Dưới trướng sếp đa nghi, nàng công sở bỗng bị vu cho tội... bán thông tin về công ty cũ
"Sếp hiện tại của mình không có cảm tình tốt với công ty cũ của mình, nhưng lại kêu mình về làm cùng. Bây giờ sếp nghi ngờ mình bán thông tin cho công ty cũ".
Hai công ty trong cùng một lĩnh vực chẳng ưa gì nhau suy cho cùng cũng là chuyện dễ hiểu. Thương trường cạnh tranh khốc liệt, đối thủ thường xem nhau như kẻ thù không đội trời chung cơ mà.
Ấy thế, cứ tưởng đó chỉ là chuyện của những nhà lãnh đạo, nhưng không, mới đây sự “không ưa” to tát này đã ảnh hưởng trực tiếp đến một nàng công sở vốn chỉ thuộc dạng “làm công ăn lương” bình thường. Cụ thể, cô nàng đăng đàn khóc kể với cộng đồng cư dân mạng và xin lời khuyên như sau:
“Mình chán nản quá các bạn ơi. Tư vấn giúp mình với.
Sếp hiện tại của mình không có cảm tình tốt với công ty cũ của mình, nhưng lại kêu mình về làm cùng. Nhưng bị một điều là sếp mình quá cảm tính và làm việc theo cảm xúc cá nhân. Bây giờ sếp nghi ngờ mình bán thông tin cho công ty cũ.
Thiệt tình mình không biết phải làm sao cho nhẹ cái đầu để tập trung làm việc chứ kiểu như vậy chả có tinh thần làm việc gì cả. Các bạn cho mình xin ý kiến chia sẻ nhé. Nên tiếp tục ở lại hay ra đi?”.
Vâng, tựu trung lại có thể dễ dàng thấy rằng, chỉ vì nhảy từ công ty này sang công ty khác vốn là đối thủ cạnh tranh, đã thế còn dưới trướng một vị sếp đa nghi nên cô nàng công sở nhân vật chính đã rơi vào tình cảnh chua như chanh và chát như chuối xanh.
Và có vẻ như thấu hiểu nỗi lòng này, hàng loạt dân công sở đã nhanh chóng “tràn” vào bài tâm sự để giúp đỡ cho lời khuyên. Một số người thì bảo rằng cô gái nên nhanh chóng “dứt áo ra đi” vì: “Sếp đa nghi kiểu này sống gì nổi”, “thôi có cố gắng ở lại cũng chẳng có cơ hội thăng tiến đâu”, “sếp mà chả lý trí cứ làm việc theo cảm xúc khó mà có thể cùng đi lâu dài”,...
Trong khi đó, một số khác lại cho rằng, trước khi đưa ra quyết định đi hay ở, nàng công sở nên cho mình và sếp một cơ hội để cùng ngồi xuống nói chuyện với nhau, biết đâu qua đó sẽ hóa giải được những khúc mắc, hiểu lầm không đáng có.
“Em đã trao đổi với sếp chưa? Để hiểu tại sao sếp em lại nghi ngờ, biết đâu có hiểu lầm gì mà mình giải tỏa được thì sao. Chị vẫn sẽ khuyên em tìm việc khác nếu tình hình không cải thiện, nhưng trước khi ra đi hãy cho mình và sếp một cơ hội thẳng thắn với nhau, mình vẫn nên nỗ lực giải quyết vấn đề trước khi từ bỏ vấn đề nha em. Chúc em may mắn”.
“Thật ra, hiểu lầm giữa sếp và nhân viên trong môi trường làm việc vẫn nhiều như cơm bữa, quan trọng là chúng ta có chịu ngồi xuống để cùng nhau đàm thoại giải quyết không. Chứ có hiểu lầm, ngờ vực xong quyết định nghỉ việc thì… kém quá, nói nghe dễ chứ nghỉ xong lại thất nghiệp một thời gian đi tìm việc mới khó và cực lắm em. Nói chuyện thẳng thắn một lần với sếp trước đã”.