sẽ không nói lại những vấn đề các bạn đã “phản hồi” vì những gì cần nói tôi đã nói hết ở những bài viết trước. Đúng hay sai? Thuyết phục được bao nhiêu phần trăm (%)? đã có diễn đàn đánh giá. Trong loạt bài phản hồi lần hai (lần một là của bộ ba “xe pháo mã”), tôi hài lòng về thái độ chừng mực và tinh thần xây dựng của Ly và anh Nguyễn Đức Lợi.

 

Bài viết lần này của Jnguyen thì nghiêng về suy diễn, chẳng hiểu anh căn cứ vào đâu để phân ra “sự khác biệt giữa Phạm Hoàng Mạnh Hà và jnguyen”. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy “sự khác biệt” lớn nhất “giữa PHMH và Jnguyen” là tôi luôn cố gắng đầu tư thời gian cho tác phẩm. Như bài thứ 3 tôi đã viết trong vài ngày, nhiều khi chỉ viết được một đoạn ngắn rồi phải gác lại để làm việc khác. Hoàn thành bài viết rồi thì cố gắng dành thời gian sửa lại câu, chữ sao cho ý nhỏ phải nhất quán với “đại ý”; đọc lại nhiều lần nhằm hạn chế tối đa, dù chỉ là sai sót về lỗi chính tả (nhưng vẫn không tránh khỏi). Đấy là cách tôi tôn trọng diễn đàn khi không muốn độc giả phải sử dụng một sản phẩm kém chất lượng và không thể “mời” bạn đọc một thứ “gạo mậu dịch” quá nhiều “sạn”!


Chị em có thể dửng dưng
khi chứng kiến chồng ngoại tình được không?
(hình minh họa bằng tranh dân gian)

 

Phản hồi của Hồng Lan thì không bám sát được vào bài viết “Nếu đã không giữ được trinh tiết thì đừng cãi chày cãi cối” mà nghiêng về bơm to, thổi phồng, đánh bóng “cái tôi” (dung lượng phản hồi chỉ khoảng 1/10) theo kiểu đầu voi đuôi chuột. Bài phản hồi của Hồng Lan (về bài viết thứ hai của tôi) khá dài nhưng dành phần lớn dung lượng cho bản “sơ yếu lí lịch” bất đắc dĩ. Tôi không thể gọi tên chính xác bài viết của Hồng Lan: không thuần đối thoại cũng chẳng phải xã luận, ảnh hưởng một chút của nhật ký và mang dáng dấp một bản tự thuật. Nhưng rõ ràng chân dung Hồng Lan hiện lên khá đầy đủ: 28 tuổi, xinh đẹp, thành đạt, đam mê công việc, chưa lập gia đình, sinh trưởng ở một làng quê, trong một gia đình nền nếp, được sự dạy dỗ chu đáo của bố mẹ, nhà có 2 chị em… Những thông tin Hồng Lan lồng vào bài viết sẽ rất có tác dụng nếu bạn cắt ra làm hai phần. Khoảng 1/10 dung lượng bài viết phản hồi tôi, còn lại thì gửi cho chuyên mục “Tìm bạn bốn phương” chắc chắn sẽ phát huy tác dụng một cách triệt để.

 

Riêng bài của Nelly thì đúng là “treo đầu dê bán thịt chó” thực sự. Nelly giật cái tên PHMH lên tiêu đề nghe âm vang như gõ vào chiếc thùng rỗng, hoành tráng lắm nhưng chẳng thấy đề cập đến những bài viết của tôi, dù chỉ là những tiểu tiết như câu, chữ… Dù sao thì màn “nổ pháo miệng” của Nelly, nhìn cũng thấy… vui mắt.

 

Vũ Nam Phương xuất hiện trên diễn đàn khá muộn nhưng tỏ ra rất hăng hái. Tôi dám chắc rằng tác giả “đi tắt đón đầu”, chưa đọc hết tất cả các bài trên diễn đàn. Không hiểu Nam Phương căn cứ vào đâu mà có thể nói về tôi khá rành rọt: thuộc thế hệ 8x, điển trai và là nhà báo có tiềm năng (thậm chí còn bàn cả về những thủ thuật viết báo), không những thế, “anh Hà sẽ thực sự cảm thấy hạnh phúc khi trong đêm tân hôn phát hiện ra vợ mình còn “zin”, “xịn (phải chăng Nam Phương là bút danh một đồng nghiệp của tôi?).

