Suy nghĩ của con trai Hà thành về "Mẹ chồng - nàng dâu"
(aFamily)- Tôi là một người con trai Hà thành và tôi xin nói lên vài suy nghĩ của bản thân về "mẹ chồng - nàng dâu"...
Chia sẻ đến tác giả Thanh Thủy trong bài viết: “Tôi mâu thuẫn với mẹ chồng, chồng chỉ tin và bênh mẹ anh”
Tôi đã đọc những lời chia sẻ của các bạn trước hoàn cảnh éo le của chị Thủy trong bài viết: “Tôi mâu thuẫn với mẹ chồng, chồng chỉ tin và bênh mẹ anh”.
Những bài viết chia sẻ của các bận đều rât sâu sắc. Mỗi người một hoàn cảnh, một cách tâm sự nhưng tất cả đều nói nên rằng cuộc sống gia đình không đơn giản, không yên ấm nếu có những mâu thuẫn từ các thành viên.
Trong gia đình, mâu thuẫn mẹ chồng - con dâu đã có từ lâu và sẽ còn tồn tại rất lâu nữa. Mối quan hệ này “sóng yên biển lặng” thì gia đình sẽ yên ấm, sẽ không có nhiều mâu thuẫn.
Nhưng nếu quan hệ mẹ chồng - con dâu “cơm không lành, canh không ngọt” thì áp lực trong gia đình sẽ rất lớn. Người mẹ chồng sẽ coi cô con dâu như cái gai trong mắt, như tai hoạ giáng xuống gia đình mình. Còn với người con dâu, gia đình chồng sẽ là một nỗi ám ảnh không nguôi mỗi khi bước về nhà.
Hai người phụ nữ sống dưới một mái nhà họ gọi nhau là mẹ, là con sẽ có những căng thẳng liên miên. Nguồn gốc của sự căng thẳng đều bắt đầu từ những va chạm trong cuộc sống từ chuyện nhỏ như cái tăm, đến chuyện lớn như đất đai, tiền bạc.
Chúng ta hay nhìn nhận mối quan hệ này từ hai phía.
Khi nhìn nhận từ phía người con dâu, tôi thấy ấn tượng nhất từ là bài Khổ vì bố mẹ chồng quá gia giáo của A.M.T.
Với chị A.M.T, tôi thấy thương cảm với phận làm dâu của chị. Như lời chị nói thì gia đình nhà chồng đã gia giáo một cách kỳ quặc. Họ bắt con dâu phải gọi phụ mẫu của chồng là CHA, MẸ chứ không được gọi là BỐ, MẸ vì cho như thế là không tôn trọng. Tôi không hiểu họ với học vị tiến sỹ, học hàm phó giáo sư lại có những ý nghĩ kỳ quái đến thế.
Tôi xem trong từ điển tiếng Việt hai từ CHA và BỐ đều là những từ ngữ rất trân trọng để nói về người đã sinh thành ra mình. Nếu hiểu theo cách của nhà chồng A.M.T thì ai gọi người sinh ra mình là BỐ tức là không tôn trọng hay sao?
Họ còn bắt chị đợi họ ăn xong mới được ăn vậy họ coi chi là con dâu hay con sen trong nhà. Họ có học thức mà sao cư xử buồn cười vậy. Khi gia đình chồng đi chơi không được tham gia phải ở lại trông nhà. Nếu hiểu theo cách này thì mẹ chồng của A.M.T cũng phải ở nhà chứ. Một cách đối xử khó chấp nhận trong một gia đình có học.
Xét một cách khách quan chúng ta nhận thấy rằng, mọi thành viên của thế hệ sau trong một gia đình đều do người con dâu sinh ra. Rất nhiều gia đình nhà chồng luôn coi việc nối dõi tông đường là quan trọng hàng đầu nhưng họ quên mất rằng 50% việc có nối dõi tông đường được hay không là do người con dâu quyết định. Không có cô con dâu thì lấy đâu ra người sinh cháu cho họ làm ông bà nội.
