BÀI GỐC Mẹ bỏ theo trai và đòi chúng tôi trả tiền công... nuôi nấng

Mẹ bỏ theo trai và đòi chúng tôi trả tiền công... nuôi nấng

(aFamily)- Điều mà con còn đau đớn hơn gấp trăm, gấp ngàn lần hơn, đó là cái khoảnh khắc mà Mẹ cầm 200 triệu đòi con trả công nuôi nấng và cất đi.

20 Chia sẻ

Những đứa trẻ không có tuổi thơ!

,
Chia sẻ

(aFamily)- Tôi giữ lời hứa khi không tiết lộ nhưng thông tin cá nhân, còn lời khuyên cho em sao khó quá, bởi tôi không thể đi chệch khỏi những “quỹ đạo” mà em đã nghe được từ bạn bè xung quanh.

Những đứa trẻ không có tuổi thơ!

Viết tặng Mây trắng

Sẽ có hai con đường, cũng là hai lối mòn mở ra trước mắt. Tuổi thơ cay cực hoặc sẽ cho chúng nghị lực; hoặc đem đến tự ti, mặc cảm rồi hư hỏng một cách… ngẫu nhiên.

LTG. Thêm một lời động viên, liệu có làm em thấy ấm lòng! Chẳng hiểu sao tôi không muốn chia sẻ của tôi dành cho em chỉ dừng ở mức độ những lời nói theo quán tính, tôi muốn làm hơn thế!

Đối diện với tôi là một cô gái - có thể tạm hài lòng với chữ “đối diện” - thời đại bùng nổ thông tin, con người ta có thể trò chuyện thoải mái chỉ sau một động tác bấm máy.

Lẽ ra ở cái tuổi tôi cũng như cô thì câu chuyện phải sôi nổi lắm, phải nói năng văng mạng, tào lao xích đế trên trời dưới biển và thỉnh thoảng xen vào những lời đưa đẩy tình tứ. Nhưng không, câu chuyện rất gượng gạo - toàn những vấn đề vu vơ, đại để như lời hỏi thăm sức khỏe đầy khách sáo, rồi hăng hái một cách giả tạo khi cùng nhau “mổ xẻ” một vấn đề mà chẳng ai là người “trong cuộc”.

Qua lời kể thì cô là độc giả khá thường xuyên của Afamily. Dù chưa đứng tên thật dưới mỗi câu chuyện nhưng cô không bỏ sót bất kỳ bài nào trong mục “Tâm sự”. Câu chuyện đã trở nên gần gũi và thân mật hơn, đúng lúc cả tôi và cô đều thấy rằng có thể tạm thời nhấc cái hàng rào vô hình ra chỗ khác thì phải dừng lại. Hình như, tôi đã hăng hái quá mức nên cứ say sưa bàn luận về các tình huống mà không để ý tới những phản ứng của cô.

Chủ đề “mẹ bỏ theo trai và đòi chúng tôi tiền công nuôi nấng” khiến câu chuyện đột ngột bị gián đoạn. Bất chợt, cô gửi đến tôi một bài viết - chính xác hơn là bức thư - rồi thoát nick nhanh như chạy trốn. Vô lý quá, không lẽ “cô nàng” bận đến thế! Gấp gáp bao nhiêu đi nữa thì cũng phải chờ tôi gõ hai chữ “tạm biệt” chứ? Tôi đọc lướt qua câu chuyện mới vỡ lẽ: cô không muốn tôi hỏi thêm bất cứ điều gì...!

Tâm trạng của cô chắc cũng giống như bao người khác khi nén nước mắt gõ những lời tâm sự gửi đến chủ đề “mẹ bỏ theo trai và đòi chúng tôi tiền công nuôi nấng”. Tôi đã định copy lại nguyên vẹn câu chuyện và gửi đến một tờ báo nhưng rồi lại thôi, ngẫm ra thì một ký ức buồn khó có thể khuấy động người đọc vốn gần như đã bão hòa với những chuyện chướng tai gai mắt.

Bạo lực gia đình cùng những lời tổng sỉ vả đã theo cô
đi suốt tháng năm tuổi thơ, vắt cả những thời khắc thanh xuân của thiếu nữ.
 