 

Trước hết, xin cám ơn chị về khoản “điển trai” và “có tiềm năng”, nhưng tôi vẫn muốn chị đọc kỹ lại các bài viết của tôi. Tôi phản đối TDTHN không có nghĩa là tôi phủ nhận một cô gái không còn trinh nguyên. Midori và Hà Thanh có nêu câu hỏi cho tác giả Nam Phương “có biết anh Hà không?”; đến lúc này vẫn chưa nhận được câu trả lời. Tôi biết rằng Nam Phương không thể dối lòng để nói “có” nên xin trả lời thay cho chị: Tôi không quen biết gì Nam Phương cả; những lời nhận xét của Nam Phương về tôi hoàn toàn mang tính tù mù theo kiểu võ đoán. Tôi rất ngạc nhiên khi Nam Phương còn không nắm được thông tin về bản thân mình, nhưng lại tỏ ra biết rõ người khác. Trong bài viết mới nhất, tác giả thổ lộ: “…những thế hệ 7x, 6x như chúng tôi…” đọc cả 4 bài của Nam Phương vẫn không thể biết được rốt ráo thì bạn thuộc thế hệ 7x hay 6x? Hay Nam Phương được hoài thai trong hơn một thập kỷ nên thuộc cả hai thế hệ, vắt từ 6x sang 7x?


Những ý kiến bất đồng đã khiến chủ đề rối như mê cung

 

Chính những câu nói lập lờ theo kiểu tung hỏa mù, dễ gây hiểu nhầm cho độc giả đã làm giảm giá trị những bài viết của Nam Phương. Tôi nhớ trong chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ có rải những sợi dây kim tuyến giăng mắc khắp không gian hòng làm nhiễu ra đa quân cách mạng. Những sợi kim tuyến lóng lánh, mù trời mù đất, che hết cả tầm nhìn, thoạt trông thì hãi lắm nhưng vo lại thì không được một vốc tay. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nam Phương đã tung lên diễn đàn tới 4 bài viết (và không ít những bình luận), với cách diễn đạt đa dạng: xã luận, phản hồi và cả một đoạn đối thoại giả tưởng (tôi không gọi là tiểu phẩm). Giá như Nam Phương có sự chín chắn cần thiết, bình tĩnh đón nhận thông tin phản hồi thì chắc chắn những bài viết sau sẽ không sa đà vào những tiểu tiết vụn vặt, hết “có vài lời” với người này lại khuyên người khác “học cách khiêm tốn”... Gần đây nhất, Vũ Lân cũng đang “ném bom rải thảm” theo kiểu này.

 

Sự “tảo sinh” vội vã các bài viết khiến cho dụng ý của Nam Phương cũng chỉ như những sợi dây kim tuyến mà tôi đã nói ở trên, chẳng có tác dụng gì nhiều. Đến lúc này thì tiếng nói của Nam Phương không còn vì diễn đàn nữa mà chỉ còn là một cuộc khẩu chiến với MChâu, tư tưởng nhân đạo của Nam Phương rốt ráo đã bị chìm lấp bởi “cái tôi” háo thắng của chính tác giả. Từ cái nhìn bao dung trong bài viết thứ nhất đến đến bài viết thứ tư, không còn hình ảnh Nam Phương nữa mà đã trở thành một võ sĩ xông xáo, đánh bên này, đỡ bên kia, quyết chiến đấu tới cùng và sẵn sàng ăn thua đủ.

 

Bài viết của Gina “Đừng phân loại phục nữ bằng trinh tiết” đầy ắp tình cảm của cái gọi là “thiên tính nữ”, dường như đã vươn tới được cái nhìn “từ hai phía”. Không ít chị em đã hài lòng với cách ứng xử của tác giả bởi câu nói của Gina được trích dẫn khá nhiều: “Nếu không đồng cảm thì hãy quay lưng bỏ đi đừng giáng thêm cho chúng tôi những lời dè bỉu để đẩy thẳng chúng tôi xuống hố sâu của mặc cảm tội lỗi”. Sự thực thì hành động “quay lưng bỏ đi và không giáng thêm những lời dè bỉu”, “phe cực hữu” cũng như “liên minh cánh tả” đã thực hiện khá nhiều. Một lần tôi đến thăm đứa em đang học ĐH, xóm trọ của cậu ta có sự xuất hiện của hai cô gái gọi cao cấp. Việc bồ bịch diễn ra như cơm bữa nhưng mười mấy con người đều cảm thấy dửng dưng. Cánh SV nam đã thản nhiên quay lưng bỏ đi trước những lần hai cô “đi khách” ngay trong phòng trọ. Tuy nhiên, hầu như tất cả các anh chàng đều cảm thấy “trái tim bị bót nghẹt” khi chứng kiến người yêu của mình tiếp xúc với người đàn ông khác, dù chỉ là những cuộc nói chuyện bè bạn. Đó là những phản ứng có điều kiện rất đỗi bình thường của cảm giác ghen - một phần không thể thiếu của tình yêu; còn nên ghen ở mức nào thì tôi chưa bàn đến.

