Người mẹ và niềm tin mãnh liệt vào điều vô cùng "kỳ lạ" sau khi mất một người con sinh đôi do chuyển dạ sớm

Huyền Nguyễn,
Chia sẻ

Người mẹ mang song thai, chuyển dạ khi mới ở tuần thai thứ 24. Cô có niềm tin mãnh liệt vào việc một bé trong cặp song sinh đã chủ động làm điều kỳ lạ này để giữ mạng sống của bé còn lại.

Ashley Simons, 33 tuổi, ở Basilson, hạt Essex (Anh) bất ngờ chuyển dạ hồi tháng 1 năm ngoái. Các bác sĩ đã cố gắng dùng thuốc cứu mạng để bảo vệ não và phổi của cặp bé gái vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Bé Esme được phát hiện bị mắc kẹt trong đường dẫn sinh của người mẹ. Với tình thế nguy cấp khi quá trình sinh nở đang tiến triển nhanh chóng, bà mẹ trẻ tin rằng Esme đã góp phần làm chậm lại việc chào đời của em gái Isla để nhờ đó mà Isla đã nhận được các liều thuốc cần thiết để cứu mạng bé.

Mặc dù bác sĩ sau đó đã nỗ lực hồi sinh Esme trong vòng 5 phút nhưng cô bé đã vĩnh viễn ra đi.

Ashley Simons và ông xã Mitchel Simons, 32 tuổi, vô cùng sung sướng khi biết họ sắp được làm cha mẹ sau 5 năm cố gắng mang thai và tiêu tốn khoản tiền 6.000 bảng Anh để thụ tinh nhân tạo.

"Chúng tôi đã phải tìm mọi cách để đến Cộng hòa Séc, nơi chúng tôi đã thực hiện thụ tinh nhân tạo thành công", Ashley nhớ lại. "Và mặc dù bị lộ tuyến cổ tử cung - về bản chất là tình trạng trầy xước trên cổ tử cung gây chảy máu, tôi đã có một thai kỳ tuyệt vời. Tôi và Mitchel quá hạnh phúc và vui mừng khi giấc mơ của chúng tôi đã thành sự thật".

Người mẹ và niềm tin mãnh liệt vào điều vô cùng kỳ lạ sau khi mất một người con sinh đôi do chuyển dạ sớm - Ảnh 1.

Người mẹ và niềm tin mãnh liệt vào điều vô cùng kỳ lạ sau khi mất một người con sinh đôi do chuyển dạ sớm - Ảnh 2.

Cô Ashley Simons tin rằng con gái Esme của cô bị mắc kẹt trong ống sinh để Isla có thể nhận được các loại thuốc cần thiết khi còn trong bụng mẹ.

Người mẹ và niềm tin mãnh liệt vào điều vô cùng kỳ lạ sau khi mất một người con sinh đôi do chuyển dạ sớm - Ảnh 3.

Ashley bên con gái Isla

Nhưng "niềm vui ngắn chẳng tày gang" khi Ashley bất ngờ chuyển dạ khi mới ở tuần thai thứ 24. "Lúc đó, tôi đang ở nhà. Mãi tới khi chợt cảm nhận có gì đó đang tụt xuống trong tử cung của mình, tôi mới bắt đầu lo lắng mình có thể đang chuyển dạ. Hốt hoảng, chúng tôi vội tới Bệnh viện Đại học Basildon và Thurrock (Anh). Tại đây, bác sĩ cho biết, tôi đang có dấu hiệu chuyển dạ. Các bác sĩ đã nỗ lực dừng cuộc sinh nhưng bởi tôi đã mở cổ tử cung hoàn toàn, chẳng có cách gì ngăn lại được nữa. Tôi được thông báo rằng cơ hội sống sót của hai con là cực kỳ thấp. Và nếu các con có qua khỏi thì cũng sẽ được chuyển ngay tới khoa chăm sóc đặc biệt".

Ngay khi bé gái đầu tiên, Esme, chào đời, Ashley lập tức biết rằng, con gái nhỏ của mình sẽ không sống nổi. "Bác sĩ nói họ chỉ phát hiện nhịp tim của Esme mãi tới phút cuối cùng khi con ra đời. Tôi lập tức biết rằng, vậy là chẳng có dấu hiệu sự sống rồi".

Người mẹ trẻ tin tưởng sâu sắc rằng, chính Esme đã hi sinh để trao cơ hội sống cho em gái mình. "Con đã dành khoảng thời gian cần thiết mà em gái song sinh Isla cần để nhận được các loại thuốc giúp cứu mạng bé mà bác sĩ đưa vào cơ thể tôi. Họ đã dùng steroids và magie sulfat. Chính bởi Esme đã chặn ở đường dẫn sinh mà Isla có đủ thời gian cần thiết".

