BÀI GỐC Tôi không thể chịu đựng... bố mẹ đẻ

Tôi không thể chịu đựng... bố mẹ đẻ

Mối quan hệ giữa tôi và bố mẹ đã mâu thuẫn từ lâu lắm rồi. Chỉ có điều đến giờ tôi không còn chịu đựng nổi nữa.

17 Chia sẻ

Tôi đã giải quyết thành công mâu thuẫn với bố mẹ

,
Chia sẻ

(aFamily)- Tôi cho rằng việc bố mẹ tôi cũng như bố mẹ một số bạn khác có những hành vi như vậy bởi vì họ thiếu kỹ năng sống...

Chào Mỹ An, Gió xanh và các anh chị!

Dù chỉ có một ít thời gian nhưng tôi cũng xin có đôi dòng chia sẻ với các anh chị hi vọng ai lâm vào hoàn cảnh này cũng tìm cho mình một giải pháp tốt nhất.

Tôi sinh ra tại một vùng quê trong một gia đình nghèo có 4 người con, tôi là chị cả. 4 tuổi, khi đó tôi đã có 2 em nhỏ, công việc của tôi là chơi với em, trông em cho bố mẹ đi làm đồng. Lớn hơn một chút, 5 tuổi bắt đầu phải nấu cơm, quét dọn sân, cho em ăn, 7 tuổi bắt đầu biết đi làm đồng.

Tôi có một tuổi thơ với nhiều nước mắt, nước mắt rơi khi để em khóc, nước mắt rơi khi không kịp nấu ăn trưa, nước mắt rơi khi ham chơi không trông em, nước mắt rơi khi đi học bị điểm kém. Vui chơi là quyền và sở thích của trẻ con, tuy nhiên thời thơ ấu của tôi chỉ biết đến sở thích vui chơi chứ không có quyền vui chơi vì tôi còn phải hoàn thành công việc do bố mẹ giao phó đồng thời phải học giỏi để bố mẹ vui lòng.

Bố mẹ tôi rất nghiêm khắc, dù trời rét căm căm dưới 6 độ, dù trời mưa gió đài báo bão, dù quãng đường từ nhà tới trường 1,5 Km lầy lội ngập qua đầu gối, dù sốt 39 độ, dù chân có sưng do ngã, dù ông nội tôi mới mất còn chưa đưa tang...., tôi vẫn phải đến trường đều đặn như vắt chanh gần như không nghỉ buổi nào.

Bố tôi có một "ngân hàng" roi. Với quan điểm của người xưa "yêu cho roi cho vọt" nên bố tôi phải sưu tầm để thưởng cho những đứa con khi không làm tròn trách nhiệm được giao, ông sưu tầm nó mỗi khi phát bờ tre, ông thửa những cành tre nhỏ dài và đanh phơi khô gác lên mái nhà, nơi mà cả gia đình tôi thường ngồi ăn cơm để tiện lấy vụt bất cứ lúc nào tôi mắc lỗi.

Những lúc ấy, mẹ cũng thường không nói gì, tôi thì khóc như mưa như gió và chắp tay lạy xin bố tha thứ, khi đó mẹ mới ra can, mới nói với tôi rằng nhớ nhé, bận sau đừng như vậy nữa.

Câu mà cả mấy chị em tôi đều thuộc lòng đó là: "Con xin lỗi bố, con xin lỗi mẹ, từ bận sau con không giám vậy nữa".

Mẹ tôi cũng không bảo ban con gái, tâm tình với con gái như những bà mẹ khác, những lời nói của mẹ đôi khi làm cho tôi tự ái, và rất buồn.

Tôi khóc nhiều đến mức mà tôi cứ mặc cảm mình xấu xí bởi mắt luôn sưng húp đến mức tôi không biết mình có khuôn mặt rất dễ thương với đôi mắt hai mí to tròn cho đến khi tôi vào đại học. Tôi đã từng mong thoát khỏi gia đình càng sớm càng tốt, bởi vậy mà tôi luôn chăm chỉ, nỗ lực học để thoát ly khỏi gia đình. Trong thâm tâm tôi đã từng nghĩ rằng bố mẹ không phải là bố mẹ đẻ của tôi, tôi đã từng nghĩ như vậy.

