BÀI GỐC Biếu Tết: Vợ tôi trọng bên ngoại, khinh bên nội

Biếu Tết: Vợ tôi trọng bên ngoại, khinh bên nội

(aFamily)- Vậy là cô ấy giấu tôi, mua ti vi cho nhà ngoại trong khi đó đưa ra hàng tá lý do để không phải mua máy giặt cho bố mẹ tôi...

25 Chia sẻ

Cái gì đúng, anh C cứ làm chứ đừng quá sợ vợ thế

,
Chia sẻ

(aFamily)- Đúng là vợ chồng thì không nên chống đối nhau quá nhiều, nhưng nếu không thể thỏa hiệp, cái gì mình cho là đúng mình cứ làm. Đừng quá sợ vợ như thế!

Mến gửi anh C!

Đọc qua câu chuyện của anh, người ta có cảm giác anh khá quan tâm đến bố mẹ mình. Nhưng càng đọc kỹ càng thấy không phải vậy, hoặc là có nhưng nó không tới nơi tới chốn. Chỉ là thương để mà thương, thương môi thương miệng chứ không phải từ tận đáy lòng. Tình cảm chỉ có thể là thực sự khi nó được biến thành hành động mà thôi. Còn anh, anh đã làm gì để thể hiện tình cảm của mình dành cho bố mẹ?

Sinh anh ra, nuôi anh ăn học thật chẳng dễ dàng gì. Mong mãi, chờ mãi mới đến ngày con cái trưởng thành, làm ra đồng tiền, có thể báo hiếu bố mẹ đôi chút thì con lại đi lấy vợ, sinh con. Dĩ nhiên, chẳng bố mẹ nào muốn con ở mãi với mình mà báo hiếu và việc lập gia đình, kinh tế ổn định cũng là điều bố mẹ mong mỏi nhất con mình có được. Nhưng là phận con, cần nghĩ cho bố mẹ lấy một chút.

Anh C có biết tại sao vợ anh lại có thể làm như thế không? Có thể bơ việc mua quà tặng bố mẹ chồng mà xăm xăm đi mua quà cho bố mẹ đẻ? Có thể biếu bố mẹ chồng toàn đồ vớ vẩn còn bao nhiêu thứ ngon ngọt mang hết về đằng ngoại không? Thưa với anh, không phải chỉ tại vợ anh quá quắt, sính ngoại mà là do anh không biết cách. Cô ấy đương nhiên là thương bố mẹ cô ấy hơn, dẫu sao bố mẹ anh với cô ấy cũng chỉ là người - sinh - chồng - mình không hơn. Vì thương bố mẹ mình nên cô ấy mới sắm sanh thứ này thứ nọ. Còn anh, nếu anh thương bố mẹ anh, anh phải tự hành động. Hãy học vợ mình, anh C ạ.

Hai vợ chồng đi mua đồ để biếu tết các cụ chứ có phải mình vợ anh đi đâu? Mua những thứ gì anh cũng là người biết đấy chứ. Những món đồ mua về, không phải biếu bố mẹ mình thì cũng là bố mẹ vợ, vậy tại sao từ đầu lại chọn đồ gia công, rẻ tiền? Nếu cứ chọn đồ ngon từ đầu đến cuối thì vợ anh có phân kiểu gì bố mẹ anh cũng đâu phải chịu thiệt thòi như vậy?

Ngay từ khi cưới về, mọi hành động anh phải thể hiện rõ ràng thái độ của mình, phải tạo thành thói quen, nếp sống ngay từ đầu. Vợ chồng có thể ăn đồ kém ngon một chút, nhưng bố mẹ thì phải được ưu tiên. Các cụ già rồi, như quả chín trên cây, chẳng biết lúc nào rơi rụng, còn được ngày nào thì hay ngày ấy.
 
Phận làm con, nếu có điều kiện càng phải chăm lo cho bố mẹ nhiều hơn để những năm tháng cuối đời của các cụ được vui vẻ, sung sướng. Tôi hỏi anh, khi anh cầm một chiếc kẹo ngoại ăn, hoặc là cả khay bánh kẹo bày tết nhà anh toàn là kẹo ngoại, bạn bè đến ăn thỏa mái trong khi bố mẹ anh ở quê ngồi ăn bánh kẹo gia công, toàn đường hóa học thì nhiều mà quy trình chế biến thì bẩn thỉu, mất vệ sinh. Lúc ấy trong lòng anh nghĩ gì?
 
Anh C ạ! Bố mẹ mình thì mình phải thương trước tiên rồi mới mong người khác thương. Vợ anh đi mua quà cho bố mẹ đẻ mình thì anh cũng làm được như vậy. Tiền của trong nhà hai vợ chồng cùng làm ra, cô ấy không hề có tư cách để quản lý và lên hoàn toàn kế hoạch chi tiêu. Một chiếc máy giặt cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền, nếu chỉ là cửa trên thì chỉ bằng nữa cái LCD hoành tráng mà cô ấy mua cho bố mẹ mình thôi.
 
Là thằng đàn ông, phải dám nghĩ dám làm anh ạ. Đúng là vợ chồng thì không nên chống đối nhau quá nhiều, nhưng nếu không thể thỏa hiệp, cái gì mình cho là đúng mình cứ làm. Đừng quá sợ vợ như thế!

 Chẳng còn mấy ngày nữa mà đến Tết, mong anh suy nghĩ chín chắn và làm ngay, kẻo rồi một ngày lại ngồi hối tiếc!

Chia sẻ