“Ngoại tình ảo” và hệ lụy của việc “đồng sàng dị mộng”
(aFamily)- Ai cũng biết rằng, đằng sau những cuộc ngoại tình ảo bao giờ cũng là kẻ thứ ba thật, chỉ cần hội đủ những yếu tố cần thiết (cả hai cùng đi công tác…) thì “lộng giả” hoàn toàn có thể thành “chân”.
“Ngoại tình ảo” và hệ lụy của việc
“đồng sàng dị mộng”
Chủ đề “Đau đớn vì vớ phải anh chồng vũ phu” nhận được sự đồng tình của đông đảo chị em. Có cảm giác rằng, những chủ đề kiểu này được chị em khá… tâm đắc, thậm chí, những câu chuyện đẩu đâu, từ cái thời các bà, các cô mới chớm yêu cũng được góp vào một cách “đầy đủ”.
Trong số chưa nhiều những tâm sự của chủ đề này, tôi thực sự chú ý đến cuộc ngoài tình trong tưởng tượng của một tác giả nữ để rồi phải chịu “đòn thù tâm lý” từ chồng. Tôi không tán thành với một số ý kiến cho rằng tác giả bài viết gốc đã “ngoại tình trong suy nghĩ”; bởi những cơn “say nắng” của tác giả mới chỉ dừng ở “những tin nhắn hỏi han, động viên”, giúp cho bạn có được sự “mạnh mẽ và vui vẻ hơn sau mỗi ức chế vợ chồng”; tuy nhiên, tôi muốn phát triển ý này thành một chủ đề khác và mong có sự rộng đường trao đổi của diễn đàn.
Trước hết, xin khẳng định ngay, tôi cực lực phản đối việc chồng dùng bạo lực, dù là “bạo lực tinh thần” với vợ. “Đánh vợ, chửi con, bắt nạt ăn mày” là những hành động tồi tệ và không thể biện minh. Xin miễn góp thêm lời bàn về cuộc hôn nhân cay đắng đầy sóng gió ấy, tôi chỉ góp một tiếng nói về cái gọi là “ngoại tình tâm tưởng” kia.
Chưa có một thống kê chính xác tỉ lệ đàn ông bị “cắm sừng” với tỉ lệ họ ngoại tình. Tuy nhiên, sĩ diện của “cái tôi”, cộng với lòng tự trọng đàn ông đã không cho phép các ông chồng xuất hiện trên mặt báo cũng như các diễn đàn. Vì thế, chỉ có ý kiến của các bà, các cô là rất khó toàn diện.
Đi cùng với “ngoại tình ảo” là hàng ngày, hàng giờ, liên tục xuất hiện những đứa “con hoang tinh thần” mà không biết đứa nào sẽ là cuối cùng. Không những thế, “ngoại tình trong tâm tưởng” có thể diễn ra bất cứ nơi đâu: phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn, thậm chí là trong W.C mà vẫn không để lại tang chứng.
Tôi đã chứng kiến một ông chồng đã lên cơn điên thật sự vì trò ngoại tình ảo này của vợ. Bà vợ lăng loàn cũng có “bồ ảo” nhưng sự giả dối ấy vẫn được ngang nhiên phơi bày bởi vì đó là… không ai cả. Nói bóng gió với vợ không giải quyết được tình hình, nói trực tiếp thì lại bị gắn cho cái mác “ghen tuông mù quáng”; tìm đến bạn bè, các trung tâm tư vấn cũng không xong bởi chẳng kiếm đâu ra chứng cớ.
Cứ thế, người đàn ông - mà ngày cưới bà vợ thề non hẹn biển - phải âm thầm chịu đựng những đợt sóng ngầm vỗ tan nát cả đời sống tinh thần. Chẳng ai có thể ngờ rằng, cuộc “khủng bố suy nghĩ” của bà vợ “liễu yếu đào tơ” lại có thể gây tác hại nghiêm trọng đến thế. Không chỉ là “bạo hành tâm lý” từ phía “phu nhân”, sự giả dối của vợ đã đẩy ông chồng vào tình trạng cứ khi nào nghe thấy điện thoại của bà vợ đổ chuông, lại hoang mang sợ sệt. Sự ám ảnh kéo dài hàng tháng trời và rồi đấng “phu quân” khốn khổ đã phải vào nhà thương điên như một kết cục tất yếu.
