Cay đắng phận mẹ nghèo nuôi con
Lúc về, con ngồi sau xe khóc nức nở. Mình tưởng con tủi thân nên vỗ về lúc nào nhận lương sẽ đóng tiền cho con. Nhưng con òa lên mếu máo: “Con khóc vì mẹ, chắc mẹ xấu hổ vì con lắm phải không? Con không cần ăn bữa phụ đâu, con không thích thật mà”.
Đọc bài “19 tuổi em không nhận ra con mình nhưng con nhận ra mẹ” của bạn Đặng Linh mình xúc động lắm. Mình cũng như bạn, lý do duy nhất để tiếp tục bám trụ với cuộc sống nghiệt ngã này chỉ có thể là vì con.
Đời mình rất buồn. Mình không đổ lỗi cho ai hết, chỉ tại mình không học cao để có những bằng cấp to lớn, tại nhà mình nghèo, tại mình ngu ngốc lấy phải một người chồng không ra gì. 27 tuổi mình chia tay người chồng chỉ hợp pháp trên hôn thú chứ chưa từng được tổ chức tiệc cưới ra mắt họ hàng.
Mình biết mình mang thai từ trước lúc ly hôn. Mình định bụng gắng làm hết thủ tục ra tòa rồi sau đó một mình giải quyết sạch sẽ, coi như chấm dứt hết duyên nợ với con người đó. Nhưng mình bỏ được chồng mà không bỏ được con.
Con được bốn tháng, mình đã cho gửi để đi làm lại kiếm tiền trả nợ và trang trải qua ngày (Ảnh minh họa)
Mình hận chồng, không muốn giữ lại giọt máu của anh ta, chỉ ước san bằng tất cả để làm lại cuộc đời vốn đã dở dang. Nhưng mầm sống trong bụng cứ âm ỉ như chuyện trò khao khát được ra đời.
Một mình ôm bụng bầu nằm trong căn phòng trọ ẩm thấp trong khi ngoài kia là phố xá huyên náo, mình đã khóc và đắn đo rất nhiều. Hai lần đến phòng khám là hai lần mình bỏ chạy khi bác sĩ gọi tên vào làm thủ thuật bỏ thai.
Mình quyết định sinh con khi trong tay chỉ còn hơn 300 nghìn. Mình quyết định sinh con khi ngay cả bố mẹ đẻ cũng không thèm nhìn mặt mình nữa. Nếu không có sự giúp đỡ của anh chị em tốt bụng trong xóm trọ nghèo nàn này, mình đã không thể vượt cạn và nuôi con qua những ngày đầu tiên.
Con được bốn tháng, mình đã cho gửi để đi làm lại kiếm tiền trả nợ và trang trải qua ngày. Con mình nhỏ nhưng biết phận mẹ nghèo nên rất ít khóc và ít ốm. Nó chỉ gầy gò với vẻ mặt lúc nào cũng bình an, cam chịu rất tội nghiệp. Nhìn nó ai cũng bật cười vì vẻ mặt đăm chiêu của một bà cụ non.
Sài Gòn mùa nắng hay mất điện, ôm con trong lòng dưới ngọn đèn chập chờn nhảy múa và tiếng muỗi vo ve, mình khóc con cũng lặng lẽ khóc theo. Trẻ con ai khóc như thế, chỉ mếu thôi mà rớt nước mắt rơi lã chã cố giấu đi tiếng nghẹn ngào. Có phải con đang hiểu cho sự bất lực và bế tắc của mẹ?
Những chiều đi làm về, con lon ton chạy ra đón mẹ. Mình hỏi con ăn gì no chưa, con xòe tay kể đủ món, “thịt gà này, cá này, hột vịt lộn nữa này”. Nhưng mình biết con nói vậy để mình không phải lo nghĩ về con. Bởi tiền gởi con chỉ 500 nghìn mỗi tháng, dù muốn người ta chăm bẵm đến mấy cũng chẳng thể cho con ăn ngon được.
Con mình là một đứa bé hay mộng mơ và rất lạc quan yêu đời. Con tưởng tượng ra đủ thứ để hài lòng với sự nghèo khổ. Mình làm gỏi hoa chuối, con vỗ tay hoan hô mẹ làm thịt gà. Mình làm khuôn đậu chiên con hôn mẹ gọi đó là thịt sườn. Những hôm ăn cơm với nước mắm kho, con hớn hở gọi là kẹo gương.