Mọi việc thay đổi khi tôi vào Đại học. Lần đầu tiên nhận được thư của bố với những lời lẽ động viên yêu thương tôi mừng phát khóc, tôi không bao giờ nghĩ bố mẹ dành cho tôi nhiều tình cảm đến như vậy, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Nhưng rồi khi bố tôi lên thăm tôi, hoặc khi tôi về nghỉ ở nhà lâu ngày thì đâu lại vào đấy, mẹ tôi không còn đay nghiến tôi như trước, nhưng bố vẫn thường đổ cho tôi tội này tội khác, xét nét, tra hỏi.

Đỉnh điểm là trong một lần 2 bố con tranh luận với nhau, tôi nói với ông "bố không hiểu con", ông nói "tao không hiểu mày mà tao đẻ ra mày à". Tôi lại nói "bố đẻ ra con nhưng bố không hiểu con, cứ phải đẻ ra con là hiểu con đâu". Lúc đấy ông rất ức chế rồi nói từ tôi, nóng quá không kiềm chế được mình tôi nói "bố từ con thì con đành chấp nhận thôi mặc dù con không muốn như vậy".... Bố tôi rất thất vọng về tôi, bố không nói với tôi một câu nào trong suốt một tuần. Nhìn dáng vẻ buồn rầu, lầm lì của bố tôi vô cùng đau khổ nhưng không biết làm cách nào.

Năm 24 tuổi tôi quyết định đi làm việc xa Hà Nội một thời gian (bố tôi thuê nhà cho mấy chị em tôi ở Hà Nội để học và làm việc, bố tôi cũng thường xuyên lên ở đó với các con) và cũng từ đó tôi không sống chung cùng gia đình nữa mặc dù bây giờ tôi làm việc ở Hà Nội nhưng vẫn thuê nhà ở riêng (mặc dù tôi chưa lập gia đình).

Nhưng quan hệ giữa tôi và bố mẹ đã thay đổi rồi, cách mà bố mẹ tôi đối xử với tôi cũng như các em tôi đã thay đổi, bước ngoặt là khi tôi 25 tuổi. Sau một thời gian làm việc xa Hà Nội, tôi trở về thuê nhà và sống riêng, khi đó bố tôi không hài lòng với hành động của tôi, ông gặp tôi và nói chuyện.

Tôi mời ông lên phòng làm việc của mình và tâm sự với ông như một người bạn từ 12 giờ chiều đến 8 giờ tối. Tôi nói với ông về mọi điều trong cuộc sống, về nhân tình thế thái, về những cạm bẫy và cơ hội, về hạnh phúc lứa đôi, về cách nuôi dậy con cái theo quan điểm xã hội hiện đại, về xã hội thời của tôi và thời của ông, về tuổi của tôi và quan niệm của phương tây, về kết hôn và ly hôn theo quan niệm truyền thống và hiện đại, nói chung là tất cả và kết luận một vấn đề rằng hư hỏng hay không, hạnh phúc hay không là do chính bản thân con người đó chứ người khác không thể giải quyết được.

Qua câu chuyện, ông đã hiểu tôi, ông tin tưởng tôi không bao giờ sa ngã bởi sự trái nghiệm và bản lĩnh trong cuộc sống và từ đó ông vô cùng tôn trọng mọi quyết định cá nhân của tôi mà không bao giờ can thiệp, ông chấp nhận việc ra riêng của tôi khi chưa có gia đình là một việc rất bình thường.

Tôi rất thương bố mẹ mình, mỗi khi nghe ai đó hát bài hát có câu "mẹ già như chuối chín cây" tôi lại muốn khóc, lại muốn ào về bên bố mẹ, tự tay nấu cho bố mẹ một bữa ăn ngon, tự tay chọn cho bố mẹ một bộ quần áo mới, được trò chuyện với họ mỗi ngày để không bao giờ phải hối tiếc.

Với xã hội tôi là một người bình thường, nhưng với gia đình, với hàng xóm láng giềng của tôi, tôi là một người thành đạt, một tấm gương cho trẻ con nơi tôi sinh ra, là cái đích mà họ muốn con em của họ vươn tới. Tôi tự hào về điều đó bởi đó là mơ ước, là hi vọng của bố mẹ khi ban phát cho tôi những trận đòn roi thủa nào giờ được đền đáp.

