Chuyện về người phụ nữ Hà thành sau lưng nhà văn Tô Hoài: Đám cưới duy nhất một mâm cơm, đêm tân hôn đặc biệt và lời đáp trả khi chồng bị đồn có con riêng
"Lúc đó ông ấy còn đi công tác với ông Tố Hữu. Lúc về đến bến Phú Thọ, ông chỉ kịp lên bờ, vào hỏi tôi con trai hay con gái rồi lại phải đi tiếp luôn", vợ nhà văn Tô Hoài kể lại.
Những nhà văn nhà thơ thường lãng mạn, và có lẽ vì sự lãng mạn ấy mà những chuyện tình yêu, hôn nhân của họ nhiều lúc cũng nhuốm màu văn chương.
Nhà văn Tô Hoài ngoài việc được hâm mộ vì gia tài văn chương đồ sộ thì mối tình sắt son, bền chặt của ông và vợ là bà Nguyễn Thị Cúc cũng luôn nhận về sự chú ý.
Đám cưới chỉ một mâm cơm và 4 vị khách
Bà Nguyễn Thị Cúc là con út trong một gia đình tiểu thương tại Hà Nội. Bà học dược và trở thành một dược sĩ nức tiếng xinh đẹp thời ấy.
Xung quanh bà Cúc, có rất nhiều thanh niên ngấp nghé, muốn làm quen. Thậm chí bà còn kể rằng mình bước xuống tàu điện là bao nhiêu người theo chân. Bà phải đi vội vàng về nhà rồi đóng sập cửa lại.
Tuy vậy từ đầu đến cuối, bà chỉ ưng mắt chàng nhà văn nghèo Nguyễn Sen (tên thật của nhà văn Tô Hoài).
Nhưng năm đó, nhà văn Tô Hoài đang tham gia nhóm làm đề cương văn hóa cứu quốc và được một số gia đình tư sản ở Hà Nội giúp đỡ mặt tài chính.
Tình cờ thay, ông lại ở cùng nhóm hoạt động trong hội cứu tế với anh trai bà Cúc. Thời đó, gia đình bà Cúc ở phố Huế cũng thường giúp đỡ nhóm văn hóa cứu quốc. Dần dần qua lại với nhau, nhà văn Tô Hoài dần dần cảm mến bà Cúc.
Vợ chồng nhà văn Tô Hoài.
Được biết, cảm mến như vậy song nhà văn Tô Hoài không dám thổ lộ vì gia cảnh quá nghèo, không môn đăng hộ đối. Về phần bà Cúc, dù quý tài năng của đối phương nhưng vào thời đó, con gái trong gia đình gia thế, nặng lễ giáo phong kiến nên cũng không dám ngỏ lời.
Cũng may, nhà văn Nam Cao biết chuyện bà Cúc và nhà văn Tô Hoài có ý bèn tìm cách tạo cơ hội và vun vén giúp. Nhà văn Nam Cao là thầy giáo dạy học cho các cháu bé nhà bà Cúc nên ông thường giả vờ nghỉ dạy để Tô Hoài dạy thay. Đây cũng là cái cớ để hai người có cơ hội gặp mặt. Và rồi tình yêu cũng dần nhen nhóm từ đó.
Hồi ấy, bà cũng xác định yêu văn nghệ sĩ phải chịu khổ nhưng thích lãng mạn nên quyết tâm kết hôn với nhà văn Tô Hoài - một thanh niên nghèo đích thực.
Những năm đó, nhà văn Tô Hoài nghèo đến xót xa khi chỉ có một bộ quần áo cùng đôi dép cao su trắng. Nhưng khổ như vậy ông vẫn viết được tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký ở tuổi đôi mươi. Cũng vì lí do này, bà Cúc vừa yêu lại vừa trọng và quyết tâm cưới bất chấp cảnh nghèo.
Đám cưới diễn ra đã gần 80 năm trước chỉ có đúng một mâm cơm do anh trai bà Cúc đứng ra tổ chức. Khách mời là vợ chồng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và vợ chồng nhà thơ Tố Hữu và tổ chức tại rừng Đại Phàm, Thái Nguyên.