Con khoe với bạn trong xóm rằng nhà mình cũng có thịt gà. Tụi nó bĩu môi chê con nói láo, bảo: "Nhà mày toàn ăn hoa chuối, lấy đâu ra thịt gà". Con cúi mặt im lặng vân vê gấu áo. Mình thấy mà đau đứt ruột. Nhưng tối về chưa kịp an ủi con, con đã ôm mẹ thủ thỉ “thịt gà mẹ làm là ngon nhất”.
Lúc 6 tuổi, con vòi mình dắt đi cắt tóc ngắn như con trai. Con hồn nhiên nói “tóc dài phải đính kẹp rồi đeo bờm tốn tiền mẹ nhỉ?". Mình chỉ biết ôm con khóc.
Con mình không được như con người ta, đâu được mặc quần áo mới, đến một chiếc kẹp chiếc cài tóc cũng rất họa hoằn mới được mẹ mua cho. Con nói thế không phải vì con không thích mà là tự nguyện cắt tóc ngắn để mẹ đỡ tốn tiền. Đến mẹ còn chưa nghĩ được như thế sao con lại nghĩ ra?
Vào lớp 1, dù đã cố chọn trường nghèo nhưng con vẫn nổi bật vì quá nhỏ bé và đơn giản. Từ áo quần sách vở đến balo con mang đều là của anh chị trong xóm cho lại. Nhưng con vẫn nâng niu chúng như những thứ quý báu. Tối nào con cũng cẩn thận ngồi tẩy hết những nét bút trong sách mà các anh chị học trước đã ghi vào.
Con mình rất chăm học, con nói học để sau này nuôi mẹ. Mình không dạy con nói điều đó. Tất cả đều là tâm tính tự phát của con. Nghĩ vui mà cũng buồn, sinh ra nhưng con mình không được quyền sống đúng tuổi, phải luôn tự lập làm người lớn để đỡ đần cho mẹ.
Những lúc đó mình hạnh phúc đến quặn lòng, đúng là mình yếu đuối hơn con. Con mới thật sự là chỗ dựa để mình bám trụ với cuộc sống bất hạnh này.
Hôm họp phụ huynh đầu năm, nhà trường yêu cầu nộp thêm tiền để ăn bữa phụ cho con vào đầu giờ chiều. Chỉ thêm mấy chục ngàn nữa nhưng tính ra tiền ăn bán trú, tiền trông trưa của con đã tăng lên hơn nửa triệu. Mình không sao xoay xở được, tiền vay cũng đã nhiều nên không thể vay thêm, vậy là đành không đăng ký cho con bữa ăn bữa phụ. Các phụ huynh khác nhìn mẹ con mình bằng ánh mắt coi thường khinh khỉnh. Mình cúi mặt sượng sùng.
Có những tối mình khóc, con mắng yêu và đập đập lên vai con “Mẹ dựa vào đây này, con có mẹ nên con không bao giờ khóc. Sao lúc nào mẹ cũng khóc?” (Ảnh minh họa)
Lúc về, con ngồi sau xe khóc nức nở. Mình tưởng con tủi thân nên vỗ về lúc nào nhận lương mẹ đóng tiền cho con. Nhưng con òa lên mếu máo: “Con khóc vì mẹ, chắc mẹ xấu hổ vì con lắm phải không? Con không cần ăn bữa phụ đâu, con không thích thật mà”.
Điều duy nhất mình làm đúng trong đời này là đã sinh ra con. Nhưng điều mình cay đắng, ân hận nhất là để con phải sống cực khổ, ép con làm một bà cụ non khi đáng ra con phải có một cuộc sống sung túc với đầy đủ ba mẹ và ông bà.
Nhiều khi túng quẫn mình chỉ muốn nhảy cầu để chấm hết những ngày tháng này, nhưng nhìn thấy con mình thật sự ân hận vì đã có những ý nghĩ đó. Sông có khúc người có lúc, có lẽ mình nên học con tính lạc quan yêu đời, biết yêu thương ngay cả khi đau khổ. Cuộc đời này chẳng là gì khi mẹ có con, phải không con?