BÀI GỐC Phát chán vì vợ tôi cứ không vừa ý là đòi... ly dị

Phát chán vì vợ tôi cứ không vừa ý là đòi... ly dị

(aFamily)- Khi chưa có con, cô đi một mình. Lúc đã có con, cô ôm cả con đi. Tôi ngăn được ½ trong những lần ấy, ½ còn lại, cô ấy bỏ về nhà ngoại.

13 Chia sẻ

Nguyên nhân khiến vợ anh Hùng mắc "bệnh" dọa ly dị

,
Chia sẻ

(aFamily)- Có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng góp phần nuôi dưỡng căn “bệnh” khó chữa của vợ anh hiện nay. Đó là sự tiếp tay của bố mẹ cô ấy.

Anh Hùng thân mến!

Người phụ nữ mỗi lần giận dỗi chồng lại đem chuyện ly dị ra hù dọa, mặc cả kiểu vợ anh chứng tỏ rất thiếu tôn trọng chồng. Hi vọng chị ấy còn trẻ người nên mới trẻ con như vậy chứ nếu thêm vài tuổi nữa vẫn thế thì tôi nghĩ chắc anh sẽ không chiều được nữa đâu.

Khoan hãy nhắc đến lỗi lầm do anh hay chị ấy. Hãy cùng tôi nhìn nhận một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng. Chính nó đang nuôi dưỡng căn “bệnh” khó chữa của vợ anh hiện nay.

Tính đỏng đảnh xuất phát từ đâu, chắc chắn từ sự nuông chiều. Trăm phần trăm từ bé vợ anh Hùng đã là tiểu thư của bố mẹ cô ấy. Việc họ nâng niu cô công chúa nhỏ của mình thái quá đã tạo ra tính cách của vợ anh hiện nay. Môi trường tác động đến nhân cách, điều này vốn dĩ không phải bàn cãi.

Kiểu bố mẹ luôn binh con gái kể cả lúc con đã lấy chồng thực sự là sai lầm lớn. Nó có thể giết chết hạnh phúc, phá vỡ tổ ấm của con gái mình. Lúc nào bố mẹ cũng tạo cho con gái sự ỷ lại rồi tiếp tay mỗi lần con cái xách va li về ở, vô hình chung khiến cho con gái nghĩ nhà chồng giống cái chợ, thích đi thì đi, thích về thì về.

Tôi còn nhớ cách giáo dục của bố mẹ tôi với hai chị gái và cả chị dâu bây giờ. Mẹ tôi dạy hai chị gái: “các con đã đi lấy chồng, người các con lựa chọn, sướng khổ đều phải chịu, có gì vợ chồng tự bảo nhau. Đừng bao giờ đem về kể với bố mẹ đẻ bởi biết đâu bố mẹ đã không giúp được con lại phải suy nghĩ nhiều hơn”. Bố tôi thì nói “trong cuộc sống sẽ có những lúc vợ chồng mâu thuẫn nhưng bố cấm các con mang quần áo về nhà ở, dù thế nào cũng phải ở nhà chồng. Nếu chồng không phải, con hãy nói để bố mẹ chồng chỉ bảo, dạy dỗ hai đứa. Bố sẽ gọi hai con lên góp ý sau”.

Vì thế, các chị tôi đi lấy chồng nhưng không bao giờ có chuyện cãi nhau với chồng là bỏ về nhà bố mẹ đẻ cũng như chưa bao giờ dám nói chuyện li dị. Cách cư xử đúng mực của hai chị khiến bố mẹ chồng rất quý. Họ thường răn dạy con trai và lúc nào cũng tôn trọng thông gia. Bố mẹ tôi chưa bao giờ phải phiền lòng với hai cô con gái từ khi hai chị lấy chồng.

Đến khi có chị dâu, trong một lần hai anh chị mâu thuẫn. Chị dâu chuẩn bị quần áo bỏ về nhà mẹ đẻ. Khi đi qua phòng bố tôi, ông gọi con dâu vào bảo “vợ chồng xích mích, từ từ sẽ có cách giải quyết. Con có thể xin bố về nhà mẹ đẻ chơi cho thoải mái đầu óc chứ đừng vác vali to nhỏ bỏ đi như thế. Lúc này con đi rất dễ nhưng trở về sẽ khó hơn nhiều. Nếu con chỉ về nhà mẹ đẻ chơi, điều đó bình thường nhưng nếu con bỏ về nhà mẹ đẻ ở thì bố sẽ không biết nói với thông gia thế nào đâu, câu chuyện đã nặng nề hơn rồi”. Sau câu nói đó của bố tôi, chị dâu hiểu ra, không dám xách vali đi nữa, chỉ xin phép bố tôi về nhà ngoại chơi để tránh gặp mặt chồng, bớt bực tức lúc ấy.

Qua câu chuyện tôi kể, hẳn anh Hùng đã nhận ra tầm quan trọng của bố mẹ vợ. Cách dạy dỗ con biết phải biết sai khác hẳn với sự cưng chiều thái quá. Vợ anh vì có một điểm tựa, có một sự hậu thuẫn lớn từ bố mẹ đẻ cô ấy nên nếu không xác định được nguyên nhân, anh sẽ rất khó giải quyết.

Đã bao giờ anh dám trao đổi với bố mẹ vợ điều này chưa? Nếu anh muốn cải tạo thói quen xấu này của cô ấy, anh buộc lòng phải nói cho bố mẹ vợ hiểu để họ biết vị trí của họ trong tổ ấm hạnh phúc của con gái. Những việc họ nên làm và không nên làm.

Nên trao đổi khi không có mặt vợ anh ở đó, nên nói với bố vợ vì cùng là đàn ông nên ông sẽ hiểu hơn. Sau đó ông tác động đến bà. Đồng thời nhờ bố vợ “chỉnh” lại vợ mình. Nếu thực sự anh đối xử tốt với vợ mà vợ anh không biết điều thì chẳng có cớ gì nhạc phụ, nhạc mẫu lại không binh con rể.

Rất đơn giản phải không anh Hùng?  

Chia sẻ