Có tiền thưởng Tết "cỡ đại" vì đạt nhân viên xuất sắc nhưng chưa kịp sắm sanh gì đã lập tức rỗng ví: Lý do đằng sau mới gây tranh cãi

Thanh Ba - Thiết kế: Thuỷ Tiên,
Chia sẻ

Người ta bảo quýt làm cam chịu cũng đúng trong trường hợp này. “Cam” dù chẳng mua sắm được hàng hiệu như nhà người ta, Tết thì đếm ngược gần đến mức chưa há miệng ra đã hết giờ, nhưng tiền thưởng Tết của “Cam” thì đã “không cánh mà bay”...

Người ta hóng tiền thưởng Tết để mua đồ mới, sắm món đồ mình thích và để tự hào với thành quả lao động của mình trong năm qua. Nhưng đâu đó vẫn có những người chỉ chờ tiền thưởng Tết để trả nợ, mà có phần cay đắng chẳng phải là nợ do mình làm ra mà trả nợ cho người khác. Nhưng người khác ấy lại vô cùng quan trọng, là bậc sinh thành ra chính mình.

1. Chuyện của cô nhân viên tận hiến, cố gắng được nhân viên xuất sắc để có tiền thưởng nhiều hơn trả nợ cho bố mẹ

Bây giờ ăn tết khá thong dong, tôi lại nhớ đến ngày xưa, hồi mới ra trường. Nhiều năm liền cứ đến đoạn gần Tết là tôi rất sợ.

Hồi đó, lương thưởng còn thấp, nhưng Tết đủ thứ phải lo. Nhất là khi đó nhà tôi vẫn còn nợ nần nhiều, do mấy năm trời bố mẹ phải vay lãi nuôi tôi ăn học, mà ở quê thì thu nhập của bố mẹ tôi có khi còn chẳng đủ trang trải ăn tiêu phí sinh hoạt. Nên lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất. Năm tôi ra trường, vì không muốn bố mẹ vất vả đi làm thuê. Nên tôi thuyết phục bố mẹ chỉ quanh quẩn ở nhà, còn bao nhiêu nợ nần tôi nhận gánh hết.

Tôi nhớ có đợt cận Tết, ngồi trong căn phòng trọ tôi khóc thổn thức, vì thực sự quá mệt mỏi, áp lực. Một mình gồng gánh quá nhiều, Tết đến thì ai cũng phải muốn thu nợ về, nên ai cũng đến đòi nợ. Tết đến là nhiều khoản phải lo phải chi hơn bình thường… Khi đó tất cả chỉ trông mong vào mấy đồng lương thưởng cuối năm của tôi. 

Có tiền thưởng cỡ đạt vì đạt nhân viên xuất sắc nhưng chưa sắm sanh gì đã lập tức rỗng ví: Lý do đằng sau mới gây tranh cãi - Ảnh 1.

Tôi thấy nó cũng chỉ như muối bỏ bể, chẳng bõ bèn gì. Mệt mỏi, áp lực, bế tắc, tôi khóc một mình, tôi không dám nói cho bố mẹ biết. Tôi nghĩ rất tủi thân, vì Tết đến bạn bè đồng nghiệp nhận được lương thưởng là ai cũng hào hứng đi mua sắm tết, mua thứ này thứ kia cho tết, quần áo diện Tết. Còn tôi thì không. Tiền chia ra nào là cho bố mẹ trả nợ một phần lớn, phần còn lại để bố mẹ lo toan tết. Tôi chỉ giữ lại một ít để lấy tiền qua tết còn có tiền ăn, để chờ đến kỳ lương tiếp theo.

Thậm chí tôi còn nói dối bố mẹ là tôi được thưởng Tết nhiều lắm, để bố mẹ vui. Không phải là tôi sĩ diện nên khoác lác thế. Mà tôi hiểu lòng của cha mẹ, họ sẽ đau lòng và sẽ đòi đi làm thêm đi osin, đi phu hồ để tôi đỡ vất vả lo toan. Nhưng tôi nghĩ bố mẹ mình vất vả ngần ấy năm đủ rồi, tôi muốn gánh vác hết.

Mỗi lần mệt mỏi quá tôi ngồi khóc, khóc xong lại lau nước mắt lại tự động viên mình, không sao cả đâu. Bố mẹ mình khổ sở vất vả nuôi mình mấy chục năm, họ khổ quá nửa đời người rồi. Còn mình, khổ mấy năm thôi, có bõ bèn gì đâu. Chắc chắn dần dần sẽ trả được hết nợ. Chỉ cần mình mạnh khỏe là được, mình sẽ làm được ra tiền, sẽ trả được hết nợ cho bố mẹ.

Cũng vì như thế nên năm nào làm việc tôi cũng làm tận tụy hết sức. Để cuối năm được bình bầu là nhân viên xuất sắc, thì tôi sẽ được thưởng nhiều hơn bình thường, ví dụ mọi người chỉ được thưởng 1 tháng lương thì tôi được hẳn 2 tháng lương. Có những năm tôi được thưởng nhiều hơn 6 triệu, lúc đó đối với tôi là cả một số tiền lớn. Hạnh phúc vô cùng. 

