Rau cài răng lược: Biến chứng sản khoa khiến bác sĩ hãi hùng, có thể "đoạt mạng" thai phụ trong chớp mắt
Rau cài răng lược là một biến chứng hiếm gặp, các bác sĩ sản khoa cho rằng nếu gặp biến chứng này sản phụ không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong nhanh chóng.
Phụ nữ từng sinh mổ, hãy cẩn trọng với rau cài răng lược…
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã phẫu thuật cấp cứu thành công sản phụ Lương Thị Đ., 40 tuổi (Lâm Bình) bị vỡ tử cung do rau cài răng lược. Sản phụ Đ. đang mang thai 34 tuần, kết quả chẩn đoán, hội chẩn cho thấy sản phụ bị vỡ tử cung trên nền mổ đẻ cũ, rau tiền đạo trung tâm - theo dõi rau cài răng lược.
Chia sẻ với báo chí, BCSKI Vương Ngọc Chắt - Khoa Ngoại Tổng hợp (Trưởng kíp mổ) cho biết đây là ca mổ khó. Trong quá trình phẫu thuật kíp mổ đã hút ra khoảng 1.500ml máu đỏ lẫn máu cục trong ổ bụng sản phụ, cắt tử cung bán phần khâu cầm máu, cắt một phần bàng quang có rau thai bám vào và khâu phục hồi bàng quang. Trong mổ, sản phụ vừa được hồi sức tích cực, vừa được phẫu thuật, đồng thời truyền bổ sung 12 đơn vị máu.
Hiện tại, sau mổ, sức khỏe sản phụ đã ổn định, vết mổ khô, tiếp tục được điều trị, chăm sóc và theo dõi.
Dù rau cài răng lược là một tình trạng hiếm gặp nhưng trước đây ở Việt Nam đã từng có một số trường hợp bệnh tương tự. Đơn cử như trường hợp của chị L.T.N.B. (ngụ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), nhập viện với chẩn đoán con lần 2, thai 35 tuần tuổi, ngôi đầu, rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược và có tiền căn mổ lấy thai năm 2001. Sau khi làm các xét nghiệm và chỉ định tiền phẫu, các BS xác định sản phụ B. nằm trong nhóm nguy cơ cao cho cả mẹ và con.
Cuộc phẫu thuật lấy thai được tiến hành ngay sau đó với sự phối hợp sẵn sàng của nhiều chuyên khoa như Sản khoa, Phụ khoa, Gây mê hồi sức, Huyết học truyền máu, Sơ sinh… Ekip phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật dọc thân tử cung lấy thai và không bóc tách bánh rau để tránh làm mất máu trầm trọng và tổn thương tử cung lẫn cơ quan lân cận. Ca phẫu thuật thành công sau gần 3 giờ phẫu thuật lấy thai, cứu sống được 2 mẹ con.
Sau phẫu thuật, hai mẹ con sản phụ B. cũng đã khỏe mạnh.
Có thể thấy điểm chung trong 2 trường hợp mắc rau cài răng lược trên đó là bệnh nhân đều có tiền sử sinh mổ, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng nguy hiểm này.
Ngoài ra, việc mổ đẻ nhiều lần cũng là nguyên nhân chính dẫn đến biến chứng rau cài răng lược. Đặc biệt, nếu từng sinh mổ, bị rau thai tiền đạo, khả năng bị rau cài răng lược của bạn sẽ lên tới 25%. Nếu từng sinh mổ trên 2 lần, hiện bị rau thai tiền đạo, thì tỷ lệ trên tăng lên 40%.
Ngoài ra theo bác sĩ Dung, còn có các yếu tố khác cũng gây tăng khả năng bị rau cài răng lược như mang bầu ở độ tuổi ngoài 35, nạo hút thai nhiều, thói quen hút thuốc, u xơ tử cung… nhưng hiếm gặp hơn.
Loại biến chứng sản khoa đến bác sĩ cũng thấy sợ…
Nhiều bác sĩ sản khoa coi biến chứng rau cài răng lược là một nỗi ám ảnh, nếu không phải là những bác sĩ có chuyên môn thì khó mà phẫu thuật thành công được.
Để nói rõ hơn về mức độ nguy hiểm của biến chứng này, bác sĩ Khoa cho biết: "Việc chẩn đoán và xử trí cần phải thận trọng, phẫu thuật chỉ nên thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa có đủ điều kiện, cùng với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa và cần có các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm".
Trong quá trình công tác, bác sĩ Dung cũng từng gặp một số trường hợp bị biến chứng rau cài răng lược, bác sĩ kể: "Bánh rau cứ cài ở đấy (tử cung), không bong ra được. Nhẽ ra khi sổ con thì tử cung phải co vào để cầm máu, đằng này do bánh rau chưa thoát nên không thể ra được, dẫn đến tình trạng chảy nhiều máu. Chúng tôi đã phải lập tức chuyển sang phòng mổ để cắt tử cung và may mắn cứu sống được cả mẹ lẫn con".
Cũng theo bác sĩ Dung, biến chứng rau cài răng lược vô cùng nguy hiểm bởi nó có thể gây ra băng huyết sau sinh, nhiễm trùng sau sinh, cắt bỏ tử cung… đe dọa đến tính mạng sản phụ.
Làm gì để giảm nguy cơ bị rau cài răng lược?
Để có thể giảm nguy cơ mắc biến chứng này, bác sĩ Dung cho rằng: "Có những loại máy siêu âm tốt có thể phát hiện ra rau cài răng lược sớm hơn để khi chuyển dạ có cảnh báo trước. Ngoài ra, cần có bác sĩ, nữ hộ sinh có kinh nghiệm khi sinh nở để nếu gặp trường hợp này có thể xử lý kịp thời."
Về phía phụ nữ, để tránh bị biến chứng rau cài răng lược nên tránh nạo phá thai hay mổ trên tử cung nhiều lần. Bạn cũng nên khám thai định kỳ và theo dõi trong suốt thai kỳ để tránh tối đa nhất rủi ro của chứng bệnh này.