BÀI GỐC Tôi có nên quay lại với người chồng như thế không?

Tôi có nên quay lại với người chồng như thế không?

Nỗi đau nhất của tôi không phải là những lần anh thượng cẳng tay chân mà là lời nói độc địa, nhục mạ của anh đối với tôi và gia đình. Sau khi ly hôn, anh hay khóc khi thăm các con và bảo tôi không cho anh cơ hội. Mọi người ơi, anh có thể thay đổi không?

9 Chia sẻ

Hương nên xem lại cách cư xử với chồng

,
Chia sẻ

Đàn ông cần ở vợ là cái duyên, cái mềm mỏng mà họ không thể có. Người ta vẫn so sánh phụ nữ với đàn ông như phần âm dương của tự nhiên vậy. Cái ăn nói, ứng xử của người phụ nữ mà vụng về hay đối kháng, ắt hẳn tạo nên áp lực cho người đàn ông trong gia đình.

Thường đọc các chia sẻ trên mục Tâm sự của trang báo, hôm nay đọc tâm sự của bạn Hương qua bài "Có nên quay lại với người chồng cay nghiệt", lại được đọc chia sẻ của anh Phạm Hồng Thoan qua bài "Hương phải xem lại mình trước đã" tôi muốn có chút ý kiến cùng bạn Hương. Tôi ủng hộ ý kiến anh Thoan cũng như biểu lộ quan điểm chia sẻ cùng bạn đọc.

Là người lớn tuổi, chứng kiến cuộc sống trong xã hội, gia đình mình cũng như qua bạn bè, chúng ta chứng kiến cuộc sống gia đình muôn màu muôn vẻ. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" có người nói ra, nhiều người chịu đựng.

Trước hết xin chia buồn với bạn Hương, người có tâm sự nói trên. Qua tâm sự của bạn, có thể hình dung, không dám nói là tất cả về cuộc sống gia đình các bạn, hiểu, thông cảm và biết nhiều về trăn trở của bạn. Để góp ý với bạn trước hết tôi ủng hộ quan điểm của anh Thoan rằng "Tiên trách kỷ hậu trách nhân" và tất cả các quan điểm của anh. Qua đây cũng muốn thêm một số phân tích như sau.

Trước đây trong gia đình, người chồng vũ phu hay mang tính gia trưởng, áp đặt là một thực tế được mặc định, do quan niệm xã hội, điều kiện sống, trình độ nhận thức và sự lạc hậu của quá trình phát triển.

Thời nay, sự gia trưởng hay vũ phu của người chồng đã được xem là một biểu hiện cuộc sống đang bị lên án và càng ngày càng trở thành nỗi bức xúc trong chị em phụ nữ cũng như trong xã hội. Tuy nhiên, ta cũng phải xem nguyên nhân của vấn đề để tìm hướng khắc phục. Trước hết chúng ta tạm đưa ra mấy nguyên nhân sau đây:

- Người phụ nữ làm ra tiền mà không phụ thuộc vào chồng.

- Người phụ nữ có học thức, bằng cấp ngang bằng người chồng.

- Người phụ nữ có quyền "Bình đẳng" trong ứng xử vợ chồng.

- Người phụ nữ thường so sánh đòi hỏi chồng với đồng nghiệp.

- Xã hội công nghiệp có thể làm mất đi nữ tính trong phụ nữ.

- Thiếu sự giáo dục về nữ công gia chánh, một phần tất yếu của phụ nữ.

Bạn Hương thân mến, điều quan trọng nhất một người đàn ông cần ở người vợ là cái duyên, cái mềm mỏng mà ở đàn ông không thể có được. Người ta vẫn so sánh phụ nữ với đàn ông như phần âm dương của tự nhiên vậy, cái ăn nói, ứng xử của người phụ nữ mà vụng về hay đối kháng, ắt hẳn tạo nên áp lực cho người đàn ông trong gia đình rồi.

