“Điên loạn” vì tin giả mùa corona, khi những chiếc loa tung tin đồn còn to mồm hơn sự thật

Phong Linh,
Chia sẻ

Sự nhiễu nhương từ các “thông tin mật của người nhà tuồn ra”, sự nhiễu loạn từ những lời khuyên của các “chuyên gia thạo tin” ngồi gõ phím đã khiến nhiều người kiệt sức vì theo dõi. Chúng gây căng thẳng và gieo rắc nỗi kinh hoàng còn hơn là bệnh dịch.

Gieo nỗi sợ hãi trong tâm dịch, gặt về rủng rỉnh views

Đã hơn một tháng đã trôi qua kể từ thời điểm những tin tức ban đầu về bệnh dịch corona (khi đó được gọi tên là virus viêm phổi lạ) được loan đi từ thành phố Vũ Hán, ngày 31/12/2019. 

Trong thời gian rất ngắn, dịch bệnh đã lây lan khắp nơi và đã không còn là chuyện riêng của người dân Trung Quốc nữa mà đã trở thành một cơn ác mộng của tất thảy. Tổ chức Y tế thế giới đã phải thông báo tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Virus này hiện lan rộng ra hơn 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Virus bệnh dịch nguy hiểm thì nhỏ đến mức phải soi kính hiển vi mới nhìn rõ mặt mũi, nhưng nhưng nỗi hoang mang lo sợ thì đã hiển hiện trong gương mặt, và tâm trí con người. Những xáo trộn nhịp sinh hoạt và đời sống xã hội đã được nhìn thấy trong rất nhiều thành phố và quốc gia.

Sự lan truyền nhanh chóng của dịch corona khiến cuộc sống của người dân nhiều nước bị đặt vào tình thế phòng bị khắp nơi. Tại Việt Nam, trạng thái này những ngày gần đây càng bị đẩy đến mức dầu sôi lửa bỏng vì những lời rỉ tai từ “bạn em làm trong bệnh viện”, “chú em làm công an mật về dặn”, “em gái em vừa đi Trung Quốc về kể”, “các mẹ ơi em kể cho riêng nhóm mình thôi nhé”... liên tục xuất hiện, trong đó rất nhiều tin đồn xuất phát từ những KOL.

Mạng xã hội ngập trong fake news, nào là “33 người chết vì corona ở bệnh viện Chợ Rẫy”, “lò thiêu ở Vũ Hán hoạt động ngày đêm không xuể”, “quan hệ 5 ngày/lần là 1 trong 6 điều cần làm để tăng cường miễn dịch, tránh cúm”, “dịch đến Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh...”, “phun thuốc diệt virus trên bầu trời Hà Nội”... cùng những update liên tục những con số kinh hoàng về số lượng người mới nhập viện, số lượng người chết. 

Rồi có cả những Youtuber làm clip ăn thử dơi xem có nhiễm corona thật không, quay video giãy giụa giật đùng đùng nằm lăn ra nơi công cộng thử phản ứng người dân...

Là thông tin liên quan đến sức khỏe và cuộc sống thường nhật, lại được pha chế, loan báo với giọng điệu “hấp dẫn” hơn hẳn những thông tin chính thống (bị cho là “bưng bít”, “nhỏ giọt”, “mị dân”, ơ hay?!) nên lượng người theo dõi lẫn chia sẻ những tin giả này đều cao đột biến. 

“Điên loạn” vì tin giả mùa corona, khi những chiếc loa tung tin đồn còn to mồm hơn sự thật - Ảnh 1.

Thông tin rác, những chỉ dẫn sai lệch, những nỗi sợ bị thổi phồng về dịch viêm phổi do virus corona đang trà trộn cùng những thông tin chính thống trong môi trường mạng xã hội. Quote rồi bỏ

Mà lạ là càng bí ẩn, càng tỏ ra nguy hiểm, úp úp mở mở về nguồn tin, những tin giả này lại càng khiến người ta tò mò, hút càng ác like, share khủng, chưa kể được chụp màn hình và phát tán khắp nơi, có lẽ còn nhanh hơn cả tốc độ lây lan của corona, thế mới hiểm! 

