Hối không kịp vì yêu vội, cưới gấp

Quỳnh Anh,
Chia sẻ

Những cặp đôi này tìm hiểu nhau nhanh, yêu vội, rồi quyết định cưới gấp. Đến khi lấy nhau về rồi, hạnh phúc không thấy đâu, mà họ chỉ thấy bản thân rơi vào bể khổ...

“Đồng sàng dị mộng” do yêu vội, cưới gấp

Qua bạn bè mai mối, ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, Dung và Long (Cầu Giấy, Hà Nội) có ấn tượng khá tốt về đối phương. Dung cho biết: “Khi gặp anh ấy lần đầu tiên, ấn tượng của mình về anh ấy rất đặc biệt. Cả hai đều hướng về nhau như là đã gặp ở đâu đó rồi và cảm giác rất thân thiết”. Chính vì thế sau vài lần gặp gỡ cùng hội bạn, họ tách ra và chính thức hẹn hò yêu đương.

Chuyện tình cảm của Dung và Long phát triển nhanh chóng tới mức chỉ sau hơn 1 tháng chính thức hẹn hò, gọi điện, nhắn tin, cả hai quyết định kết hôn mà không cần tìm hiểu thêm về nhau. Theo lời Dung, khi cả hai thông báo tin sẽ tổ chức đám cưới, bạn bè đều đồng loạt ngỡ ngàng:“Nhưng họ đều mừng cho chúng tôi đã tìm được đôi, được cặp. Cả hai chúng tôi lúc đó đều tin rằng mình sẽ có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc”.

Thế nhưng sau khi kết hôn, cả Dung và Long mới nhận ra mình và nửa kia có quá nhiều điểm khác biệt. Cuộc sống hôn nhân của hai con người với quan điểm, lối sống, thói quen quá khác nhau dẫn đến hai vợ chồng thường xuyên bất hòa. Và mặc dù Dung cũng rất cố gắng điều chỉnh bản thân để hai người bớt lệch nhưng càng cố thì khoảng cách giữa Dung và Long càng xa hơn.

Nói về cuộc hôn nhân của mình, Dung cho biết: “Sau khi kết hôn, anh ấy nói thẳng với mình rằng tiền của ai, người ấy giữ, hàng tháng anh ấy sẽ đóng tiền ăn đầy đủ và sẽ chịu thêm tiền điện nước, điện thoại, việc chung thì chi chung. Khi mình phản đối thì anh ấy cũng không ngại ngần liệt kê ra những vụ vợ chồng lừa gạt, chiếm đoạt tài sản…”.

Hối không kịp vì yêu vội, cưới gấp    1

“Anh ấy coi nhà như chỗ ở trọ, ăn cơm với vợ giống như góp gạo thổi cơm chung, thích thì ăn - ở, không thích thì thôi" (Ảnh minh họa)

Không chỉ thế, việc Long vẫn giữ và duy trì lối sống như thời còn độc thân sau khi kết hôn cũng khiến Dung bức xúc. “Anh ấy coi nhà như chỗ ở trọ, ăn cơm với vợ giống như góp gạo thổi cơm chung, thích thì ăn - ở, không thích thì thôi. Mọi việc anh ấy không cần trao đổi hay thông báo với vợ… Việc nhà chồng thì anh ấy bắt vợ lo nhưng bên nhà vợ có việc, anh ấy biến mất tăm, liên lạc kiểu gì cũng không được…”.

Về phần Long, anh cũng cho biết rằng có những vấn đề, sự việc anh không hài lòng về vợ: "Cưới xong cô ấy muốn quản thúc chồng như một bà mẹ quản thúc con trai. Đàn ông thì chuyện gặp gỡ bạn bè, nhậu nhẹt là chuyện khó tránh khỏi. 

Vậy mà ngày nào cũng như ngày nào, tôi về đến nhà là cô ấy càu nhàu. Lúc nào nói chuyện là lại đề cập đến tiền. Đến mũi khâu áo cô ấy cũng vụng về lóng ngóng... Có quá nhiều điều về cô ấy mà đến khi lấy nhau rồi tôi mới vỡ ra là chúng tôi không thể dung hòa".

Cưới vội vớ phải chồng thích ngủ và… ở nhà đun nước

Ở cái tuổi 32, chị Thu (Đống Đa, Hà Nội) đứng trước áp lực “ép lấy chồng bằng được” của gia đình. Từ bố mẹ đến anh chị em và những người họ hàng thân thích đều cho rằng chị “không còn cơ hội để cánh đàn ông để mắt tới chứ đừng nói là được quyền kén chọn”. Chính vì quan niệm đó, mọi người trong gia đình chị dồn vào giới thiệu, mai mối và ra lệnh cho chị phải lấy chồng bằng được trong năm nay.