 

Câu chuyện tôi dẫn ra rất phổ biến. Sự thực thì chúng ta chỉ có thể dửng dưng khi cô gái ấy là một người không liên quan đến mình. Còn với người con gái mình đang yêu, thề non hẹn biển, thêu dệt bao nhiêu mộng đẹp, đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ… chỉ một thời gian ngắn nữa là tình yêu đơm hoa kết trái thì đùng một cái! cô gái thủ thỉ “em đã từng “lên giường” với một người đàn ông khác” - tôi dám chắc rằng bất kì người đàn ông nào khi nghe người yêu thổ lộ điều ấy thì trước tiên là thấy bầu trời quay cuồng, sau nữa là đất dưới chân đổ sụp từng mảng, thậm chí chết đứng như Từ Hải…

 

Những “phản ứng tình cảm có điều kiện” như thế rất bình thường. Cũng như chị em, khi chứng kiến chồng mình đang ngoại tình. Mỗi chị sẽ có những phản ứng khác nhau; người không giữ được bình tĩnh thì có màn phá cửa xông vào “xé xác con nặc nô”; người thì chết lặng ngay sau cánh cửa với những giọt nước mắt uất hận. Sau đó là màn “tổng sỉ vả” ông chồng rồi hoặc tha thứ, hoặc ra tòa. Không ai có thể dửng dưng trước thông tin ấy được. Mong muốn của Gina là chính đáng nhưng không thực tế. Nếu anh nào (chị nào) có thể dửng dưng rồi “quay lưng bỏ đi” trong những tình huống này thì chỉ có thể là người không yêu thực sự, hoặc là những con “rô bôt”: nạp năng lượng, bấm nút, người máy sẽ quay lưng bỏ đi, thậm chí không thèm ngoái lại.

 

Tôi hoàn thành đoạn này vào lúc 2h sáng, vừa viết vừa ngủ gật. Vả lại cũng là thủ tục khi có người phản hồi thì phải hồi đáp. Bài viết lần này tôi muốn có một cái nhìn đa diện nên những trao đổi hai chiều chưa thể nói hết. Tôi tạm thời gác lại những đối thoại cá nhân để tập trung bút lực vào phần sau.

 

Vì sao diễn đàn không thể có tiếng nói chung?

 

Thật mừng khi chủ đề có sự góp mặt của đông đảo lứa tuổi và nghề nghiệp. Từ Vũ Minh Đức đang học lớp 12 đến cả những người đã có cháu ngoại; từ những người đã có gia đình, con cái đến những người đang chớm bước vào yêu. Rồi thì luật sư, giáo viên, nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên, và cả nữ thi sĩ trẻ “về trong sương gió”… Trên cái nền khá rộng này đã góp cho diễn đàn những tiếng nói rất phong phú. Tuy nhiên, vì là diễn đàn mở nên việc tự do phát ngôn manh dáng dấp của hành động “đuổi gấu ăn mặt trăng” (hiện tượng “nguyệt thực” đã từng được nhìn nhận như thế): ai nghĩ thế nào nói thế ấy, có dụng cụ nào thì cứ việc gõ ầm ĩ cả lên. Các tác giả quá say sưa trong việc trình bày những quan điểm mà hình như chưa có sự nghỉ ngơi để lắng nghe những phản hồi, đặc biệt là những hệ lụy từ chính những bài viết của mình.