À lại còn một đội ngũ các chị em bán hàng online, các “giáo chủ” lắm chữ nhiều chiêu khéo tài viết lách và có tâm hết sức, cày ải hẳn một series khuyên nhủ dân mạng những cách khử khuẩn, trị cúm, diệt trừ corona hữu hiệu để “tự cứu mình”. 

Nào là nếu biết cách bảo vệ sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch thì việc quái gì phải đeo hay tích trữ khẩu trang. Nào là cứ đốt bồ kết, trầm hương xông nhà thì “khuẩn nào cũng chết”. Nào là hãy ăn thực dưỡng rồi tự uống nước tiểu của mình mỗi sáng để chữa cúm nữa chứ.

Bồ kết, trầm hương, tinh dầu thiên nhiên cũng được coi là một biện pháp khử khuẩn, nhưng việc được quảng cáo như thần dược đã tạo nên cơn sốt mua bán trong cộng đồng các mẹ bỉm sữa. Còn việc khuyến cáo uống nước tiểu đã được một số bác sĩ khẳng định là “nhảm”, “tào lao” nhưng cũng chẳng thể ngăn những người thử rồi báo cáo tiến độ thực hiện “niệu liệu pháp” cho người truyền bá.

Nào đã hết, lại còn ngập ngụa các nội dung kỳ thị chủng tộc, kỳ thị người bệnh viral khủng khiếp trên mạng xã hội nữa chứ. Đại loại câu chuyện sẽ được kể từ mồm một cô hàng xóm lấy chồng Nhật, một thằng em đang du học ở bển xúc động kể lại là trong đại dịch/thảm họa thiên tai nào đó, người ta ứng xử văn minh lắm, biết san sẻ yêu thương, biết tương thân tương ái…  kèm theo một đúc kết đượm mùi đạo đức để sỉ vả những ai không làm như thế. 

Nào là có anh kia chỉ đổ xăng nửa bình để còn chia cho những người khác đổ với, nào là xếp hàng chờ đợi nhận cứu trợ và lấy ít thôi, chứ không xô đẩy chen lấn bao giờ. Nào là có chị nọ ra siêu thị mua rau chỉ lấy đủ phần mình ăn, còn lại để người ta mua với. 

Rồi tiện thể xỏ xiên kỳ thị dân tộc khác. Rồi tiện miệng hô hào hãy “tẩy chay”, “cho ra đảo” những người chẳng may mắc bệnh, mà bất chấp khuyến nghị đạo đức của nghề y (và cả loài người): do no harm - không cứu được thì đừng làm đau thêm.

Thông tin nhanh là quan trọng, nhưng sống còn là thông tin đúng

Điều khủng khiếp nhất mà tình trạng tin giả và các thông tin lộn xộn trên các mạng xã hội về dịch corona gây ra là làm cho xã hội bị nhiễu loạn, tạo ra những lo lắng không cần thiết, chủ quan không cần thiết hoặc chạy theo những xu hướng cực đoan kỳ dị. 

Đó là khi người ta đổ xô đi tin những “người nhà”, những “ông chú”, những “cô hàng xóm”... thân thiết lắm mới tuồn tin mật ra (để rồi cả làng đều biết) mà like, share điên đảo, gieo rắc nỗi sợ hãi cho xã hội, tạo kích động trong cộng đồng mạng. 

Đó là khi nỗi sợ đã khơi mào cho “cuộc chiến” khẩu trang và nước rửa tay khô (hai sản phẩm được bác sĩ khuyên dùng trong việc chống dịch) trở nên cháy hàng và bị bán với giá trên trời, tiền rơi vào túi những con buôn bất lương. Và khi bị kiểm tra, xử lý hành vi thổi giá, nhiều cửa hàng treo biển “không bán khẩu trang, nước rửa tay” đầy vênh váo đúng kiểu “chúng mày tố tao à, cho chúng mày chết”. 

