Ứng xử giữa mùa dịch Covid-19: Đối mặt với dịch một cách văn minh, tử tế và bao dung hơn
Đứng trước những luồng thông tin trái chiều về Covid-19, chúng ta cần phải có một cách ứng xử văn minh hơn, tử tế hơn, thông minh và tỉnh táo hơn. Bởi muốn cơn dịch bệnh qua đi, không chỉ nhờ vào sự quyết tâm của chính phủ hay một bộ/ban/ngành, cũng không phải việc cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh, mà còn là cách ứng xử của mỗi người.
3 tuần vừa qua, chúng ta được chứng kiến sự bùng phát và nỗi ám ảnh mà virus corona mang đến cho cả xã hội. Qua những biến động không ngừng bởi sự ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng ta nhận ra rằng: Dường như chúng ta đã “tay không" bước vào cuộc chiến với dịch. Chúng ta mò mẫm, chúng ta hoài nghi, chúng ta bị tấn công bởi không chỉ nỗi lo sợ con virus, mà còn bởi sự lắt léo của tin giả, sự ngây thơ của chính bản thân, và thậm chí, là cả sự vụ lợi.
Và đó không phải là một cách ứng xử phù hợp. Đứng trước những rối loạn trong cuộc sống dưới tác động của virus, chúng ta cần phải có một cách ứng xử văn minh hơn, tử tế hơn, thông minh và tỉnh táo hơn. Bởi muốn cơn dịch bệnh qua đi, không chỉ nhờ vào sự quyết tâm của chính phủ hay một bộ/ban/ngành, hay không chỉ nhờ vào việc cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh, mà đó còn là ở cách mỗi người chúng ta ứng xử với dịch.
Ứng xử với thông tin
Trong cuốn “Tâm lý học đám đông" của Gustave le Bon, có một câu như thế này: “Đám đông chẳng suy tính bất cứ cái gì. Dưới ảnh hưởng của những kích động trong giây phút họ có thể trải qua hàng loạt các trạng thái tình cảm trái ngược nhau. Nó giống như những tán lá trước gió, chúng chao đảo mọi phương và rơi rụng.”
Nếu dùng trích dẫn đó của Gustave le Bon soi chiếu vào thời điểm từ lúc virus corona trở thành nỗi ám ảnh của xã hội, thì 3 tuần vừa rồi chính là 3 tuần của bão tố, chao đảo và rơi rụng niềm tin. Những ranh giới về sự hiểu biết được xoá nhoà, và chúng ta thấy được một người có thể hoang mang và cả tin đến đâu, khi đối mặt với nỗi sợ hãi. Bất cứ thông tin nào được chia sẻ trên MXH - dù là từ facebook của một người bán hàng online hay một fanpage chuyên đăng chuyện tình ái - cũng làm ta giật mình, hoặc thậm chí - share lại chỉ bởi… thấy lo lo. Ta nhận ra hệ miễn dịch với thông tin của mình thật yếu ớt. Và chỉ khi đứng giữa cơn dịch này, ta mới thấy rằng mình thật dễ bị tấn công biết bao - dù chỉ là sự tấn công của một dòng tin không kiểm chứng.
Thông tin sai lệch về dịch bệnh corona xuất hiện nhiều những ngày gần đây.
Giữa một bể thông tin Internet với hàng trăm, hàng nghìn dòng chảy thật giả mỗi ngày, cơn dịch corona dạy chúng ta một bài học về cách ứng xử với thông tin. Không chỉ trong mùa dịch, mà còn là cả sau này khi đối mặt với bất cứ biến động nào trong cuộc sống. Dường như không ai trang bị cho mình một bộ lọc để ít nhất - hãy tự đặt câu hỏi về đường link mình click vào có đáng tin hay không? Bài viết mình chuẩn bị share có đến từ một trang tin hay tờ báo có uy tín hay không? Và hoá ra sự tỉnh táo của phần đông cư dân mạng sau bao cái “phốt" và “biến" được bóc liên tục mỗi ngày vẫn không được cải thiện, khi người ta vẫn share những dòng tin “Em nghe bảo" với “Ở khu nhà chồng của bạn thân con nhà cô bác em…” bằng một sự hoang mang và lòng tin chắc nịch. Và hãy nhìn hậu quả của sự hoang mang và non nớt đó. Trong suốt 3 tuần vừa rồi, những tin giả, tin rác tràn ngập MXH, và chính người thân, gia đình và bạn bè chúng ta trở thành nạn nhân của những tin đồn thất thiệt ấy, với nỗi sợ hãi cùng kiến thức sai lệch bị gieo vào đầu chỉ nhờ việc… lướt Newsfeed.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể quét sạch tin giả hay tin đồn chỉ sau một đợt dịch corona. Nhưng ít nhất, hãy học cách ứng xử đúng đắn với thông tin trong mùa dịch, bởi đó là một trong những điều cơ bản bạn có thể làm cho cộng đồng. Cẩn thận với mọi thứ bạn đọc, học cách đặt câu hỏi với mọi thông tin bạn tiếp nhận và không cái share nào là không vô can, thế nên hãy chắc rằng, khi mình share bất cứ thông tin gì - đó PHẢI là một thông tin đúng và có kiểm chứng. Tiếp cận thông tin chính xác và lan truyền thông tin một cách tỉnh táo chính là các ứng xử văn minh nhất trên MXH vào thời điểm này - với dịch bệnh, và với chính những người xung quanh mình.