Steroids thường được dùng cho những phụ nữ chuyển dạ trước 35 tuần thai để giúp kích thích sự phát triển phổi của thai nhi. Trong khi đó, magie sulfat có tác dụng bảo vệ bộ não đang phát triển của bé, giảm nguy cơ khuyết tật sau này.

Người mẹ và niềm tin mãnh liệt vào điều vô cùng kỳ lạ sau khi mất một người con sinh đôi do chuyển dạ sớm - Ảnh 4.

Bé Isla được chẩn đoán bị chảy máu não cấp 4 và một van trong tim không được đóng lại đúng cách.

Người mẹ và niềm tin mãnh liệt vào điều vô cùng kỳ lạ sau khi mất một người con sinh đôi do chuyển dạ sớm - Ảnh 5.

Cô Ashley mô tả Isla là một 'chiến binh' và chị gái Esme là 'thiên thần hộ mệnh' của cô

Ashley cho biết thêm: "Esme đã cứu mạng em gái và con chính là thiên thần hộ mệnh của em".

50 phút sau, bé Isla chào đời và lập tức được đưa tới Bệnh viện Hoàng gia London. Trong khi đó, cha mẹ em đã nói lời vĩnh biệt với Esme.

"Chúng tôi ôm con và đối xử với con như một em bé bình thường. Chúng tôi chụp ảnh với con và lấy dấu tay, dấu chân của con. Chúng tôi thậm chí còn thay tã cho Esme và mặc đồ đẹp cho con, nhờ có chiếc giường lạnh dùng cho những em bé qua đời. Sau đó, khi chúng tôi chuẩn bị để chuyển Isla sang viện khác, một cô y tá đã ở lại bên Esme bởi tôi không muốn con phải ở một mình".

Người mẹ và niềm tin mãnh liệt vào điều vô cùng kỳ lạ sau khi mất một người con sinh đôi do chuyển dạ sớm - Ảnh 6.

Cô Ashley và chồng đã dành 5 năm cố gắng thụ thai và 6.000 bảng cho thụ tinh trong ống nghiệm

Người mẹ và niềm tin mãnh liệt vào điều vô cùng kỳ lạ sau khi mất một người con sinh đôi do chuyển dạ sớm - Ảnh 7.

Gia đình tổ chức sinh nhật đầu tiên cho Isla vào ngày 20 tháng 1

Bé Isla đã trải qua 54 ngày gắn với máy thở. Bé được chẩn đoán bị chảy máu não cấp độ 4 và có một van tim không thể đóng một cách thích hợp.

"Isla là một chiến binh, cho tới tận bây giờ - tình trạng chảy máu đã tự hết, dù chúng tôi không biết liệu tổn thương lâu dài mà nó gây ra có thể là gì", Ashley chia sẻ. "Van tim cũng đã tự đóng được và giờ đây, con hoàn toàn tự thở".

Sau 138 ngày nằm viện, bé Isla cuối cùng đã được về nhà. Để tưởng nhớ con gái Esme, cặp đôi bắt đầu chuẩn bị những bộ dụng cụ chăm sóc bao gồm mọi thứ từ phấn rôm tới mũ len cho bé sơ sinh - để dành tặng những gia đình buộc phải ở lại trong viện.

Những nguy cơ đối với bé sinh non?

Khoảng 10% các ca mang thai trên toàn thế giới có kết cục sinh non. Sinh non được định nghĩa là khi sản phụ sinh con trước 37 tuần thai.

Khi đó, không phải tất cả các cơ quan của bé, bao gồm tim và phổi, đều đã phát triển đầy đủ. Trẻ có thể bị nhẹ cân và nhỏ hơn các bé khác. Theo Tommy's, một tổ chức từ thiện ở Anh, điều này có nghĩa là, các bé sinh non "chưa sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài tử cung người mẹ".

Bé sinh non thường được đưa ngay tới phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt. Tại đây, trẻ sẽ được theo dõi và chăm sóc 24/24.

Cơ hội sống sót của bé sinh non?

Dưới 22 tuần thai: cơ hội sống sót gần như bằng 0

22 tuần: khoảng 10%

24 tuần: khoảng 60%

27 tuần: khoảng 89%

31 tuần: khoảng 95%

34 tuần: tương đương với bé sinh đủ ngày đủ tháng.

Nguồn: Dailymail


Chia sẻ