Ngột ngạt vì ở cữ nhà chồng
Má chồng tôi gằn lên: “Nhà này có một đứa cháu, không đi đâu hết. Chị ấy thích thì cứ đi, cháu tôi phải ở lại đây”, rồi "con dâu gì mà đầu ở ngoài óc…”.
Ba má chồng chỉ có chồng tôi là con trai nên rất quý cháu. Con trai tôi mới sinh từ viện về, má chồng đã đón cháu qua ở phòng ông bà. Tôi không thể giằng con ra khỏi ông bà nên đành trải tạm nệm cạnh giường ba má chồng để ngủ trông con.
Thảm nỗi, đêm nào ba má chồng tôi cũng ngáy rất lớn. Tiếng ngáy của ông và bà so le nhau như kéo cưa. Mắt tôi cố nhắm nhưng đầu không thể ngủ nổi trước tiếng ngáy như sấm dội bên tai thế. Thiếu ngủ, mắt tôi thâm quầng lại và vàng vọt hẳn lên.
Mang tiếng thương cháu nhưng có đêm mất điện. Má chồng tôi liền lấy cái quạt tích điện để dưới chân giường ông bà. Xót con nóng, tôi phải quạt tay suốt đêm cho cháu. Sáng hôm sau thấy con dâu gật gù, má chồng mỉa mai: “Cậy gái mới sinh nên làm biếng ngủ ngày”.
Những ngày đầu ở cữ sữa chưa về, má chồng tôi rầy: “Nuôi chi cho tốn cơm vậy, ăn uống bao nhiêu mà không có sữa cho con bú”. Dù gia đình có điều kiện, nhưng con dâu sinh mà má chồng cũng chỉ cho ăn như bình thường.
Thậm chí món khô chiên được bà diễn cả tháng. Thức ăn khô khan khiến tôi không nuốt nổi. Má chưa tẩm bổ cho con dâu được chút nào.
Má đẻ tôi biết chuyện nên mỗi chiều đều xách cà mèn mang thức ăn ngon qua cho tôi. Hàng xóm la má chồng tham không chăm lo cho con dâu mới sinh. Bà ngại quá nên mới mua ít xương về hầm đu đủ cho tôi ăn nhiều sữa.
Sinh xong gần đầy tháng thì tôi đã có đủ sữa cho con bú. Má chồng tôi vẫn mua thêm sữa đặc có đường cho cháu uống. Bà bảo: “Sữa mẹ rởm nên con lớn chậm, phải uống thêm sữa ngoài”. Bà bỏ mặc ngoài tai lời mọi người khuyên cháu nhỏ chỉ cần dùng hoàn toàn sữa mẹ là đủ.
Lúc nào má chồng tôi cũng rao giảng thương con thương cháu. Thế mà tất cả tiền mọi người cho con tôi khi đến chơi bà đều giữ hết. Vậy mà bà chỉ mua sữa đặc có đường cho cháu vì… rẻ.
Có hôm con tôi bị nổi mẩn. Tôi mời cô y tá tới khám cho con. Má chồng phàn nàn với con trai là tôi mướn y tá dở tệ, khám kiểu gì để con khóc khản cả cổ dẫn đến viêm phổi. Chồng tôi đã la rầy tôi hoài.
Dù người cháu nội vẫn còn vết mẩn đỏ nhưng bà nhất quyết đem cháu đi tắm. Bà trách con dâu để con bẩn nên người mới nổi nốt. Tay bà chà vào da cháu mạnh khiến cơ thể non nớt của con đỏ lên từng mảng lớn.
Tôi xót con quá mà chẳng dám kêu vì sợ phật ý má chồng. Sau tôi đưa con đi viện mới biết rằng con bị sốt phát ban chứ không phải do tôi lười tắm cho cháu.
Má chồng tôi còn có tính tiết kiệm quá đà. Bà sợ dùng máy giặt tốn điện nên chỉ cho tôi vắt đồ chứ không được giặt. Dù tôi còn yếu nhưng vẫn phải trở dậy giặt tã cho con.
Má nói: “Ngày xưa tôi ở cữ vẫn phải đi làm, tự giặt chứ đâu sướng như các chị bây giờ”. Sợ tôi nhàn rỗi trong thời gian ở cữ, má chồng còn dồn tất cả quần áo của gia đình cho con dâu giặt. Đôi tay tôi mỏi rã rời.
Mỗi lần có khách đến chơi má chồng tôi đều tỏ ra là người khéo léo. Má gọi tôi là con rất ngọt ngào, trong khi thường ngày má toàn xưng “mày - tao”.
Rồi má kể xấu con dâu “vụng về không biết nuôi con”. Có bữa má giật con từ tay tôi trước mặt khách rồi bĩu môi nói: “Phải ẵm con như vầy nè”. Mặc dù, má ẵm cháu chẳng khác gì tôi cả.
Nhiều người đến chơi cứ khen má chồng tôi khéo thế mà rước phải con dâu cù lần. Tôi nghe thấy mà ức đến tận cổ.
Mấy hôm trước, con tôi đầy tháng, má tôi sang xin phép ba má chồng được đưa má con tôi về thăm ngoại chơi ít ngày.
Má chồng tôi gằn lên: “Nhà này có một đứa cháu, không đi đâu hết. Chị ấy thích thì cứ đi, cháu tôi phải ở lại đây”. Má tôi chưa kịp trấn tĩnh thì má chồng lại tiếp lời: “Bà phải dạy con biết nghĩ chứ, con dâu gì mà đầu ở ngoài óc…”.
Tôi nghe thấy rất bất bình. Tôi nói với má chồng: “Má không nên nói với má đẻ con như vậy”. Má chồng chửi ngay: “Con dâu gì mà hỗn, vô học”. Má đẻ bắt tôi nhẫn nhịn để giữ hòa khí. Bà buồn bã trở về nhà.
Tôi hết chịu nổi bà má chồng quá đáng. Không biết các chị em khác ở cữ nhà chồng thì thế nào, chứ tôi thì ức chế và ngột ngạt quá. Tôi rơi vào trạng thái stress vì thiếu ngủ và căng thẳng. Xin mọi người cho tôi lời khuyên để giải tỏa nỗi lòng.