 

Điều đầu tiên tôi muốn nói là sự khác biệt về tư thế của tác giả bài viết. Có tác giả nhìn nhận TDTHN dưới góc độ một người đang yêu, có kẻ nhìn dưới góc độ một người chồng có vợ đã quan hệ trước khi đến với mình; có người nhìn với góc độ một người cha, người anh; có tác giả viết dưới góc độ 1 cô gái đã không may mắn trong tình cảm… Vậy nên chủ đề cứ lan rộng mãi ra. Tư thế của một người cha nói với cô con gái sẽ khác với cách nói của người mẹ. Lời nói của một người luôn tâm niệm không vượt rào sẽ đối lập với kẻ chỉ nhăm nhăm “phá” càng nhiều càng thích. Một cô gái trẻ bước vào diễn đàn chia sẻ tâm sự với mong muốn nhận được những lời khuyên, trong khi cô gái đã từng có quan hệ với người khác giới lại mong một sự lắng nghe và thấu hiểu… Đã rất nhiều tôi kêu gọi diễn đàn hãy dùng con mắt của kẻ ngoài cuộc để có cái nhìn đa diện, nhưng điều này gần như không thể. Những tác giả như Gina; DT (Đừng lấy màng trinh làm vương miện đội lên đầu) đã cố gắng nhìn sự việc ở hai khía cạnh nhưng chủ đề này cần một cái nhìn đa chiều, tức nhiều hơn góc nhìn từ 2 phía.

 

Nguyên nhân thứ hai là bản chất việc đánh mất trinh tiết. Đành rằng bài viết gốc nêu vấn đề chưa rõ ràng: Tôi có nên chia tay khi người yêu không còn trinh. Nhưng ngay ở bài viết đầu tiên, tôi đã nói rất rõ: “trừ những trường hợp “mất trinh vô thức”: bẩm sinh không có, chơi thể thao quá đà, hồi nhỏ “tự sướng”…”, không có ai ngây thơ đến mức nhầm lẫn bản chất các trường hợp này cả. Ngay cả một người gay gắt như anh Thành cũng nói rất rõ: “Đối với những cô gái không còn trinh do tai nạn (chứng minh được) thì ta nên chấp nhận và thông cảm cho họ, dù sao đi nữa thì cũng do tai nạn mà thôi”. Bài viết khá mới của Nguyễn.V.D khi bày tỏ băn khoăn: “Một ngày cô ấy nói: “Em đã không còn cái quý giá nhất của người con gái nữa” thì chúng ta đều hiểu rằng bạn gái của Nguyễn.V.D không còn trinh tiết là do trước đó đã trao thân.

 

Vậy nên tôi hơi bất ngờ khi Candy (và Vũ Lân) đầu tư thời gian giải thích về cái gọi là “mất trinh vô thức”: “làm rách nó dễ lắm, tôi đạp xe nhé, tôi bị ngã nhé... hay tôi thò tay vào cũng làm nó rách được”. Dường như Candy chưa hiểu diễn đàn đang bàn về chủ đề gì. Tương tự, tác giả Thanh Bình “đăng lại một câu chuyện” để chứng mình cho mệnh đề (được bôi chữ màu đỏ), đại ý là: không phải quan hệ nào cũng là quan hệ tình dục. Hình như sức đọc của Thanh Bình hơi ít nên bạn chưa tìm hiểu về “chủ đề nhánh” này. Ở những bài viết trước, diễn đàn đã đề cập đến “Có cách quan hệ đạt cực khoái mà không bị mất trinh” (Lâm Vũ) và nhiều hình thức giải tỏa khác như “sex tay”, “sex miệng” cùng vô số khái niệm công cụ tình dục, búp bê tình dục… Chẳng có ai “ngu ngốc và quá đỗi giản đơn” (lời Thanh Bình) lật lại vấn đề này cả.

 

Một nguyên nhân nữa khiến cho diễn đàn ngày càng bung bét là “cách đọc” của các tác giả. Hình thức tiếp nhận thông tin phổ biến vẫn là bám vào một (hoặc vài) luận điểm để phê phán rồi phủ nhận sạch sẽ ý kiến của người viết trước theo kiểu “xóa đi làm lại”. Jnguyen, MChâu, Vũ Nam Phương là ba đỉnh cho mô hình hoàn hảo nhất của cái tam giác đều này. Sau loạt bài đối thoại với tôi, Jnguyen trở lại diễn đàn và phủ nhận tuyết đối các nick Hoàng, Trung, Htp; đến bài viết của MChâu thì từ một Jnguyen bênh vực phái yếu đã bị biến thành “xỏ lá”, “đểu cáng” và “đầu độc cả thế hệ trẻ”. Dưới ngòi bút của Vũ Nam Phương thì MChâu được nhận diện là “không có sự khiêm tốn cần thiết”, tự huyễn hoặc mình và “không mặc quần vươn mình tỏa sáng”…

