BÀI GỐC Mẹ chồng kiên quyết không cho con trai làm việc nhà giúp vợ

Mẹ chồng kiên quyết không cho con trai làm việc nhà giúp vợ

Tôi cũng đi làm kiếm tiền, chiều về đón con, sửa soạn bữa tối… Đối với mẹ chồng, đó là điều hiển nhiên của một người vợ nhưng chồng tôi “lỡ tay” giúp đỡ thì bà phản đối ra mặt…

7 Chia sẻ

Tôi yêu thương con trai nên yêu cả người vợ mà chúng tự chọn

,
Chia sẻ

Phải nhìn nhận thực tế rằng nếu như bố mẹ già không thể là tán cây khỏe mạnh sum sê để che mưa đỡ nắng cho các con, tôi sẽ tự nhiên chấp nhận việc con dâu không thể gần gủi, thân thiện với nhà chồng.

Chào các bạn trẻ!

Tôi là người thuộc lớp tuổi chưa đến "thất thập cổ lai hy"! Qua cảm xúc từ 2 bài viết của bạn Nhím và bạn Phạm Tú, tôi mong góp một chút suy nghĩ cá nhân, với tư cách là một "người lớn" trong đề tài thường gây nhiều tranh luận trên Afamily.

Trước hết, tôi gửi lời cảm phục đến 2 tác giả với bài viết thể hiện tâm tư của 2 bạn, ở 2 vị trí khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ trong đề tài, có nghĩa: không có 2 vị trí đó, một là "chồng" và một là "vợ", tất không thể có cái vị trí "nhà chồng" hay "nhà vợ" để có nhiều vấn đề mọi người cần bàn cãi.

Xin nói rõ hơn về từ "cảm phục", là tôi tin ở 2 bạn sự bộc bạch chân thành, cũng như điều tôi nhìn thấy đầu tiên sự cảm nhận và phản ứng chắc chắn sẽ có ở một số cá nhân, đó là những lời phê phán bài viết sáo rỗng.

Cũng như 2 bạn, tôi đọc và tôn trọng tất cả ý kiến phản hồi, không có ý phản bác bất cứ ai mà cũng chỉ xin nêu trường hợp "người thật việc thật" của cá nhân tôi: một bà mẹ chồng.

Thú thật, soi lại mình trong 30 năm làm vợ, làm mẹ, rồi làm bà, tôi nhìn nhận rằng tôi chưa được bằng một phần hình ảnh người vợ của bạn Phạm Tú. Cho đến bây giờ, tôi cũng chưa biết là trong cuộc đời người phụ nữ, tôi đã thành công hay thất bại? Tuy nhiên, điều tôi thấm thía nhất có lẽ là câu kết luận mà ngày còn trẻ tôi đọc được ở đâu đó: "Điều bạn nhận lại từ tha nhân nhiều hay ít là tùy ở chất liệu bạn trao gửi".

Tôi lập gia đình khá muộn, sinh 3 con trai, cháu lớn giờ 30 tuổi, tốt nghiệp Đai học, lập gia đình gần 3 năm và có 1 con trai vừa được 4 tháng tuổi. Cháu thứ 2 vừa đi làm vừa là nghiên cứu sinh, vợ cháu là bạn học thời sinh viên, cũng vừa đi làm vừa học văn bằng 2, cưới nhau gần tròn 1 năm. Cháu út vừa đậu Đại học năm nay. Tất cả chúng tôi đang cùng sống trong một căn hộ khiêm tốn, với hoàn cảnh "tam đại đồng đường" (tính luôn thế hệ cháu nội).

Chồng tôi mồ côi mẹ khá sớm và dù kinh tế khó khăn, ngay từ mới cưới nhau chúng tôi may mắn có căn hộ riêng nên tôi chưa hề trải qua ngày nào làm dâu cả. Gia đình chồng tôi rất đông, đến 10 anh chị em. Nhưng theo thời gian rồi ai cũng có gia đình riêng, bố chồng già yếu, bệnh rồi mất. Anh chị em gặp nhau hằng năm vào dịp giỗ chạp dăm ba lần, hàn huyên thăm hỏi nhau chứ chẳng có mâu thuẫn nào đáng kể.

Các bạn thân mến! Với hoàn cảnh xem ra chẳng có gì bức xúc, ấy vậy mà gần 30 năm qua là một người nội trợ thuần túy, tôi thật sự cảm thấy mình không có được đức tính cần thiết của người phụ nữ, đó là "sự nhẫn nhịn và chịu đựng". Những ngày còn tương đối trẻ, chồng đi làm ở cơ quan nhà nước, vợ ở nhà vừa chăm con vừa buôn bán nhỏ, tôi dễ cáu gắt do tình trạng vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn. Sau này, dần dà rồi đời sống có khá hơn, nhưng cái tính nóng nảy, mặc cảm, gay gắt đeo đẳng tôi như một thói quen khó bỏ. Và với bản tính hiền lành, người nâng đỡ tinh thần cũng như chịu đựng tính cách khó khăn của tôi chẳng ai khác hơn là ông xã.