Ứng xử với cộng đồng
Một bài học nữa mà virus corona cho chúng ta thấy sau những ngày vừa qua, đó là cách ứng xử với cộng đồng nơi ta thuộc về.
Hãy nhớ lại những ngày đầu khi thông tin về dịch bắt đầu dày đặc, và người dân lao tới các nhà thuốc chỉ để gom về thật nhiều khẩu trang. Các nhà thuốc đồng loạt tăng giá, biến món đồ ngày thường vài chục nghìn một lố trở thành một món hàng đắt đỏ. Và trời ơi, lần đầu tiên trong lịch sử, khẩu trang trở thành một biểu tượng của sự cháy hàng.
Ai đó có thể nói đấy là cung không đủ cầu, và rằng tất cả chỉ là một câu chuyện kinh doanh thuận mua vừa bán, ai có khả năng và nhanh chân thì người đó trả tiền mua, mọi thứ rất đỗi công bằng. Thế nhưng, trách nhiệm và sự quan tâm cơ bản của con người với nhau ở đâu trong câu chuyện này, khi chúng ta đều cần được bảo vệ?
Đó không phải là một cách ứng xử đúng với cộng đồng. Ít nhất là trong một tình thế mà tất cả chúng ta cần phải học cách san sẻ, chứ không phải là ép mọi người vào một cuộc đua bất đắc dĩ - nơi chỉ dành cho những ai có khả năng tài chính.
Bây giờ, hãy nhìn vào cách các doanh nghiệp đang ứng xử.
Trước cơn sốt khẩu trang, rất nhiều doanh nghiệp phát khẩu trang miễn phí cho nhân viên như một hình thức bảo vệ và quan tâm tới nhân sự của mình.
Thanh long là một trong những ngành hàng bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch. Đứng trước tình thế đó, một chủ doanh nghiệp đã sáng tạo ra cách làm bánh mì thanh long, với thành phần từ thanh long ruột đỏ xay nhuyễn thay thế nước. Mỗi chiếc bánh mì baguette thanh long được bán với giá 6 nghìn, bên cạnh đó còn có bánh phô mai thanh long, bánh kem thanh long. Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp của ông đã thu mua 1 tấn thanh long để đông lạnh và tiêu thụ dần. Đây là một hành động thật sự ý nghĩa và cần thiết với người trồng thanh long trong giai đoạn này.
Rất nhiều doanh nghiệp may mặc, thiết bị y tế cùng chung tay phân phối khẩu trang với giá niêm yết, góp phần vào việc giảm nhiệt và bình ổn giá cho mặt hàng này trong những ngày cao điểm.
Ứng xử với cộng đồng, đó là khi chúng ta đặt lợi ích của cộng đồng bên cạnh lợi ích của chúng ta với một sự cẩn trọng và tử tế. Đứng trước những ngày tháng đầy biến động của dịch bệnh, hãy hiểu rằng tất cả chúng ta đều cần được chia sẻ gánh nặng và nỗi sợ hãi này, và thậm chí có những người còn cần điều đó hơn.
Và không chỉ là câu chuyện hay trách nhiệm của những doanh nghiệp và Mạnh Thường Quân lớn, đó đôi khi chỉ là việc bạn chú ý chỉ mua đủ số khẩu trang cho mình và gia đình, để những người khác có thể cùng mua mà không phải tìm kiếm một cách khó khăn…
Ứng xử với chính bản thân mình
Có hai kiểu người chính mà ta thấy trong suốt thời gian diễn ra dịch. Kiểu người sợ tất cả mọi thứ, và kiểu người… chẳng sợ thứ gì.
Kiểu người đầu tiên, chúng ta đã đưa ra những lời khuyên ở phần 1. Kiểu người thứ 2, hãy nói về họ ở đây. Tôi nhận ra sự thờ ơ của nhiều người với chính sự an toàn của họ. Khi dịch bắt đầu trở thành một mối nguy hại với toàn xã hội, không ít những người tự tin vào sức đề kháng và độ sạch sẽ trong thang điểm vệ sinh cá nhân. Phớt lờ những cảnh báo về vệ sinh, chẳng cần phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, cũng chẳng sử dụng nước rửa tay như một biện pháp tẩy trùng thường xuyên. Dịch bệnh dường như ở tận…. đâu và lúc… nào, chứ chẳng phải là đang hiển hiện ở đây, ngay lúc này.