Đêm tân hôn năm đó, cỗ bàn xong xuôi, cô dâu lên giường ngủ với mẹ chồng vì hoàn cảnh lúc đó đang đi sơ tán, lệ làng không cho vợ chồng ngủ với nhau.
Sự mạnh mẽ của người phụ nữ
Sau khi chính thức thành vợ chồng, nhà văn Tô Hoài lên chiến khu Việt Bắc, bà Cúc ở lại Phú Thọ làm công tác phụ nữ và dạy học.
Năm 1948, khi nhà văn Tô Hoài quay về thăm vợ, họ đã có với nhau cô con gái đầu tiên tên Đan Hà.
"Thậm chí lúc tôi sinh ông ấy cũng không có mặt ở bên. Lúc đó ông ấy còn đi công tác với ông Tố Hữu. Lúc về đến bến Phú Thọ, ông chỉ kịp lên bờ, vào hỏi tôi con trai hay con gái rồi lại phải đi tiếp luôn. Mấy đứa sau cũng thế, một mình tôi gánh vác và chăm nom đằng đẵng bao năm trời ở nơi tản cư kháng chiến", bà Cúc chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với báo Công An Nhân Dân.
Một tay cô tiểu thư năm nào cáng đáng toàn bộ chuyện nhà. Bà chăm sóc đàn con, không nề hà bất cứ công việc gì. Ngày đi làm, đêm về bà cuốc nương trồng sắn. Sau này trở về Hà Nội, bà vừa đi học y học dân tộc vừa làm nhiều công việc để nuôi con.
Những ngày đó, bà còn nhận may quần áo bộ đội. Nhiều hôm phải đến 2 giờ sáng mới ăn tối.
10 năm lấy nhau thì 9 năm chồng biền biệt nhưng bà chưa bao giờ trách cứ. Trái lại, bà tin tưởng chồng tuyệt đối với ý niệm là vợ chồng thì phải tin nhau.
"Có người mách tôi ông có con với người khác, tôi còn nói thế thì tốt, tôi càng đỡ phải đẻ", bà chia sẻ với báo Tiền Phong.
Sự vị tha tuyệt vời của người phụ nữ cao cả
Sau này hòa bình lập lại, nhà văn Tô Hoài vẫn bận rộn với công việc, đi công tác xa, bà Cúc lại vẫn ở nhà tiếp tục vò võ nuôi con.
Đến sau này khi nhà văn Tô Hoài về hưu, hai vợ chồng mới có nhiều thời gian bên nhau. Bà Cúc lại tiếp tục hành trình chăm sóc chồng từng chút một và rất chu đáo.
Con út của nhà văn Tô Hoài là anh Phương Vũ từng kể chuyện về mối tình sâu đậm của bố mình với một cô gái ở Dầu Tiếng vào những năm tuổi đôi mươi của ông. Bà Cúc biết chuyện của chồng nhưng chưa bao giờ ghen tuông mà luôn coi đó như một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời chồng mình.
Được biết, năm 1941, sau khi viết xong Dế mèn phiêu lưu ký, nhà văn Tô Hoài nhận nhuận bút 30 đồng và vào Nam. Tại đây, ông gặp cô Nguyễn Kim Phượng và trúng tiếng sét ái tình. Họ yêu nhau say đắm nhưng ngày nhà văn ra Bắc vì chiến tranh loạn lạc mà họ đã không thể gặp mặt suốt 40 năm. Những năm đầu khi xa nhau, họ vẫn còn liên lạc qua thư từ nhưng dần dần, chiến tranh đã khiến hai người bặt tin nhau.
Đến năm 1975, bà Phượng theo gia đình sang Pháp và kết hôn với một người Pháp. 5 năm sau, nhà văn Tô Hoài nhận được một lá thư gửi từ Pháp của bà Phượng sau nhiều năm thất lạc.
Nối lại liên lạc ông và bà Phượng lại gửi thư cho nhau. Sau này khi bà Phượng về Việt Nam, họ cũng có cơ hội gặp lại và chính cậu con trai Phương Vũ đã là "đồng minh" giúp bố sắp xếp.
Mãi sau này khi biết chuyện, bà Cúc cũng không hề ghen tuông mà coi như đó là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời nhà văn của chồng mình.
Tổng hợp