Cung cách đối xử quá quắt của gia đình chồng với con dâu sẽ khiến cho hạnh phúc của chính con trai họ tiến gần đến sự tan vỡ. Và làm cho những người con gái khác khi nhìn vào sẽ thấy cuộc sống hôn nhật ngột ngạt bế tắc đến chừng nào. Họ sẽ nghĩ cuộc sống với nhà chồng thật đáng sợ.
Khi nhìn nhận từ phía người mẹ chồng, tôi thấy ấn tượng nhất với bài viết Tôi buồn vì có cô con dâu vô ý của bác Hạnh. Con dâu bác đã cư xử rất tồi tệ vói gia đình nhà chồng. Một người con dâu không biết cách cư xử trong các mối quan hệ gia đình thì sau này cũng không biết dậy giỗ con cái. Những cô con dâu không biết cách cư xử đúng mực, luôn hả hê khi trả đũa được gia đình chồng sẽ nghĩ sao khi sau này họ có con dâu và bị đối xử lại như thế.
Những người mẹ chồng hầu hết đều phải làm dâu, các bác, các cô đều hiểu được sự vất vả của phận dâu con thì nên có cách bảo ban người con dâu của mình hợp lý. Giữ được hoà khí trong quan hệ với con dâu là giữ được hạnh phúc cho chính con trai mình.
Những người con gái đang và sẽ làm con dâu cũng nên học cách cư xử với gia đình chồng. Các chị và các bạn hạy học ngay từ chính mẹ của mình thôi. Các chị và các bạn tuy không có huyết thống với gia đình chồng nhưng là một thành viên không thể thiếu, một thành viên rất quan trọng. Các chị và các bạn hãy sống sao cho phải đạo làm con.
Những gia đình khôn ngoan sẽ biết quí trọng người con dâu hiền thảo. Còn ngược lại gia đình nào không biết quí trọng dâu hiền thì đó là gia đình mạt phúc. Vì người con dâu sẽ quyết định đến thế hệ mai sau cho gia đình chồng.
Một người có vai trò rất quan trọng, không có “nhân vật” này thì không bao giờ có mối quan hệ mẹ chồng con dâu đó chính là người con trai - người chồng trong gia đình. Vai trò của người này chính là tiêu đề bài viết của chị Phúc Minh : Mẹ là duy nhất nhưng vợ không thể thiếu.
Mẹ là người sinh ra chúng ta, nuôi chúng ta trưởng thành. Rồi khi chúng ta cưới vợ, mẹ cũng là người đến xin dâu trước lúc đám cưới. Tình cảm của người đàn ông khi lấy vợ sẽ bị san sẻ nhiều không dành nhiều cho mẹ như lúc độc thân nữa.
Nhưng chúng ta lấy vợ để mang về cho mẹ một người con nữa, để mẹ được nhận thêm tình cảm của một người con nữa. Chúng ta đừng nhu nhược để mẹ phải chịu sự phiền muộn trong chính gia đình mình. Vì mỗi chúng ta chỉ có một mẹ mà thôi.
Vợ là người mang đến cho chúng ta tình yêu, rồi những đứa con. Không có người vợ thì chúng ta không bao giờ được làm bố (hợp pháp) cả. Vợ không thể thiếu với người đàn ông trưởng thành.
Các cụ đã dậy“Con chăm cha không bằng bà chăm ông”, người vợ quan trọng với cuộc đời người đàn ông lắm. Chúng ta sống chung với mẹ từ nhỏ đến lớn và rất hiểu mẹ mình. Hãy cư xử cho khéo để giúp người vợ trở thành người con dâu tốt. Bổn phận làm chồng không phải chỉ là cưới vợ về để đẻ cháu cho bố mẹ chúng ta đâu. Đừng bao giờ để người con gái đã tin tưởng trao thận, gửi phân cho chúng ta phải khóc vì hối hận.
Trên đây là những suy nghĩ của cá nhân tôi về mối quan hệ mẹ chồng con dâu. Rất mong nhận được góp ý của các bạn.
Con Trai Hà Thành