Cuối cùng, qua người này, người kia giới thiệu. Chị Thu cũng được một người đàn ông tên Thủy, 41 tuổi, ngỏ ý muốn tìm hiểu và kết hôn. “Đứng trước sức ép của gia đình và vốn dĩ cũng không được mặn mà về nhan sắc nên mình cũng chặc lưỡi đi gặp mặt người ta” - chị Thu bộc bạch.

Được biết sau khi gặp mặt và lui tới nhà nhau thăm hỏi vài ba lần, nhận thấy người đàn ông đó hiền lành nên chị Thu đồng ý tiến xa hơn. 

Chị cho biết: “Mình cho rằng phụ nữ ngày nay lấy được một người chồng hiền lành, trân trọng mình cũng không phải là dễ. Do đó sau khi tiếp xúc với anh ấy một thời gian mình đồng ý để cả hai tiến thêm một bước. Gọi là yêu nhau cho đúng giai đoạn chứ tình cảm của bản thân mình lúc đó chắc dừng lại ở sự quý mến. Còn anh ấy chắc cũng chỉ độc một suy nghĩ nhanh nhanh để có vợ chứ không sâu đậm gì”.

Về phía gia đình chị Thu sau khi thấy mối quan hệ giữa hai người có tiến triển thì cũng nhanh chóng thăm dò nhân thân của anh Thủy.

“Sau khi tổng hợp từ mọi nguồn điều tra từ phía chị họ, dì và bác tôi về anh ấy, mọi người cho rằng anh ấy là đối tượng hợp lý. Mọi người ‘đóng đinh’ quan điểm rằng ‘Nó là dân kinh doanh tự do. Có một cửa hàng xe đạp. Thôi thế là được rồi. Không lo vô nghề nghiệp, hút chích’ và xúm vào bảo tôi nghiên cứu nhanh trước khi anh ấy đổi ý đi tìm cô khác” - chị Thu kể lại.

Về phía bản thân, chị Thu sau một thời gian gặp gỡ đối phương, người ta lại muốn nhanh chóng cưới để ổn thỏa cuộc sống nên chị cũng tặc lưỡi: “Hết tuổi để hẹn hò lãng mạn, cũng không còn non trẻ để rề rà yêu đương, tìm hiểu. Thôi thì cùng là cảnh độc thân có tuổi cạp lại với nhau, sống với nhau nghĩa tình là được. Vậy nên đám cưới diễn ra sau gần 3 tháng chúng tôi gặp mặt lần đầu”.

Hối không kịp vì yêu vội, cưới gấp    2
Quen biết đã vội, cưới cũng quáng quàng nên mình không kịp tìm hiểu nhiều về con người anh ấy (Ảnh minh họa)

Lấy nhau chưa hết tuần trăng mật, chị Thu mới té ngửa ra rằng anh Thủy là một người đàn ông bất tài, sống ỷ lại và mỗi tháng thu nhập lẹt đẹt từ cửa hàng kinh doanh xe ế ẩm do đơn điệu về mẫu mã, chủng loại. Chị còn được biết, trước đây anh được mẹ trợ cấp thêm một khoản và nuôi ăn từ a đến z.

Chị Thu giãi bày: “Quen biết đã vội, cưới cũng quáng quàng nên mình không kịp tìm hiểu nhiều về con người anh ấy. Cứ ngỡ rằng ăn học đàng hoàng thất cơ về kinh doanh xe cho qua đợt khó khăn. Nhưng không ngờ, anh ấy đã ục ịch về ngoại hình lại lười nhác trong cuộc sống. 

Có cửa hàng kinh doanh xe đạp nhưng không chịu tư duy để làm nó khá lên mà suốt ngày chỉ ăn với ngủ. Mình có bày kế thay đổi mặt hàng kinh doanh thì anh ấy gạt đi bảo như vậy là được rồi. Mãi sau tôi mới biết, cái cửa hàng xe đó là do mẹ chồng tôi mở ra sau khi anh ấy bỏ việc cơ quan”.

Được hơn một năm về làm dâu, mẹ chồng chị Thu thấy cửa hàng xe làm ăn thất bát nên quyết định thu lại mặt bằng để cho thuê. “Thế là chồng tôi yên tâm ở nhà với khoản chu cấp 3 triệu đồng/tháng từ mẹ chồng. Ngoài việc cả ngày chỉ ăn và ngủ anh ấy làm được một việc có ích cho vợ đó là xác định giờ vợ chuẩn bị về thì đun nước tắm cho vợ” - chị Thu ngao ngán cho biết.


Hối không kịp vì yêu vội, cưới gấp    3
Chia sẻ