Chợ phiên Hà Nội quê hơn cả quê mình, dù sát Tết nhưng giá cả rẻ giật mình so với "thị trường ngoài kia"

Thanh Ba - Ảnh: Lê Đức -Thiết kế: Bi,
Chia sẻ

Đó là nơi bạn có thể mua được cành đào “to oạch” với giá 30 ngàn và những quả bưởi quê chỉ 4 ngàn. Nơi vẫn có những bà hàng xén răng đen cười tỏa nắng như thơ Hoàng Cầm. Nơi có tiếng gọi nhau hỏi chuyện rôm rả như những năm ơ kìa theo mẹ đi chợ xốn xang bao thương nhớ…

Giáp Tết đi chợ phiên rẻ bất ngờ ngay giữa lòng  Hà Nội, ai đến cũng như trở lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 1.

Nhiều người ngạc nhiên ở nơi chẳng xa trung tâm Hà Nội lại có một chợ phiên như đứng ngoài thời cuộc, đó là chợ phiên Yên ở Yên Nghĩa, Hà Đông được họp vào ngày 2 ngày 7 hàng tháng, tức là vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27.

Mặc kệ tốc độ phát triển vũ bão của Thủ đô, Yên vẫn giữ vẹn nguyên được những gì xa xưa nhất của hồn chợ quê thuở ấy.

Chợ Yên nằm ngay ở triền đê sông Đáy, là chợ phiên của Yên Nghĩa, Hà Đông. Chỉ cần đi thẳng đến cuối đường Tố Hữu, đi thêm tầm 1km là đến. Tính ra, không quá xa, nhưng Yên cứ như một phiên chợ biệt lập, như một thế giới khác, tưởng phải đi rất ra mới có thể thấy mà lại xuất hiện ở nơi rất gần.

Giáp Tết đi chợ phiên rẻ bất ngờ ngay giữa lòng  Hà Nội, ai đến cũng như trở lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 3.

Đến đây, người ta có thể bắt gặp những gương mặt dung dị của cả người bán lẫn người mua, những mẹt quế hồi thảo quả đến những mớ rau sống bé cỏn con của những bà cụ già miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu. Đến đây người ta vẫn thấy cảnh những cụ già, những bà mẹ dắt theo em bé, những xôn xao chào hỏi và những tay xách nách mang đủ các thứ.

“Bà đi chợ đó ạ”, “Ôi phiên này mới gặp chị, con bé con đã đỡ ốm chưa?”, “Em bán nốt ít đậu này, chút em phải về sớm nay nhà có giỗ”... Những tiếng chào hỏi, những nụ cười và cả những bàn tay nắm của những người dân trong vùng như kiểu đến chợ không chỉ để mua thực phẩm mà còn để mua cả niềm vui nữa vậy. Thật nhiều cảnh thân thuộc ngày ấu thơ mà ngay cả ở nhiều vùng quê xa xôi bây giờ cũng khó gặp lại.

Giáp Tết đi chợ phiên rẻ bất ngờ ngay giữa lòng  Hà Nội, ai đến cũng như trở lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 4.

Và ngay cả mức giá cũng vẫn cực quê như chẳng chịu tác động của thị trường ngoài kia. Không biết có phải 5 ngày phiên mới họp 1 lần hay vì vui quá, rẻ quá, mà mua sắm tùm lum đến mức lúc về chất đống lên xe vẫn bối rối vì xếp không đủ chỗ.

Chị Thảo nhà ở bên kia sông, phiên nào cũng mang hoa quả nhà trồng được đi bán. Vì là của nhà trồng được nên chị cũng bán kiểu cho vui. Ví dụ táo ngọt bán 15 ngàn/kg nhưng chỗ này còn gần 2 cân, chị bán nốt, của nhà bán dông dài cho vui.

Chị Hoa bán bưởi chỉ có 5 ngàn/ quả, nhưng ai đó có mặc cả 4 ngàn cũng gật đầu: “Nhà trồng được nên cũng không so đo gì. Chút bán hết hàng đỡ phải mang về nặng lắm”.