Nhờ tôi mà các em của tôi có quan hệ với bố mẹ tốt hơn vì bố mẹ không khắt khe với chúng như với tôi, bố tôi luôn nói: "Đầu xuôi thì đuôi mới lọt, con là đầu tầu phải kéo các toa tầu và bố mẹ khắt khe hơn với con bởi vì con cần sức mạnh để kéo các toa tầu". Tuy nghèo nhưng các em tôi đều học hành đến nơi đến chốn, đều có công việc ổn định và thăng tiến.

Tôi đã 29 tuổi chưa lập gia đình, nhưng bố tôi không lấy đó làm sốt ruột mặc dù hàng xóm đến nhà chơi luôn giục giã bố tìm mối mai nhưng bố luôn nói "nó (tức là tôi) đủ khôn lớn để lựa chọn một người chồng tốt, phụ nữ bây giờ gia đình quan trọng nhưng phải lấy được người phù hợp mới có hạnh phúc". Và bây giờ tôi rất tự hào về bố và rất thông cảm cho mẹ, tôi thường tranh thủ thời gian rỗi thủ thỉ tâm tình với mẹ để mẹ mở lòng với tôi cà các em tôi.

Mỗi khi hàng xóm có ai đó không dậy được con họ thường đến nhờ bố tôi "chỉ giáo" bởi trong làng xóm họ tộc ông là người rất có uy tín, bố tôi thường bảo họ hỏi tôi, và khi được hỏi tôi chỉ kể cho họ nghe chính câu chuyện tôi đang kể cho các anh chị.

Tôi luôn nghĩ, sau này có con, tôi sẽ không đánh nó như bố, tôi cũng không dùng những lời lẽ đay nghiến, miệt thị như mẹ nhưng tôi sẽ nghiêm khắc đồng thời cởi mở với con.

Có lẽ nhiều người sẽ phản đối, nhưng tôi cho rằng việc bố mẹ tôi cũng như bố mẹ một số bạn khác có những hành vi như vậy bởi vì họ thiếu kỹ năng sống mặc dù có thể họ đã rất nhiều tuổi. Như mẹ tôi chẳng hạn, sau khi tôi hiểu ra bản chất của vấn đề, tôi thường tranh thủ thời gian rỗi của mình thủ thỉ tâm tình với mẹ, khơi gợi chuyện để mẹ tâm sự chuyện ngày xưa cũng như khơi gợi để mẹ nói mọi điều trong cuộc sống một cách cởi mở, bây giờ mẹ là người phụ nữ rất cởi mở và vui vẻ.

Khi tôi có em dâu, tôi thường tâm sự với mẹ về quan hệ mẹ chồng nàng dâu trong xã hội hiện đại, về nhiều vấn đề trong cuộc sống và quan hệ của mẹ với em dâu rất tốt, mẹ thẫm chí còn thương và chiều em dâu hơn cả mấy chị em gái chúng tôi và có những việc tôi không bao giờ có thể tin được đấy là sau khi tôi ý nhị thông báo cho mẹ biết ngày sinh nhật của em dâu, mẹ đã có những lời chúc cũng như những món quà thật đặc biệt cho em ấy.

Bố mẹ đã nhiều tuổi rồi, bố mẹ không có nhiều cơ hội để tiếp xúc với cuộc sống hiện đại, mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái trong gia đình của Mỹ An và Gió xanh là mâu thuẫn thế hệ và rất phố biến ở các vùng nông thôn Việt Nam, chỉ có bạn mới giải quyết được mẫu thuẫn đó mà thôi.

Bây giờ tôi có quyền tự hào rằng mình sinh ra trong một gia đình hạnh phúc thực sự, ai tiếp xúc với gia đình chúng tôi cũng đều cảm nhận được điều đó khi bố mẹ sống với nhau hạnh phúc, yêu thương tin tưởng con cái, anh em trên dưới một lòng tôn trọng lẫn nhau.

Câu chuyện này xin chia sẻ với các anh chị chúc các anh chị hạnh phúc.

Hồng Lan

Chia sẻ