Ứng xử với chính bản thân mình là nghiêm túc tìm hiểu về dịch, nắm rõ tường tận về cách phòng chống, không chủ quan khi tiếp xúc với những người xung quanh lẫn chủ quan khi tiếp nhận những thông tin. Ứng xử đúng là bạn hiểu việc bảo vệ bản thân mình là cần thiết, và tìm hiểu nó một cách thông minh.
Ứng xử với chính bản thân trong mùa dịch, không gì khác chính là tự bảo vệ mình, thực sự bảo vệ mình chứ không phải chỉ hùa theo những biện pháp bảo vệ một cách qua quýt. Bạn có thật sự biết cách đeo khẩu trang? Hay rửa tay thế nào là đúng cách? Hoặc thậm chí, bước vào thang máy - không khẩu trang - nhưng vẫn thản nhiên nói chuyện và hắt xì, rồi nhún vai tặc lưỡi khi nhận phải một ánh nhìn khó chịu từ những người xung quanh.
Và ứng xử với đồng loại mình - ở những nơi có bệnh
Vĩnh Phúc - nơi được coi là tâm dịch của Việt Nam những ngày này, cuộc sống vẫn bình lặng trôi ở ngay cả những xã được coi là điểm nóng. Người dân vẫn tích cực thực hiện các biện pháp phòng tránh, tự bảo vệ bản thân và gia đình. Giữa vùng cách ly, những thói quen và nhịp sống có phần thay đổi, nhưng tuyệt nhiên không có sự sợ hãi hay bất an. Một người dân ở xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc, chia sẻ thẳng thắn với báo chí: “Nếu có dịch bệnh, nhân dân tích cực cùng nhà nước phòng chống. Sơn Lôi chúng tôi không có bệnh".
Trên Facebook, rất nhiều người đã cùng nhau thay avatar để cổ vũ Vĩnh Phúc, lên tinh thần cho những đồng bào đang chịu ảnh hưởng của dịch. Tất cả cùng đồng lòng, cùng thật tâm chân thành mong người dân Vĩnh Phúc mạnh mẽ vượt qua những ngày khó khăn. Bởi ai cũng hiểu, cơn dịch bệnh tìm đến là một điều không may, và chẳng ai có lỗi khi mình sinh ra và lớn lên ở vùng dịch.
Hãy nhìn cách người Trung Quốc, người Vũ Hán bị người dân nhiều nước trên thế giới tẩy chay, bài trừ mỗi khi bắt gặp.
Không có gì là sai khi họ đều là những là những nạn nhân của một dịch bệnh, họ vô tình ở cùng một thành phố, một đất nước có dịch. Virus tìm đến họ và cộng đồng sống xung quanh họ, và đó là một điều đáng buồn, đáng thương với những người trong vùng dịch. Một lý do để chúng ta xót xa cho họ, thay vì ghẻ lạnh và tẩy chay họ.
Chúng ta vẫn nói với nhau, hãy cùng cố gắng, cùng nắm tay nhau vượt qua dịch bệnh. Nhưng điều đó cũng có nghĩa, chúng ta cũng hãy dành sự động viên, khích lệ đấy đến cả những người bệnh, những người bị nhiễm virus hoặc đang bị cách ly.
Một trong những điều chúng ta quên nhắc nhau những ngày qua, đó là phòng chống dịch, coi dịch như kẻ địch để chiến đấu. Nhưng chiến đấu còn đồng nghĩa với việc mở lòng và yêu thương với chính người nhiễm virus. Đồng lòng phòng tránh và tiêu diệt virus, nhưng cũng có nghĩa là đồng lòng và thật tâm cầu nguyện, mong cho những nơi tâm dịch hãy vượt qua sóng gió, chứ không phải chỉ nghĩ cách cách ly và coi người bệnh như một thành phần cần phải bài trừ.
Virus corona đã tạo ra một không khí thật ảm đạm cho tất cả chúng ta vào những ngày đầu thập kỷ. Nhưng việc để nó biến cuộc sống trở thành một nỗi sợ hãi hay không - lại nằm ở mỗi người, ở cách chúng ta ứng xử với từng khía cạnh trong cuộc sống mùa dịch. Giữa những sóng gió, đây chính là lúc để ta tự soi chiếu lại bản thân mình, và chọn cách đối mặt với khó khăn và sợ hãi một cách tỉnh táo, thông minh và tử tế.