Đó là khi các mặt hàng phụ trợ chống dịch khác như vitamin tổng hợp, vitamin C (để làm tăng đề kháng), nước muối Natri Clorid 0,9% (để súc họng, nhỏ mắt, mũi)... cũng đồng loạt khan hàng, tăng giá vùn vụt.

Đó là khi Bộ Y Tế đã đưa ra những cảnh báo và khuyến cáo hàng ngày để hướng dẫn người dân phòng, chống dịch, cần mẫn nhắn tin cho từng người, kêu gọi ngừng chia sẻ những thông tin sai lệch mà vẫn không xuể với làn sóng bịa tin. 

“Điên loạn” vì tin giả mùa corona, khi những chiếc loa tung tin đồn còn to mồm hơn sự thật - Ảnh 2.

Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đang ngày đêm làm việc với các cơ quan quản lý truyền thông và mạng xã hội để chống lại các tin giả liên quan đến dịch coronavirus.

Đó là khi những lượng view, lượt theo dõi, like, share trên cuộc sống ảo tấn công cả vào khu cách ly chống dịch, làm kiệt sức đội ngũ y tế như bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (BV Nhiệt đới Trung ương), người đang trực tiếp chiến đấu với dịch corona cay đắng tâm sự: 

“Thay vì chúng tôi tập trung nhân viên y tế để chăm sóc, điều trị cho 2 bệnh nhân thực sự thì hôm cuối tuần vừa rồi chúng tôi phải phân công y bác sĩ đi giải thích cho ba chục người kéo đến vì lo lắng. Vậy là rõ ràng bệnh nhân cần chăm sóc thực sự sẽ không được chăm sóc một cách tương xứng. 

Thậm chí tình huống đột biến ở đây là đã có những đối tượng vào gây sự với nhân viên y tế để quay clip với hy vọng nhân viên y tế phản ứng lại một cách không phù hợp là họ sẽ có được một thứ cực kỳ hot trend để câu view, câu like. Và đó là điều đã làm cho nhân viên y tế cực kỳ ức chế. Mà ác thay vụ dịch nào cũng có chuyện đó”.

Đó là khi, các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trên website của bộ Y tế hoặc là các pano, tờ bướm, tờ rơi mà Bộ Y tế đã in ra khá nhiều, dán ở những nơi công cộng đều cung cấp các thông tin rất chuẩn mực rằng khi có những triệu chứng như thế này thế này thì đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, nhưng người dân, vì thông tin không đầy đủ, vì nỗi hoang mang, cứ kéo nhau đến tận Bệnh viện Nhiệt đới TW để khám mới yên tâm.

Chưa nói đến chuyện quá tải hay nguy cơ lây nhiễm chéo tại viện, trên quãng đường di chuyển đó, nhỡ ai đó thực sự nhiễm bệnh và đi quãng đường vài trăm cây số, tiếp xúc với hàng chục người đi cùng, không đeo khẩu trang, ho, hắt hơi thoải mái, thay vì được khám và cách ly ngay tại cơ sở y tế gần nhất, cũng đủ rùng mình.

Xem tin đúng ở đâu?

Tỉnh táo, cẩn trọng trước nguy cơ về một đại dịch tàn phá sức khỏe, tấn công vào nền kinh tế là việc cần làm, nhưng chúng ta cũng cần tỉnh táo gấp đôi, gấp ba lần thế trong việc tiếp nhận thông tin. Trước cơn bão thông tin và sự náo loạn vàng thau lẫn lộn, tin nhảm tràn lan khiến những người cứng cỏi nhất đôi khi cũng hoang mang, vác dép đi hóng chuyện của những “ông chú”, “bà thím”, “thằng em hàng xóm”.