Dẫu sao, nghe câu chuyện đó, điều đầu tiên tôi thấy không bằng lòng là thái độ bạc nhược, thiếu dũng khí của ông chồng kia. Đáng lẽ cần những “cú hích” đủ mạnh để bà vợ tỉnh người và quay trở lại lối sống lành mạnh thật thì ông chồng vẫn “cao thượng, bao dung”. Hoặc dứt khoát phải đưa nhau ra tòa thì ông chồng lại… nghĩ tới những đứa con và không đành lòng dứt tình, bởi ông lo rằng những đứa trẻ thiếu “tình yêu thương vô bờ bến” của người chúng gọi là “mẹ”.
Cách đây khá lâu (phải tính bằng hàng chục năm), chiến tranh và những cuộc tao loạn đã bứt một cô tiểu thư ra khỏi khuê phòng và ném vào dòng người loạn lạc. Bỏ lại sau lưng cuộc sống tràn ngập ánh đèn cùng mối tình đầu đẹp như mơ, nàng công chúa Lọ Lem đã phải trần mình trong nắng gió ở một vùng quê. Cuộc hôn nhân bất đắc dĩ với anh lực điền “cổ cày vai bừa” (đương nhiên là hôn nhân không có tình yêu) đã đẩy đến một bi kịch cấp độ cao hơn khi cô không những không xóa được hình ảnh người yêu thời trẻ mà còn sử dụng người yêu như một liệu pháp tinh thần trong đời sống chăn gối.
Tôi cũng nghe kể về một câu chuyện khác: Ở một ngôi làng nọ, dư luận đã nổi sóng khi có đứa trẻ lớn lên rất giống một minh tinh màn bạc. Mặc dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng không ai tin rằng anh chàng đào hoa kia có thể du nhàn qua cái xứ “khỉ ho cò gáy” ấy để “nhân giống”. Xét nghiệm ADN cũng cho thấy đứa trẻ là con của “khổ chủ”. Câu hỏi không lời đáp chỉ có bà mẹ thừa lãng mạn kia có thể trả lời: những lúc sinh hoạt vợ chồng, đầu óc bà mẹ trẻ luôn nghĩ đến “thần tượng”. Những đường nét thanh tú trên khuôn mặt tài tử điện ảnh đã khắc sâu vào tâm trí cô và đứa trẻ sinh ra đã hội đủ những yếu tố ngoại hình của ông bố vừa hư vừa thực.
Câu chuyện ấy có thể thật, có thể không! Những cặp đôi giống nhau về ngoại hình trên thế giới cũng không hiếm. Nhưng việc người phụ nữ khi mang thai đắm đuối với tấm ảnh hay bức tranh treo tường để rồi khi đứa trẻ sinh ra phảng phất những đường nét nhân vật trong bức tranh là có thật.
“Với phụ nữ, không có tình yêu sẽ không có tình dục” - không biết tác giả của câu nói nổi tiếng này là ai nhưng hình như áp dụng cho cả “ngoại tình tư tưởng” cũng không hề sai. Sự thực thì khi bà vợ nghĩ tới người đàn ông khác thì gần như tâm trí họ không còn tình cảm cho ông chồng “danh chính ngôn thuận” nữa. Sự nhạt nhòa tình cảm trong tâm tưởng sẽ đẩy đến sự lạnh lẽo của cuộc sống lứa đôi. “Hương lửa” khó có thể duy trì sự mặn nồng nếu như cả “chàng” và “nàng” đều mơ về một hình bóng khác.
Con người ta ai cũng có mơ ước đến mẫu hình lý tưởng, trong những thời điểm nhất định. Mặc dù vậy, khi đã gắn cuộc đời mình vào một số phận khác thì yếu tố chung thủy đòi hỏi sự hiện diện của duy nhất một gương mặt. Ranh giới giữa “ngoại tình thật” và “ngoại tình tư tưởng” rất mong manh. Ai cũng biết rằng, đằng sau những cuộc ngoại tình ảo bao giờ cũng là kẻ thứ ba thật, chỉ cần hội đủ những yếu tố cần thiết (cả hai cùng đi công tác…) thì “lộng giả” hoàn toàn có thể thành “chân” - cuộc tình tâm tưởng ở nhà nhiều khả năng sẽ đưa thẳng đến cuộc truy hoan có đủ hai gương mặt thật.
Nếu xem ngoại tình thật là một quả pháo, thì “ngoại tình trong suy nghĩ” đã mang hình hài một ngòi nổ. Người khôn dùng nước, kẻ “chưa khôn” lại đánh lửa!