3 ví dụ sinh động về chuyện "tiền anh, tiền tôi, tiền chúng ta"
(aFamily)- Trường hợp thứ 2: Lương anh chồng giao vào tay "bà", bà phát mỗi ngày một ít đủ uống cà phê...một mình!
Có vài trường hợp liên quan đến "tiền anh, tiền tôi, tiền chúng ta", tôi xin nêu lên để góp ý với băn khoăn của bạn Hồng Ngát.
Trường hợp thứ 1:
- Hai ông bà ngày còn trẻ, ông giữ nhiệm vụ kiếm tiền, bà ở nhà nội trợ nuôi con. Công việc làm tự do, ông vắng nhà suốt, tỉnh thoảng về đưa cho bà một ít tiền mà theo bà là không đủ đâu vào đâu. Lần hồi, bà biết được ông đi xa, không gái gú nhưng tiêu khiển bằng...sòng tài xỉu mỗi khi có dịp. Thế là, tiêu tán...thoòng! Nghèo túng, nợ nần ngập đầu, nói gì đến đủ ăn hay tích lũy?
Sau đó, con lớn dần, bà ở nhà buồn tình cũng đi...múa quạt (đánh tứ sắc) thường xuyên, ông phản đối thì bà vặn lại: "Ông có hơn gì tôi?". Đến lúc 50 tuổi, ông buông bỏ hết công việc tự mình làm chủ và bị thất bại, sử dụng vốn ngoại ngữ và khả năng kế toán xin vào làm việc cho một Ngân Hàng thời trước, được tín nhiệm và cất nhắc nhanh chóng, không bao lâu ông được giữ vị trí chánh sở quản trị trương mục.
Lúc này, ông tu chí làm ăn, tích lũy để sửa sang nhà cửa, lo cho con cái một đời sống tương đối dù hơi muộn! Đặc biệt, cứ vài tháng thì vợ chồng ông gây gổ vì chuyện...tiền nong! Bà bảo ông chi li bủn xỉn, "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành", quên cái ngày gia đình khốn đốn vì thói quen bài bạc. Ông thì phân bua, ông đã qua thời đam mê, đã tu chỉnh và gắng sức kiếm tiền lo cho gia đình cùng tích lũy cho tuổi già.
Tuy nhiên, ông không có sự tín nhiệm với bà nên ngại ngần trong chuyện giao cho bà giữ tay hòm chìa khóa! Gần hết quảng đời một con người, ông thấm thía lắm với cảnh sống tủi buồn nghèo khó, mà bà thì cứ tiếp tục công việc "điều binh khiển tướng" hằng ngày! Sinh hoạt phí giao cho bà dù hậu hĩnh đến đâu cứ đến nửa tháng là bà báo cáo hết! Ông bực mình trách cứ, bà giận dỗi không thèm nhận việc..."tề gia không lương" nữa (theo cách nói của bà). Ông buộc lòng giao cho con gái lớn thì mọi việc an ổn bình thường.
Trường hợp thứ 2:
- Hai vợ chồng là cán bộ nhà nước, làm cùng cơ quan. Anh chồng giữ chức trưởng phòng quản lý dự án, tất nhiên ngoài lương còn có cả "lậu". Chị vợ làm công tác kế toán& thống kê, "thống" rất chặt và chính xác thu nhập của anh chồng hằng tháng.
Lương anh chồng giao vào tay "bà", bà phát mỗi ngày một ít đủ uống cà phê...một mình! Mới đầu anh chồng cũng khó chịu, nhất là cứ ăn uống ngoại giao "chùa" mà phải lơ cái khoản đáp lễ! Trao đổi với vợ, chị vợ hồn nhiên:"Không đáp lễ càng tốt! Ông khỏi phải sa đà nhậu nhẹt!"
Một thời gian sau, khi cơ quan hổ trợ cho mua nhà chung cư, chị vợ đưa ra khoản tích lũy mấy trăm triệu, anh chồng tròn mắt phục vợ sát đất và thấy..."bà ấy có lý quá trời!".An cư chưa nóng nhà, chị vợ đề nghị cho thuê toàn phần căn nhà có lợi thế chung cư tầng trệt và đi ở nhà thuê để dôi ra hằng tháng vài triệu chênh lệch. Chồng con răm rắp tuân lệnh.
