Nỗi thiệt thòi của một người con gái lấy chồng xa
Lấy chồng xa, mỗi lần về quê thấy tóc mẹ hoa râm nhiều hơn lần về trước mà tôi chạnh lòng. Mẹ tôi cũng ngoài 70 rồi, lại có nhiều bệnh. Tôi chỉ sợ một ngày nào đó, mẹ ngã xuống mà tôi không về kịp nhìn mặt mẹ lần cuối thì…
Chào Phạm Thị Huyền, người phụ nữ hiền lành và nhu nhược trong bài Tâm sự “Cả nhà chồng tai quái khiến tôi thành đứa con bất hiếu”!
Hôm nay, đọc bài viết của bạn mà lòng tôi ngổn ngang. Tôi thấy thương mẹ bạn nhiều vì bà vất vả, khổ vì bạn quá. Rồi, tôi lại nhớ tới mẹ tôi. Có lẽ giờ này bà cũng đang khóc thầm vì nhớ đứa con đi làm dâu xa.
Nhà tôi quê ở Bố Trạch - Quảng Bình. Bố mẹ tôi chỉ có hai người con gái. Hai chị em tôi đều xinh xắn, học giỏi, là niềm tự hào của bố mẹ. Chị tôi hơn tôi 5 tuổi. 6 năm trước, chị tôi học Thạc sĩ ở Anh, gặp một chàng Tây. Hai người yêu nhau rồi cưới.
Từ ngày chị lấy chồng, tôi đã tự nhủ sau khi ra trường sẽ về Quảng Bình làm, lấy chồng gần nhà để còn chăm sóc bố mẹ. Vậy mà khi tình yêu đến, nó cuốn phăng hết mọi ý nghĩ về bố mẹ của tôi. Ra trường hai năm, tôi bị Phong - một chàng trai Hà Nội bắt cóc về làm vợ.
Lấy chồng gần, con gái nhỏ của tôi sẽ được ríu rít bên ông bà, hát cho ông bà nghe vui cửa vui nhà.
Ngày ấy tôi đã hiểu hết được lấy chồng xa sẽ chịu nhiều thiệt thòi như thế nào. Nhưng đặt nặng chữ tình, tôi đành dở dang chữ hiếu. Lấy chồng xa tủi lắm, lúc nào cũng ngóng về bố mẹ ở quê.
Nhiều lúc tôi mơ và thèm khát giá như ngày ấy tôi lấy chồng gần. Ít ra như vậy, thứ bảy chủ nhật vợ chồng con cái sẽ đèo nhau về nhà mẹ. Cả nhà cùng nhau quây quần ăn bữa cơm đầm ấm. Con gái nhỏ nhà tôi sẽ được ríu rít bên ông bà, hát cho ông bà nghe vui cửa vui nhà.
Lấy chồng gần, những ngày lễ Tết tôi sẽ về cùng mẹ vào bếp nấu những món ăn như ngày xưa vẫn còn ở với mẹ. Thỉnh thoảng tôi sẽ trốn chồng về ngủ cùng để được nằm ôm mẹ. Những lúc bố mẹ trái nắng trở trời, tôi sẽ ở bên cạnh để an ủi, chăm sóc và nhiều nữa...
Lấy chồng xa, nghĩ bố mẹ côi cút một mình mà buồn lòng và chẳng thể an tâm được. Ngày lễ Vu Lan, nhìn mẹ chồng khóc hạnh phúc khi được chồng tặng bó hoa đẹp mà lòng tôi lại ghen tị và chạnh lòng thương mẹ đẻ của mình. Vu Lan, ngày báo hiếu cha mẹ mà tôi cũng chỉ gọi điện thăm hỏi kèm theo lời hứa sẽ về quê ngay khi thu xếp được công việc trên này.
Mẹ tôi dáng người nhỏ bé, bà lại bị bệnh tiền đình, bệnh khớp, huyết áp thấp… Do đó người bà thường hay ốm yếu lắm, nhất là những lúc trái nắng trở trời. Vì thế, cứ mỗi lần nói chuyện với mẹ, tôi cứ rớm nước mắt khi thấy giọng mẹ yếu ớt, buồn buồn. May những lúc ấy được chồng tôi an ủi, chứ nếu không tôi sẽ không kìm lòng được mà khóc vì lo lắng cho mẹ.
Người ta nói mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ mà chẳng bao giờ tôi được ở cùng bố mẹ đẻ hai ngày ấy. Năm nào cũng phải lo Tết trên Hà Nội, rồi về thăm ông bà nội của chồng ở tận Thái Bình. Đến chiều mùng 3, tôi mới lách cách bắt tàu về quê để ăn Tết cùng bố mẹ.
