"Rắn" hay "mềm" với mẹ chồng phụ thuộc vào khả năng kinh tế của Trang
(aFamily)- Trường hợp em không kiếm được kinh tế, phụ thuộc hoàn toàn vào chồng, cần xử lý mềm mỏng hơn, phải chịu đựng hơn.
Thân gửi Hoàng Thu Trang
Buồn lắm khi đọc tâm sự: “Thèm được chồng an ủi mỗi khi bị mẹ chồng "hành hạ"” của em. Không biết bao nhiêu người phụ nữ, người vợ tìm đến đây để chia sẻ nỗi khổ của mình trong cuộc sống tại gia đình chồng. Mỗi lần đọc thấy những lá thư đầy nước mắt, người đọc cũng chạnh lòng, cảm thương cho nỗi khổ làm dâu của đàn bà.
Cùng là phụ nữ với nhau, đi làm dâu không ai được sướng, đều có những nỗi buồn khó chia sẻ, Trang à. Hãy lấy đó để an ủi phần nào, có động lực sống tiếp thôi em. Ngày xưa mẹ chồng em đi làm dâu, cũng phải gồng mình như em bây giờ thì sao? Xa xôi hơn nữa, sau này nếu em có cơ hội làm mẹ chồng, em có chắc mình dễ tính hơn bà không?
Trở lại tình huống của Trang. Em xác định xem mình có làm ra kinh tế không? Trong gia đình, em kiếm tiền ra sao, em và chồng, ai hơn ai, ai dựa vào ai hay cả hai đều cân bằng. Vấn đề kinh tế sẽ quyết định nhiều đến việc giải quyết mâu thuẫn của em trong gia đình chồng. Chị nghĩ thế.
Nếu em kiếm được tiền, làm kinh tế giỏi, đảm bảo được cuộc sống của mình và cả con mình sau này nữa, không việc gì em phải chịu những nỗi khổ tiếp theo. Em hãy xin phép mẹ chồng ra ở riêng, tất nhiên cần bàn bạc với chồng em trước. Ra ngoài ở riêng không phải không báo hiếu được bố mẹ chồng, hơn nữa còn bớt đi mâu thuẫn, mẹ chồng nàng dâu nhìn thấy nhau còn tình cảm hơn lúc sống một nhà, trạng thái tinh thần vì thế cũng thoải mái hơn.
Câu “xa thơm, gần thối” chắc chắn hữu dụng trong tình huống này, em ạ. Nếu chồng em đồng ý, sẽ là cách giải quyết ổn thỏa nhất và mẹ chồng em cũng phải đồng ý thôi. Nếu chồng em nói không, hãy để anh ta lựa chọn một ra ngoài để đảm bảo hạnh phúc trọn vẹn, hai li dị vợ để báo hiếu mẹ. Phải kiên quyết chứ trong tình huống này, không thể lép vế chịu khổ được mãi đâu. Con giun xéo mãi cũng qoằn, các cụ vẫn bảo thế đó.
Trường hợp em không kiếm được kinh tế, phụ thuộc hoàn toàn
vào chồng, cần xử lý mềm mỏng hơn, phải chịu đựng hơn. Như em nói, em cần được
chồng an ủi. Chỉ thế thôi cho dù mẹ chồng có hành hạ đến đâu. Nếu vậy, em hãy
chịu đựng tốt như những lần vừa rồi song đừng nên kêu ca than vãn. Em cần phải
chứng tỏ mình bản lĩnh, tiếp tục vươn lên sống mạnh mẽ. Hôm nay chưa tốt, ngày
mai sẽ làm tốt hơn.
Chồng em nhìn thấy sẽ biết đến giá trị của em, sẽ biết bảo vệ em trước mẹ chồng lúc cần thiết, khi đó anh ta sẽ phải biết an ủi vợ còn em nhờ vả được lại chồng. Hiện tại bây giờ, cứ khổ em lại kêu, anh ta sẽ nghĩ em không biết chịu đựng, hơi tý mồm loa mép giải, kể xấu mẹ anh ta. Điều này càng làm cho anh ta đứng về phía mẹ, coi thường vợ thậm chí hành hạ em.
Muốn được chồng an ủi, phải thể hiện cho anh ta biết mình cần được chia sẻ nhưng phải lựa lúc phù hợp. Không phải trước mặt mẹ chồng đòi anh ta phải đứng về phía mình, phải chiều chuộng mình. Hãy để dành những việc đó lúc chỉ có hai người gần nhau sẽ. Khi ấy, những lời tâm sự của mình sẽ thực sự có ý nghĩa và chắc chắn chồng cũng không tiếc lời để an ủi vợ.
Trước sự lựa chọn chưa bao giờ là dễ dàng. Mong Trang tham khảo qua bài chị viết và tìm cho mình cách thức hợp lý nhé.