Cuộc hôn nhân 63 năm "khó tin" của nhà văn nổi tiếng Trung Quốc: "Chỉ khi gặp được cô ấy, tôi mới nghĩ đến chuyện kết hôn"
Trong cuộc đời, có những cuộc gặp gỡ cứ như định mệnh sắp đặt. Hai người gặp nhau, nảy sinh tình yêu và cùng về chung một nhà, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Người ta cứ bảo nhà văn, nhà thơ thường đa tình. Điều đó ít nhất là sai với Tiền Chung Thư - nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Từ đầu đến cuối cuộc đời, ông chỉ có một tình yêu duy nhất với người vợ xinh đẹp: Dương Quý Khương. Thậm chí, chỉ đến khi gặp bà ông mới có suy nghĩ đến việc lập gia đình.
Tình đến ngay từ cái nhìn đầu tiên
Tiền Chung Thư sinh năm 1910 trong một gia đình làm ngành giáo dục ở Vô Tích, Giang Tô. Năm 19 tuổi, ông đỗ vào Đại học Thanh Hoa với điểm số xuất sắc ở môn tiếng Trung và ngoại ngữ. Hồi đó, ông là nam sinh nổi tiếng nhất nhì tại trường.
Dương Quý Khương cũng xuất thân trong gia đình khá giả ở Vô Tích. Lớn lên, bà muốn được học khoa ngoại ngữ của Đại học Thanh Hoa. Tuy vậy năm đó Thanh Hoa không có cơ sở ở phía Nam, bởi thế, tiểu thư nhà họ Dương đã chọn Đại học Tô Châu.
Hai trường học cách xa nhau hơn một nghìn cây số, hai con người chẳng có liên hệ nào lại vô tình gặp được nhau do một lần gặp gỡ. Năm cuối đại học, Dương Quý Khương đến Thanh Hoa gặp bạn. Bà vô tình chạm mặt thiên tài Tiền Chung Thư.
Khi ấy, họ Tiền đang mặc một chiếc áo choàng màu xanh lá cây, đi giày len và đeo một cặp kính kiểu cũ. Ông có đôi mắt sáng, nói chuyện dí dỏm, hài hước. Nhìn qua thôi cô gái nào cũng cảm thấy yêu mến rồi. Tiền Chung Thư quen biết với người bạn của Dương Quý Khương. Quanh quẩn thế nào, Chung Thư và Quý Khương sau đó có cơ hội đi ăn cùng nhau vì biết cả hai đều là đồng hương Vô Tích, Giang Tô.
Ngay ở buổi nói chuyện đầu tiên, Chung Thư háo hức tiết lộ với cô gái mới quen: "Người ta cứ nói tôi đã đính hôn với một người nước ngoài rồi ấy, điều đó sai bét, đừng có nghe thấy rồi tin đấy nhé".
Dương tiểu thư nghe vậy cũng nhanh chóng nói luôn: "Người ta cũng đồn tôi có nhiều chàng trai theo đuổi. Thậm chí còn bảo Phí Hiếu Thông là bạn trai tôi, có đúng đâu cơ chứ".
Từ cuộc hẹn hò, cả hai đã có ấn tượng sâu sắc với nhau. Dương Quý Khương cảm thấy lông mày của Tiền Chung Thư rất đẹp và ánh lên vẻ ngang bướng. Họ Tiền lại bị thu hút bởi đôi mắt, ánh sáng phát ra từ đôi mắt đó của Quý Khương. Cảm nhận đầu tiên về đối phương đó, họ đã chia sẻ trong những tác phẩm sau này.
Tiền Chung Thư khuyến khích Dương Quý Khương đăng ký học sau đại học ở Thanh Hoa. Ông sẽ giúp đỡ bà vượt qua kỳ thi.
Năm 1933, nhờ một năm rèn luyện và được người yêu kèm cặp, Dương Quý Khương cũng đã vượt qua kỳ thi, chính thức đến Thanh Hoa học tập. Mối quan hệ của cả hai thêm phần khăng khít.
Tiền Chung Thư ngày ngày đều gọi bạn gái đi học bài, làm bài tập. Trước đó, trong mắt họ Tiền, những người trên thế giới chẳng ai thông minh bằng ông. Ấy vậy mà với Dương Quý Khương, ông lại kiên nhẫn, tỉ mỉ cùng bà đọc sách, học tập.
Chuyện tình của họ khiến gia đình hai bên đều rất ủng hộ. Nhà họ Tiền còn thấy phấn khởi vì Dương Quý Khương lịch thiệp, khéo léo, thông minh thế này sẽ giúp đỡ rất nhiều cho cậu con trai chẳng biết gì của nhà mình. Chưa kể, hai gia tộc còn quen biết từ trước bởi hai bố đều là những người nổi tiếng ở Vô Tích. Hồi Dương Quý Khương 8 tuổi, bà đã đến nhà Tiền Chung Thư chơi cùng bố mẹ và gặp người đàn ông sẽ thành chồng mình sau này.
Tháng 7/1935, cả hai tổ chức đám cưới. Sau này, Dương Quý Khương đã miêu tả về ngày hôm đó theo cách hài hước.
"Chú rể mặc vest đen, cổ áo trắng ướt đẫm mồ hôi. Bởi ngày cưới là ngày nóng nhất trong năm. Trong những tấm ảnh cưới, những người đến dự, phù dâu hay các em bé rải hoa, những thành niên nữa tất cả đều giống như đội móc túi bị cảnh sát bắt vậy vì tơi tả, mướt mồ hôi".
Người đồng hành không thể tách rời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay
Sau đám cưới, hai vợ chồng họ sang Anh. Tiền Chung Thư học ở Oxford.