Có tiền thưởng cỡ đạt vì đạt nhân viên xuất sắc nhưng chưa sắm sanh gì đã lập tức rỗng ví: Lý do đằng sau mới gây tranh cãi - Ảnh 2.

Tác giả Mèo Xù là gương mặt truyền cảm hứng với nhiều bạn trẻ vì những nỗ lực vươn lên từ quá khứ nhiều khó khăn - Ảnh: Mèo Xù và mẹ

Cứ cố gắng như vậy, vừa đi làm vừa tiết kiệm chắt bóp, trong rất nhiều năm, tôi mới hoàn thành xong việc trả nợ cho bố mẹ. Khi trả được những đồng tiền cuối cùng của bố mẹ, tôi thấy như mình trút được gánh nặng rất lớn.

Bây giờ Tết thong thả nhàn nhã, tôi chỉ bận tâm lo xem cây hoa nhà tôi có nở hoa nhiều vào ngày Tết không. Tôi chỉ bận tâm lo xem Tết mua gì ngon ngon về cả nhà ăn. Tôi nhớ hôm trước hai mẹ con đi siêu thị, mẹ tôi cứ xem giá hết món nọ đến món kia. Tôi bất chợt nói với mẹ tôi, điều con vui nhất bây giờ mỗi khi Tết đến, đó là con có thể dắt mẹ đi siêu thị mua mọi thứ mà không cần phải nhìn giá.

Chờ lương thưởng về để mang về đưa cho bố mẹ trả nợ. Cảm giác vừa mừng vừa vui, nhưng cũng rất mệt mỏi. Dù sao thì tôi vẫn luôn trân trọng những ngày tháng đã qua đó. Nhờ có như vậy, tôi mới trưởng thành và sống có trách nhiệm với gia đình hơn.

Mèo Xù, Hà Nội

2. “Cảm giác trán mẹ mình giãn ra hẳn, bố thì thở phào cũng hạnh phúc lâng lâng”

Cảm giác sung sướng hạnh phúc nhất với tôi có lẽ cũng chưa phải là khi biết mình sắp được làm mẹ như bây giờ. Tôi nghĩ đó là khi nhận được khoản tiền thưởng Tết to nhất trong đời năm ấy. Khi đó tôi cũng ra trường chưa lâu. Tôi đã mong ngóng hơn bao giờ hết từ khi mới làm việc tại nơi đây và biết Tết được nhận thêm tháng lương thứ 13. Tôi muốn có 1 khoản tiền tương đối 1 chút để giúp bố mẹ trả nợ.

Khi đó cả gia đình tôi vẫn làm nông, thu nhập phập phù, bố mẹ không có lương, đầu tư một khoản tiền vào việc đào ao thả cá nhưng lời lãi chẳng bao nhiêu và khoản nợ cứ nhân lên. Nên lúc đó có một khoản tiền để đỡ bố mẹ thì tôi hạnh phúc lắm.

Bạn bè thân thiết biết chuyện có hỏi là có tủi thân, có chạnh lòng không khi cũng có một khoản thưởng Tết bằng bạn bằng bè mà cuối cùng giày mới cho mình cũng không sắm được, điện thoại vẫn dùng loại “cùi”, tiền thì vừa vào chưa nóng thì đã nhảy ngay ra khỏi túi. Nhưng nói thật thì chỉ có vui thôi, chẳng có chút gợn suy nghĩ nào trong tôi cả. Nhìn bạn bè xúng xính áo quần đồ hiệu, tôi cũng chẳng mảy may gì lăn tăn trong lòng vì tôi biết tiền của mình đã được tiêu hữu ích. Đó là cảm giác thật sự ấm áp.

Có tiền thưởng cỡ đạt vì đạt nhân viên xuất sắc nhưng chưa sắm sanh gì đã lập tức rỗng ví: Lý do đằng sau mới gây tranh cãi - Ảnh 3.

Sau khi đưa tiền thưởng cho bố mẹ, Tết tôi chỉ  giữ lại 1 khoản nhỏ để mừng tuổi ông bà bố mẹ các cháu họ hàng. Tôi quan niệm Tết là để đi tán lộc nên rất vui vẻ. Năm mới về quê Tết mừng tuổi mấy bác lớn tuổi và cũng nghĩ đến việc con cái người ta cũng sẽ đối xử tốt với bố mẹ mình mà vui.

Kể cả có lúc chẳng còn đồng tiền nào trong túi khi hết Tết nhưng tôi cũng không buồn bã gì, vì ra Tết lại có lương mới rồi. Một cái Tết tiền được tiêu đúng địa chỉ. Cái cảm giác cho đi nhận lại nó hạnh phúc hơn rất nhiều là chỉ một phía sướng bản thân mình hay chạnh lòng nghĩ đến “bố mẹ nhà người ta”. 

