So sánh: "ăn nhiều thịt" với "ăn nhiều rau"

TH,
Chia sẻ

Có người chọn giảm cân bằng cách ăn nhiều thịt nhưng cũng có người lại chỉ ăn toàn rau. Vậy ăn nhiều thịt hay chỉ ăn nhiều rau có thực sự tốt không?

Ăn thịt để giảm cân - ngược đời không?
 
Chị Hiền (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa xỏ bộ váy mới, vừa ngắm mình trong gương và lẩm bẩm: "Hẳn các cô nàng ấy sẽ ngạc nhiên lắm đây". Chẳng là, hôm nay lớp cấp 3 của chị họp mặt lần đầu tiên sau 10 năm chia tay. Và cuộc gặp gỡ này làm chị háo hức hơn cả là vì chị muốn các bạn cấp 3 sẽ phải trầm trồ khi bạn Hiền béo là chị giờ đây đã "mi nhon" tới mức nào.
 
Thời còn học cấp 3, chị Hiền có biệt danh Hiền béo, Hiền ú và Hiền mập. Giận các bạn thì ít, tự ti thì nhiều, trong suốt những năm sau đó chị âm thầm tìm mọi cách để giảm cân. 
 
Một lần, theo chân bạn đi khám, tư vấn dinh dưỡng, chị Hiền được bác sĩ kê cho thực đơn giảm cân bao gồm... toàn thịt. Mới nghe tên phương pháp giảm cân "kì lạ", trái ngược hẳn với những gì chị biết thì chị thấy "choáng" vô cùng, "chỉ sợ cân nặng chẳng giảm, lại tăng cân thì lo lắm bác sĩ ạ" - chị dè dặt ý kiến. Nhưng nhờ sự động viên của bác sĩ mà sau 5 tháng áp dụng biện pháp giảm cân bằng cách ăn nhiều thịt, giảm tinh bột, chị Hiền đã giảm được một nửa số cân như mong muốn. Và sau khi giảm số cân như ý, chị Hiền lại đến bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn lại chế độ dinh dưỡng để cân bằng cơ thể.
 
Có tác dụng giảm cân tức là ăn nhiều thịt sẽ tốt?
 
Ngày nay, để giảm cân hiệu quả, người ta xét tới nhiều phương pháp, nhưng về mặt thực phẩm thì có 2 phương pháp là ăn nhiều thịt và ăn nhiều rau củ quả. Thế nhưng, nếu vì mục đích giảm cân mà chọn một trong hai chế độ ăn này thì thực sự có tốt cho sức khỏe hay không? Câu trả lời luôn là không.
 
So sánh: "ăn nhiều thịt" với "ăn nhiều rau" 1
Ăn nhiều thịt làm tăng huyết áp, cholesterol và nhiều bệnh khác. Ảnh minh họa
 
Ăn nhiều thịt (protein), giảm tinh bột ở một khía cạnh nào đó có thể có hiệu quả trong việc giảm cân, duy trì trọng lượng... Phương pháp ăn nhiều thịt giảm cân được lý giải như sau: Thịt chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo này đã dần được coi là có nhiều dinh dưỡng cần thiết. Người muốn giảm cân cần ăn chất béo bão hòa để cơ thể vẫn đủ năng lượng cho các hoạt động nhưng lại tránh bị béo hơn. Chất béo bão hòa đảm bảo được "nhiệm vụ" này.
 
Nhưng ăn nhiều thịt lại không hề tốt cho sức khỏe. Chế độ ăn với nhiều thịt sẽ dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, tăng cholesterol, tăng áp lực lên gan và thận khiến chúng phải làm việc quá tải. Một khi gan và thận phải làm việc quá sức, không thải lọc được hết chất thải khỏi cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư.
 
Người ăn nhiều thịt có thể có nguy cơ dễ mắc các bệnh như bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh gút, béo phì, bệnh gan, bệnh ung thư...
 
Tuy nhiên không phải hễ ai ăn thịt là mắc các bệnh này, mà chỉ những người ăn quá nhiều thịt, không quan tâm đến số lượng và chất của thịt mới dễ bị mắc bệnh.
 
Ăn nhiều rau củ quả có tốt không?
 
Ngày càng có nhiều người chọn phương pháp giảm béo bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ là rau củ quả các loại. Tuy nhiên, có phải ăn càng nhiều rau củ quả thì nạp được càng nhiều chất xơ vào cơ thể hay không?
 
So sánh: "ăn nhiều thịt" với "ăn nhiều rau" 2
Chỉ ăn rau củ quả dễ dẫn đến thiếu dinh dưỡng. Ảnh minh họa
 
Chất xơ gồm hai loại: chất xơ  không hòa tan (có trong cám gạo, cám lúa mì, cám bắp, hoa quả và rau củ, hạt quả, đậu khô...) và chất xơ hòa tan (có trong các loại trái cây, rau, củ, cám yến mạch, lúa mạch, đậu khô, đậu Hà Lan, sữa đậu nành và các sản phẩm khác của đậu nành).
 
Chất xơ không được cơ thể hấp thu nên không có giá trị như một chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, chất xơ lại có tác dụng tích cực như sau:
 
- Ngăn ngừa táo bón, viêm đại tràng, trĩ
 
- Kiểm soát và cân bằng các axít trong ruột, loại bỏ các chất độc hại có trong ruột, phòng ngừa chứng viêm ruột thừa và ngăn chặn các yếu tố có thể gây ung thư ruột kết.
 
- Chất xơ hòa tan hấp thụ cholesterol của thức ăn và muối mật rồi bài tiết ra ngoài nên có tác dụng giảm mức cholesterol trong máu, giúp phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột qụy.
 
- Giảm tốc độ hấp thụ chất đường nên có lợi cho người bị bệnh tiểu đường, người bị viêm đại tràng, người muốn ăn kiêng...
 
Tuy nhiên, nếu bạn chọn chế độ ăn nhiều chất xơ thì cũng đừng nên ăn quá nhiều mà nên ăn tăng dần để tránh gây rối loạn tiêu hóa, gây trở ngại cho việc hấp thụ các chất như canxi, kẽm, sắt...Hơn nữa, thực phẩm giàu chất xơ thường chứa ít chất dinh dưỡng nên nếu chỉ ăn các loại thực phẩm này có thể sẽ khiến cơ thể bạn bị thiếu chất, vè lâu dài dẫn đến thiếu dinh dưỡng trầm trọng và gây ra suy nhược cơ thể, kéo theo nhiều bệnh tật khác.
 
Vậy nên, chế độ ăn tốt nhất sẽ là cân bằng cả các loại pprotein, tinh bột và các chất xơ, bột đường cần thiết...
 

 
So sánh: "ăn nhiều thịt" với "ăn nhiều rau" 3
Chia sẻ