Cuối tuần, lang thang Hà Nội thưởng thức đặc sản 3 miền
Dịp cuối tuần là khoảng thời gian lý tưởng nhất để lang thang trên các con phố Hà Nội, thưởng thức những món ăn đặc sản "trọn vị" của cả ba miền và tận hưởng tiết trời thu tuyệt đẹp.
Bún thang Hà Nội
Bún thang là một trong những món ăn đặc trưng chứa đựng vô vàn nét tinh túy của ẩm thực Hà thành. Bát bún thang hấp dẫn bởi màu vàng của trứng tráng mỏng thái chỉ tơ, phớt hồng của giò lụa, màu trắng của thịt lườn và màu vàng của da gà.
Ảnh: Địa chỉ Hà Nội
Ngoài ra, bát bún thang còn được bổ sung thêm củ cải khô, nấm hương, hành hoa và rau răm thái nhỏ. Nuớc dùng phải là loại nước trong, ninh từ xương gà và tôm he, nóng, chan vừa bát. Các gia vị ăn kèm bún thang gồm giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu... và đặc biệt không thể thiếu đi được chút mắm tôm.
Có thể tìm đến ăn những quán bún thang ngon ở cửa hàng trên phố Cầu Gỗ; Hàng Hòm, quán bún trong ngõ Hạ Hồi, ở đầu nhà D2 Giảng Võ.
Bánh đa cua Hải Phòng
Hải Phòng nổi tiếng với bánh đa cua và có nhiều kiểu “điều phối” tạo nên muôn màu, muôn sắc của món ăn độc đáo này. Nào thì bánh đa riêu cua trộn chả cá, bánh đa thịt viên, bánh đa cua tôm.
Ảnh: Địa chỉ Hà Nội
Có thể tìm được một bát bánh đa cua tròn vị Hải Phòng ngay tại Hà Nội không phải là dễ, bạn có thể tới gánh hàng số Hàng Cá, bánh đa cua bà Liên phố Lê Lợi, quán Trần Khát Chân... để thưởng thức món ăn này.
Miến lươn Nghệ An
Miến lươn mềm, miến lươn giòn, miến lươn nước hay miến xào lươn là những món ngon rất gợi thèm trong những ngày gió chuyển mùa. Miến lươn chia làm 2 loại chính: miến lươn mềm và miến lươn giòn. Đa phần hàng quán ở Hà Nội hiện nay đều sử dụng thịt lươn khô, tẩm bột chiên giòn và thịt lươn mềm hấp qua.
Ảnh: Địa chỉ Hà Nội
Món miến lươn nước được kết hợp với giá đỗ và hành khô phi thơm. Nhưng dù thế nào thì vị ngọt của lươn, hòa cùng giá, rau răm thơm, ăn kèm theo quẩy ngâm trong bát nước dùng đậm đà vị xương cũng vẫn là một món ngon có sức hấp dẫn khó cưỡng.
Tại Hà Nội, có rất nhiều cửa hàng chuyên miến lươn như quán trên phố Tuệ Tĩnh, Hàn Thuyên, Thái Hà…
Bún bò Huế
Bún bò Huế có hương vị rất riêng với nước dùng làm từ xương bò hầm chín, có thêm mắm ruốc và chả lợn hay chả bò quyện nhuyễn. Thịt bò thăn hoặc bò bắp, được thái mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào bát ( gọi là thịt bò tái), hoặc luộc chín từ trước đó. Bún bò Huế được ăn kèm với rau sống gồm hoa chuối thái mỏng, rau sống các loại, giá đỗ...
Ảnh: Địa chỉ Hà Nội
Món bún từ cố đô này ngày càng phổ biến trên đất Hà Thành. Có thể điểm tên điểm tên vài quán bún bò huế chất lượng ở Thái Phiên, Hàng Hành và một quán đầu đường Phạm Ngọc Thạch.
Mỳ Quảng
Có xuất xứ từ tỉnh Quảng Nam, mỳ Quảng đã trở thành một món ăn đặc trưng của cả miền Trung Việt Nam. Sợi mì được làm bằng bột gạo xay mịn hoặc bột mì, tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì như ý.
Ảnh: Địa chỉ Hà Nội
Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt lợn nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương lợn. Ngoài ra, trong bát mì Quảng còn có thể có thêm lạc rang khô và giã giập, bánh đa, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ...
Muốn thưởng thức món mì Quảng và muốn tìm một quán ăn ngon “đúng điệu” ở Hà Nội thì bạn có thể quán Huế - Ngự Bình ở góc Láng Hạ - đường Láng, quán bánh xèo Chính Thắm trên đường Thái Hà.
Cơm tấm Sài Gòn
Cơm tấm Sài Gòn là món đặc sản của miền Nam Việt Nam, được nấu từ hạt gạo tấm. Khi ăn, cơm được bày ra đĩa cùng nhiều thức ăn kèm theo như sườn nướng, chả trứng, trứng ốp-la, bì và đồ chua như đu đủ, cà rốt, củ cải, dưa chuột dấm... Ngoài ra, ăn cơm tấm phải có nước mắm ngọt, là nước mắm pha với nước lọc và thêm đường.
Ảnh: Kênh 14
Những quán cơm tấm Sài Gòn ngon tại Hà Nội được nhiều người biết đến là 102K1 Giảng Võ, Tràng Thi, Trần Hưng Đạo, Lý Thái Tổ...