Kết hôn muộn, chật vật mãi mới có con
Lúc còn trẻ, nhiều chị em muốn dành thời gian gây dựng sự nghiệp, đi du lịch, khi kết hôn đã gần 40 tuổi, buồng trứng suy giảm rất khó có con.
Chị Hồ Bích Liên (43 tuổi, TP.HCM) là quản lý nhân sự của một công ty có vốn nước ngoài đặt trụ sở tại TP.HCM. Mỗi tuần chị làm việc từ thứ 2 đến thứ 6, hai ngày cuối tuần dành toàn bộ thời gian cùng nhóm bạn chơi thể thao, đi du lịch. Chị không muốn kết hôn và sinh con sớm dù đã quen biết bạn trai nhiều năm.
Năm 2018, bố chị qua đời. Sau cú sốc đột ngột mất người thân, chị mới nghĩ đến việc lập gia đình. Chị và bạn trai tổ chức hôn lễ vào năm 2020, khi cả hai đều gần 40 tuổi.
Hai năm chưa có con, họ đi khám ở một số bệnh viện thì được chẩn đoán giảm dự trữ buồng trứng và một số bệnh lý phụ khoa kèm theo. Tháng 8/2022, chị Liên cùng chồng đến bệnh viện để thụ tinh ống nghiệm tìm con.
Để tăng cơ hội có con bằng trứng tự thân cho chị Liên, bác sĩ chỉ định phác đồ gom trứng nhiều chu kỳ.. Chị Liên được kích thích buồng trứng với phác đồ phù hợp, chọc hút thu được 3 noãn trong chu kỳ đầu tiên.
Nghỉ ngơi và kích thích buồng trứng, chọc hút thêm hai chu kỳ tiếp theo, chị Liên có tổng cộng 12 noãn trưởng thành. Kết quả chị có được 6 phôi ngày 5 chất lượng tốt, sau sàng lọc phôi tiền làm tổ, còn 5 phôi không mang bất thường di truyền.
Chị điều trị ổn định bệnh viêm tuyến giáp, lạc nội mạc tử cung, chuẩn bị niêm mạc tử cung đủ điều kiện và chuyển một phôi vào tháng 7/2023.
Mang thai khi đã lớn tuổi khiến chị Liên mệt mỏi, ốm nghén nặng và ăn uống khó khăn trong suốt thai kỳ. Kiên trì suốt 9 tháng mang thai chị chỉ tăng được 8kg. Ngày 19/3, con trai chị chào đời khỏe mạnh bằng phương pháp sinh mổ ở tuần thai 38.
Chị Đặng Thanh Hoa (42 tuổi, ngụ Bình Dương) là trưởng phòng kinh doanh của một công ty bảo hiểm, kết hôn vào năm 2021, sau 16 năm dành toàn bộ tâm huyết cho công việc.
Sau một năm không có con, vợ chồng chị đến bệnh viện khám và phá hiện dự trữ buồng trứng cạn kiệt (AMH chỉ còn 0,44), tình trạng lạc nội mạc tử cung trong cơ.
Bác sĩ tư vấn, cách duy nhất để có con là gom trứng nếu không muốn xin trứng hoặc xin con nuôi. Do dự trữ buồng trứng “siêu thấp” nên sau kích chỉ thu được tổng cộng 5 trứng. Sau chu kỳ thứ ba, chị hoàn toàn cạn kiệt trứng trên cả hai bên buồng trứng.
Chị Hoa có số lượng trứng rất ít và chất lượng trứng kém chỉ tạo được một phôi duy nhất ngày 3. Tháng 8/2023 chị bắt đầu chuyển phôi và may mắn đậu thai. Thai kỳ hiện 29 tuần, phát triển khỏe mạnh. “Tôi hối hận vì kết hôn muộn, hành trình có con vô cùng chật vật do sức khoẻ sinh sản suy giảm, suýt nữa tôi không còn cơ hội có con của chính mình”, chị Hoa nói.
Theo ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, phụ nữ lớn tuổi dự trữ buồng trứng thấp, đồng nghĩa với việc cơ hội có con bằng trứng tự thân rất thấp.
Trước đây, khi công nghệ điều trị hỗ trợ sinh sản còn ở mức độ thủ công, những trường hợp phụ nữ lớn tuổi, dự trữ buồng trứng cạn kiệt đều được chỉ định xin trứng từ người khác để thụ tinh ống nghiệm hoặc xin con nuôi.
Hiện nay với sự phát triển của nhiều công nghệ và kỹ thuật hiện đại, điển hình là kỹ thuật trữ trứng, trữ phôi (hợp tử); đồng thời các chiến lược như gom trứng và gom phôi tích lũy nhiều chu kỳ giúp nhiều trường hợp vẫn có con của chính mình.
Những ngườ kết hôn và sinh con muộn như chị chị Liên và chị Hoa không phải hiếm. Theo niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2022 độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của người ở thành thị là 29,8.
Số liệu ghi nhận có xu hướng tăng liên tục từ năm 2019 đến năm 2022. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2019 là 27,5 tuổi, năm 2020 là 28,0 tuổi và năm 2021 là 29,0 tuổi (bình quân mỗi năm tăng 0,8 tuổi). Đặc biệt, TP.HCM có độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu cao nhất so với các tỉnh thành trong cả nước (hơn 2,9 tuổi).
Theo các chuyên gia, kết hôn muộn đang là xu thế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lợi thế của người kết hôn muộn là đã chín chắn trong suy nghĩ, đầy đủ sự nghiệp, tài chính, hiểu biết và sẵn sàng cho lập gia đình, ít bị chi phối về điều kiện và môi trường sống.
Tuy nhiên, về sinh học, ở giai đoạn sau 35 tuổi, con người dễ gặp vấn đề về sinh lý, tâm lý, đặc biệt là phụ nữ. Họ có thể khó sinh con hay sinh con khuyết tật.
ThS.BS Giang Huỳnh Như khuyến cáo, độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là trước 30 tuổi. Những vợ chồng sau thời gian khuyến cáo chưa có con nên đến trung tâm hỗ trợ sinh sản để khám toàn diện và điều trị sớm, giúp giảm thời gian mong con, giảm các khó khăn và chi phí điều trị.