BÀI GỐC Tôi có nên bỏ cô vợ vô sinh?

Tôi có nên bỏ cô vợ vô sinh?

(aFamily)- Không chỉ vợ chồng tôi mà cả bố mẹ tôi đều mong sớm có cháu bế. Vậy mà vợ tôi lại bị thủng dạ con nên đến cả thụ tinh nhân tạo cũng không được nữa...

31 Chia sẻ

Không thể tước đoạt quyền làm cha của anh Tùng!

,
Chia sẻ

(aFamily)- Anh đừng bận tâm vì những lời rao giảng đạo đức rỗng tuếch kia. Họ muốn anh làm một người hùng mà không biết rằng anh muốn làm một người cha.

Anh Tùng ạ!

Tôi đã đọc tâm sự của anh. Tôi cũng đọc tất cả những bài viết và bình luận của độc giả!

Tôi hiểu suy nghĩ của các tác giả lên án anh. Hiểu cái nhìn của những kẻ ngoài cuộc! Cái nhìn của nhân đạo lý thuyết, cái nhìn của lòng thương lý thuyết, cái nhìn của sự hời hợt, cái nhìn của những kẻ đứng trên cao trông xuống!

Các anh sinh ra trong nhung lụa, các anh ăn sung mặc sướng, lên xe xuống ngựa; mùa hè các anh đi biển nghỉ mát; đi Sapa, Đà Lạt tránh nóng. Các anh ồ lên sung sướng, các anh thấy rằng sóng biển mơn man da thịt. Nhưng các anh có hiểu được cuộc sống của những ngư dân? Với họ, biển là miếng cơm manh áo, là kế sinh nhai của cả gia đình với những đứa trẻ da đen cháy. Với họ, sóng biển là hiện thân của thần chết, là những đôi mắt mỏi mòn của người vợ ngóng chồng sau chuỗi ngày dài lênh đênh trên biển mà mụt mù ngày thuyền về bến.

Các anh cố thủ trong hàng hàng lớp lớp vải vóc, các anh thấy tuyết Sapa lộng lẫy và lãng mạn mê hồn. Các anh ôm vợ trong cái lạnh của Đà Lạt rồi thốt lên những từ hoa mĩ. Nhưng các anh có biết được rằng tuyết Sapa đồng nghĩa với cái lạnh cắt da cắt thịt, là kẻ thù của những cơ thể yếu ớt vùi mình trong giá rét, da thịt tím tái, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Với những kẻ cả đời ở Sapa, trần mình trong tuyết kiếm miếng cơm thì Sapa chỉ đẹp khi có ánh nắng chói chang.

Các chị giận dỗi khi chồng về muộn, rồi nũng nịu bắt chồng chở đi ăn nhà hàng: thịt gà phải bỏ da, bát phở không được cho nước béo; ăn xong phải để thừa lại một chút cho đúng tư thế của người văn minh lịch sự. Các anh uống bia phải tráng cốc 3 lần, không bao giờ uống cả cặn. Đúng là văn minh thật! Nhưng với kẻ hành khuất thì cái văn minh nhất, cái đẹp nhất phải là tô phở đầy ứ, phải là cốc nước tràn ly.

Các chị sinh ra trong thời bình, các chị không dám chửa đẻ vì sợ khi mang thai sẽ mất dáng vẻ cân đối. Các chị sử dụng mọi biện pháp tránh thai, không dám sinh con thứ 3 vì sợ ảnh hưởng đến tiền đồ, đến sự nghiệp. Thưa với các chị rằng, các chị đã có 2 con thì đứa thứ 3 sẽ là một lực cản trong công việc. Nhưng các chị có hiểu được rằng có những “làng góa phụ” mà ở đó những phụ nữ không có cơ hội làm mẹ họ khát kháo đến cháy lòng một đứa con. Họ bất chấp luân thường đạo lí, họ mặc kệ sự dè bỉu của thiên hạ để kiếm cho mình một mầm sống bé bỏng và nâng niu khi thấy nó lớn lên từng ngày.

Anh Tùng ạ!

Tôi chia sẻ với anh về những bức bối anh đã và đang trải qua. Hơn ai hết, tôi hiểu anh, hiểu cái khát khao làm bố, hiểu cái thiêng liêng của tình phụ-tử. Cách đây vài năm, tôi đã ở trong hoàn cảnh của anh. Cái hoàn cảnh vô vị, tồn tại mà như không tồn tại; lao động miệt mài, gây dựng cơ nghiệp mà chẳng biết để làm gì. Công danh, tiền tài, danh vọng…! Tất thảy đều vô nghĩa.

Vợ chồng tôi lấy nhau gần 10 năm mà không thể có tin vui. Gia đình náo loạn như có giặc. Thôi thì bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, hễ nghe tin có ông thày nào mát tay là hai vợ chồng lại đưa nhau đến, tốn kém bao nhiêu cũng không tiếc! Trong Nam, ngoài Bắc, sang cả những quốc gia có nền y học phát triển. Dù lên trời để có con thì tôi cũng phải bay! Lận đận mãi mới có được mụn con. Hôm vợ tôi thông báo, tôi đã thành một thằng điên thật sự. Tôi hò hét; tôi lảm nhảm; tôi vừa chạy trên mây vừa ngã dúi dụi, gặp ai tôi cũng kéo vào quán; tôi muốn ăn mừng; tôi muốn hét thật to lên rằng “tôi sắp được làm bố!”, “tôi là kẻ hạnh phúc nhất thế giới!”…