Mỗi chúng ta có lẽ cần lùi lại một chút, chậm lại một chút để không bị cuốn vào vòng xoáy đó và học cách lượng giá thông tin. Thay vì hòa vào đám đông cuồng loạn đang phát rồ vì những chuyện bịa đặt ầm ĩ và con số hãi hùng chưa được kiểm chứng lan trên khắp các cõi mạng, thay vì chúi đầu vào “ổ dịch” tràn đầy tin tiêu cực, điều chúng ta cần hơn là “sắm” cho mình một bộ lọc, là dành thời gian theo dõi các trang cung cấp thông tin từ những nguồn chính thức và rõ ràng. 

Nhiều chuyên gia thực thụ, các bác sĩ, nhà nghiên cứu y khoa uy tín cũng đã tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch corona, không chỉ bởi những hoạt động xông xáo trong công tác y tế, mà còn bởi những kiến thức, hướng dẫn đúng đắn được lan tỏa. Đó thường là những thông tin phòng, chống dịch mang tính thực tế và ít phần tiêu cực, giảm bớt sự căng thẳng không đáng có từ dịch bệnh.

“Điên loạn” vì tin giả mùa corona, khi những chiếc loa tung tin đồn còn to mồm hơn sự thật - Ảnh 3.

Tại Việt Nam, người dân có thể theo dõi sát sao diễn biến tình hình dịch, thông tin đầy đủ về dịch bệnh, các biện pháp phòng ngừa và chữa trị từ website của WHO, Bộ Y tế, trang thông tin chính phủ. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông đại chúng, các báo uy tín và page Lá chắn Corona của mạng xã hội Lotus cũng là một nguồn đáng tham khảo.

Đặc biệt, page Lá chắn Corona của mạng xã hội nội dung Lotus không chỉ cập nhật đầy đủ thông tin, tổng hợp tin tức từ mọi nơi, trích dẫn phát biểu, hướng dẫn của các chuyên gia uy tín, mà còn được chia thành nhiều thư mục với các nội dung đặc thù. 

Đó là Tin nóng virus Corona Thế giới và Tin nóng virus Corona Việt Nam, liên tục cập nhật tình hình kiểm soát dịch, số người mắc, số người tử vong... ở thế giới và Việt Nam. Đó là Chuyên gia nói tổng hợp các trích dẫn, bài viết có sự tham gia của chuyên viên y tế, bác sĩ... trong nước và quốc tế về tình hình dịch virus corona.

Đó là sự hữu ích đến từ Đính chính sai sự thật (tổng hợp những thông tin "lật mặt" tin giả, tin sai sự thật được lan truyền trên MXH); Lưu ý hàng ngày (tổng hợp các dạng thông tin tiện ích, như mua khẩu trang ở đâu; hotline các số điện thoại bệnh viện; thực phẩm - siêu thị mùa dịch; lịch nghỉ học của các địa phương). Đó là sự ấm áp lan tỏa từ Tin tốt (tổng hợp những thông tin tích cực, chúng ta đã làm được gì để mang lại niềm tin và sự hy vọng cho người dân trước dịch bệnh), từ Doanh nghiệp hành động, Việt Nam hành động - nơi cập nhật những giải pháp của Chính phủ, cơ quan chức năng, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ứng phó nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch...

Người dùng mạng xã hội cũng có thể theo dõi riêng từng folder để được báo tin nhanh nhất về từng vấn đề mình quan tâm. Đó mới là điều chúng ta cần để vững vàng vượt qua mùa dịch, chứ không phải mấy lời chém gió bốc giời ở trên mạng, kể dăm ba câu chuyện gây hoang mang, gây chiến đâu các anh chị ơi! 

Trang bị những thông tin, kiến thức hữu ích - kịp thời để xây dựng lá chắn bảo vệ bản thân và những người xung quanh trước dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại:

https://lotus.vn/lachanviruscorona

Tải app Lotus để kiểm tra độ hiểu biết, nhận thông báo mới nhất và theo dõi các nguồn tin uy tín về dịch bệnh.

“Điên loạn” vì tin giả mùa corona, khi những chiếc loa tung tin đồn còn to mồm hơn sự thật - Ảnh 6.

 

Chia sẻ