30 phút sau sinh, sản phụ khó thở dữ dội, ho sặc sụa, da toàn thân tím tái, nguyên nhân là do một biến chứng thai kì ai mang thai cũng sợ

TT,
Chia sẻ

Sau khi "vượt cạn" thành công đón bé trai 3kg khỏe mạnh, 30 phút sau sản phụ đột ngột xuất hiện phù phổi cấp khó thở dữ dội, tím tái toàn thân biến chứng hiếm gặp.

Một cấp cứu sản phụ bị biến chứng sản khoa tiền sản giật hiếm gặp

Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vừa cấp cứu thành công cứu sống sản phụ Bùi Thị Thu (23 tuổi, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang) bị phù phổi cấp do tiền sản giật sau đẻ.

Sản phụ Bùi Thị Thu vào viện khi mang thai ở tuần thứ 38 nhưng có dấu hiệu chuyển dạ sớm. Với dấu hiệu phù toàn thân và tăng huyết áp, sản phụ Thu được chẩn đoán mắc bệnh lý tiền sản giật nặng. Khi ấy cổ tử cung của sản phụ đã mở được 03cm và sau 03 tiếng được đội ngũ y bác sỹ theo dõi sát sao trong quá trình chuyển dạ, bé trai nặng 03kg khỏe mạnh chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình.

30 phút sau sinh, sản phụ khó thở dữ dội, ho sặc sụa, da toàn thân tím tái, nguyên nhân là do một biến chứng thai kì mẹ nào cũng sợ - Ảnh 1.

Sản phụ Thu bị phù phổi cấp sau đẻ và đã được các bác sĩ xử lý kịp thời.

Tuy nhiên khoảng 30 phút sau khi "vượt cạn" thành công, sản phụ Thu xuất hiện tình trạng khó thở dữ dội, ho sặc sụa, da toàn thân tím tái, các dấu hiệu sinh tồn của sản phụ Thu như nhiệt độ, mạch, huyết áp, nhịp thở bất ngờ thay đổi theo chiều hướng xấu. 

Các bác sĩ bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang hội chẩn thống nhất chẩn đoán sản phụ Thu bị phù phổi cấp sau đẻ, về nguyên nhân có thể là biến chứng của tiền sản giật nặng hoặc bệnh lý tim mạch. Đây là một cấp cứu sản khoa hiếm gặp và có thể khiến sản phụ tử vong nhanh chóng chỉ sau vài phút nếu không được điều trị kịp thời đúng phương pháp.

Để cấp cứu sản phụ các bác sỹ bệnh viện đặt sản phụ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, hai chân buông thõng nhằm hạn chế lượng máu từ nửa dưới cơ thể trở về tim, cho sản phụ thở oxy qua nước pha cồn với lưu lượng 10 lít/phút, truyền thuốc hạ áp theo đường tĩnh mạch, truyền 01 g paracetamol để hạ sốt, sản phụ cũng được tiêm 03 ống thuốc lợi tiểu đường tĩnh mạch đồng thời bác sỹ tiêm 10mg morphin vào bắp giúp an thần giảm nhu cầu oxy của não. Kết quả sau 30 phút huy động nhân lực vật lực khẩn trương cấp cứu thì tình hình sản phụ đã được cải thiện, qua cơn nguy kịch sản phụ tiếp tục được theo dõi điều chỉnh về huyết áp và các rối loạn khác tại Phòng Đẻ.

Sản phụ Bùi Thị Thu chia sẻ: "Nghĩ lại lúc sức khỏe chuyển biến xấu sau khi vừa sinh bé xong, em thật sự thấy sợ lắm. Lần vượt cạn này em không ngờ lại nguy hiểm như vậy, mà do em cũng chủ quan nữa không nghĩ hiện tượng phù nề toàn thân của mình và cao huyết áp là triệu chứng của tiền sản giật, rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi".

Sản phụ có dấu hiệu tăng huyết áp, phù tay chân nên khám định kỳ

Bác sỹ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết: "Phù phổi cấp là một cấp cứu trong sản khoa có thể xuất hiện trong thai kỳ, trong chuyển dạ hoặc sau khi sinh và thường xảy ra ở những sản phụ mắc bệnh tim (các bệnh lý van tim như hẹp van 02 lá; hẹp, hở van động mạch chủ; viêm cơ tim cấp.. ), bệnh cao huyết áp, tiền sản giật/sản giật hoặc các bệnh nhiễm trùng trong lúc mang thai.

Phù phổi cấp ngày nay rất hiếm gặp, phù phổi cấp là một biến chứng gây suy hô hấp cấp và tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời đúng phương pháp và nếu không có đủ phương tiện hỗ trợ cấp cứu".

Theo Bác sỹ CKII Lê Công Tước tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang trong vòng 10 năm nay mới gặp 02 ca phù phổi cấp, đây là trường hợp đầu tiên sau khi sinh bị phù phổi cấp được cấp cứu thành công, và trước đây cũng từng có một sản phụ sau mổ lấy thai bị phù phổi cấp cũng đã được đội ngũ y bác sỹ của Bệnh viện cứu sống. 

Khi sản phụ Thu xuất hiện những dấu hiệu phù phổi cấp là do huyết áp tăng cao đột ngột dẫn đến suy tim trái, gây ứ máu trong phổi, gây thoát dịch từ mao mạch phổi ra phế nang, dịch này khi có luồng không khí đi qua sẽ tạo thành bọt và gây cản trở lưu thông khí và trao đổi khí tại phế nang làm cho người bệnh bị thiếu oxy cấp tính và có thể tử vong.

Ngay lập tức nên chúng tôi phải dùng kết hợp các loại thuốc có tác dụng giãn mạch hạ áp, thuốc hạ sốt thuốc lợi tiểu giúp giảm khối lượng tuần hoàn nhờ đó giảm lượng máu lên phổi, đặc biệt kết hợp dùng morphin có tác dụng giãn tĩnh mạch trực tiếp tác động lên hệ thần kinh trung ương giúp an thần, thở oxy qua nước có cồn để cồn làm giảm sức căng bề mặt của nước, làm tan các bọt nước trong phế quản giúp không khí được lưu thông. Nhờ xử trí cấp cứu đúng phác đồ mà các rối loạn đều được xử trí theo đúng cơ chế bệnh sinh nên sản phụ Thu đã thoát được cơn phù phổi cấp.

Phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ, đặc biệt với những sản phụ khi thấy có những dấu hiệu của tiền sản giật như cao huyết áp, phù chân, tay, mặt hay xét nghiệm thấy có protein niệu (protein trong nước tiểu) thì cần phải được quản lý thai nghén sớm bởi các bác sỹ chuyên khoa, tránh biến chứng đáng tiếc xảy ra có thể khiến mẹ và thai nhi tử vong, bác sỹ Lê Công Tước cũng khuyến cáo.

Chia sẻ