Cô giáo như mẹ hiền, cớ sao lại bạo hành trẻ?

Catharine Yến Phạm,
Chia sẻ

Tội ác ở đây không phải là đánh đập. Bạn không cần đánh đập trẻ mới tạo ra tội ác! Bắt một đứa trẻ ăn khi nó không muốn ăn. Bắt nó ngồi xuống năm lần bảy lượt, giọng thì gầm gừ chì chiết... cũng là tội ác với trẻ. Camera nào thấy được sự trừng phạt thần kinh này không?

Đâu là nguyên nhân dẫn đến cô giáo mầm non, những người được ví như mẹ hiền thứ hai, lại ra tay bạo hành trẻ như vậy?

Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của bà Catharine Yến Phạm, CEO trung tâm  giáo dục Sunshine Village,  người chuyên nghiên cứu về tâm lí lứa tuổi trẻ em từ 0-18 tuổi về vấn đề này.

Bạo hành để thõa mãn niềm đau!

Tôi nhớ có một lần làm nói chuyện với một cô giáo mầm non. Cô tâm sự trong nước mắt : Hồi nhỏ cha dạy em chữ A. Em không biết viết chữ A. Cha lấy cây đánh em. Em van xin cha đánh em bằng cây nhỏ thôi. Cha lại lấy cây to đánh đến em chảy máu mông, tét thịt. Ăn đòn hoài khiến em lớn lên trở nên sợ hãi lắm. Em sợ không ai chơi với em. Em không nói được lưu loát như người ta....

Nhiều lắm những câu chuyện đau lòng như thế. Nhiều lắm những người bên ngoài thấy bình thường nhưng bên trong ẩn chứa một tuổi thơ một nội tâm đầy sóng gió.

trươngvip5
"Khi trẻ được yêu thương chúng sẽ hợp tác vô điều kiện bằng tất cả tình yêu thương"

Nhiều cô giáo đánh trẻ phạt trẻ. Thậm chí bạo hành trẻ thê thảm nhưng những vụ bạo hành gây phẫn nộ dư luận thời gian qua. Tôi nghĩ cuộc đời cô cũng đã từng gặp đau khổ nhiều. Đau khổ đến mức cô làm vì vô thức và làm để thỏa mãn niềm đau!

Nếu từ nhỏ bạn bị bạo hành. Bạn nghĩ mình vượt qua? Không. Nếu bạn không nhận ra nó, quyết tâm từ bỏ nó Bạn sẽ là chính nó.

Chúng ta hành động trong vô thức. Khi còn nhỏ ta bị đánh đập, chửi rủa, trách mắng, phạt hay thường xuyên bị trù dập, chà đạp bằng chính người thân, người thầy của mình . (Những người mang nhiệm vụ làm mẫu cho ta về thế giới này) lúc đó, ta chỉ có 1 con đường: Đưa tất cả những hình ảnh kinh nghiệm đó vào tiềm thức và chờ đợi một ngày bùng lên.

Cô giáo hôm nay đánh trẻ có thể là do ngày nhỏ bị bạo hành. Mẹ chồng hôm nay bắt nạt nàng dâu cũng đã từng là một nàng dâu.

Nếu chúng ta sống một cách vô tri. Chúng ta sẽ lặp lại các hành vi đó một cách vô thức.

Nếu yêu trẻ, trẻ sẽ hợp tác vô điều kiện

Ta bị dạy và dạy con trong sự sợ hãi chứ không bằng tình yêu. Ta khiến trẻ đau đớn, mất tự do và bị ràng buộc từ tấm bé nhân danh thứ mà ta gọi là tình yêu.

Ta dạy trẻ chào hỏi là cách để thể hiện bản thân và... sợ người khác cười hơn là thực sự muốn đưa trẻ được tự nhiên chào hỏi vì chúng cảm thấy thoải mái thể hiện bản thân, vì chúng yêu và được yêu. Ta dạy trẻ "nghe lời" vì sợ chúng "không nghe lời" chứ đâu thèm đếm xỉa tới việc tin con hay cho con tự do để con hợp tác một cách bình yên vui vẻ và thể hiện sự yêu thương.

Ta nuôi con bằng sự sợ hãi . Ta dạy trẻ bằng sự sợ hãi.

Yến Phạm: Vì sao cô giáo mầm non bạo hành trẻ?
Yến Phạm cho rằng ta đang "dạy trẻ bằng sự sợ hãi". Trong ảnh chị Yến Phạm nói chuyện tại một buổi hội thảo giáo dục trẻ với phụ huynh.