Năm nay thì cũng đỡ hơn chút vì nhà tôi được đền bù đất, xây được nhà ngoài làng, bố kiếm được việc làm có thu nhập, rồi mẹ ở nhà trồng rau nuôi gà cũng có cái mà đồng ra đồng vào. Bố có thu nhập đều hàng tháng thay vì làm nông nghiệp VAC như xưa bấp bênh thì gia đình tôi cũng có chỗ dựa. 

Tôi giờ đã lấy chồng, dù cũng chỉ có được 3 cái Tết giúp bố mẹ thì cũng hạnh phúc lắm. Gia đình giờ kinh tế khá hơn, tôi cũng phải lo cho tổ ấm nhỏ của mình, nhưng tôi vẫn nhớ về những ngày đó. Tiền Tết gửi trả nợ thì nói thật cũng chả đáng bao nhiêu, trả một vài người vay dăm ba triệu là hết rồi. Nhưng cảm giác đỡ được phần nào gánh nặng cho gia đình, cảm giác trán mẹ mình gãn ra, bố thì thở phào cũng hạnh phúc lâng lâng.

Nguyễn Hòa, Hà Nội

3. “Cảm giác Tết nặng trĩu dồn cả xuống 2 vai vì quýt làm nhưng cam phải chịu" 

Năm nay 28 Tết rồi sếp thì đợi đến ngày cuối mới trả thưởng, nghĩ mà mệt mỏi. Tôi đang ngóng đợi nó hơn gấp rất nhiều lần so với các đồng nghiệp khác vì tôi cần một khoản trả nợ cho bố mẹ. Hỏi có cảm giác mệt mỏi nặng gánh không, thì tôi phải thú thật là có. Dù giúp đỡ bố mẹ thì là việc nên làm vì bố mẹ sinh ra mình. Nhưng nhìn lên, nhìn xuống thấy chị em tíu tít đặt món này món nọ trên mạng thì không khỏi chạnh lòng. 

Tiền về 1 cái là ngay lập tức tôi “banking” cho bố mẹ mà cảm giác như Tết đã hết ngay lập tức vì chẳng mua sắm được gì cho bản thân, tiền tiêu Tết cũng hết. Đã nhiều cái Tết như thế và tôi có cảm giác cả năm làm việc thật vô nghĩa. Vì lý do trả nợ cho bố mẹ cũng chẳng chút chính đáng nào. Thằng em nợ nần cờ bạc một cục to đùng rồi trốn đi để lại cục nợ cho bố mẹ trả, giờ bố mẹ cũng phải trông vào tôi. Cảm giác Tết đến nơi mà nặng trĩu dồn xuống cả 2 vai.

Có tiền thưởng cỡ đạt vì đạt nhân viên xuất sắc nhưng chưa sắm sanh gì đã lập tức rỗng ví: Lý do đằng sau mới gây tranh cãi - Ảnh 4.

Tôi đã ăn cơm chan nước mắt vì gom tiền thưởng các loại hết gửi cho bố mẹ mà cũng chỉ như muối bỏ bể. Có những ngày đau ốm tôi vẫn phải lết đi làm vì nghĩ đến khoản cuối năm nhận được. Quần áo hiệu mới ư, iphone 11 ư… đó là những thứ quá xa xỉ với một đứa con mòn mỏi chờ từng đồng tiền lương, thưởng để trả nợ cho bố mẹ vì 1 lý do không chính đáng như tôi. Đôi lúc tôi tự hỏi đó có phải là một sự báo hiếu vô nghĩa?

Một bạn trai giấu tên - Hà Nam

Kết

Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, chỉ có người trong cuộc mới biết cảm giác thực sự của mình là gì khi rơi vào trường hợp phải ngóng tiền thưởng Tết để trả nợ cho bố mẹ ấy như thế nào. Cảm giác vui vì giúp đỡ được bố mẹ có, cảm giác thở phào có, cảm giác mệt mỏi và chạnh lòng cũng có.

Lý do khiến bố mẹ lâm vào nợ nần là chính đáng hay không để con cái phải cùng “cõng nợ” là một thứ tác động đến tâm lý các con không phải là chuyện nhỏ. 

Có tiền thưởng cỡ đạt vì đạt nhân viên xuất sắc nhưng chưa sắm sanh gì đã lập tức rỗng ví: Lý do đằng sau mới gây tranh cãi - Ảnh 5.

Tuy nhiên, hành động là sự lựa chọn. Bạn có thể vì chữ hiếu mà hy sinh là không sai vì có thể cha mẹ cũng bất đắc dĩ để sinh ra một khoản nợ. Nhưng nếu nghiễm nhiên cha mẹ bạn cho rằng con sinh ra phải có trách nhiệm trả nợ cho bố mẹ dù đó là những khoản nợ trời ơi đất hỡi thì đó có thể là sự báo hiếu vô nghĩa. Bạn có quyền từ chối. 

Trẻ con rồi phải trưởng thành, nhưng người lớn còn cần trưởng thành hơn. Mọi sự hy sinh cũng cần đúng chỗ. Không ai có quyền bắt bạn sống cả một cuộc đời chỉ nghĩ cho người khác bằng những khoản nợ cõng trên vai.

Chia sẻ