Chẳng phải thời gian gần đây báo chí nước nhà đã đưa ra ánh sáng không ít sự việc trái luân thường khi có bà mẹ ngoài ngũ tuần đang tâm đem bán con gái mình cho nhà chứa. Tàn ác hơn nữa, bà ta còn là đầu nậu (trong việc dẫn khách) và kiêm luôn vai trò bảo kê khi canh me con gái sát nút (sợ con bỏ trốn). Tuổi xuân của con gái bà là những tháng ngày vật vã, qua tay hết người này tới kẻ khác. Những đồng tiền nhơ nhớp kiếm từ việc kinh doanh thân xác con gái, được bà ta ném hết vào chiếu bạc. Sự việc kéo dài hàng năm ròng mới bị lộ. Trước cơ quan an ninh, bà ta trả lời ráo hoảnh: con tôi, tôi muốn làm gì chẳng được.

Có thể nhiều người sẽ hoài nghi tính chân thực bởi hệ quả của việc “tam sao thất bản”; nhưng tôi đã “tai nghe mắt thấy” không ít câu chuyện tưởng như còn sót lại từ thời mông muội. Ở một huyện miền núi trên mảnh đất trung du, hủ tục bỏ con man rợ vẫn tồn tại đầy nhức nhối. Theo quan niệm của đồng bào thiểu số nơi đây, khi đứa trẻ sinh ra, chân chưa chạm đất thì chưa được tính bằng kiếp người. Vậy nên, có những bà mẹ trẻ hoang thai, không thể đứng vững trong sự khinh miệt của cộng đồng… đành đan một chiếc rổ tre, đặt sinh linh nhỏ bé vào, treo lên cành cây rồi… bỏ mặc. Hành động ấy, họ làm gần như vô thức vì được sự yểm trợ ghê gớm của thần quyền.

Câu chuyện về cô gái đã gửi thư cho tôi không phải vậy. Thậm chí, nếu cô lập gia đình từ khi hết tuổi vị thành niên thì con cái bây giờ đã lên 10. Bằng tuổi một cậu bé tôi gặp cách đây vài tháng. Đợt ấy, dư luận cũng xôn xao khi bà mẹ trẻ sử dụng ngay đứa con trai mình vào việc vận chuyển ma túy. Đứa trẻ học lớp 5, ngu ngơ cầm hai bánh heroin “mẹ cháu bảo đem đến cho chú X”. Lực lượng điều tra tiến hành vây bắt thì bà mẹ trẻ đã trốn thoát. Những sự việc kiểu như thế, giờ nào có thiếu gì?

Tôi cũng từng nghẹn ứ trong cổ họng khi nghe một tâm sự về nơi chúng ta vẫn gọi là quê hương. Ký ức về những đêm đông buốt giá, hai mẹ con bị bố đóng chặt cửa không cho vào nhà, và cả những cơn ác mộng, hình ảnh bố đánh mẹ tím mặt đã im đậm trong hành trang cô bước vào đời. Cô đã không thể gọi nơi mình sinh ra bằng những từ “gia đình”, “tổ ấm”… Bạo lực gia đình cùng những lời tổng sỉ vả đã theo cô đi suốt tháng năm tuổi thơ, vắt cả những thời khắc thanh xuân của thiếu nữ. Đến thời điểm này, công đã thành, danh đã toại nhưng cô vẫn không dám lập gia đình vì chưa xóa được nỗi sợ hãi về người khác giới khi hình ảnh ông bố vũ phu luôn hiện về.

Câu chuyện mà cô gái gửi đến cho tôi cũng đầy những uất ức về các đấng sinh thành, nhưng không phải từ người mẹ (cô đã có một “bà má” rất tuyệt vời): nguyên nhân bạo lực trong gia đình cô do người cha. Tôi bỏ bức thư, châm thuốc và thả khói mù mụt. Qua làn khói, tòa cao ốc trước mắt chập chờn ẩn hiện. Hình như cách đây gần một thập kỷ, trong vụ sập nhà (cũng một tòa nhà cao tầng), đội cứu hộ đã tìm thấy từ đống đổ nát xác một thiếu phụ trẻ. Cô đón nhận cái chết trong tư thế hiên ngang đến rùng rợn: hai tay ôm chặt đứa con thơ vào lòng, quay tấm lưng bà mẹ trẻ lên trên…

Họ cam chịu, nhẫn nhục dưới “ách thống trị”
vô cùng hà khắc của “tên bạo chúa”

Người ta đã không thể cứu được cô, đứa trẻ thì may mắn hơn. Trong túi áo đứa trẻ có một mảnh giấy nhỏ ghi vội mấy chữ: Con yêu của mẹ! Nếu con còn sống thì hãy nhớ rằng mẹ yêu con nhất trên đời…! Chao ôi là tình mẫu tử! Ai có thể đặt nó lên bàn của tôi? Tôi muốn biết nó hình thù thế nào mà bà mẹ trẻ kia trong giờ khắc cận kề cái chết vẫn yêu đứa con thơ đến vậy!