 

 Kiểu phê bình “đập tan, xây mới” này rất phiến diện và cho thấy tác giả chưa biết (hay cố tình không biết) “lọc thông tin”. Tôi thấy rằng mỗi bài viết, bên cạnh những ý kiến bất cập đều có ít nhiều những luận điểm đúng đắn. Nên tránh phản hồi theo kiểu phủi bụi khi tung hê toàn bộ bài viết của người viết trước dẫn đến tiếp diễn tình trạng nói qua nói lại và ngày càng găy gắt, lạc đề.

 

Một nguyên nhân khác là khác biệt trong điểm nhìn về đối tượng. Điểm thiếu sót dẫn đến tình trạng cực đoan trên diễn đàn là chỉ chạy trên một đường thằng. “Phe cực hữu” chủ yếu nhìn vào những cô gái trẻ và nhất nhất phản đối TDTHN dù với bất kì lí do gì; “liên minh cánh tả” thì nhìn vào những cô gái đã đánh mất trinh tiết để đề cập đến cái gọi là “hành lang của sự bao dung”. Điểm nhìn này mang dáng dấp của những vòng tròn khép kín nên không có những điểm giao nhau. Chính sự khác biệt ấy đã đẩy những bất đồng lên mức độ cao hơn. Có người đánh đồng tất cả những ý kiến kêu gọi sự thông cảm với các cô gái đã đánh mất trinh tiết rồi gán cho tư tưởng “ủng hộ TDTHN”. Ở trạng thái đối lập thì bất cứ ai phản đối TDTHN đều bị chụp mũ cổ hủ, bảo thủ, lạc hậu cả. Dẫn đến những cuộc “bút chiến” bất tận, thậm chí mạt sát lẫn nhau…

 

“Cái tôi” của người tham gia diễn đàn cũng là một nguyên nhân không thể tìm được tiếng nói chung. Không ít tác giả bày tỏ quan điểm bằng sự độc tôn của chủ nghĩa cá nhân. Tôi chỉ xin bàn đến Thần Trung và Candy. Có thể nói rằng trong thời điểm hiện tại, có tìm đỏ mắt cũng khó kiếm được người có quan điểm như Thần Trung. Tôi rất ấn tượng với Thần Trung khi cả bạn và người yêu đều quyết không vượt rào. Thần Trung có thể tung hô, cổ vũ cho TDTHN để cùng kéo cô người yêu vào cuộc như nhiều anh chàng họ Sở lắm chứ. Quan điểm ấy, xét dưới góc độ một người đàn ông, tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều nên có sự trân trọng nhất định. Suy nghĩ của anh Thần Trung rất đúng, nhưng đúng một cách… rất lý thuyết.

 

Trái ngược với Thần Trung là quan điểm của Candy, khi Candy được mẹ cô định hướng là “làm điều đó với người mình yêu” (không phải chồng). Chẳng biết có bao nhiêu bà mẹ định hướng cho con cái như thế? và bao nhiêu cô gái làm theo lời mẹ? Nhưng quan điểm của Candy rất thiếu thực tế, mang nặng tính bao biện. Tôi “kính nhi viễn chi” (kính, nhưng đứng xa nhìn) với quan điểm của bạn.

 

Cũng cần phải xác định rạch ròi chủ thể của việc mất trinh. Không ít người đã đặt ra những phản đề như: đàn ông “mất trinh” cũng không đáng lấy làm chồng; tại sao chỉ phê phán phụ nữ mà không phê phán đàn ông? phải có hai bàn tay thì mới vỗ được chứ?... Những ý kiến này hoàn toàn chính đáng nhưng không bám sát chủ đề. Tôi rất mong sẽ được tham gia một chủ đề khác, đại loại như: có chấp nhận một chàng “Đông-Gioăng” hiện đại?...

 

Ở bài viết trước (PHMH phản hồi về trinh tiết), tôi đã đề cập đến đối tượng của chủ đề. Điểm rất dễ nhận thấy là gần như tuyệt đối các ý kiến đều không nhắc đến đối tượng là các cô gái “bèo dạt mây trôi” cũng như các cô gái gặp tai nạn trong cuộc sống (không phải trong tình yêu - PHMH nhấn mạnh); đó là trường hợp những cô gái bị cưỡng hiếp dẫn đến mất trinh tiết. Tuy nhiên, việc loại bỏ hai đối tượng vẫn khiến cho đối tượng của chủ đề còn quá rộng.

