Cái giá phải trả khi cố đổi đời bằng lấy chồng giàu

Huyền Anh,
Chia sẻ

Ở trong căn nhà sang trọng thật đấy, lấy chồng giàu thật đấy nhưng chị sống quá nhục nhã. Chị bị đối xử còn chẳng bằng một người giúp việc.

Lấy chồng nhà giàu là mục tiêu của rất nhiều cô gái trong hành trình lựa chọn ý trung nhân cho mình. Họ có nhiều nguyên nhân để lựa chọn, song tựu chung là muốn cuộc sống sung túc hơn. Tuy nhiên nhiều trường hợp chị em khi trải qua rồi mới thấm thía không phải lúc nào sống trong sự đầy đủ, lấy chồng giàu mới thực sự sung sướng. 
 
Nhiều chị em đã phải khóc cho số phận của mình khi tự rước họa vào thân. Chị Mai (Nam Định) là một ví dụ. Có lẽ vì sinh ra và lớn lên trong một gia đình thiếu thốn vật chất, bố mẹ làm công nhân, sống tại mảnh đất nghèo nên chị Mai luôn nung nấu ý định sau này dứt khoát phải lấy chồng giàu có, gia cảnh khá giả.
 
Trời phú cho Mai nước da trắng ngần, xinh đẹp, cao ráo, ngay từ khi mới lớn, chị đã biết làm đẹp. Chị biết lợi thế của mình và luôn cố gắng thể hiện lợi thế, vẻ lả lơi đó để tìm kiếm người đàn ông trong mộng. 
 
Cái giá phải trả khi cố đổi đời bằng lấy chồng giàu 1
Giờ chị mới thấy thực sự tiếc nuối tuổi thanh xuân của mình (Ảnh minh họa).
 
Chị dứt khoát từ chối bao người đàn ông tốt, yêu chị thật lòng để một mực chạy theo Khải - một công tử con nhà giàu cùng trường đại học. Đến khi chị dính bầu, Khải mới chịu cưới chị làm vợ. Chị biết anh chỉ thích chị ở mức bình bình nhưng chị tặc lưỡi: “Cưới rồi yêu chân thành cũng kịp, chẳng lo muộn”.
 
Ngày chị lấy chồng, bản thân chị rất mừng rỡ, bạn bè bảo chị may, chuột sa chĩnh gạo. Nhưng sau vài lần gặp gia đình anh, mẹ chị đã khuyên con gái nên suy nghĩ kỹ nhưng chị chẳng nghe. Bà phân tích, nếu lấy Khải, chị sẽ phải chịu khổ vì cảnh mẹ chồng - nàng dâu là chắc chắn. Mẹ chồng chị khinh thường nhà chị ra mặt.
 
Thế nhưng Mai một mực bảo: “Tiền sẽ khiến mọi thứ đơn giản hơn, dễ thở hơn và dễ giải quyết hơn. Cũng tại bố mẹ nhìn ăn mặc đơn giản quá nên mới vậy mà”. 
 
Nhưng dù lấy vợ rồi, Khải vẫn thể hiện là một người đàn ông vô tâm, quen được chiều chuộng như "em chã". 
 
Ngày đầu về nhà anh làm dâu, chị bị choáng ngợp bởi căn biệt thự nhà chồng. Nhà hai mặt phố ngụ tại con phố đắt giá bậc nhất Thủ đô. Căn nhà to rộng, đồ đạc thiết kế hiện đại, có gu, phòng tắm rộng cả chục mét vuông, có nằm mơ chị cũng chẳng thể tưởng tượng được. 
 
Vợ chồng bằng tuổi, anh lại vô tâm, ham chơi, đi tụ tập bạn bè tối ngày. Anh chẳng thương vợ, anh có tiền nhưng chỉ ham vui bên ngoài. 
 
Sau khi lấy chồng, chị cũng không đi làm, chị tình nguyện ở nhà chăm nom nhà cửa. Cứ nghĩ làm vậy sẽ lấy lòng được mẹ chồng song càng sống. Chị càng nhận thấy lấy chồng giàu là một sai lầm
 
Chồng chị suốt ngày đi chơi, lên bar nhảy nhót, tối muộn mới về thì rượu bia nồng nặc. Chị mà ngăn cản, đả động thì nhẹ anh quát, nặng thì anh cho chị vài cái bạt tai. Còn ngày nào không đi chơi thì anh ngồi chơi điện tử hăng say quên trời đất. 
 