Tôi có thể lấy một ví dụ như sau, khi chồng bạn có một sơ suất gì đó trong lời ăn tiếng nói, có thể bạn sẽ phản ứng như sau: "Anh ăn nói như thế mà nghe được à?" thay vì "Anh hay thật, sao lại nói vậy?". Người đàn ông của bạn sẽ tỏ ra hối hận và xin lỗi bạn nếu bạn phản ứng ở tình huống thứ hai thay vì sẽ có thêm lửa nếu bạn ứng xử theo tình huống thứ nhất.

Cái duyên của người phụ nữ là như thế đấy bạn, người đàn ông cần lắm ở người vợ của mình. Cuộc sống gia đình cân bằng, những bức xúc trong công việc được giải tỏa bởi lời nói của vợ luôn làm mát lòng người chồng, con cái qua cách ứng xử của cha mẹ mà làm gương.

Có thể cam đoan với bạn rằng, người chồng của bạn thường rất bức xúc với cách ứng xử vụng về, thiếu mềm mỏng nữ tính của bạn khiến anh ấy ngày càng cục cằn, thô lỗ đến cay nghiệt. "Không ai nỡ dẫm nát lên bông hoa" đúng không bạn.

"Lỗi tại tôi", bạn hãy nhìn nhận một thực tế từ mình, xem mình có thay đổi được không. Sau đó hãy nói với nhau thật chân thành, cầu thị để quay về với nhau. Bằng không bạn sẽ không nhận được sự thay đổi từ người chồng của bạn.

Bạn có thể cho rằng chúng tôi vẫn lạc hậu hay bảo thủ thì bạn sẽ không thay đổi được và tôi khuyên bạn không nên quay trở lại với chồng. Vì thực tế tự nhiên như vậy, người đàn ông là như vậy, có khác chăng là ở cách biểu lộ tình cảm ở anh ta. Có những người đàn ông như chúng tôi buồn, buồn lắm khi mình nói một, vợ lại nói mười, hay mình có thể chỉ một chút sơ suất mà vợ trừng mắt với đủ mọi biểu hiện quá trớn. Chúng tôi chỉ biết nín nhịn mà hy vọng một sự thay đổi qua ngày tháng nắn dũa, nhưng "Giang sơn có đổi, bản tính khó dời", người đàn ông của chị dùng lời lẽ cay nghiệt khi họ bất lực. Còn phần lớn chúng tôi chỉ bóng gió với nỗi buồn số phận.

Phải chăng tâm sự của bạn như là nỗi buồn của nhiều người mà mấy ai nói ra. Người vợ chán chồng như là "Một phần tất yếu của cuộc sống", người chồng nóng nẩy như là một bản năng trời sinh ra họ, phải thay đổi làm sao? Có chăng "Sao đổi ngôi" mà vẫn vậy. Chúng ta những mong người đàn ông, là trụ cột gia đình, người phụ nữ mềm mỏng như đóa hoa, là mái ấm, là nguồn hạnh phúc của gia đình.

Chúng ta phải thừa nhận một thực tế, những người đàn ông thành đạt là những người rất cầu toàn (không đồng nghĩa với người đàn ông giàu có). Họ hơn ai hết những mong gia đình mình hoàn hảo, trước hết là người phụ nữ, người vợ hoàn hảo. Điều đó "Thật quá đáng đúng không?", nhưng đó là một thực tế. Người phụ nữ hoàn hảo, hay ít nhất, người phụ nữ là "Phụ nữ" mà không phải là một "Tiến sĩ" hay một người "Đàn ông" trong vỏ bọc một "phụ nữ". Có thể đó là một cái nhìn nhận hơi quá, nhưng là một thực tế.

Họ những mong vợ mình trước hết chu toàn nội trợ, chu đáo việc gia đình, họ những mong vợ mình như luồng gió mát lạnh cho trái tim nóng hổi. Họ những mong vợ mình có lời ăn tiếng nói mát dịu của người phụ nữ gia đình, xua tan áp lực cuộc sống công việc của người chồng thay vì những lý sự mang tính xã hội. Họ những mong bằng tình yêu, sự chia sẻ chân thành cầu thị để nuôi sống một hạnh phúc gia đình thực sự vì con cái.

Xin chúc an lành đến với bạn.

Theo Vnexpress

Chia sẻ