Hàng bánh rán thoăn thoắt vừa nặn, vừa rán vừa bán, 3 ngàn/ chiếc nhưng đảm bảo “bánh của chị chỉ có bột gạo nếp, không có thêm thứ gì khác, kể cả bột nở” nên ăn thấy vị ngon kiểu đặc trưng của bánh rán quê mình.

Đặc biệt, chợ phiên này còn có một khoảng dành cho lò rèn luôn đỏ lửa của anh Minh (từ làng Đa Sỹ, Hà Đông). Người mua nông cụ thì xếp hàng, trẻ con thì hóng xem những chiếc cuốc, cái dao được làm ra như thế nào. Đây là điều hiếm có khó tìm ở những chợ khác trong lòng Hà Nội.

Giáp Tết đi chợ phiên rẻ bất ngờ ngay giữa lòng  Hà Nội, ai đến cũng như trở lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 6.

Vì là phiên gần Tết nên những hàng lá dong, lạt và ống giang được mua nhiều nhất. Vẫn nhiều người mua ống giang về tự chẻ lạt để gói bánh chưng, nên dễ gặp hình ảnh ai nấy đi chợ về sớm cắp theo gói lá dong tươi xanh, vài ống giang hối hả đi về. Vị Tết đậm đà nhất chính là lúc này, là phiên chợ nhộn nhịp và hối hả lúc không khí Tết cận kề.

Có cô gái mặc chiếc áo dài hồng, xách làn cói vừa đi chợ, vừa chụp hình vì biết có một chợ phiên đặc biệt như thế. Với cô đây là một buổi trải nghiệm có cảm giác hưng phấn hơn thường lệ.

Giáp Tết đi chợ phiên rẻ bất ngờ ngay giữa lòng  Hà Nội, ai đến cũng như trở lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 6.


Giáp Tết đi chợ phiên rẻ bất ngờ ngay giữa lòng  Hà Nội, ai đến cũng như trở lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 7.

Chợ là những lều bạt đơn sơ nhưng sản phẩm bán ra hầu hết đều là sản phẩm nhà làm nhà trồng. Càng sát Tết, chợ càng tấp nập, mặt hàng vì thế cũng đa dạng hơn. Ngoài chai, trùng trục, ốc và những mớ tôm, cá tươi sống trông ngon lành, giá cũng rẻ hơn so với chợ phố rất nhiều lần, ngoài sạp lá dong, ống giang về gói bánh, những chú gà béo mẫm nuôi dành cho Tết, chợ Yên phiên sát Tết còn có thêm vài sạp hoa, nhìn sáng cả một góc chợ.

Mà hay cái, ngay cả đồ Tết vẫn rẻ như thường. Gói lá dong 100 chiếc có giá 50 ngàn. Cành đào to mua vác nặng trĩu vai đẹp đến mức ai cũng hỏi “mua bao nhiêu tiền”, khi nói 30 ngàn ai cũng há hốc miệng không tin nổi vì “sao rẻ thế, cành đào này ngoài kia cũng phải đôi trăm chứ ít à?”.

Giáp Tết đi chợ phiên rẻ bất ngờ ngay giữa lòng  Hà Nội, ai đến cũng như trở lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 8.

Ở chợ phiên đầy hương vị ấu thơ này cũng có những nụ tầm xuân tươi rói “nở ra xanh biếc”, chứ không phải tầm xuân tẩm màu như người ta thường thấy bán trên phố, giá chỉ 30 ngàn.

Gà phố bán tiền trăm nhưng ở đây vẫn chỉ 80 ngàn/kg. Các bà, các mẹ, các chị vẫn giữ thói quen kiểu nhà quê mà xách cả chú gà sống để về nhà làm thịt cho sạch sẽ.

Giáp Tết đi chợ phiên rẻ bất ngờ ngay giữa lòng  Hà Nội, ai đến cũng như trở lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 9.

Chợ phiên ngập tràn những nông sản của bà của mẹ, nơi ta có thể tìm thấy những quả bưởi quê có giá 4 ngàn. Có bà tay dắt cháu bé đi chơi chợ, nhưng vẫn mua 10 quả bưởi về ăn Tết, để rồi khệ nệ xách về nặng trĩu mà mặt hớn hở như mua được vàng.

