Tôi từng bị giám đốc “sĩ” gạ tình
(aFamily)- Giám đốc trông rất sáng sủa và ăn nói hùng hồn. Anh đã khiến chúng tôi mơ màng về một ngày không xa sẽ kiếm được thu nhập cao từ những dự án tiền tỷ.
Chào chị Thu,
Câu chuyện của chị về người chồng sĩ diện thích mở công ty riêng khiến tôi nhớ lại một kí ức “đau thương”. Đó là hồi tôi mới tốt nghiệp trường Nhân văn, lọ mọ đi tìm việc làm. Tôi đã rất vui sướng khi đọc được một thông báo tuyển nhân sự của một công ty truyền thông vì không yêu cầu kinh nghiệm mà mức lương lại tương đối cao. Tôi trúng tuyển vào vị trí biên tập viên, chuyên viết kịch bản sự kiện cho công ty dù cũng chưa hình dung rõ công việc của mình như thế nào.
Công ty của tôi “toạ lạc” trên tầng 3 của một khu chung cư khá xập xệ, vốn được thuê lại từ một căn hộ của người dân. Toàn công ty có khoảng 20 người. Giám đốc trông rất sáng sủa và ăn nói hùng hồn. Anh đã khiến chúng tôi mơ màng về một ngày không xa sẽ kiếm được thu nhập nghìn đô/tháng từ những dự án tiền tỷ.
Vì trông tôi khá xinh xắn nên cũng được các anh trong công ty để ý. Giám đốc cũng nằm trong số đó. Anh thường mời tôi vào phòng riêng, “bàn” về các kế hoạch hoành tráng và bảo tôi viết kịch bản cho những sự kiện đó. Tôi cũng làm theo hướng dẫn của anh. Thường sau những buổi nói chuyện giám đốc lại hỏi han, quan tâm đến cuộc sống riêng tư của tôi. Anh hẹn đi ăn tối với tôi sau giờ làm việc. Nhưng vì tôi cảm thấy e ngại thế nào đó nên tìm cách từ chối. Dù vậy thỉnh thoảng giám đốc lại tìm cớ sắp xếp cho tôi đi với anh ra ngoài trong giờ làm việc.
Tôi làm ở đó hơn một tháng thì chưa thấy lương đâu. Tuy nhiên hồi đó vì mới ra trường nên tôi rất nhút nhát, không dám hỏi công ty. Tôi thấy mình chưa làm được gì nhiều, các kịch bản viết ra chưa thấy công ty thực hiện được cái nào dù không thấy giám đốc chê trách gì. Các nhân viên kinh doanh hàng ngày vẫn gặp các đối tác mời ký hợp đồng, nhưng chỉ trúng các hợp đồng quảng cáo nhỏ trên các báo chứ không mời được tài trợ cho sự kiện chúng tôi định tổ chức. Tôi nghĩ mình cũng nên chia sẻ với khó khăn của công ty.
Nhưng đi làm mà lương lậu không rõ ràng, không có tiền chi tiêu cho các sinh hoạt hàng ngày như xăng xe, điện thoại… tôi thấy rất khốn đốn. Tôi hỏi nhỏ các đồng nghiệp, họ cũng âm thầm chịu đựng như tôi. Cuối cùng không thể chịu được nữa, tôi rủ một số người khác hỏi giám đốc về tiền lương. Anh giải thích với chúng tôi về tình hình khó khăn của ngành truyền thông hiện nay, và nói rằng công ty nợ lương mọi người đến tháng sau sẽ trả cả thể. Lúc đó cũng gần tết rồi, chúng tôi chờ đợi trong hy vọng. Thế nhưng điều kinh hoàng là đến tết chúng tôi vẫn chưa nhận được lương, và tất nhiên là không có thưởng như những công ty khác. Mỗi người được nhận một chai rượu, một hộp trà, một hộp bánh rẻ tiền mang về nhà. Ai nấy nhìn nhau méo mặt, không biết lấy tiền đâu tiêu tết hoặc lì xì cho người thân.
Qua tết chúng tôi lên công ty đòi lương thì sếp lại tiếp tục hứa hẹn. Tôi thấy không có hy vọng gì nên nghỉ làm với nỗi bực dọc trong lòng trong khi giám đốc tiếc nuối bảo tôi ở lại. Một số anh chị khác vẫn tiếp tục làm ở đấy, chắc vì không xin được ở nơi nào khác.
Sau này giám đốc có vài lần gọi điện cho tôi mời đi café, tôi chán chẳng muốn thấy mặt anh ta nữa. Tôi ghét loại người sĩ diện, cứ thích làm giám đốc ra oai với thiên hạ trong khi chẳng có tiền trả cho nhân viên, khiến bao nhiêu người lâm vào cảnh khốn cùng. Thế mà các giám đốc ấy chẳng thấy ngại ngần gì, vẫn mặt dày vui vẻ ba hoa với người khác. Bó tay!