Lần khác, tôi ghé qua một làng quê bình yên - nơi đó, Thành hoàng làng xuất thân từ nghề ăn xin, tay bị, tay gậy rảo khắp các hang cùng ngõ hẻm. Trải qua thời gian, “lợi nhuận” thu được từ hành động tưởng nhớ vị tổ sáng lập làng đã biến tín ngưỡng này thành nghề kiếm sống thực sự. Bà bán nước đầu làng kể cho tôi nghe về gia đình nọ, chỉ trong lễ hội Phủ Giày, “hội cái bang gia đình” đã xin được cả chục triệu đồng. Để thăng hoa với… nghề, một đứa trẻ mới lên 3 đã phải theo bước chân “hành khất” của cha mẹ bất kể mưa giông, nắng cháy. Bà mẹ vô nhân tính đặt đứa con thơ trong một cái thúng, bên vệ đường. Khách thập phương qua lại, động lòng từ bi hả xỉ thì thảy vào một tờ giấy bạc. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt, lả đi vì đói. Bà mẹ cố thủ trong bóng râm, khi nào chiếc thúng kha khá tiền thì ra lấy về, tỉ mẩn vuốt thẳng lại từng đồng bạc, cuộn trong mấy lớp khăn tay rồi nhét thẳng vào túi.

Lâu nay tôi cứ nghĩ nạn bạo hành gia đình thường chỉ xảy ra ở những trình độ văn hóa thấp, lạc hậu. Đời sống tinh thần nghèo nàn cùng sự quẫn bách về vật chất dễ khiến con người ta hình thành tính khí cục cằn, thô lỗ (?)… nhưng hóa ra không phải! Ngày còn là sinh viên, tôi có anh bạn ở trọ tại một vùng ngoại ô Hà Nội. Đến nhà anh chơi nhiều, tôi cũng quen dần với việc phải chứng kiến đòn roi khủng khiếp từ ngôi nhà cách cơ ngơi của anh không đầy 5 phút đi bộ.

Trong ngôi nhà đó, ông bố vũ phu nắm trong tay cả quyền “lập pháp” và “hành pháp”; công cụ để trấn áp vợ con là roi mây và những cái bạt tai tới tấp mà lý do chỉ vì… chậm nghe lời. Bốn mẹ con cam chịu, nhẫn nhục dưới “ách thống trị” vô cùng hà khắc của “tên bạo chúa”. Vài năm sau thì anh bạn tôi chuyển nhà nên đã không được chứng kiến cuộc ly hôn… xưa nay hiếm. Ông ta bỏ vợ theo bồ, sau khi đã lấy gần như toàn bộ tài sản mà người vợ tảo tần gây dựng nên suốt những năm dài cay cực.

Thêm một lời động viên, liệu có làm em thấy ấm lòng!

Cô gái mà tôi đề cập ở đầu bài viết cũng có hoàn cảnh gần như thế, chỉ khác một chút là cô có hai chị em. Hơn nữa, cuộc bạo hành trong gia đình từ phía người bố, dù là vô cùng cay đắng và khốc liệt nhưng hàng xóm láng giềng ít biết bởi sự màn kịch giả tạo đến mức xảo quyệt của cha cô được dựng lên rất hoàn hảo.

