Dân công sở đừng thốt ra lời này kẻo bị coi là kẻ vô trách nhiệm, không có tâm khi làm việc
Trách nhiệm vốn không phải là đức tính bẩm sinh mà cần một quá trình rèn luyện, trau dồi mới có được.
“Trách nhiệm” – một phẩm chất chỉ gói gọn trong vỏn vẹn 2 từ những là thứ mà dân công sở nói riêng và người đi làm nói chung phải học tập và rèn luyện cả đời để trở nên thuần thục trong công việc.
"An Nam vừa ra trường đã may mắn hơn so với bạn bè đồng trang lứa khi được nhận vào làm việc ở một công ty truyền thông lớn, có tiếng trong ngành.
Vì là công ty cỡ đại, tầm vóc quốc tế, khối lượng công việc ngập đầu nên về cơ bản mà nói, sếp không thể “cầm tay chỉ việc” cho từng cá nhân. Mọi việc đều do mỗi cá nhân tự nỗ lực phấn đấu và tìm cách để giải quyết sao cho hiệu quả nhất.
Điểm yếu cố hữu của An Nam cũng giống như đa phần người trẻ “chân ướt chân ráo” đi làm khác đó chính là sự thiếu kinh nghiệm làm việc cũng như kỹ năng mềm nên tính chủ động chưa có.
Nhanh chóng bị cuốn theo nhịp độ nhanh chóng của công việc, An Nam đầu tắt mặt tối, thường xuyên ở lại văn phòng đến gần đêm. Dù vậy, năng suất công việc vẫn không hề cao mà ngược lại rất thường xuyên mắc lỗi.
Khi sếp hỏi tới, hai từ “em tưởng” là câu cửa miệng của cô. “Em tưởng” việc này phải được làm như thế này, “Em tưởng” việc kia thì đợi đến lúc này làm cũng được, “Em tưởng” không cần phải gọi cho khách hàng, đối tác.
Cứ mỗi một lần “Em tưởng” là một lỗi sai được gây ra, nhẹ nhàng có và nghiêm trọng cũng không thiếu. Cô dường như chưa ý thức được hết mức độ của những tổn thất mà bản thân đã gây ra cho công ty từ những lần làm sai và “Em tưởng”.
Trong những tháng đầu, chẳng ai biết cô có đặt “cái tâm” vào công việc hay không nhưng dường như chưa ai cảm nhận được sự hết lòng của cô gái trẻ thông qua kết quả công việc của An Nam”.
Qua đó mới thấy, câu chuyện đặt “cái tâm” và trong công việc và nêu cao ý thức trách nhiệm của bản thân đối với công việc mà mình được giao là vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với dân công sở. Vậy ý thức trách nhiệm có phải tự nhiên mà có và nếu không có thì làm cách nào để bản thân mỗi người có thể rèn luyện cho mình đức tính tích cực này:
1. Hiểu rằng trách nhiệm phải do nỗ lực để có được, bởi chẳng ai sở hữu đặc tính này bẩm sinh. Hãy nêu cao tinh thần chủ động, đừng ngại hỏi, đừng ngại thể hiện quan điểm, đừng ngại làm rõ vấn đề trước khi bắt tay vào thực hiện công việc. Từng động thái nhỏ sẽ góp phần giúp chúng ta trau dồi nên thói quen tích cực.
2. Cho dù đang làm công việc gì và ở vị trí nào, hãy luôn tâm niệm và phải chứng minh rằng bản thân có thể giải quyết những việc nhỏ để từ đó làm tiền đề cho những công việc cũng như dự án lớn hơn.
3. Ngừng viện cớ, bởi những người vô trách nhiệm có xu hướng đổ lỗi lên những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát để rồi lấy chúng ra làm lý do cho sự sai sót cũng như thất bại của bản thân. Vì lẽ đó, khi bản thân thấy mình đang có dấu hiệu của sự viện cớ, hãy thay đổi lời lẽ cũng như suy nghĩ để thừa nhận những sai sót.
4. Thừa nhận lỗi lầm là một cách để chứng tỏ trách nhiệm của bản thân. Việc này một phần biến sai lầm thành kinh nghiệm đáng quý, phần khác đảm bảo bản thân bạn sẽ không lặp lại việc đó lần nữa.
5. Ngừng đổ lỗi cho người khác về những vấn đề của mình cũng như đóng vai nạn nhân trong mọi câu chuyện. Hãy tự nhắc nhở mình rằng, kết quả của mọi việc đều ít nhiều hoặc toàn bộ bắt nguồn từ chính cách hành xử cũng như thái độ của bản thân. Cả thế giới chẳng rảnh thời gian để suốt ngày đi theo và làm khó chúng ta.
6. Chấp nhận những gì ngoài tầm kiểm soát cũng như hiểu rằng có những điều trong cuộc sống nằm ngoài khả năng của chúng ta.
Đứng ở góc độ cá nhân của mỗi nhân viên là thế, vậy ở trong vai trò của người làm sếp, người dẫn dắt, lãnh đạo cả tập thể, làm cách nào để khuyến khích, động viên cũng như nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm trong mỗi nhân viên cấp dưới:
1. Bắt đầu với bản thân và là một ví dụ tốt. Nếu sếp có thái độ tích cực và làm việc chuyên nghiệp, nhân viên sẽ tôn trọng và nỗ lực rất nhiều.
2. Nêu rõ các kỳ vọng đối với từng nhân viên. Đừng cho rằng mọi người theo bản năng biết những gì sếp mong đợi. Hãy nêu cụ thể, giải thích cho nhân viên những thông tin một cách rõ ràng.
3. Giải thích cho nhân viên vai trò của họ trong mối quan hệ với các nhiệm vụ của tổ chức. Chỉ cho họ thấy khi thành công, kết quả đó sẽ được công nhận, khen thưởng như thế nào, hoặc các cơ hội cho sự phát triển và thăng tiến.
4. Theo dõi, hỗ trợ và cổ vũ tinh thần trong quá trình thực hiện. Tổ chức các cuộc gặp mặt thường xuyên để nắm bắt các thông tin về tiến độ, các hoạt động và các vấn đề để khuyến khích nhân viên tiếp tục hoạt động hiệu quả.
5. Đánh giá hiệu suất: Nếu nhân viên đang chăm chỉ, hãy khen ngợi, nếu nhân viên không thường xuyên đảm bảo công việc theo tiến độ, sếp tìm hiểu lý do tại sao, nếu ai đó đang “tụt lại phía sau”, hãy yêu cầu họ “động não” cách thức giúp họ lấy lại phong độ.
Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu sếp và nhân viên cùng nhau phối hợp để giúp công việc được thực hiện một cách trơn tru.