Có thể nhờ phúc nhà, các con trai tôi rất ngoan, tự ý thức chăm học hành và trong ký ức của các cháu, tôi là bà mẹ rất tận tụy, chu đáo, nghiêm khắc với các con. Tuy nhiên (là chi tiết các cháu tâm sự với người yêu, sau này là vợ cháu) con dâu tôi kể lại là "Đôi lúc chẳng hiểu sao mà mẹ cứ hay giận dữ, cáu gắt?!".

Diễn giải về tâm lý của tôi thì rất dài dòng. Tôi chỉ muốn kể với các bạn rằng dù tôi là con người trước đây "khó đăm đăm" là thế, nhưng bước vào giai đoạn bắt đầu làm một bà mẹ chồng, tôi lại là một bà mẹ chồng quảng đại, tâm lý một cách không ngờ. Mà tính cách ấy, nó đi vào tôi một cách tự nhiên, không màu mè gò bó từ ở quan điểm: "Hãy mở lòng ra trước, ta sẽ thấy nhẹ nhàng và sẽ nhận được lòng yêu thương của người trước đây vốn xa lạ, giờ là con của ta".

Từ khả năng tài chính còn yếu kém của các cháu, chấp nhận cho hai vợ chồng trẻ cùng ở chung một nhà sau khi thành hôn là một sự chuẩn bị tâm lý ứng xử khá chi tiết của tôi. Với sự đóng góp tiền sinh hoạt tự nguyện của các cháu, với sự giúp đỡ của cô em họ độc thân, tôi đảm nhận công việc chợ búa nấu nướng cả 3 bữa ăn trong ngày, nuôi và giúp con dâu chăm sóc giặt giũ, bú mớm cho cháu nội từ lúc mới sinh. Các cháu đi làm, sáng dậy là đã có thức ăn sáng và trưa chỉ việc xách mang theo. 

Giặt giũ đã có máy móc, mỗi cặp chỉ tự xếp dọn, là ủi. Tôi dặn dò mỗi con dâu ngay khi cháu vừa cưới về, rằng: "Việc chung sống cả nhà, không thể tránh được có lúc va chạm. Nếu các con có gì bất đồng, cứ bày tỏ với mẹ, đừng nên nói với chồng". Thời gian qua, chị em dâu chúng dù không thân thiết nhưng chưa hề xảy ra chuyện lời qua tiếng lại, mỗi cặp sống với nhau và gia đình một cách vui vẻ, hạnh phúc.

Phải nhìn nhận rằng là những người có kiến thức, các cháu nhà tôi có cách nói năng cư xử tương đối hiểu biết và chừng mực. Tuy nhiên, đó là kết quả của một cuộc sống tương đối bình an, dễ chịu. Mà để cho các cháu có được cảm giác ấy, "người lớn" như chúng tôi phải đỡ đần, gánh vác cho các con từ xưa đến giờ và cũng chẳng biết phải tiếp tục như thế cho đến bao lâu? Ông xã tôi vốn dân kỹ thuật, các con trai theo ngành khoa học tự nhiên, thế nên tất tần tật việc sửa chửa, bảo trì xe cộ, chỉnh đốn vật dụng điện đóm trong nhà đều một tay ba chúng cả.

Hai con dâu tôi phê phán: "Các con trai của mẹ thụ động quá!" và bắt chồng phải chia việc. Đại khái ăn cơm xong em rửa bát thì anh phải tráng và úp bát đĩa, em dọn vệ sinh phòng riêng thì anh phải lau sàn... Trong khi ấy, cả 2 cô đều cười làm nũng khi mẹ chồng gợi ý: "Các con nên học việc nấu nướng, giờ còn sống chung, mẹ đỡ đần chứ mai kia ra riêng rồi thì làm sao?", "Hì, con ở luôn với mẹ" hoặc "Tụi con mỗi ngày chạy qua nhà mẹ ăn"!?

Dù rằng cuối cùng tôi vẫn quan niệm: "Gia đình hòa thuận với nhau là chính" nhưng đôi lúc nghĩ xa hơn, khi tuổi đời ngày càng chồng chất, sức khỏe suy giảm thậm chí ốm đau bệnh tật chẳng thể cáng đáng việc nội trợ, tôi trở thành gánh nặng cho con cháu? Rồi cái cảnh thuận hòa trong đại gia đình tôi có còn duy trì tốt đẹp được không?

Trở lại điều tôi băn khoăn là chưa biết cách sống "thuần nội trợ" của tôi là nên hay không, tốt hay xấu và cuối đời tôi sẽ để lại được cho các con dấu ấn gì? Tôi xin đóng góp với các bạn một chút tâm tư ở khía cạnh "người lớn". Rằng tôi yêu thương con trai nên yêu cả người vợ mà chúng tự chọn. Tuy nhiên, cũng phải thực tế nhìn nhận rằng nếu như bố mẹ già không thể là tán cây khỏe mạnh sum sê để che mưa đỡ nắng cho các con, tôi sẽ tự nhiên chấp nhận việc con dâu không thể gần gũi, thân thiện với nhà chồng.

Có vẻ như tôi đã quá tự ti nhưng từ xưa giờ tôi vẫn vậy! Nhưng biết làm sao khi đời sống tất bật hối hả khiến con người trở nên thực dụng và tính toán ngay cả trong tình cảm thiêng liêng gia đình.

Thân chào các bạn!

Chia sẻ