 

Như tôi đã bày tỏ sự vui mừng khi có rất nhiều ý kiến gửi về địa chỉ phamhoangmanhha@gmail.com sau khi loạt bài của tôi được khởi đăng. Có bức thư là lời động viên, chia sẻ, đồng cảm; cũng có những câu chuyện buồn đẫm nước mắt. Được sự đồng ý của chủ nhân, tôi xin trích dẫn một số bức thư ấy (xin được giấu tên thật).

 

Câu chuyện thứ nhất của một cô gái trẻ: “Em nghĩ rằng em sẽ không lấy ai nữa vì em đã không thể quên đi chuyện cũ. Em không thể giả vờ trong trắng để có được hạnh phúc… Anh Hà ơi, những người như em không còn giá trị gì nữa phải không. Em đáng chết lắm phải không anh?

 

Tâm sự cũng của một cô gái trẻ, rất trẻ là khác: “Với sự quan sát cuộc sống và những người xung quanh em thì QHTD đã khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Đọc bài viết của anh, em thấy rất hay và có ý nghĩa, anh đã nói lên ý kiến và quan điểm của mình giúp em thêm tự tin về những suy nghĩ. Cám ơn anh Hà đã chỉ cho em những định hướng đúng đắn để tự tin bước vào cuộc sống, bước vào tình yêu”.

 

Câu chuyện thứ ba của một phụ nữ đã ngoài 30: Hiện đang rất giàu có nhưng chưa có chồng. Chủ một cửa hàng lớn và không phải lo lắng về tiền bạc. Theo lời chị thì nhu cầu tình dục rất lớn và chấp nhận sự qua lại với vài người đàn ông. “Anh Hà ạ! Tôi không thiếu tiền, chưa bao giờ tôi lấy một đồng nào khi ngủ với họ cả. Nhưng tôi không phải Cave - Cave quan hệ chỉ cốt lấy tiền. Còn tôi, nếu không được giải tỏa sinh lý thì sẽ rất ức chế”.

 

Còn rất nhiều đối tượng khác nữa nhưng trong việc đi tìm câu trả lời cho những mâu thuân, bất đồng. Tôi chỉ trích dẫn ba trong số rất nhiều câu chuyện (cũng là những phản ứng trái chiều) mà tôi nhận được; đại diện cho những nhóm đối tượng mà diễn đàn đã không thể tìm được tiếng nói chung. Đây chính là cái nút thắt khó tháo gỡ nhất mà “phe cực hữu” cũng như “liên minh cánh tả” đều có những sự nhập nhằng, đánh bùn sang ao nhất định, nhầm lẫn về đối tượng của chủ đề. Tôi chưa thấy bài viết nào có đủ độ khái quát cần thiết để có sự nhìn nhận thỏa đáng trong việc đặt “hệ quy chiếu” cho cả 3 đối tượng. Tôi xin mở ngoặc đơn ( ) rằng, tôi mới chỉ tạm dẫn ra 3 trường hợp và sẽ tiếp tục đưa ra thêm nhiều nhóm đối tượng trong kỳ II.

 

Câu chuyện thứ nhất chính là nguyên nhân căn bản khiến tôi không thể im lặng được nữa. Khi đối tượng là những cô gái trẻ chưa va chạm, tôi không thể khuyến khích TDTHN nhưng cũng không thể vô cảm với nỗi đau của những cô gái đã từng gặp tai nạn trong tình cảm. Cần phải một có cái nhìn khái quát về đối tượng của chủ đề, tôi sẽ cùng với diễn đàn đi thẳng vào “mê hồn trận” nhằm có thể tìm ra được một tiếng nói chung nhất. Đây cũng là nội dung chính của bài viết: trinh tiết, TDTHN - dưới cái nhìn đa chiều; tôi sẽ trình bày luận điểm của mình ở kỳ 2.

 

Đón đọc kỳ 2: Nhìn nhận đúng đắn về tình dục trước hôn nhân.

 

Tác giả: Phạm Hoàng Mạnh Hà

Email: phamhoangmanhha@gmail.com


Chia sẻ