Là dâu, các chị hãy biết phận mình
(aFamily)- Là dâu, trước hết hãy lo làm tốt trách nhiệm của mình rồi hãy đòi hỏi mẹ chồng thế này thế kia với mình...
Gửi chị Phương Lan, tác giả bài viết “Đòi hỏi vợ yêu mẹ chồng như mẹ đẻ là quá phi thực tế”,
Tôi đã đọc bài viết của chị cũng như các độc giả khác và thực sự thấy rằng chuyên mục tâm sự trên aFamily không những giúp mọi người giải quyết các vấn đề trong gia đình, cuộc sống mà qua đó là cầu nối để giúp chúng ta gần nhau hơn. Ai cũng có quan điểm, cách nhìn nhận riêng của mình về một vấn đề nào đó. Tranh luận với các ý kiến khác nhau cũng là cách tốt để chúng ta hướng tới sự hoàn thiện cần thiết.
Trong mâu thuẫn gia đình, mẹ chồng – nàng dâu là hai chiến tuyến, người chồng đứng giữa phải chịu khá nhiều áp lực. Ước muốn của họ là được làm vui lòng hai người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời họ. Vì thế, chúng ta có thể hiểu được những gì anh Tuấn và anh Ngọc nói ra trong hai bài chia sẻ “Vợ ơi, hãy yêu mẹ anh như chính mẹ em”, “Những điều vợ tương lai của tôi cần tránh làm với mẹ chồng”.
|
Lý lẽ của chị đâu có gì sai trái, mặt khác nó được rất nhiều chị em ủng hộ. Điều đó cho thấy rằng, chị Lan đã mạnh dạn nói ra những điều thầm kín, khó nói về mẹ chồng, cả những sai lầm của các ông chồng mắc phải. Điều mà đâu phải người phụ nữ nào cũng làm được.
Chị Phương Lan à,
Đúng như chị đã bộc bạch, nếu đàn ông đặt mình vào vị trí người vợ, anh ta sẽ hiểu được những khó khăn, bức xúc người con dâu, người vợ gặp phải.
Tôi hoàn toàn thông cảm với những bức xúc đó, tuy nhiên cách chị phân tích ý kiến của anh Tuấn và anh Ngọc lại khá gay gắt, nó giành được sự ủng hộ của các chị em nhưng để thuyết phục hay chế ngự cánh đàn ông thì tôi dám chắc là không thành công.
Tôi xin đưa ra vài ý kiến như sau, chỉ là chủ quan của tôi. Có gì chúng ta tiếp tục bàn luận tiếp.
Chị nói rằng: “Chúng tôi đâu có phải từ trên trời rơi xuống. Chúng tôi cũng do mẹ mình mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi lớn như các anh. Công lao đó chúng tôi chưa kịp trả hết cho mẹ thì khi lớn lên chúng tôi đã theo chồng về sống với nhà chồng và gánh vác, lo lắng cho gia đình nhà chồng trong khi đó mẹ đẻ của chúng tôi thì chẳng được chúng tôi chăm lo chu đáo mà thậm chí chúng tôi còn thỉnh thoảng quay về làm phiền mẹ những lúc cần đến bà”.
Sinh con gái, các cụ ta vẫn bảo “bé thì nuôi, lớn thì bay đi” ngầm ý cho thấy sự thiệt thòi của các ông bố bà mẹ trót sinh vịt trời. Song cũng có câu “trai khôn lấy vợ, gái ngoan lấy chồng”, lấy chồng, lấy vợ để làm tròn chữ hiếu với những người mang nặng đẻ đau ra mình. Các cô gái đến tuổi đi lấy chồng, bố mẹ cũng mừng, cũng vui vì con mình có nơi có chốn. Chẳng ông bố bà mẹ nào mong con gái mình ế chồng để ở mãi với mình cả. Cả đời “cha mẹ nuôi con như trời như bể, con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”. Thế nên chị em đừng nghĩ rằng mình đi lấy chồng thì chưa trả hết được công lao cha mẹ bởi các chị có trả cả đời cũng chưa đủ được. Ngược lại, các chị lấy chồng, lo lắng cho nhà chồng chu đáo vẹn toàn, không bị tai tiếng, tì vết thì chính cha mẹ cácchị sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn là các chị ở nhà trả công dưỡng dục của họ. Việc lập gia đình của mỗi người là quy luật trong cuộc sống, cái gì đã là quy luật thì không nên đem nó ra suy bì.
