Bị đồng nghiệp có gia đình quấy rồi còn nói "anh chưa vợ là tán em rồi", nàng công sở được hiến kế đối phó "cực độc"
Vì một môi trường công sở văn minh và trong sạch, đừng dung dưỡng cũng như câu nệ với những sự kém duyên, thiếu lễ độ.
Phàm là dân công sở, đều đặn mỗi ngày phải tiếp xúc với vô vàn kiểu người từ khách hàng đến đối tác, nhưng phần nhiều vẫn là đối mặt với đồng nghiệp. Vì lẽ đó, mối quan hệ đồng nghiệp với nhau thường được dân công sở chú trọng, dựng xây.
Chẳng ai muốn đi làm mà lại mất hoà khí và gây mâu thuẫn với đồng nghiệp cả. Bởi hơn cả phạm trù công việc, đó là mối quan hệ cộng sinh đời sống. Cho nên, nhiều khi rất bất mãn và tức tối, nhiều người chọn cách ngậm bồ hòn làm ngọt, chín bỏ làm mười để cư xử.
Tuy nhiên, có không ít trường hợp, nếu người trong cuộc không chủ động lên tiếng thì chính họ là người phải nhận phần thiệt hại. Và có những thiệt hại không thể đong đếm bằng vật chất mà nó để lại những tổn thương tinh thần rất lớn, ảnh hưởng đến công việc lẫn đời sống riêng tư.
Cụ thể, mới đây, trong một hội nhóm quy tụ đông đảo người dùng mạng là dân công sở, một cô nàng đã có dịp chia sẻ câu chuyện bị đồng nghiệp nam quấy rối. Cụ thể, cô bộc bạch:
“Các anh chị đã đi làm lâu năm cho em hỏi một vấn đề. Chuyện là đồng nghiệp nam hơn tuổi, đã có gia đình, ở chốn công sở mà cứ thốt ra mấy câu kiểu như "Anh mà chưa có vợ là anh tán em rồi" hay "Anh mà gặp em sớm vài năm là không để em thoát đâu" là bình thường hay là một dạng quấy rối ạ?
Nhiều lúc em cũng suy nghĩ, do mình tính thẳng, công tư rõ ràng nên không chấp nhận được những người như vậy và hạn chế giao tiếp, tiếp xúc hay là do mình nhạy cảm và suy nghĩ nhiều quá dẫn đến không hòa đồng nữa. Mọi người cho em xin ý kiến ạ”.
Đồng cảm với tâm sự của nàng công sở cũng như không thể dung thứ và làm ngơ trước hành động kém duyên và thật ra là quấy rối của người đồng nghiệp nam, rất nhiều ý kiến đóng góp cũng như tư vấn đường hướng xử lý đã được để lại bên dưới phần bình luận:
“Đúng rồi gái ơi, trường hợp này có thể xem là quấy rối nơi công sở đó. Chẳng việc gì phải nhịn hay tiếp tục bông đùa với thể loại này cả. Nếu nói một hai lần mà không chỉnh thì em cứ để điện thoại ở chế độ ghi âm. Có bằng chứng thì gửi cho vợ anh ấy nghe để xem chị ấy thấy thế nào”.
“Những câu này là đùa hay thật thì cũng vừa thiếu muối lẫn sự duyên dáng. Đã có vợ rồi còn nói được mấy câu như vậy thì tốt nhất là cạch mặt luôn bạn ơi”.
“Có thể do tính cách họ đùa quá trớn, em có thể nhẹ nhàng đùa lại kiểu như "Hên anh lấy vợ rồi đó, chứ nếu chưa lấy chắc cả đời anh không lấy được đâu" hoặc đại loại "Anh nói vậy không sợ về vợ nhéo miệng à?". Nhưng họ vẫn đùa kiểu đó nhiều lần với bạn, thì bạn nên nói thẳng là không thích kiểu đùa giỡn đó”.
Đồng nghiệp hài hước thì có rất nhiều kiểu, trong đó có những kiểu hài hước đến mức vô duyện, động chạm hoặc thậm chí quấy rối người khác. Bên cạnh đó, văn phòng là nơi để làm việc, không phải chỗ để ai muốn bông đùa kiểu nào cũng được.
Vì vậy, đừng ngại nói thẳng với đồng nghiệp nếu như bản thân bị mang ra làm trò đùa. Nếu trò đùa không có dấu hiệu chấm dứt, chị em công sở đừng ngại làm việc với nhân sự hoặc sếp để có biện pháp cứng rắn hơn. Vì một môi trường công sở văn minh và trong sạch, đừng dung dưỡng cũng như câu nệ với những sự kém duyên, thiếu lễ độ.