Nhưng cháu sinh ra không được khỏe mạnh, ốm lên ốm xuống. Nhớ mãi cái đận lên 3, cháu ốm một trận nặng lắm! Đợt đó, Tổng công ty tôi khuyết chân Phó. Hàng loạt các ứng viên (trong đó có tôi) đều có cơ hội “chạy đua hậu trường” để được ngồi vào chiếc ghế “ho ra bạc, khạc ra tiền” kia. Tôi đã không ngần ngại vứt bỏ cơ hội thăng tiến để túc trực bên cháu. Trong tôi không hề có một sự so sánh. Tôi chỉ biết rằng, con tôi là cả thế giới đối với tôi. Vợ tôi cũng suy sụp và tiều tụy đi phải đến hàng chục tuổi. Vợ một bên giường bệnh, chồng một bên giường bệnh; 10 đêm liền chúng tôi thức trắng chỉ để theo dõi nhịp thở của cháu (mặc dù mọi vấn đề y học đã có bác sĩ lo liệu). Cháu dứt bệnh cũng là lúc hai vợ chồng nhập viện vì kiệt sức. Nhưng tôi dám khẳng định rằng, nếu khi ấy cháu phải nằm viện 1 tháng, tôi sẽ thức đủ 30 đêm.

Năm lên 8 thì cháu bị bọn bất lương giam giữ để tống tiền. Mọi người đừng hỏi vì sao tôi không báo công an, các vị không ở trong hoàn cảnh của tôi nên không hiểu đâu! Tôi không kể lại chuyện này vì có lẽ anh cũng hình dung được. Đón được cháu về nhà cũng là lúc chúng tôi làm thủ tục bán nhà vì trước đấy đã vay Ngân hàng một số tiền lớn để chuộc cháu về. Cũng may là bọn bắt cóc chỉ đòi bằng ấy tiền, không thì phải bán cả ngôi nhà của bố mẹ tôi, tôi cũng không suy nghĩ.

Thế đấy anh Tùng ạ. Tôi may hơn anh vì hiện tại tôi có đứa trẻ gọi là bố. Tôi kém may mắn hơn anh vì không phải cứ muốn có con là được. Nhưng cái khát khao muốn được làm cha thì tôi và anh không khác nhau bao nhiêu. Nó mơ hồ nhưng hiện thực mà chỉ những kẻ trải qua cảm giác ấy mới thấu hiểu.

Anh Tùng ạ!

Anh muốn được làm bố thì anh hãy làm tất cả những gì anh thấy đúng. Anh đừng bận tâm vì những lời rao giảng đạo đức rỗng tuếch kia. Họ có 2 con rồi; hoặc họ chưa có gia đình, họ đang yêu, họ chỉ cần vài phút để có con; họ cần đạo đức như là thứ trang sức cho cuộc sống may mắn của họ. Họ muốn anh làm một người hùng mà không biết rằng anh muốn làm một người cha. Họ muốn anh tôn thờ tình yêu để rồi đến khi chết cũng không nhắm mắt được.

Họ bày cho anh cách xin con nuôi trong khi anh có thể xẻ máu thịt mình cho đứa con đẻ; họ muốn chứng tỏ họ là người đưa đường chỉ lối; họ muốn là nhà tâm lý, là nhà truyền đạo; họ muốn tạo cho mình một vầng hào quang chói lọi, họ muốn nhận được những lời khen ngợi… Tôi coi thường những suy nghĩ nông nổi, hời hợt, ích kỷ của họ. Tình phụ-tử là tình cảm thiêng liêng, bất tử mà một nghìn lần đạo đức cũng không thay thế được.

Thế nào là “tấm lòng”? Thế nào là “vị tha”? Thế nào là “hy sinh”? Hỡi các nhà tư tưởng! Các vị đã từng sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình, bán tất cả gia sản để có một đứa con chưa? Nói thì dễ lắm, nhưng phải ở trong hoàn cảnh thì mới thấu hiểu tâm trạng kẻ trong cuộc. Các ông, các bà không ở trong tâm trạng ấy nên nói hay lắm. Các vị nói ra hai chữ “con nuôi” sao nghe nhẹ nhàng thế, như thể mua một bó rau ấy nhỉ! Trong khi người khác hoàn toàn có thể làm bố, một ông bố có đứa con là máu thịt của mình. Những lời “chia sẻ” của các vị còn hơn bất cứ một loại độc dược nào!

Các ông, các bà vợ chồng đề huề, con cái xênh xang, ban ngày quây quần bên mâm cơm, buổi tối tí tởn dắt nhau đi dạo, đêm về đọc sách báo, xem phim để nghĩ ra các cách sinh hoạt sao cho sung sướng nhất. Các vị biến người khác thành biểu tượng của tình yêu, khoác cho họ cái áo đạo đức bằng cách tước đoạt quyền làm bố. Tấm lòng các vị để đâu? Sự vị tha để đâu? Trái tim của các vị nhân ái quá nhỉ?

Anh Tùng ạ!

Việc của anh không phải là than tiếc dĩ vãng, bởi anh có đi tu trọn kiếp cũng không thay đổi được tình hình. Thêm nữa, việc phá cái thai hồi trẻ dẫn đến việc vợ anh không thể có con là tai nạn ngoài ý muốn; cũng là hệ quả của những năm tháng tuổi trẻ nông nổi. Anh hãy cứ yêu thương vợ anh, nhưng không ai có quyền tước đoạt quyền làm cha của anh!

Chia sẻ