BÀI GỐC Ngột ngạt vì ở cữ nhà chồng

Ngột ngạt vì ở cữ nhà chồng

Má chồng tôi gằn lên: “Nhà này có một đứa cháu, không đi đâu hết. Chị ấy thích thì cứ đi, cháu tôi phải ở lại đây”, rồi "con dâu gì mà đầu ở ngoài óc…”.

7 Chia sẻ

Tôi không đủ tự tin ở cữ nhà chồng lần 2

,
Chia sẻ

Dù sắp chào đón "tập 2" nhưng tôi vẫn không đủ tự tin ở cữ nhà chồng lần nữa. Lần này, tôi cứ xác định ở cữ tại nhà riêng "cho lành" dù vợ chồng sẽ vất vả hơn.

Chào chị Lê Dung - Tác giả tâm sự “Ngột ngạt vì ở cữ nhà chồng”!

Là phụ nữ, hầu như ai cũng trải qua giai đoạn ở cữ giống như chị. Tôi cũng không ngoại lệ. Chỉ có điều, tôi sớm lường trước được những khó khăn khi phải sinh con một mình và ở cữ nhà chồng. Vì thế, lúc sắp lâm bồn tôi dự định khăn gói về quê ngoại. 

Nhưng thật không may, đó cũng là thời điểm bà ngoại tôi đột ngột qua đời. Không thể vừa lo việc tang gia lại chăm con gái, mẹ đẻ một mực bảo tôi về nhà chồng ở cữ.

Từ đây, những ngày ở cữ của tôi bắt đầu. Mẹ chồng giãy nảy lên khi thấy tôi sinh xong không  trở về từ nhà ngoại. Bà xua tay: “Mẹ không biết chăm bà đẻ đâu đấy”. Tôi trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên bà có chút thông cảm nhưng vẫn khăng khăng từ chối việc chăm sóc con dâu. 

Nói thật ngay từ đầu tôi chẳng mong đợi gì từ nhà chồng trong việc này bởi mẹ chồng tôi khá đoảng. Bà tốt tính nhưng lại không khéo léo. Cô em chồng tôi cũng thừa hưởng đầy đủ “phẩm chất” ấy của và hơn thế nữa em còn rất ngờ nghệch.

Ngay từ giây phút bồng con từ bệnh viện về, tôi đã xác định phải tự thân vận động trong tháng ngày ở cữ. Tôi thở dài dài làm theo phương châm “tự túc là hạnh phúc”.

Tôi nhờ chồng và mẹ chồng nấu ăn cho mình theo một chế độ riêng để đảm bảo có đủ sữa và chất dinh dưỡng trong thời kỳ cho con bú. Thật may là cả hai đều rất nhiệt tình trong khoản này. 

Một buổi trưa còn đang ngon giấc, tôi bỗng giật mình vì tiếng chân người chạy uỳnh uỵch và tiếng hô hoán “Cháy! Cháy!”. Mở mắt ra thì thấy mờ mịt những làn khói vây quanh. 

Tôi bế con toan bỏ chạy thì nhận ra chẳng đâu xa xôi, đám cháy đang bốc lên từ bếp than ngay trong nhà mình. Thì ra mẹ chồng tôi sau một hồi hì hục nhóm mãi chẳng đỏ bèn bức quá đổ cả dầu hỏa vào khiến lửa bùng lớn.

Mọi người được một phen hú vía. Em chồng trách tôi sao chẳng chịu tự làm mà hành hạ mẹ. Tôi giải thích rằng phụ nữ mới sinh không thể ngồi xổm để quạt than vì như vậy dễ bị sa tử cung. Nhưng nó chỉ mải khóc lóc không bỏ vào tai.

Sau sự cố ấy, mẹ chồng tôi nghĩ ra một “sáng kiến” là mua lại bếp than đã được bắt lửa sẵn từ bà bán bún thịt nướng rong đầu ngõ. Tôi vừa mừng vừa cảm kích tấm lòng của bà. 

Xông hơi sau sinh là một kinh nghiệm dân gian để chăm sóc sức khỏe. Vì không có ai bên cạnh, tôi kiếm một tấm chăn lớn và tự làm trong phòng. 