Nhưng đó cũng chỉ là một phần, chị mong mỏi lấy chồng giàu để mình đỡ vất vả, có tiền trong tay sẽ không phải nếm cảnh tủi nhục như trước. Thế nhưng chị bàng hoàng khi biết nhà chồng giàu mà ki bo vô cùng. Trong mắt mẹ chồng, vợ chồng chị chẳng khác nào loại ăn bám. Bà lúc nào cũng đay nghiến: “Trước có 1 thằng ăn bám, giờ được cả đôi, sắp còn là ba. Sao số tôi nó khổ thế này?”.
 
Rồi chị ngẫm hóa ra bữa cơm nhà giàu cũng chẳng khác cơm bố mẹ chị làm là mấy. Cũng có từng ấy món: rau luộc, cơm, đậu, trứng. 
 
Mẹ chồng còn đổ tội cho chị đã lừa con bà, ăn cơm trước kẻng trói con bà. Chị cũng chỉ biết im lặng không nói nên lời. Nhà chồng chị giàu có nhưng khinh người, trong mắt bà ,chị làm gì bà cũng không bằng lòng. Suốt ngày bà so sánh nhà con dâu và nhà bà. 
 
Bà tỏ ra khinh khỉnh và vui sướng khi lập nên những phép so sánh khập khiễng: “Nhà con mà ở Mỹ chắc được liệt vào nhà ổ chuột đấy”, “Nhà cũng lạ nhỉ, chỗ để xe không có đã đành, toa-let cũng... ra vườn. Mẹ mới tưởng tượng thôi mà đã thấy gớm rồi”, “Trông bố mẹ con chẳng ai nghĩ là gần 60 đâu, phải 80 ấy. Già thật!”…
 
Trong nhà có đồ đạc gì thất lạc hay bị hỏng hóc, bà lại quy là do dâu nghèo làm. “Con vặn bếp ga thế nào mà xước hết cả nút thế này? Dùng xong phải biết lau chùi đi chứ”, “Tủ lạnh này chia ngăn rõ ràng mà. Đây là ngăn rau củ quả, đây là thức ăn thừa,…”, “Con không được rán trứng mới nếu như bữa trước còn thừa phải ăn nốt đi chứ. Đúng là con nhà lính tính nhà quan mà”.
 
Nghe mẹ chồng nói mà chị ức nghẹn lời. Ngày chị gần sinh, chồng thì đi chơi suốt ngày, mẹ chồng vẫn bắt chị lau dọn mấy tầng nhà. Một hôm, bố mẹ chị lên chơi thăm con, mẹ chồng chị đon đả ra bảo: “Cháu nó đã đẻ đâu. Ông bà vội vàng thế?”. 
 
Nói chưa dứt, bà nhìn thấy lồng gà mà nhà thông gia mang đến, bà trợn tròn mắt: “Trời ơi, sao lại tha cái thứ lông lá này để ngay phòng khách nhà tôi? Mang ra, mang ra ngoài! Bẩn thế này thì ai mà hầu được, mùi kinh chết”, rồi bà còn lẩm bẩm: “Đúng là đám nhà quê ở bẩn!”. 
 
Thương con, bố mẹ chị im lặng, ngồi một lát rồi ra về luôn. Đứng dậy, ra chào bà thông gia gia, mẹ chị vô tình làm đổ cốc trà trên bàn. Mẹ chồng chị gườm gườm luôn: “Đi đứng trong nhà người khác phải cẩn thận chứ. Chém to kho mặn, đi lại ầm ầm vô ý, vô tứ hỏng hết cả đồ nhà tôi rồi”. 
 
Cả nhà chị đứng như trời trồng. Kể từ hôm đó, bố mẹ chị chẳng dám tới thăm con gái nữa. Ông bà chỉ dặn khi nào rảnh thì chị về thăm cho bố mẹ cho đỡ nhớ. 
 
Giờ chị mới thấy thực sự tiếc nuối tuổi thanh xuân của mình. Ở trong căn nhà sang trọng thật đấy, lấy chồng giàu thật đấy nhưng chị sống quá nhục nhã. Chị nghĩ mình bị đối xử còn chẳng bằng một người giúp việc...
Chia sẻ