Khéo léo "dạy" chồng ở sạch
(aFamily)- Lời nói là lưỡi dao sắc dễ sử dụng nhất nếu các bà vợ biết sử dụng tính linh hoạt của ngôn ngữ, biến cái to thành cái nhỏ, cái khó thành cái dễ.
Chị Vân mến,
Con người chúng ta sinh ra mỗi người có một tính, cái tính, cái nết là do ông trời sinh ra. Chúng ta không thể lấy ý kiến chủ quan của mình đế áp đặt người khác. Chúng ta muốn hoàn thiện mình, chỉ có cách chúng ta phải chia sẻ. Cộng đồng nói chung, gia đình nói riêng đều cần có chia sẻ.
Tôi hiểu cái bực dọc khi người này mang đến cho người kia không chỉ một lần. Lấy một người chồng ở bẩn thì có mấy phụ nữ mong muốn. Nhưng đâu thể bỏ chồng bởi cái tật xấu ấy, chỉ nên nhắc nhở chồng khắc phục cái hạn chế này thôi nhé chị Vân.
Anh ta có tật vứt đồ lung tung, vậy chị hãy lẳng lặng thỉnh thoảng giấu bớt một thứ của anh ta đi. Đến một lúc nào đó cần đến, anh ta không thấy sẽ phải cuống lên đi tìm. Lúc đó chị sẽ có cơ sở để nhắc nhở anh ấy về tính bừa bãi và tác hại của nó ra sao?
Anh ta cũng lười thay quần áo, bít tất có thể bởi anh ấy tiết kiệm xà phòng, điện (máy giặt) hay công sức vợ song cái chính là không ai cho anh ta biết anh ta đang mặc một chiếc áo bốc mùi ngoài vợ. Anh ấy sẽ cho là vợ hay cằn nhằn, săm xoi. Chị Vân không cần thúc giục anh thay cho mệt. Chị hãy phím với mẹ chồng hoặc một người hàng xóm hoặc cô bạn thân chồng biết nói vui một câu “anh diện cái áo này hơi lâu đấy nhé, đến ba ngày rồi, phải cho cái máy giặt hoạt động chứ”. Những câu nói nửa đùa nửa thật thường làm cho người ta phải suy nghĩ. Ai biết được sau khi suy nghĩ anh ta sẽ thấy hóa ra người ngoài cũng quan sát và để ý mình, từ đó sẽ thay đổi.
Anh ta không thích mặc quần áo vợ là phẳng phiu ư? Lại một cách chống chế nữa, vậy chị Vân hãy đưa cho anh ấy một bộ quần áo nhăn nhúm khi đi dự tiệc xem anh ta phản ứng ra sao?
Anh ta lười rửa bát, việc hôm nay cứ thích để ngày mai, chị đi rửa giúp anh ta thì khác nào khuyến khích tính ỷ lại trong anh ấy. Với tình huống này, chị càng phải dùng thật nhiều bát đĩa hơn, ly tách cũng đem ra dùng rồi bầy la liệt trên bồn rửa. Hai điều có thể xảy ra là mẹ chồng sẽ mắng và bắt anh ta rửa hoặc anh ta sẽ choáng vì không hiểu sao nhiều bát đĩa thế. Chị chỉ cần giải thích rằng vì anh tích từ tối tới sáng thì phải nhiều là đúng rồi.
Với tật lười đánh răng của anh ta, chị chỉ có cách là tối đem vào phòng hai vợ chồng một chậu nước, cái bàn chải và tuýt thuốc đánh răng. Để sáng anh ta ngủ dậy, chị dúi vào tay ta chiếc bàn chải và bảo “nếu anh không muốn em và người khác bịt mũi khi tiếp xúc với anh thì anh hãy làm vệ sinh răng miệng nhé, nếu anh ngại vào nhà tắm thì anh có thể đánh răng ngay tại phòng ngủ này. Em sẽ dọn dẹp giúp anh”
Hãy rủ anh ta cùng tắm chung, đó vừa là cách thư giãn, vừa thể hiện sự quan tâm cũng như khuyến khích chồng mình chữa được bệnh lười tắm, chị Vân nhé!
Cái quan trọng của vấn đề ở đây không phải là người vợ đem cái bực mình, bức xúc về thói bẩn của chồng ra để nói, để phê bình mà cái chính là phải tìm hiểu xem chồng mình có tính cách thế nào. Từ đó lựa cách để đối phó và “dạy dỗ”. Mắng chồng cũng cần có nghệ thuật nên dạy chồng càng phải có thủ thuật cao tay. Lời nói là lưỡi dao sắc dễ sử dụng nhất nếu các bà vợ biết sử dụng tính linh hoạt của ngôn ngữ, biến cái to thành cái nhỏ, cái khó thành cái dễ.
Đôi lời ngắn ngủi tâm tình cùng chị Vân, Chị thử áp dụng nhé!