Tôi từng làm cố vấn cho giáo viên một trường mầm non. Dạy các cô cách yêu trẻ, chăm sóc và tôn trọng trẻ. Nhưng chính người tôi tin tưởng nhất đang làm quản lý thay đổi hết các giá trị mà tôi cố gắng xây dựng, đem cho các cô giáo cách dạy trẻ mà tôi cho là tội ác nhất. Và tôi biết người ấy làm vì thói quen. Vì cô không tin và không dám tin rằng khi trẻ được yêu thương trẻ sẽ hợp tác bằng tình yêu.

Tội ác ở đây không phải là đánh đập. Bạn không cần đánh đập mới tạo ra tội ác! Bắt một đứa trẻ ăn khi nó không muốn ăn đã là một tội ác rồi. Bắt nó bằng cách bảo nó ngồi xuống năm lần bảy lượt, giọng thì gầm gừ với nó… Camera nào thấy được sự trừng phạt thần kinh này không?

Phụ huynh thì thậm chí có thể để cho người ta kẹp tay kẹp chân con để đút một thìa cháo. Còn yêu cầu cô giáo phải làm vậy. Nhà trường thì làm ngơ vì sợ mất khách!

Có ai nghĩ đến đứa trẻ không? Đứa trẻ không phải là cục đất sét bạn muốn bóp méo vo tròn thế nào cũng được. Đứa trẻ không phải là người chưa lớn.

Chúng ta chính là nạn nhân. Bởi vì chúng ta được dạy sống để thực hành ý muốn của người khác? Sống để vui lòng một ai đó đến nỗi cuối cùng không biết mình là ai nữa? Ta hạnh phúc không? Tại sao lại bắt trẻ giống như mình? Từ nhỏ đã áp đặt con theo ý mình? Cho khỏe thân mình? Cho dễ quản lý? Cho người ta nhìn vào khen? Trẻ là ai? Trẻ muốn gì? Tại sao trẻ lại phản kháng dữ dội như vây ? Tại sao trẻ chống đối? Chúng ta thắng rồi đó . Bắt trẻ tắm, ăn , học như y mình rồi đó? Hả hê lắm sao? Con muốn gì có ai quan tâm không? Cơ chế cân bằng của con có ai hiểu không? Có ai tin con không ?

Trẻ biết lúc nào nó ăn đủ. Trẻ biết tự học cách khám phá . Trẻ biết tự học cách đối diện với nguy hiểm. Trẻ biết học yêu. Trẻ biết sáng tạo. Ai tin con? Ai cho con được sự quan tâm đích thực mà không có áp đặt mong muốn của mình? Chỉ cần quan sát và tôn trọng con. Ai làm được? Cả giáo viên lẫn phụ huynh, phải chăng chúng ta đang sai lầm?

Nhà trường sợ không quản lý nổi tại sao không nhận ít trẻ thôi?  Một tháng chỉ nhận vài em? Yêu từng em. Nâng niu từng em. Đứa trẻ đã không đủ sự tự do trong gia đình do cách sống áp đặt của cha mẹ và sự vô thức trong cách dạy con của cha mẹ? Nhà trường phải giáo dục được các cô hiểu rằng: khi đến trường việc trước hết con phải được hiểu, được tôn trọng. Con được khóc khi nhớ nhà. Được ra sân khi con muốn. Cô ở bên con mọi lúc. Nhưng chỉ để quan sát con và bảo vệ con khi con luôn được tự do là chính mình. Khi muốn đi dạo con được cô dẫn đi dạo. Được làm điều con thích và được là chính con hơn là khi con ở nhà. Để đến khi con đã quen đã yêu đã được hiểu, con sẽ yên tâm và sống hạnh phúc cũng như sẽ hợp tác với cô trong quy tắc nhưng bằng một sự kính yêu vô điều kiện.

Cho đến bao giờ số lượng học sinh chỉ còn 1 cô 4 bé cho lứa tuổi 0-3, 1 cô 5 bé cho 3-4 và 1 cô 7 bé cho 5 tuổi? Cho đến bao giờ các cô yêu trẻ đủ để thực tập hạnh phúc chánh niệm cho chính mình để đến hạnh phúc đích thực cho trẻ? Đến khi nào người quản lí trường mầm non hiểu rằng: Quyền lực thực sự không phải sự áp bức, bắt buộc mà đến từ trái tim. Khi cô giáo tin và yêu trẻ bằng cả trái tim thì trẻ sẽ hợp tác một cách vô điều kiện bằng tất cả tình yêu của chúng. Nạn bạo hành trong trường mần non mới có khả năng được xóa bỏ.

Chia sẻ