Lúc nào tôi cũng nghĩ 1 năm về thăm bố mẹ được vài lần. Những lần này, tôi luôn ý thức tranh thủ làm nhiều việc để bố mẹ đỡ vất vả. Nhưng chẳng bao giờ bố mẹ để tôi phải đụng tay vào việc gì. Bố mẹ nói “Cả năm mới được chăm cháu, chăm con gái, con rể 1 lần, phải để bố mẹ làm!”.
Tôi và chồng chẳng tranh nổi việc gì với ông bà, chỉ biết lăng xăng xung quanh phụ giúp, trò chuyện để ông bà thêm vui. Buổi tối, tôi giao cho chồng chăm lũ trẻ, còn tôi lên ôm mẹ tâm sự hay đấm lưng cho mẹ.
Thế mà mỗi lần về quê, nhìn từ đằng sau thấy tóc mẹ hoa râm nhiều hơn lần về trước mà tôi chạnh lòng quá. Mẹ tôi cũng ngoài 70 rồi, lại có nhiều bệnh. Tôi chỉ sợ một ngày nào đó, mẹ ngã xuống mà tôi không về kịp nhìn mặt mẹ lần cuối thì…
Nhiều lúc tôi phải tự an ủi mình, lấy chồng xa, hàng ngày sẽ không đến quấy rầy mẹ, lũ trẻ không làm ông bà inh tai nhức óc. Những lúc tôi buồn hay ốm đau, bố mẹ không nhìn thấy dĩ nhiên sẽ đỡ lo lắng và vất vả rồi.
Nhưng thực lòng, tôi ghen tị với những người được lấy chồng gần như bạn lắm, bạn Huyền ạ. Tôi mà là bạn sẽ chẳng bao giờ để mẹ phải chịu thiệt thòi như vậy đâu. Thật tình, mẹ bạn có con gái lấy chồng gần mà còn tủi thân và khổ gấp mấy lần mẹ tôi có con lấy chồng xa. Bạn đúng là bất hiếu quá.
Huyền ạ, chồng thì có thể không lấy chồng này thì lấy chồng khác. Nhưng mẹ của bạn thì chỉ có một mà thôi. Vì thế, nếu chồng sống xa cách với nhà vợ, là vợ đáng lẽ bạn phải biết dạy và góp ý cho chồng chứ. Để chồng cũng có thể cùng bạn báo hiếu cho bố mẹ bạn ở quê nhà.
Như chồng tôi, chỉ cần 1 tuần anh quên không gọi về hỏi thăm bố mẹ là tôi sẽ nhắc và cho anh 1 bài ca vô tận vì không quan tâm đến bố mẹ vợ cô đơn, già yếu. Từ đó, tôi đã tạo một thói quen rất tốt cho anh đó là biết tự gọi điện về cho bố mẹ vợ những ngày lễ, tết.
Ngay như mẹ chồng tôi ngày xưa cũng hay có thái độ và ý kiến chuyện bố mẹ tôi “nhà quê”, nói giọng như chim hót. Tôi nói ngay là tôi không đồng tình, cảm thấy bị miệt thị, xúc phạm.
Ngày lễ 30-4, Tết Nguyên đán, bà nội cũng hay xót cháu không hài lòng khi con dâu đưa cháu về thăm ông bà ngoại. Thấy vậy, tôi quán triệt tư tưởng ngay. Tôi tâm tình với bà về những nỗi niềm của tôi, của ông bà ngoại. Tôi hỏi bà nếu em chồng tôi cũng lấy chồng xa, mẹ chồng tương lai của nó cũng không cho con dâu, cháu về thăm nhà thì bà sẽ như thế nào.
Nếu lấy chồng gần, thỉnh thoảng tôi sẽ trốn chồng về ngủ cùng để được nằm ôm mẹ.
Cũng may mẹ chồng tôi là người biết điều. Từ sau dạo ấy, bà chẳng bao giờ ý kiến chuyện tôi đưa con về nhà ngoại. Nếu chẳng may mẹ chồng tôi mà cũng như mẹ chồng bạn, tôi sẽ cứ đưa con về thăm bố mẹ, rồi sau đó đến đâu thì đến.
Thời đại nào rồi mà còn bắt người ta phải bỏ bê bố mẹ đẻ, chăm chăm việc nhà chồng. Đọc bài của bạn, tôi ức và giận bạn lắm.Tôi ước có mẹ bên cạnh mà chẳng được. Còn bạn chỉ làm khổ mẹ mình thôi.
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh nữa Huyền ạ. Tôi khuyên bạn 1 câu thật lòng, mau mau mà sửa chữa, yêu thương, phụng dưỡng mẹ bạn hết lòng. “Mẹ già như chuối chín cây”, đừng để đến ngày mẹ ra đi, bạn hối hận không kịp, sống ăn năn cả đời.
Và những chị em nào lấy chồng xa hãy vào đây chia sẻ cùng Huyền và tôi đi để những phụ nữ lấy chồng xa như chúng tôi có thêm nguồn lực và biết cách quan tâm, chăm sóc bố mẹ đẻ của mình từ xa tốt nhất.