Lựa chọn đi du học, nữ Tiến sĩ "gục ngã" khi biết không còn khả năng sinh con

HN,
Chia sẻ

Trở về nước vào năm 42 tuổi với tấm bằng Tiến sĩ, chị cũng "gục ngã" khi biết mình không còn khả năng sinh con, bởi không còn trứng. Nếu muốn có con thì phải đi xin trứng của người khác.

Dự trữ trứng đang trở thành xu hướng của không ít phụ nữ hiện nay, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại, nhiều người muốn tập trung vào sự nghiệp hoặc mục tiêu cá nhân nào đó mà gác lại việc sinh con. Việc này cho phép phụ nữ có thêm quyền lựa chọn về thời điểm sinh con, cũng như là một biện pháp đề phòng giảm khả năng sinh sản do tuổi tác hoặc các vấn đề sức khỏe khác.

Đây cũng là giải pháp giúp các chị em có thêm cơ hội làm mẹ chứ không phải để hối tiếc như trường hợp của một nữ Tiến sĩ 42 tuổi được TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương, chia sẻ.

Lựa chọn đi du học, nữ tiến sĩ phải "đánh đổi bằng nước mắt" khi không còn trứng để sinh con - Ảnh 1.

TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản Trung ương.

Kết hôn năm 38 tuổi nhưng ngay sau đó chị B (tên nhân vật đã được thay đổi) nhận được học bổng Tiến sĩ tại Anh trong 4 năm. Đứng trước lựa chọn làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài hay là ở nhà sinh con, người phụ nữ này đã chọn theo đuổi sự nghiệp.

Trở về nước vào năm 42 tuổi với tấm bằng Tiến sĩ, chị B bắt đầu kế hoạch có con. Thế nhưng, sau một thời gian dài không có con tự nhiên dù đã cố gắng theo nhiều cách, chị đã tìm đến BS Thành để thăm khám. Sau các xét nghiệm, kiểm tra, BS Thành phát hiện chị đã "không còn quả trứng nào" và cách duy nhất để có con bây giờ là xin trứng của người khác. Nghe được điều này, người phụ nữ gần như "gục ngã" bởi đây đúng là một sự "đánh đổi bằng nước mắt".

"Bệnh nhân không còn quả trứng nào. Điều này đồng nghĩa với việc, giải pháp duy nhất để có con là đi xin trứng", BS Thành cho hay.

Lựa chọn đi du học, nữ tiến sĩ phải "đánh đổi bằng nước mắt" khi không còn trứng để sinh con - Ảnh 2.

"Bệnh nhân không còn quả trứng nào. Điều này đồng nghĩa với việc, giải pháp duy nhất để có con là đi xin trứng", BS Thành cho hay.

Hiện nay, xu hướng kết hôn muộn hoặc vì theo đuổi sự nghiệp mà người phụ nữ sinh con muộn ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, muốn vậy chúng ta cần phải nắm được sức khỏe cũng như dự trữ của buồng trứng.

Phụ nữ có một số lượng trứng nhất định ngay từ khi sinh ra, kho dự trữ trứng sẽ cạn dần theo thời gian. Khi kết hôn quá muộn cũng đồng nghĩa với việc độ tuổi sinh sản của chị em rút ngắn lại, chất lượng trứng của phụ nữ lớn tuổi cũng sẽ kém đi.

Thông thường, phụ nữ ở tuổi dậy thì sẽ có 300.000 - 400.000 trứng. Qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, số trứng và nang trứng dự trữ sẽ giảm dần và hết ở độ tuổi 45 đến 50. Bên cạnh đó, dự trữ buồng trứng (tuổi buồng trứng hay tuổi nội tiết) không phải lúc nào cũng giống tuổi khai sinh. Có những người mới hơn 20 tuổi nhưng dự trữ buồng trứng còn như của người 40 tuổi do suy buồng trứng sớm.

Suy buồng trứng sớm là hiện tượng buồng trứng bị lão hóa trước tuổi, ngừng hoạt động chức năng ở phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi. Suy buồng trứng sớm thường có biểu hiện tương tự như những phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.

Hiện nay, trước xu hướng phụ nữ lập gia đình muộn hơn trước (có người sau 35 tuổi), bác sĩ Thành khuyên các chị em có ý định lập gia đình muộn nên đi khám phụ khoa để xem chất lượng trứng của mình còn tốt hay không. Với những phụ nữ có khả năng tài chính tốt, muốn bảo tồn khả năng sinh sản có thể chọn phương án trữ trứng. Việc trữ trứng sẽ dựa trên các yếu tố như: Tuổi của người phụ nữ, dự trữ buồng trứng, điều kiện kinh tế và dự định gần trong tương lai. Khi có đầy đủ các yếu tố đó, hãy gặp các bác sĩ sản khoa để được tư vấn cụ thể.

Lựa chọn đi du học, nữ tiến sĩ phải "đánh đổi bằng nước mắt" khi không còn trứng để sinh con - Ảnh 4.

Chia sẻ