Suất bún chả phố nhiều nơi đã tăng giá lên 40 ngàn thì ở đây dù thịt lợn có đắt đỏ lên bao nhiêu vẫn giữ giá chỉ 20 ngàn/suất. Thịt tươi, ăn thơm và có vị ngon khác biệt.

Bánh rán 3 ngàn là loại rán ăn ngay nguyên bột nếp và nhân đậu xanh. Còn có "shop" vốn chuyên loại bánh bán 10 ngàn 6 chiếc bánh rán, người mua tơi tới nên người bán nhặt bánh cũng mỏi tay. Nhìn hình ảnh này dễ nhớ ngày xưa theo mẹ đi chợ được đứng trông xe mà ăn chiếc bánh rán cũng hân hoan cả buổi.


Đến chợ Yên dễ dàng gặp những “mẹt đồ chút ít” của người dân mang đi bán. Có những mẹt rau thơm của những cụ cao niên với những mớ rau thơm bé mọn. Đôi bàn tay nhăn nheo và lời mời gọi dễ thương cùng nụ cười từ chiếc miệng nhai trầu quen thuộc thuở nào “mua đi cô, toàn rau nhà tôi mang ra hái bán túc tắc kiếm chút đồng quà tấm bánh”.

Có người chỉ có một ít đậu đỗ, người có vài cây súp lơ, người chỉ có vài cân cà chua, nhưng ngồi chỉn chu như sự tôn nghiêm với thứ nghề nghiệp nghiêm túc của chính mình trong mỗi phiên chợ. Bởi thế ở đây mới vẫn còn kiểu bán bo, chẳng cần bao nhiêu cân, bao nhiêu lạng, cây súp lơ bé 5 ngàn, cây súp lơ to 10 ngàn, nhưng cứ vui vẻ mà bán tùy hứng.

Ai nghe những giá cả kiểu thế này có thể thương người nông dân vất vả mà kiếm được từng hào khó quá. Nhưng người bán dường như cũng xuề xòa, kiếm được đồng nào hay đồng đó, có vẻ họ không nghĩ nhiều.

Ở đây phiên chợ nào cũng đông bởi 5 ngày mới họp một lần. Nhưng những người bán hàng ở đây cho biết, phiên chợ ngày 27 luôn là ngày đông nhất tháng, đặc biệt là ngày 27 tháng Chạp. Chị hàng bún chả kể lúc đó là lúc ai có gì mang đi bán thứ ấy, họ ngồi xuống chật kín hết cả chiếc sân vận động kia. Lúc đó là đi mua đi bán để sắm tết, hưởng không khí tấp nập khi Tết đến xuân về.

Giáp Tết đi chợ phiên rẻ bất ngờ ngay giữa lòng  Hà Nội, ai đến cũng như trở lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 11.

Khi trời đã gần về trưa, ngoài cổng chợ các bà, các chị khệ nệ xách "chiến lợi phẩm" ra cổng chợ. Người đi xe đạp, người đi xe máy đều túi lớn, túi nhỏ. Có người mua cả chục cân khoai tây, người chục quả bưởi, người cắp gói lá dong, người vác cây giang về chẻ lạt gói bánh, người mang về chiếc cuốc, người xách theo con gà, nải chuối, mớ rau… rồi lại gặp hỏi han sức khỏe, giá cả bao nhiêu mà chộn rộn, phơi phới.

“Chào các bác, em về đây ạ. Hẹn gặp lại ở phiên tới bác nhé”, chị gái đạp chiếc xe kẽo kẹt mang theo bao nhiêu đồ đi về, cơ mặt vẫn hớn hở đến độ dãn nở hết cả ra.

Người đi chợ mua được nhiều thứ, tay xách khệ nệ thế kia, xe nặng thế kia, nhưng vẫn vui, vẫn hớn hở cười nói. Người đâu mà kỳ, đi chợ phiên mà cứ như thể... vừa từ lễ hội trở về.

Chợ phiên "quê hơn cả quê mình" trong lòng Hà Nội, sắm Tết rẻ bất ngờ, lại còn như gặp lại tuổi thơ theo mẹ đi chợ hồi nảo hồi nào - Ảnh 14.

 

Chia sẻ