Mẹ em đố kỵ với con nhà hàng xóm
(aFamily)- Mẹ em luôn lấy cậu ấy ra để so sánh rồi cằn nhằn em.
Ai mang trong mình lòng ganh ghét, đố kị đều đã khổ nhưng những người chịu ảnh hưởng từ sự ganh ghét, đố kị còn khổ hơn.
Trong khi chồng chị Sông Ngọc đang khổ tâm với sự dày vò từ chính vợ mình thì em, một người khác, cũng đang nghẹt thở với sự so sánh từ chính mẹ mình tạo ra hàng ngày.
Hôm nay, gặp được chủ đề này, em muốn trút bầu tâm sự, muốn giải tỏa tất cả những gì kìm nén bấy lâu mà không dễ dàng tìm được nơi thổ lộ.
Chẳng biết duyên tương ngộ thế nào mà năm em học cấp ba thì bố mẹ em chuyển nhà. Nhà em về ở gần một cô chú hàng xóm cũng có cậu con trai bằng tuổi em và chẳng hiểu cô ấy nhỏ to gì với mẹ mà lập tức mẹ bắt em chuyển trường và vào học cùng lớp với Hữu, con cô ấy. Cũng từ đó, em luôn có đối trọng để mẹ đem ra so sánh.
Vậy mà mẹ em lại không hiểu điều ấy, đi họp phụ huynh thấy cô giáo tuyên dương những cá nhân xuất sắc. Không có tên con mình là mẹ về gọi em ra căn vặn rồi so sánh với Hữu. Mẹ nói cô ấy đi họp cho con mà mát mặt trong khi con mình thì chẳng thấy gì. Mẹ nó vênh mặt tự hào về con thì mẹ lại chẳng có được cái vinh dự ấy.
Đến khi đi thi đại học, Hữu và em cùng thi khối A, trong khi em lựa chọn kỹ thuật thì Hữu chọn kinh tế. Hữu đỗ ĐH Ngoại Thương còn em chỉ vào trường ĐH Mở. Em nghĩ mình biết lựa sức và thi vào trường phù hợp với mình. Đỗ được và yêu thích ngành mình học thì ra trường sẽ làm việc được chứ đâu nhất thiết phải quan trọng trường nọ trường kia. Mẹ em lại nghĩ khác, bà kêu là học trường chẳng có tên tuổi gì, sau này xin việc làm sao rồi lại lôi Hữu ra để so sánh với em. Mà buồn nhất là mẹ không kể nuôi em tốn bao nhiêu tiền, bao nhiêu gạo thì em không biết chắc. Lại còn nói con người ta cũng tiền ấy, gạo ấy thì học giỏi. Con mình sao lại kém hơn…v.v
Lúc ra trường rồi, mỗi đứa một công việc, một ngành nghề nên đồng lương, vị trí cũng khác nhau. Mẹ em vẫn chưa từ bỏ tính so bì. Hữu làm kinh doanh, lại làm nhiều mảng nên thu nhập của cậu ấy khá hơn, cách chi tiêu cũng thoải mái, dễ dãi trong khi em làm kỹ thuật, chỉ có khoản nhất định, lại chưa nhiều kinh nghiệm, quan hệ nên rốt cuộc vẫn kém cạnh hơn Hữu. Mẹ em cứ nghe cô hàng xóm kể về Hữu điều gì là y như rằng tìm em để nói lại. Có khi bà còn chủ động hỏi Hữu về công việc, tiền bạc… để có dẫn chứng cho con mình phải xấu hổ vì sự thua kém.
8 năm nay ở cạnh Hữu là 8 năm gần như em ít có những thời gian bình yên trong tâm hồn, lúc nào cũng canh cánh nỗi buồn bị mẹ đem ra so bì với người hàng xóm giỏi giang. Nhiều khi em tự hỏi, tại sao mẹ có tính so bì như vậy thì từ xưa đừng sinh em ra đời nữa, phải chi mẹ đỡ khổ mà em cũng đỡ bị phiền toái, đau đầu với sự đố kị trong mẹ.
Chẳng biết rồi đây, lúc em và Hữu lấy vợ, đẻ con, chắc mẹ em sẽ có nhiều cái để so sánh hơn nữa. Sự ganh ghét, lòng đố kị thật sợ nhưng đáng sợ nhất vẫn là những người bị ảnh hưởng từ lòng đố kị của người khác. Hơn ai hết, những người thích so bì phải hiểu điều này để sửa chữa, tiếc là khi sự đố kị quá lớn, chẳng ai để ý đến điều này mà chỉ chăm chăm với câu hỏi tại sao.
Chị Ngọc ạ,
Một người con có thể chịu được mẹ mình vì dù sao cũng là mẹ, là người đẻ mình ra nhưng một người chồng bằng vai phải lứa với mình sẽ không dễ dàng chịu đựng nỗi khổ do vợ gây ra mãi. Coi chừng “già néo đứt dây”, đến khi tan vỡ hạnh phúc, nuối tiếc cũng không lấy lại được đâu chị nhé!