Chị cũng nói “Các anh đòi hỏi chúng tôi yêu và chăm lo cho mẹ chồng như mẹ mình nhưng bản thân các anh có yêu và quan tâm đến bố mẹ vợ như mẹ mình không? Các anh nghĩ rằng chỉ có các anh là mong muốn điều đó thôi sao? Chúng tôi cũng có bố mẹ và chúng tôi cũng yêu họ như các anh yêu bố mẹ mình vậy. Và chúng tôi cũng mong các anh tôn trọng, yêu quý đến họ”.
Quan điểm này của chị, cánh đàn ông đúng là phải xem xét. Tôi không phủ nhận nhiều ông chồng vô tâm chỉ biết nhà mình, không biết nhà vợ. Tuy nhiên số này cũng ít thôi, vả lại các chị cũng nên thông cảm cho cánh đàn ông bởi hầu hết họ đều xuề xoà, ỷ lại, nhiều người đưa tài chính cho vợ quản lý nên việc đối nội, đối ngoại để vợ làm tất. Do đó, họ vô tình mắc lỗi như chị Lan phân tích. Song các cụ ta cũng bảo “Dâu con, rể khách” để nhắc rằng chàng rể chỉ là khách nên khó đòi hỏi vẹn toàn còn dâu là con, gần gũi gia đình chồng nên “ăn cây nào, rào cây ấy” mới phải đạo.
Còn rất nhiều điều chị nói ra thể hiện “mẹ chồng phải thế này, thế nọ..” ở vế trước thì “con dâu mới thế này, thế kia…” ở vế sau. Đứng về lý mà nói, đúng là người lớn phải làm gương cho con trẻ, tuy nhiên trong mối quan hệ gia đình dù bố mẹ có thế nào thì con cái cũng phải lép vế, như thế mới làm tròn chữ hiếu. Người con gái chấp nhận lấy một người con trai, “nhập gia tuỳ tục” phải theo luật lệ trong gia đình ấy. Phận con, chúng ta hãy làm tốt trách nhiệm của mình trước. Bố mẹ có sai, chúng ta có thể lựa lời góp ý, thay đổi dần dần. Nếu bố mẹ luôn như chúng ta mong muốn thì đâu còn câu “người già trái tính trái nết” nữa. Vậy hãy để con cái lên vế trước rồi bố mẹ ở vế sau, như thế mới ổn chị em ạ.
“Có những điều chúng tôi làm sai, mẹ đẻ có thể tha thứ cho mình nhưng với mẹ chồng thì chưa chắc. Những cố gắng của chúng tôi chỉ cần một lần sơ xuất nhỏ thôi cũng có thể bị phá tan và thay vào đó chúng tôi sẽ nhận được không ít lời nặng nề, phủ nhận hết những gì tốt đẹp chúng tôi đã làm”.
Đó chính là một trong những thử thách cho người đi làm dâu. Nếu không như vậy thì làm sao chị em phân biệt được cảm xúc của mẹ chồng và mẹ đẻ. Hãy để ý rằng, mẹ đẻ tha thứ cho chúng ta, xong rồi chắc gì ta đã nhớ nhưng nếu mẹ chồng tha thứ cho chúng ta chuyện gì, ta sẽ nhớ cả đời. Sự tha thứ của mẹ đẻ chưa chắc đã khiến ta hoàn thiện nhưng sự giám sát của mẹ chồng lại giúp ta tiến bộ lên rất nhiều nếu ta chịu khó để ý.
Cái cuối cùng tôi thấy là anh Tuấn và anh Ngọc rất chân thành đưa ra ý kiến với mong muốn là giúp chị em nhìn nhận vấn đề đơn giản nhất. Các anh mong rằng chị em có thể tham khảo những ý kiến đó để nâng hình ảnh mình trong mắt mẹ chồng, làm sang cho chồng. Tất cả chỉ dừng lại ở ước muốn chứ không hề có ý ép buộc, đòi hỏi chị em phải làm như thế. Chị Lan dùng từ đòi hỏi là hơi nặng nề so với thành ý của hai anh Tuấn, Ngọc.
Đây là vài lời chia sẻ của tôi với các chị em, cảm ơn mọi người đã đọc.