Thời kỳ ấy, đàn ông chẳng bao giờ nhúng tay vào việc bếp núc. Chung Thư thương vợ nên một lần vợ vẫn đang ngủ, ông thức dậy vụng về thực hiện bữa sáng rồi phục vụ tận giường cho bà. Tỉnh dậy, Dương Quý Khương hạnh phúc ngập tràn, nhìn chồng âu yếm: "Đây là bữa sáng thơm ngon nhất em từng được ăn".
Đó chính là một trong những bí kíp cho hạnh phúc hôn nhân của họ. Luôn vì nhau và sẵn sàng khen ngợi, thúc đẩy đối phương trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Hai vợ chồng đồng hành cùng nhau trong những tháng năm học tập ở phương Tây. Nhiều người cho rằng, chính sự thông minh của Dương Quý Khương mới giúp quan hệ của họ ổn định. Bởi nếu bà mà có đầu óc kém nhanh nhạy thì cũng không bắt kịp được suy nghĩ của chồng.
Trong một lần đọc sách, Dương Quý Khương đọc được nhà văn Anh nói về cuộc hôn nhân: "Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc kết hôn trước khi gặp cô ấy. Tôi cưới người phụ nữ ấy 10 năm và chưa bao giờ hối hận. Tôi chưa bao giờ muốn cưới một ai khác". Ngay lúc đó, Tiền Chung Thư quay sang khẳng định: "Anh cũng vậy, với em". Sau đó, ông nói thêm rằng, chỉ đến khi gặp bà, ông mới biết thế nào là cảm giác của tình yêu và lần đầu tiên nghĩ đến chuyện lấy vợ, có con.
Năm 1937, họ hạnh phúc đón con gái đầu lòng ra đời. Khi vợ nằm trong bệnh viện, hằng ngày Chung Thư đều vào thăm. Lúc nào khuôn mặt ông cũng buồn bã: "Anh làm hỏng trục cửa rồi", "Anh làm dơ khăn trải bàn của chủ nhà vì lật lọ mực lên"...
Dương phu nhân luôn mỉm cười đáp lại: "Không thành vấn đề, em chữa được".
Năm 1938, gia đình nhỏ quay về Trung Quốc và bắt đầu quãng thời gian vất vả vì chiến tranh. Dù vậy, hai vợ chồng đi đâu cũng sát cánh. Dương Quý Khương dù được khuyên bảo là nên xuống khu vực khác lánh nạn nhưng bà kiên quyết được ở bên chồng, không xa rời. Họ cùng nhau đồng hành qua bao nhiêu khó khăn, vất vả.
Năm 1947, ông xuất bản tác phẩm được chú ý nhất của mình là Fortress Besieged (Thành phố vây bủa).
Cuốn sách được viết liên tục trong 2 năm. Khi phát biểu về nó, Chung Thư tâm sự: "Cuốn sách này dành riêng cho vợ tôi". Đó như một lời khẳng định bà đã giúp mình nhiều đến thế nào cho tác phẩm ra đời.
Ông cũng ca ngợi vợ, dùng 3 từ để miêu tả về bà: "Vợ, người yêu, người bạn" khi được hỏi đến.
Từ năm 1994, cơ thể của Tiền Chung Thư "xuống cấp" nghiêm trọng. Ông phát hiện bị ung thư bàng quang, bị hoại tử thận phải.
Trong gần hai tháng chồng nằm viện, Dương Qúy Khương đã đặt giường trong phòng bệnh, phục vụ cho chồng cả ngày lẫn đêm. Những người bạn và nhân viên y tế đều khuyên bà về nhà nghỉ ngơi. Bà chỉ nói một cách quyết tâm: "Anh ấy ở đâu, nhà tôi ở đó".
Chính Chung Thư cũng đau khổ và thuyết phục vợ đi về nhưng cũng không được. Bà không muốn đêm hôm chồng đau không ngủ được lại chẳng có mình ở bên. Hai vợ chồng thường rủ rỉ nói chuyện đêm khuya lúc ông mất ngủ.
Mỗi khi chồng chẳng thể ăn, bà lại nấu súp mang đến cho chồng. Tai họa đến liên tiếp, con gái của họ cũng qua đời vì ung thư phổi vào năm 1997. Thật là người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh! Dù đau đớn, Dương Quý Khương vẫn nghĩ cho chồng đang nằm trên giường bệnh mà cố gắng.
Năm 1998, Tiền Chung Thư trút hơi thở cuối cùng. Khi qua đời, Dương Quý Khương vẫn ở bên chồng, nắm tay và không ngừng kể cho ông những câu chuyện về quê nhà Vô Tích. Chồng đi, bà hôn lên trán và áp trán vào má ông một lúc lâu.
Bà đứng ra tổ chức đám tang đơn giản theo nguyện vọng của chồng. Khi thi hài chồng sắp được đẩy vào nhà hỏa táng, một người bạn khuyên bà rời đi. Bà trả lời: "Để tôi ở lại cạnh anh ấy thêm 2 phút nữa".
Chồng mất, bà vẫn tiếp tục ngày đêm ghi chép lại những bản thảo bị thất lạc của chồng. Năm 2016, bà qua đời ở Bắc Kinh, thọ 105 tuổi.
Đúng là một câu chuyện tình đầu và cũng là tình cuối thật sự ngọt ngào. Họ đã cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn, vất vả, chẳng khi nào xa rời. Cuối cùng, câu chuyện tình đầu đó cũng đã theo họ đến suốt cuộc đời khiến bao người ngưỡng mộ.
Nguồn: Sina, Sohu, KKnews