Sự độc ác của kẻ có học bao giờ cũng thâm sâu hơn những người ít chữ. Nó được che đậy bằng thứ đạo đức giả dối nhưng lại vừa đủ để bịt mắt thế gian. Chỉ những người trong cuộc mới biết rằng đằng sau cái “hạnh phúc gia đình” kia là những đợt sóng ngầm dữ đội cuốn phăng cả tuổi thơ con trẻ. Đúng là có những ông bố được học hành nghiêm chỉnh, bằng cấp xênh xang nhưng luôn dạy vợ con theo cách hành xử… chợ búa: gọi vợ bằng “con” và kêu ái tử bằng “mày”. Ấy thế nhưng, sau trận đòn bê-xê-lết dành cho vợ cùng cơn mưa thắt lưng da quất túi bụi xuống lưng con trai, đã bình thản như không; ông ta ngay lập tức lấy lại sự điềm đạm trong mắt thiên hạ khi có người hàng xóm qua chơi: đon đả chè nước, tíu tít hỏi thăm… thậm chí, ông còn tận tay bưng chén nước đến cho vợ cùng những câu nói ngọt ngào tưởng đầy ắp yêu thương. Bà vợ buộc phải cầm chén nước sau cái lừ mắt của “ông xã”, nhấp một ngụm nhỏ rồi nôn thốc nôn tháo ra nhà. Bà cảm thấy kinh sợ “đạo đức” của một trang “quân tử”.

Chủ nhân bức thư gửi đến tôi cũng đã “sống trong sợ hãi” nhưng khác với tình huống này bởi những lần “hành xác” trong câu chuyên là của một ông bố với đứa con trai. “Đòn thù” của người cha đã bóp chết những giấc mơ con trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình kiểu ấy. Tuổi thơ tắm trong “roi vọt trên lưng thịt tím bầm” cùng bao lời mạt sát, sỉ vả. Sự dạy dỗ của cha là bạo lực còn lời ru của mẹ cũng nấc nghẹn trong những giọt nước mắt. Chúng lớn lên, ngơ ngác, lạ lẫm trước cuộc sống, dần hình thành nhân sinh quan yếm thế về cuộc sống, về con người mà mọi giải pháp trị liệu đều gần như bất lực để xây dựng lại tinh thần.

Sẽ có hai con đường, cũng là hai lối mòn mở ra trước mắt. Tuổi thơ cay cực hoặc sẽ cho chúng nghị lực; hoặc đem đến tự ti, mặc cảm rồi hư hỏng một cách ngẫu nhiên: chán đời, bỏ nhà đi bụi… sau đó sa chân vào các “tổ quỷ” hoặc tệ nạn xã hội. Dù ngả rẽ nào đi nữa, kí ức về những ngày thơ ấu kinh hoàng vẫn để lại những vết thương lòng mà gần như thời gian không thể chữa lành.

Nghị lực phi thường đã không đến được đối với người con gái bị mẹ bán vào nhà chứa. Cô bị trầm cảm nặng nề, giờ đây, mỗi khi có ai nhắc đến “bà má” táng tận lương tâm, cô lại lên cơn động kinh, vật vã suốt cả ngày. Và còn rất nhiều những “tướng cướp”, những “má mì” khi đứng trước vành móng ngựa đã nghẹn ngào khi kể về những tháng ngày ấu thơ. Họ không thể có được sức bật nội tại cần thiết để vươn lên, nên dấn bước vào thế giới của tội ác theo đúng “lộ trình” định mệnh đã sắp đặt.

………………

Cô gái gửi bức thư cho tôi hình như may mắn hơn, hay cô có được sức bật đáng khâm phục khi lấy lại được trạng thái cân bằng. Những khó khăn, cay đắng của cuộc sống đã không thể làm cô gục ngã. Cô đã vượt qua nỗi đau ngày cũ và đang đứng trước một tương lai rộng mở.

……………..

“Không nỗi đau nào của riêng ai” - phải chăng vì thế nên những câu chuyện trong chủ đề này thường mang lại rất nhiều cảm xúc, vừa đắng cay, chua xót, vừa dấy lên một niềm cảm thông, chia sẻ. Câu chuyện của cô gái qua bức thư rơi đã tác động đến tôi rất mạnh.

Tôi giữ lời hứa khi không tiết lộ nhưng thông tin cá nhân, còn lời khuyên cho em sao khó quá, bởi tôi không thể đi chệch khỏi những “quỹ đạo” mà em đã nghe được từ bạn bè xung quanh (cố gắng, tự tin, vươn lên, nghị lực, nhìn về tương lai, tin vào cuộc sống…).  Thêm một lời động viên, liệu có làm em thấy ấm lòng! Chẳng hiểu sao tôi không muốn chia sẻ của tôi dành cho em chỉ dừng ở mức độ những lời nói theo quán tính, tôi muốn làm hơn thế!

Đôi khi, giãi bãy cũng là cách để cả tôi, cả em nhẹ bớt nỗi lòng! Phải vậy không em! 

PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ

Email: phamhoangmanhha@gmail.com

Chia sẻ