Con khóc, mẹ cũng khóc theo

HN,
Chia sẻ

Con bé còn hay khóc mà mỗi lần khóc thì rất lâu. Nhiều lần không thể chịu đựng được khi con khóc mà chẳng tài nào dỗ nổi, chị Loan cũng òa khóc theo con, cả mẹ cả con cùng khóc.

Ngày nào cũng vậy, chỉ có hai mẹ con ở nhà với nhau từ sáng đến chiều, mình chị Loan phải lo chuyện ăn uống của cả mẹ cả con, đã vậy lại phải lo cả giặt quần áo nên nhiều khi chị Loan như muốn rụng rời chân tay. Con gái mới được 4 tháng tuổi, không chịu ti sữa mẹ lại lười ăn sữa ngoài nên cả ngày chị Loan quay cuồng với 4 bữa cháo cho con, cứ ăn lại trớ, trớ lại ăn liên tục.

Nhà chỉ có hai vợ chồng, chồng lại đi làm bận rộn từ sáng tới tối, có hôm tới khuya, bà nội bà ngoại đều bận không ra trông cháu giúp nên chị Loan đành nghỉ làm để ở nhà trông con, vì có đi làm thì tiền lương cũng không đủ thuê người giúp việc và trông trẻ. Xác định là ở nhà trông con sẽ vô cùng vất vả, chị Loan cố dặn mình phải biết kiềm chế và bình tĩnh để có thể làm tốt mọi việc. Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Con bé ngoan thì không sao, đằng này nó lại quấy èo ẹo, cả ngày đòi bế, thành ra chị Loan cứ một tay bế con, một tay làm mọi việc.
 
 
Đã vậy, con bé còn hay khóc mà mỗi lần khóc là khóc rất lâu. Nhiều lần không thể chịu đựng được khi con khóc mà chẳng tài nào dỗ nổi, chị Loan cũng òa khóc theo con, cả mẹ cả con cùng khóc. Những lúc con ngủ thì chị lại tranh thủ giặt quần áo nên cũng chẳng được nghỉ ngơi, cả ngày không có thời gian chải đầu, chăm chút quần áo cho mình. Nhiều lần chồng chị góp ý vì thấy vợ xuề xòa quá khiến bao nhiêu uất ức của chị Loan như bùng nổ và “cuộc chiến” bắt đầu dù là chị chẳng muốn vậy chút nào.
 
Cũng cùng cảnh chăm con nhỏ như chị Loan, chị Hồng cũng lâm vào cảnh “bực không chịu được”. Chị Hồng có một bé trai được 10 tháng và đang vịn thành giường tập đi. Từ ngày biết bò, cu cậu nhà chị Hồng đã không chịu ngồi yên một chỗ, nghĩ trẻ con đứa nào cũng vậy nên chị Hồng cứ để con tự khám phá mọi thứ trong nhà. Nhiều lúc thấy con mày mò cái này lắp vào cái kia, chị còn cảm thấy tự hào vì con… rất thông minh. Nhưng đến khi con tập đi thì chị Hồng thực sự cảm thấy không thể kiên nhẫn với con. Thằng bé lần sờ khắp chỗ, cái gì cao thì với và lôi hết xuống. Vốn quen được mẹ cho “thả phanh” từ trước nên cu cậu chẳng đoái hoài gì mỗi khi bị mẹ quát không được sờ vào cái này, không được sờ vào cái kia.
 
Mệt mỏi vì cả ngày chạy theo “cậu ấm”, cứ nhặt gọn đồ vào là con lại bày ra, dọn chỗ này nó bày chỗ khác, thành ra chị Hồng trở nên cáu bẳn với con. Những lúc nói con không được, chị lấy luôn cái roi ra, đánh cho vài cái vào mông làm thằng bé khóc ré lên. Thế nhưng thằng bé không biết sợ hay sao mà lần sau lại tiếp tục những trò “khám phá” của mình và kết quả là lại bị mẹ đánh. Chồng chị Hồng góp ý vợ nên nhẹ nhàng chỉ bảo cho con chứ đừng đụng đâu là đánh con, thằng bé còn nhỏ chưa biết gì… Thế nhưng chị Hồng gào lên: “Tôi không còn đủ kiên nhẫn mà nói với thằng giặc con ấy, anh ở nhà mà dạy con xem có chịu nổi không”.
 

Mệt mỏi, ức chế, mất bình tĩnh, nóng nảy là những cung bậc cảm xúc của không ít bà mẹ khi phải ở nhà trông con, nhất là những bà mẹ có con quấy nghịch. Dù đã “lên dây cót” cho mình từ khi xác định sẽ ở nhà nhưng không ít bà mẹ còn giữ được “tinh thần” đó. Và không biết từ khi nào, các bà mẹ ở nhà chăm con lại trở thành những bà mẹ “ghê gớm”, hay đánh con và tính nóng như lửa. Tất cả chỉ bởi các mẹ không thể kiên nhẫn được với con.

Thực ra, việc giữ kiên nhẫn không phải là quá khó. Rất nhiều các mẹ mất hết tính kiên nhẫn là bởi vì đã đặt tất cả sự quan tâm vào con mà quên mất rằng cần quan tâm cả bản thân mình nữa. Việc quan tâm đến bản thân mình là rất quan trọng, nó giúp các mẹ cảm thấy thoải mái tư tưởng và suy nghĩ mọi chuyện thoáng hơn, dễ dàng chấp nhận mọi việc một cách vui vẻ hơn.

Chia sẻ