Được hơn 1 năm, chị vợ sốt ruột do giá nhà thuê tăng, con trai mặc dù mới tốt nghiệp Đại Học chị lại băn khoăn..."nếu như con đòi cưới vợ?". Thế là gom góp hết tiền tích lũy ít ỏi, vay mượn tiền nhàn rỗi của anh em (phải trả lãi suất theo tài khoản tiết kiệm Ngân Hàng), đồng thời vay thêm một ít từ Ngân Hàng nữa mới đủ tiền mua thêm một căn hộ một trệt một lầu tận quận 7. Cả nhà một phen tất bật dọn về nhà mới, nhà chung cư được sửa sang lại để gấp rút cho thuê tiếp, lấy tiền hầu thanh toán lãi nợ vay hằng tháng, tiền hoàn trả vốn...tính sau! Còn ăn uống sinh hoạt, phải thắt lưng buộc bụng!
Không may, luật mới không cấp giấy phép cho kinh doanh trên mặt bằng chung cư, chỉ được sử dụng để ở hay làm văn phòng giao dịch với lượng nhân viên tối thiểu. Thế là lợi thế cho thuê bỗng dưng hẹp lại! Chị vợ sốt ruột với mấy tháng trời loay hoay vẫn chưa cho thuê được căn hộ, tất nhiên đồng nghĩa với việc phải chạy vạy trả lãi đều đặn.
Đường đưa đón đứa con gái đi học mỗi ngày từ quận 7 về quận 3 khiến cả vợ lẫn chồng thấy oãi với nắng đội, mưa lầy cùng kẹt xe, lô cốt! Anh chồng lâu nay quen tính tùy thuộc vào sự sắp xếp từ bà xã, thời thế thay đổi khiến anh không còn thu nhập dồi dào như xưa, lại càng hy vọng vào tài quán xuyến của vợ. Tuy nhiên, đọc đâu đó bài phân tích về cách sống theo điều ta cần, hay theo điều ta muốn?...Anh thấy hình như chị vợ của anh là người thuộc vế thứ 2!
Trường hợp thứ 3:
- Người vợ buôn bán nhỏ tại nhà, chăm 3 đứa con, chồng cũng là công chức nhà nước. Chẳng có giao kết cũng như thỏa thuận gì về vấn đề tiền nong trong gia đình, nhưng người vợ ngay từ đầu chung sống, có thói quen tách bạch với chồng khả năng thu nhập cũng như chi tiêu về phần mình. Chị chẳng bao giờ hỏi chồng về lương bổng, anh đưa bao nhiêu chị hay bấy nhiêu.
Những khoản anh đưa ngoài sinh hoạt phí hằng tháng, chị cất riêng và đều báo cáo, bàn bạc với chồng mỗi khi phải lấy ra để chi cho việc gì bất thường. Nói chung, chị chủ trương không để anh phải hụt hẩng, thất vọng dù thu nhập có giới hạn, những khoản chi bắt buộc khiến vợ chồng chị mãi mà chẳng tích lũy được bao nhiêu.
Lâu dần, người chồng quen với tính ý vợ. Cứ thấy chị đăm chiêu, tư lự là biết ngay, và ân cần: "Hàng hôm nay bán ế hả em? Hay có chuyện gì?". Rồi thì từ cách chị "công khai tài chính", dù chi tiêu cho các con , cho cái ăn cái uống trong nhà đôi lúc hơi quá đầy đủ nên cũng không thể dư dã, anh chồng vẫn yên tâm không phải thắc thỏm về chuyện nợ nần có thể từ trên trời giáng xuống giống như nhiều trường hợp mà anh thấy từ chung quanh.
Anh ý thức chuyện con cái lớn dần lớn lên, chi phí cho ăn học cần thiết để anh tự bớt xén những nhu cầu cá nhân hầu cùng vợ vun quén cho mái ấm. Từ mái nhà nhỏ, sơ sài, anh chị lần hồi tu sửa trở thành một cơ ngơi tương đối khang trang, phần lớn nhờ công sức của anh làm ra, và nhờ vào tài cất giữ, xếp đặt "có bao nhiêu còn bấy nhiêu" và "tiền nào ra tiền đó" của chị.
Đến bây giờ, một chút trong tài khoản tiết kiệm mà chị nói vui là "tiền mua quan tài" cho 2 vợ chồng cũng do chị đứng tên, mỗi lần đáo hạn chị chìa ra cho anh xem với số dư cứ nhân dần lên theo lãi suất, cộng thêm với tiền chị tỉ mẫn bỏ ống heo mỗi ngày.
Có nhiều trường hợp khác nữa cùng đề tài nhưng bài viết dài quá trời rồi! Đành "định mức" chừng này thôi và tùy bạn Hồng Ngát nhận định để xem có thể áp dụng thế nào vào hoàn cảnh của gia đình mình. Dù sao, thuận vợ thuận chồng trong tất cả mọi vấn đề là điều kiện cần thiết nhất để làm nên hạnh phúc, tôi nghĩ như vậy.
Chúc bạn khỏe vui.