Vậy mà cô em chồng “thiếu muối” kia vẫn không chịu buông tha cho tôi. Nó mắt tròn mắt dẹt khi chứng kiến tôi làm điều đó. Mặc dù đã được tôi giải thích sơ qua nhưng nó vẫn cho rằng việc làm này là hết sức kỳ quái.

Mỗi lần thấy tôi trùm chăn ngồi ôm bếp than là nó cười khúc khích phấn khích đến độ chụp ảnh, quay phim cảnh đấy và đưa lên facebook khoe với bạn bè. Tôi giận tím mặt khi biết chuyện.

Quay lại với người mẹ chồng tốt tính vô tâm của tôi. Mới qua tháng thứ 2 thì bà bảo tôi bế con qua thăm ông cụ nội của chồng. Tôi cẩn thận giải thích tục kiêng cữ ở quê tôi rằng phải hết 3 tháng 10 ngày mới được đốt vía và bồng con ra khỏi nhà để tránh “mắc vía” và mang lại xui xẻo cho người khác. 

Mẹ chồng tôi không hiểu lắm nhưng cũng gật gù đồng ý. Riêng cô em chồng chỉ nghe lỏm được câu mất câu còn nên tưởng chuyện này liên quan đến vấn đề tâm linh cần phải kiêng dè. Ngay lập tức nó nhào đến hỏi tôi: “Chị bị mắc vía âm à?” làm tôi chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu. Hai mươi tuổi đầu mà nó như một đứa trẻ con.

Từ đấy nó bỗng đâm ra dè chừng tôi. Những lúc chạm mặt nó đều thậm thụt rụt rè. Rồi những hành động bình thường của tôi đều được nó tưởng tượng hóa thành điều thần bí. Như việc tôi cắn lá trầu đắp cho con đều bị nó xem là làm bùa phép và không dám lại gần. 

Từ thuở con gái tôi đã mắc chứng tụt canxi nên thỉnh thoảng tôi vẫn bị co giật nhẹ và co quắp các ngón tay. Chẳng may một lần nọ đang ngồi xông thì bệnh tái phát. Không còn ai ở nhà nên tôi đành gọi nó vào giúp bôi dầu và xoa ấm cơ thể. Vừa đến cửa trông thấy tôi trợn mắt co giựt, nó hét lên “á, ma nhập” rồi lăn đùng ra bất tỉnh. 

Hết chuyện này nó lại bày ra trò khác. Không biết nghe ai mách sữa mẹ rất mát, dùng để bôi lên mặt thì da dẻ hết mụn lại còn hồng hào. Vậy là nó hớn hở đi “xin sữa”. 

Tôi miễn cưỡng vắt cho nó ít sữa nhưng nó lại không bằng lòng. Nó một mực đòi tự tay “vắt” trực tiếp. Tôi vừa đau vừa tức. Hiệu quả chưa thấy đâu thì hôm sau nó kéo cả một nhóm bạn gái về nhà. Cả mấy đứa nhao nhao tranh nhau từng tí sữa một. Sau đấy bị mọi người răn đe cô em chồng mới thôi trò này.

Bây giờ nghĩ lại, thời gian ở cữ nhà chồng toàn là những kỷ niệm đáng nhớ và khá buồn cười. Cô em chồng tôi giờ đã lớn hơn và vô cùng xấu hổ khi nhắc lại chuyện cũ. 

Cho đến nay mọi thứ đã tốt hơn, tôi cũng hiểu mẹ chồng hơn nhưng thú thực, tôi vẫn không đủ tự tin để ở cữ nhà chồng lần nữa dù cũng sắp sửa chào đón tập 2. Lần này, tôi  cứ xác định ở cữ tại nhà riêng cho lành dù vợ chồng có vất vả hơn. Như vậy tôi sẽ thấy thoải mái và không bao giờ phải đối mặt với những stress vớ vẩn khi ở cữ nhà chồng như lần đầu nữa.

Nói chung, tôi thấy các chị em khi ở cữ muốn thoải mái nhất thì nên khéo léo thu xếp về nhà mẹ đẻ. Nếu không, ở cữ nhà chồng dù thoải mái như nào cũng sẽ thấy bức bí, khó chịu lắm. Hoặc trong trường hợp không thể về nhà mẹ đẻ, các chị em cứ ở cữ tại nhà riêng của mình "cho lành".

Chia sẻ