Chị My hãy bắt đầu từ đứa con riêng của chồng!
(aFamily)- Trẻ con tầm tuổi này nói riêng và trẻ con nói chung không thích bị mắng mỏ, đòn roi, lừ mắt. Chúng ưa được khen ngợi, chỉ bảo một cách nhẹ nhàng.
Gửi chị MY, tác giả bài tâm sự “Nỗi niềm vợ hai”!
Ai đọc câu chuyện chị kể chắc đều cảm thông và mong muốn chia sẻ để giúp chị có thể vượt qua khó khăn, kỳ thị trong hoàn cảnh đi làm “tập hai” của một người đàn ông có vợ và đang nuôi con riêng của anh ta. Có lẽ tốt hơn nếu như anh ấy ở riêng song nếu vậy chắc chúng ta ước luôn những điều tốt đẹp hơn để đâu có người phải chịu hoàn cảnh éo le như chị My nữa, phải không ạ?
Em tin sẽ có nhiều bài chia sẻ đưa ra những cách hay những phương pháp giải quyết tình thế một cách hợp lý cho chị. Mong chị luôn đủ kiên nhẫn để chờ đợi những lời khuyên bổ ích và vững bước trên con đường mình đã chọn.
Em không phải là chuyên gia tâm lý, cũng chẳng phải người có nhiều kinh nghiệm gì trong chuyện này nhưng đứng trên góc độ của người ở ngoài, em mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình. Không biết có phù hợp không nữa, cái này có lẽ phải thử, chị ạ.
Nhiều người sẽ cho đó là viển vông nhưng nếu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy rất nhiều lợi ích nếu như giành được tình cảm của đứa trẻ này. Tại sao ư?
Đứa trẻ khác người trưởng thành ở chỗ đầu óc chúng còn non nớt và thường bị tác động bởi người lớn. Có thể những điều cháu bé nói ra làm tổn thương chị My nhưng đó chỉ là lời nói bắt chước hoặc xui dại của những người hiềm khích với chị, còn cháu bé có biết gì đâu. Nó chỉ có thể biết ai là cha, là mẹ ruột, là ông bà, cô chú. Họ nói sao thì nó dập khuôn như vậy, chưa phân biệt được tốt xấu, thực hư.
Nó bị gieo tư tưởng xấu về hình ảnh mẹ kế nên vô tình lờ mờ tạo tâm lý phòng thủ với chị My. Điều đó lý giải tại sao nó luôn chọc phá chị từ trong đám cưới đến cuộc sống sau này. Nó nói hỗn, không ăn cơm chị nấu, mè nheo. Đó là điều bình thường, cần phải thông cảm cho một đứa trẻ gặp hoàn cảnh như vậy.
Trẻ con tầm tuổi này nói riêng và trẻ con nói chung không thích bị mắng mỏ, đòn roi, lừ mắt. Chúng ưa được khen ngợi, chỉ bảo một cách nhẹ nhàng. Muốn vậy, phải nắm được tâm lý của chúng.
Trước tiên, chị My cần hỏi tại sao “con không ăn cơm mẹ nấu” “con bảo mẹ ghẻ ghê gớm nhưng mẹ ghê sao lại nấu cơm, dỗ dành con ăn” “ghê mà lại dạy con học, dạy điều hay, lại chăm sóc hai bố con con và nhà nội”… Chị cần nói cho cháu hiểu, không nên nói quá nhiều một lúc. Cứ từ từ, thỉnh thoảng chị lại ví dụ ra một vài câu chuyện về những điều không tốt khi mình bị người khác xúi bẩy, có thể là những con vật ngộ nghĩnh hay những nhân vật cổ tích cho trẻ thích thú lắng nghe.
Chị cũng nên biết sở thích của cháu bé là gì để thỉnh thoảng đánh đúng tâm lý của cháu. Có thể là thức ăn, đồ chơi, tranh truyện để lấy lòng nó.
Hãy chăm sóc cho cháu nhiều hơn, gần gũi nhiều hơn và lôi kéo cả chồng vào những lúc vui chơi cùng cháu. Có bố nó ở cùng, nó sẽ bớt phòng thủ, quên những điều xúi bẩy và tất nhiên chị có cơ hội nói chuyện với cháu thân mật hơn.
Chị cần phải tự tin và hi sinh bản thân nhiều chị nhé, tấm lòng yêu thương chắc chắn sẽ được đền đáp. Con người chứ có phải cỗ máy đâu mà không biết rung động trước tình cảm tốt đẹp người khác dành cho mình. Thêm một tuổi, đứa trẻ sẽ khác, sẽ biết nhiều hơn và có sự đánh giá tốt hơn.
Khi đứa trẻ thay đổi và chấp nhận thì lúc đó hình ảnh chị trong con mắt mọi người cũng khác. Mở lòng mình ra thêm nữa chị My nhé, hạnh phúc sẽ mỉm cười đối với những người biết chắp cánh nó.
Sống phải có niềm tin, có niềm tin có tất cả!