Chúng tôi lấy chồng vì cái gì?
(aFamily)- Mâu thuẫn giữa nàng dâu và mẹ chồng ngày càng căng thẳng chính là vì người vợ không tìm được sự cảm thông ở người chồng.
Trong bài viết "Là dâu, các chị hãy biết phận mình", tôi thấy anh Nguyễn Hồng Việt có những quan điểm đúng và chín chắn, hơi cổ hủ một chút nhưng vẫn đúng là những giá trị quan niệm Á Đông. Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với những ý kiến của anh về việc con dâu nên làm những gì. Nhưng chỉ có thế thôi thì không đủ để làm nên một mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu và một gia đình hạnh phúc.
Trước hết là cách đặt vấn đề của anh. Làm dâu phải biết "phận" mình. Câu này cho thấy ngay trong suy nghĩ của anh - ông CHỒNG: Anh đã mặc nhiên theo truyền thống từ bao đời nay gán cho những người làm dâu thời @ chúng tôi một cái “phận” (nghe chẳng thấy có gì tươi sáng bởi cái chữ "phận" này).
Chúng tôi lấy chồng là để mưu cầu hạnh phúc, chứ không phải để làm bổn phận. |
Phận là phải nhường nhịn cha mẹ chồng, phải kính trên nhường dưới, phải lo toan gia đình, sinh con đẻ cái, làm tròn bổn phận với họ hàng, nhất là bên nội bởi "ăn cây nào rào cây ấy" … Và hầu hết người vợ vẫn phải bươn chải kiếm tiền cùng chung vai gánh sức với chồng. "Phận" của chúng tôi là vậy à?
Ngày nay, chúng tôi chọn việc lập gia đình là để mưu cầu hạnh phúc, không phải làm vì quy luật. Chúng tôi làm mọi điều kể trên là vì mong muốn xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, trong đó có chúng tôi hạnh phúc.
Cùng một việc làm nhưng mục tiêu khác nhau và cách nhìn nhận khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau.
Với các anh cũng thế. Nếu các anh nói “Những người vợ các em mới chính là người làm nên hạnh phúc cho cả cái gia đình này. Lòng vị tha của em, sự nhường nhịn của em với ông bà là điều anh trân trọng. Sự lo toan của em là chỗ dựa vững chắc cho anh và các con. Em hãy cố gắng phần mình trước, anh tin là ông bà sẽ nhìn nhận ra và sẽ thay đổi….” chẳng hơn là “Làm dâu phải biết phận mình” ư?
Trong mọi mâu thuẫn, cái làm mọi chuyện ngày càng căng thẳng chính là vì người vợ không thấy có sự cảm thông của người chồng. Một người chồng công bằng, biết thẳng thắn góp ý khi vợ sai, biết cảm thông chia sẻ khi vợ đúng, khuyến khích vợ bỏ qua mâu thuẫn sẽ giúp cho quan hệ cải thiện rất tốt đẹp.
Vậy nên đừng đòi hỏi chúng tôi cái gì. Hãy “nhờ”, yêu cầu chúng tôi chung sức cùng các anh tạo lập một gia đình hạnh phúc. Hãy biết đánh giá sự đóng góp của chúng tôi trước khi đòi hỏi. Chúng tôi sẽ cần biết trách nhiệm và cách cư xử của mình trước khi đòi hỏi mẹ chồng. Mẹ chồng sẽ cần biết “không chấp” chúng tôi trước khi đòi hỏi chúng tôi điều gì… Hãy làm thành một cái vòng tròn, nơi mỗi người cần biết MÌNH nên làm gì trước khi đòi hỏi người khác.
Chúng tôi chỉ có thể góp ý với các anh. Các anh hãy làm cầu nối những điều khó nói tới mẹ chồng.