Hóa giải mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu: Thật dễ!
(aFamily)- Người đứng ra hóa giải mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu không có ai thích hợp hơn là con của người mẹ đó và chồng của nàng dâu đó.
Chào các bạn,
Tôi là một chuyên viên tư vấn hạnh phúc gia dình và cũng thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại xin tư vấn về trường hợp tương tự của chị Thủy: Đó là chồng quá bênh mẹ mà không thông cảm và sẻ chia với vợ. Hôm nay khi đọc bài của chị Thủy, lần đầu tiên tôi quyết định gửi bài chia sẻ với hy vọng sẽ giúp các ông chồng hiểu hơn về vai trò của mình trong việc hóa giải mâu thuẫn giữa mẹ chồng - nàng dâu.
Việc chồng bênh người này hơn sẽ khiến người còn lại thấy bị tổn thương, bị bỏ rơi và sinh ác cảm với nhau hơn. |
Là người chồng, người con, hẳn các anh cũng muốn mẹ và vợ mình hòa thuận. Vậy thì thay vì đòi hỏi vợ phải thế này thế kia hay trách móc họ, các anh hãy tham gia vào hóa giải mâu thuẫn đó.
Phụ nữ lấy phải người chồng nhu nhược, chỉ biết nghe lời mẹ thì sẽ rất khổ. Chẳng hạn như trong trường hợp của chị Thủy và chị Lương Nguyễn Thúy Hà ("Chồng bênh mẹ dễ khiến tôi thêm ác cảm với bà"), chồng của hai chị ấy đã quá tin và bênh mẹ. Phận là con, hai chị ấy đã không dám cãi lại mẹ chồng, khiến nảy sinh những ức chế trong lòng. Không biết nói cùng ai, hai chị ấy đã tìm đến tâm sự với chồng, người thân yêu của mình, thì lại vấp phải sự phản đối và mắng mỏ cua anh thay vì nhận được sự cảm thông và chia sẻ.
Những phản ứng này của chồng dễ khiến người vợ cảm thấy bị tổn thương, bị bỏ rơi, bế tắc và bơ vơ giữa gia đình chồng đồng thời ngày càng thêm ác cảm với mẹ chồng. Từ đó, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn đã "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" sẽ vì thế mà càng không đi đúng hướng.
Các anh yêu mẹ thì không có gì là sai trái nhưng yêu mẹ đến mức chỉ biết tin và bênh mẹ thì chỉ càng khiến mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thêm phức tạp và căng thẳng. Người chồng tốt là người chồng phải biết hóa giải sự căng thẳng đó bằng sự khéo léo của mình.
Cụ thể, khi mẹ và vợ có mâu thuẫn thì các anh nên làm thế nào?
Trước hết, các anh cần tránh im lặng bởi im lặng chỉ khiến mâu thuẫn thêm căng thẳng. Sự im lặng của các anh lúc này sẽ thể hiện thái độ vô trách nhiệm hoặc bất lực của mình trước xung đột gia đình đồng thời khiến mẹ và vợ thấy khó chịu.
Thứ hai, không giữ im lặng không có nghĩa các anh phải chọn cách bênh mẹ hoặc bênh vợ. Cần tránh thiên về một bên nào hay đứng hẳn về một phía nào. Việc bênh người này hơn sẽ khiến người còn lại thấy bị tổn thương, bị bỏ rơi và sinh ác cảm với nhau hơn.
Nhiều anh có người chủ trương phải bênh mẹ vì mẹ chỉ có một mà vợ thì có thể mất người này, lấy người khác. Những người này vì bênh mẹ mà sẵn sàng trách mắng vợ bất kể mẹ sai hay đúng. Như thế là không nên bởi vì vợ chính là mẹ của các con mình, người sẽ vai trò và tác động lớn đến sự khôn lớn của các con anh.
Thứ ba, thay vào đó, các anh hãy trở thành cầu nối giữa mẹ và vợ để hóa giải mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ này. Và thật ra, cũng chỉ có các anh mới là người có thể hóa giải mâu thuẫn đó mà thôi. Chính cách xử sự của người chồng sẽ quyết định mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được cải thiện hay tiếp tục xuống dốc.
Vì thế, hãy thật khách quan và công bằng. Các anh phải có quan điểm riêng và phải biết phân biệt đúng, sai. Những điều đó sẽ khiến cả hai càng thêm quý trọng và nể phục các anh. Cũng vì thế mà họ sẽ nhường nhịn và cảm thông với nhau hơn.
Thứ tư, hãy học cách lắng nghe. Phụ nữ có nhu cầu tâm sự rất lớn. Khi mẹ và vợ có mâu thuẫn và họ tìm đến anh để tâm sự, các anh nên cố gắng lắng nghe cả hai.
Khi mẹ tâm sự, thật ra bà cũng chỉ muốn các anh biết “dạy vợ" và phải chia sẻ tình cảm cho bà nhiều hơn cho vợ. Vì thế, để mẹ vui lòng, các anh hãy nói với mẹ đại ý là con sẽ bảo lại vợ con.
Còn với vợ, khi họ kể cho các anh nghe những mâu thuẫn với vợ, không hẳn là họ muốn các anh phải bênh họ đâu mà đôi khi chỉ để xả, để giải tỏa và tìm sự thông cảm, sẻ chia. Những lời an ủi, động viên của các anh sẽ khiến họ cảm thấy đỡ buồn hơn rất nhiều.
Hãy cư xử khéo léo để làm sao cả mẹ và vợ đều thấy các anh tôn trọng họ và yêu thương họ.
Đồng thời, sự lắng nghe sẽ giúp các anh có dầy đủ thông tin hai chiều để phân tích và có cách giải quyết hợp tình, hợp lý.
Thứ năm, khi đã nghe mẹ và vợ tâm sự, các anh hãy suy xét thật kỹ để tìm ra nguyên nhân và biết được ai đúng ai sai để có cách giải quyết hợp lý. Đừng vì bênh mẹ mà bất chấp sai trái mắng mỏ vợ, cũng không nên vì bênh vợ mà có những lời không hay với mẹ. Vì như thế chỉ như đổ thêm dầu vào lửa.
Thứ sáu, trong trường hợp mẹ và vợ đôi co trực tiếp thì người chồng nên đứa giữa không nghiêng bên nào mà cố gắng tìm cách xoa dịu mâu thuẫn lúc đó như tìm cách để mẹ và vợ tách nhau ra, đi đâu đó một lúc, rồi khi không có mẹ, bạn hãy dạy bảo vợ, còn khi không có vợ, bạn hãy lựa lời để khuyên mẹ.
Thứ bảy, còn nếu mâu thuẫn quá căng thẳng không thể hóa giải thì tốt nhất là ra ở riêng, thậm chí là phải thuê nhà cũng nên ra ở riêng để giữ hòa khí giữa mẹ và vợ.